Nhìn lại những nội dung hợp tác của APEC trong thời gian qua, đánh giá triển vọng của APEC và đề xuất hướng tham gia của Việt Nam trong tổng thể chính sách đối ngoại trong thời gian tới là nội dung chính của Hội thảo "Việt Nam-APEC: 10 năm hợp tác vì sự phát triển của khu vực châu Á-Thái Bình Dương" diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã đến dự và phát biểu.
Hội thảo do Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, thành công nổi bật nhất của Việt Nam sau 10 năm tham gia APEC là sự khẳng định vai trò năng động, đóng góp có hiệu quả vào diễn đàn này, nơi có sự hiện diện của nhiều cường quốc kinh tế như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc..., thông qua đó Việt Nam đã đẩy mạnh việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và duy trì quan hệ hòa bình, ổn định trong khu vực chiến lược châu Á-Thái Bình Dương.
Thông qua APEC, Việt Nam có cơ hội xúc tiến và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương với các đối tác trong khu vực, tạo đà cho việc vận động các nước ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong giai đoạn hiện nay, các hoạt động của APEC đã vượt ra khỏi khuôn khổ của những liên kết kinh tế thuần túy. Nhiều lĩnh vực mới đã và đang được các nhà lãnh đạo xác định là những nội dung hợp tác của khu vực này trong thời gian tới.
Từ năm 2003, với sự bùng nổ của đại dịch SARS, APEC bắt đầu khái quát hóa các nội dung phi kinh tế, gồm chống khủng bố, an ninh y tế và đối phó với thiên tai thành khái niệm an ninh con người. Đến nay, nội dung hợp tác phi kinh tế cũng được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chống tham nhũng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu.... Đặc biệt, tại Hội nghị Cấp cao APEC vừa qua tại Peru, 4 trong 7 nội dung chính của chương trình nghị sự bàn về các nội dung hợp tác phi kinh tế.
Sự chuyển mình của APEC phản ánh đúng những thay đổi, những thách thức mang tính toàn cầu, đòi hỏi cần có sự hợp tác liên khu vực. Đồng thời, đó cũng là thời cơ để Việt Nam tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa... góp phần xây dựng môi trường hợp tác khu vực hòa bình, phát triển kinh tế.
Theo các đại biểu, Việt Nam xác định hợp tác APEC là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại rộng mở và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước theo nguyên tắc độc lập, tự chủ; cần tiếp tục kết hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa hoạt động đa phương với hoạt động song phương, tận dụng tối đa hợp tác đa phương để thúc đẩy quan hệ song phương với các nền kinh tế trong và ngoài APEC; tích cực và chủ động tham gia việc đảm nhận những vị trí Chủ tịch/Phó Chủ tịch các Nhóm công tác, Nhóm đặc trách trong các lĩnh vực nước ta có nhu cầu và có thế mạnh như năng lượng, biến đổi khí hậu, giáo dục và tham gia Ban Thư ký APEC.
Đặc biệt, các đại biểu đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành để đảm bảo nhất quán trong các nội dung hợp tác APEC nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp và đem lại lợi ích to lớn cho Việt Nam.
Các đại biểu cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng doanh nghiệp khu vực, để nắm bắt xu hướng phát triển, qua đó quảng bá và kêu gọi hợp tác với Việt Nam cũng như bảo vệ được quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ