Ngày 11/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, đề ra những nhóm giải pháp trọng tâm mà các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai ngay thành các chương trình hành động cụ thể, thiết thực để chủ động ứng phó trước việc sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu giảm sút do tác động trực tiếp của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nghị quyết về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là tập trung mọi nỗ lực để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2009 khoảng 6,5%.
Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu
Đây là nhóm giải pháp được đặt ra đầu tiên trong Nghị quyết, bao gồm 11 nhóm công việc cụ thể giao cho các Bộ, ngành, địa phương.
Trước hết, trong năm 2009, phải tập trung hoàn thành và triển khai thực hiện các chương trình, đề án đã được giao để thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất nông, lâm, thủy sản, đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, ưu tiên hỗ trợ ngành hàng sản xuất, có lợi thế thay thế hàng nhập khẩu, sử dụng nguồn liệu trong nước, sử dụng nhiều lao động.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ mức tiền hỗ trợ giống lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm, thủy sản cho nông dân để khôi phục sản xuất ở các vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất, chế tạo sản phẩm ngành Công nghiệp, đủ điều kiện thay thế hàng nhập khẩu, trình Thủ tướng trong tháng 12/2008.
Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt Đề án đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu giai đoạn 2009 - 2010 trong tháng 1/2009.
Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch nâng cấp các sân bay tại các địa phương có điểm du lịch quốc gia.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an trình Chính phủ xem xét miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch đối với các thị trường tiềm năng.
Kích cầu tiêu dùng và đầu tư
Về kích cầu đầu tư, đối với các dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước: cho phép tiếp tục giải ngân số vốn còn lại của năm 2008 đến hết tháng 6/2009.
Tạm ứng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 1.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống thủy lợi, tu bổ hệ thống đê điều; nâng cao năng lực tưới tiêu và phòng, chống lụt bão vùng đồng bằng sông Hồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12/2008 cho phép cấp quyết định đầu tư được chỉ định thầu các dự án có mức vốn tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Về kích cầu tiêu dùng, tiếp tục điều hành giá theo cơ chế thị trường đối với các mặt hàng: than, điện, nước sạch, cước vận chuyển xe buýt... Trong tháng 1/2009, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng lộ trình thực hiện cụ thể.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Đề án phát triển hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu.
Các doanh nghiệp được khuyến khích tổ chức các đợt hạ giá để kích thích tiêu dùng, trước mắt là trong dịp Tết Nguyên đán 2009.
Chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt: Giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp
Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý IV năm 2008 và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2009 đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 9 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2009 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói trên (70% số thuế còn lại sau khi giảm) và của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử.
Tạm hoàn 90% số thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong trường hợp doanh nghiệp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và hoàn tiếp 10% khi có chứng từ thanh toán.
Giãn thời gian ân hạn nộp thuế đối với một số ngành hàng phù hợp với chu kỳ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (đóng tàu, sản xuất cơ khí...). Thực hiện tốt chính sách về ân hạn thời hạn nộp thuế nhập khẩu (275 ngày) đối với vật tư, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng nhập khẩu.
Chính phủ cũng yêu cầu có các biện pháp cụ thể tạo điều kiện tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp.
Đảm bảo an sinh xã hội
Triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ lương thực, chi phí sửa chữa nhà ở, phòng trừ dịch bệnh, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, bảo đảm không để xảy ra tình trạng người dân bị đói và nhanh chóng khôi phục sản xuất sau lũ lụt.
Khẩn trương rà soát, xây dựng để đưa vào áp dụng ngay từ những tháng đầu năm 2009 các chính sách hỗ trợ đầu tư nhằm thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững cho 61 huyện nghèo.
Tổ chức triển khai chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Thực hiện tăng thêm dự trữ quốc gia về lương thực (khoảng trên 150.000 tấn quy gạo) để chủ động cứu trợ cho người dân ở các vùng bị lũ, lụt, không để xảy ra thiếu đói ở những vùng bị thiên tai.
Tiếp tục thực hiện trợ cấp khó khăn cho người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có đời sống khó khăn, thu nhập thấp.
Chỉ đạo điều hành phải có trọng tâm, trọng điểm
Xác định nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, khó khăn, thách thức là hết sức gay gắt nhưng thời cơ, thuận lợi và tiềm năng phát triển của nước ta còn rất lớn và rất cơ bản, Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước có kế hoạch tổ chức thực hiện ngay các chủ trương, nhiệm vụ và các giải pháp trên.
Phải nghiêm túc đề cao trách nhiệm của từng tổ chức, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu. Phải có chương trình hành động thiết thực, chỉ đạo điều hành phải có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đúng khâu then chốt trong từng thời gian, ở từng lĩnh vực để tập trung chỉ đạo và và phối hợp hành động đạt cho được những kết quả cụ thể.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ