Tính đến cuối năm 2008, vốn thực hiện đã đạt 11,5 tỷ USD, đây là con số cao nhất trong vòng 21 năm qua. Vốn đăng ký trong năm 2008 cũng đã vượt ngưỡng 60 tỷ USD, đây cũng là con số kỷ lục cho đến thời điểm hiện tại.
Đó là thông tin từ ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khi đánh giá về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2008 và triển vọng 2009.
Ông Thắng nói:
- Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ. FDI vào Việt Nam vẫn đang đi đúng hướng, tỷ lệ đầu tư trong năm 2008 vào công nghiệp và xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn đạt trên 56%, dịch vụ chiếm trên 40%, phần còn lại là nông lâm ngư nghiệp. Nộp ngân sách Nhà nước cũng đạt khoảng 2 tỷ USD, tạo thêm 17.000 lao động.
Tuy nhiên, nếu chú trọng hơn nữa, Việt Nam có thể đã thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tốt hơn. Mặc dù lượng vốn FDI vào mạnh nhưng điểm yếu nhất vẫn là giải ngân, và những vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Nhiều địa phương đã không giao được đất cho nhà đầu tư theo các cam kết, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng còn chậm và kéo dài. Sự chậm trễ trên là do quy hoạch ở các địa phương không phù hợp với quy hoạch chung, tài chính dành cho đền bù và giải phóng mặt bằng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và đảm bảo khả năng tái định cư của người dân.
Theo ông, năm 2009 công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ gặp phải những khó khăn gì?
Với tình hình hiện tại, tôi cho rằng năm 2009 thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ khó khăn hơn năm 2008.
Khủng hoảng tài chính trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2009 trên hai phương diện: nguồn vốn và xuất khẩu. Đây cũng chính là hai điểm đã tác động mạnh đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2008.
Mặc dù Việt Nam đã thành công trong việc chống lạm phát nhưng đang phải đối phó với suy giảm kinh tế. Các giải pháp chống suy giảm kinh tế được Chính phủ đưa ra trong thời gian qua sẽ có những tác động tích cực đến thu hút đầu tư nước ngoài.
Dù vậy, tôi cho rằng cơ hội thu hút vốn FDI trong năm 2009 của Việt Nam vẫn có thể đạt ở mức cao. Qua những danh mục dự án đầu tư tiềm năng và danh mục dự án cơ hội mà các địa phương đang đàm phán, thì năm 2009 Việt Nam vẫn có thể thu hút được bằng 30% so với năm 2008, tức là khoảng 20 tỷ USD.
Để đạt được con số này cần sự nỗ lực lớn của các cơ quan có liên quan. Công tác giải ngân sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong năm 2009. Nếu không giải ngân tốt nhà đầu tư nước ngoài sẽ suy nghĩ lại về môi trường đầu tư của Việt Nam.
Theo kế hoạch, năm 2009 lượng vốn giải ngân sẽ như thế nào, thưa ông?
Với những gì đã và đang có, tôi hy vọng lượng giải ngân trong năm 2009 ít nhất sẽ bằng năm 2008. Vấn đề còn lại là cần phải tạo sự thông thoáng cho các nhà đầu tư, những dự án đã được cấp phép vẫn là những dự án mang lại hiệu quả cao cho nhà đầu tư.
Điều đó sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Để đạt được những mục tiêu trên trong năm 2009 sẽ có rất nhiều việc cần phải làm. Đầu tiên là cần phải rà soát lại toàn bộ hệ thống luật pháp và chính sách đang còn là rào cản, nếu còn vướng mắc cần phải chỉnh sửa cho phù hợp.
Bên cạnh đó, thực hiện rà soát lại các dự án, đối với các dự án nhà đầu tư đã cam kết và có vốn để giải ngân phải tạo điều kiện cho họ giải ngân. Công tác xúc tiến đầu tư cần theo đúng yêu cầu trong tình hình mới, đúng đối tác, đúng dự án.
Nhiệm vụ cấp bách trong năm 2009 vẫn sẽ là công tác giải ngân, lượng vốn năm 2008 vào nhiều, nếu không giải ngân tốt sẽ gây ắch tắc và không tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Thời báo kinh tế Việt Nam