Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/05/2008-13:52:00 PM
Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ: 9 vấn đề nổi cộm cần tháo gỡ

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu khai mạc và định hướng hội nghị tập trung bàn thảo các vấn đề vướng mắc còn tồn tại và bàn giải pháp tháo gỡ nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển vùng KTTĐ Bắc bộ. Đặc biệt, cần phát huy vai trò nhà nước và của các địa phương trong xây dựng cơ chế chính sách và điều hành, thực hiện và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động có hiệu quả.

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Denso Việt Nam (Khu Công nghiệp Thăng Long)

Vẫn khẳng định vị trí đầu tàu kinh tế

Mặc dù ảnh hưởng của lạm phát và biến động giá cả do trên thị trường thế giới thường xuyên tạo ra mặt bằng giá mới, song các tỉnh thuộc Vùng KTTĐ Bắc bộ vẫn tăng trưởng về kinh tế, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đáng kể.

Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Vùng năm 2007 đạt 13,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 16,6 triệu đồng, cao gấp 1,4 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 26,2 tỷ USD; thu ngân sách tăng bình quân 19,2%, cao hơn với mức bình quân của cả nước (18,3%); tổng thu ngân sách đạt 75.260 tỷ đồng, tỷ lệ huy động ngân sách từ GDP đạt 34,8%. Trong 2 năm 2006-2007, tổng vốn đầu tư xã hội để phát triển của Vùng đạt khoảng 237 nghìn tỷ đồng, gần bằng tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 5 năm 2001-2005 (257 nghìn tỷ đồng), tốc độ tăng vốn đầu tư bình quân đạt 25,4%/năm.

Tính từ năm 1988 đến hết năm 2007, Vùng KTTĐ Bắc bộ có 2.220 dự án còn hiệu lực với vốn đầu tư trên 24 tỷ USD, chiếm 26% về số dự án và 27% tổng vốn đăng ký và 24% tổng vốn thực hiện của cả nước. Trong đó Hà Nội đứng đầu với 987 dự án có tổng vốn đăng ký 12,4 tỷ USD, chiếm 51% vốn đăng ký và 50% vốn thực hiện của cả Vùng.

9 vấn đề nổi lên cần quan tâm

Tại Hội nghị, các ý kiến đều khẳng định: Để Vùng KTTĐ Bắc Bộ tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước, các bộ, ngành và địa phương phải tập trung tháo gỡ 9 vấn đề nổi cộm, đó là: Phát triển đô thị và khu công nghiệp còn những điểm chưa hợp lý. Hệ thống đô thị của Vùng phát triển khá nhanh nhưng chưa có quy hoạch chung với tầm nhìn dài hạn. Thời gian qua, các tỉnh đồng loạt triển khai lập dự án khu đô thị mới một cách ồ ạt, trong đó nhiều dự án không mang lại hiệu quả, gây lãng phí đất đai và vốn đầu tư. Ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước do chất thải công nghiệp và đô thị ngày càng tăng, tình trạng ô nhiễm trên một số con sông như sông Cầu, sông Nhuệ… đã đến mức báo động. Việc xử lý chất thải rắn đang là vấn đề nan giải cần có kế hoạch phối hợp liên tỉnh và cụ thể.

Cần xem xét qui hoạch cả vùng Đồng bằng Sông Hồng nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng

Trong trường hợp có sự thay đổi về địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra cho cả vùng, do vậy phải xem xét, trước hết là về quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch đối với cả vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đặc biệt, đối với quy hoạch sử dụng đất phải chú ý theo hướng tiết kiệm và sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp. Các địa phương phải rà soát lại cơ chế, chính sách trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích sử dụng khác. Hệ thống giao thông nối kết các tỉnh và nhất là hệ thống giao thông từ Hà Nội đi các tỉnh gắn với giao thông của thành phố Hà Nội. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai đường cao tốc và tuyến đường ven biển. Đối với việc xây dựng cơ sở xử lý rác thải nguy hại và xây dựng hệ thống cấp nước cho cả Vùng và vùng Thủ đô không thể chậm trễ hơn.

Việc phát triển các khu công nghiệp phải kiên quyết theo hướng chuyển bớt các đô thị mới và khu công nghiệp mới lên phía trục Quốc lộ 21 và 18 để giảm bớt sự tập trung quá mức vào vùng Đồng bằng sông Hồng. Sớm có kế hoạch xây dựng những cơ sở đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề ở trình độ cao cho cả miền Bắc; xây dựng chính sách phát triển hệ thống thông tin cho Vùng.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thống nhất với đánh giá của Ban chỉ đạo Điều phối phát triển Vùng KTTĐ về kết quả phát triển Vùng KTTĐ Bắc bộ trong đóng góp cho phát triển nền kinh tế của cả nước. Mặc dù chịu ảnh hưởng của lạm phát và biến động giá, nhưng các địa phương vẫn yêu cầu duy trì tăng trưởng. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị cho xu thế phát triển trong điều kiện hiện tại. Đặc biệt phải tập trung tháo gỡ 9 vấn đề đang nổi cộm như hội nghị đã xác định để công việc tiến triển hơn. Quy hoạch đất nông nghiệp phải cụ thể và đảm bảo an ninh lương thực; Ban Điều phối phải tập trung giải quyết những điểm nóng về nhu cầu sử dụng lao động.

Trong tình hình hiện nay, các bộ, ngành và địa phương phải tiếp tục thực hiện 8 giải pháp cấp bách do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, theo đó, tập trung chỉ đạo sản xuất công nghiệp và nông nghiệp; đặc biệt chú ý phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Đối với các dự án giao thông phải kiểm điểm từng dự án để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục có kiến nghị về huy động vốn không chờ ngân sách nhà nước.

Thanh Mai
Báo Hà Nội mới

    Tổng số lượt xem: 1009
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)