Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/02/2008-16:05:00 PM
Tình hình Kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận Tháng 1 năm 2008
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình thuận tháng 1 năm 2008.
I. Nông Lâm Thuỷ sản :
1. Nông nghiệp
Thời tiết sản xuất vụ đông xuân 2007-2008 khá thuận lợi; các hệ thống kênh mương, công trình thuỷ lợi đảm bảo việc cung ứng. Đến 10/01/2008 toàn tỉnh đã gieo trồng cây hàng năm được 25.491 ha; đạt 75,8% KH vụ, trong đó cây lúa 19.090 ha (đạt 94,2% KH vụ), bắp 2.248 ha (72,5%); cây rau đậu các loại 240 ha (9%), cây công nghiệp ngắn ngày 1.262 ha (50,7%); trong đó đậu phụng 649 ha (đạt 52,3%), bông vải 12 ha (đạt 2,7% KH). Tuy vậy vẫn có một số khó khăn nhất định như: có 1.157 ha lúa bị nhiễm rầy, bệnh đạo ôn; trên Thanh long, có 450 ha bị kiến và 150 ha bệnh thối dây gây hại; giá phân bón, thuốc sâu tiếp tục tăng lên.
Đàn gia súc, gia cầm ổn định. Trong tháng không có dịch bệnh xảy ra; công
tác phòng chống dịch cúm gia cầm, lỡ mồm long móng được tiếp tục triển khai, các chốt kiểm dịch ở các điểm giáp ranh được duy trì. Đã xuất 15 ngàn liều vaccin tiêm phòng đàn gia súc và 63 ngàn liều vaccin tiêm phòng đàn gia cầm. Công tác kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ gia súc được tiếp tục tăng cường trên các địa bàn, đã kiểm dịch trên 14 ngàn con gia súc, kiểm soát giết mỗ 2,5 ngàn con.
2. Lâm nghiệp:
Trong tháng các địa phương tập trung chăm sóc rừng trồng, nghiệm thu việc giao khoán bảo vệ rừng năm 2007. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2008 và tăng cường công tác truy quét chống phá rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong
tháng (từ 15/12/07 đến 15/01/08), toàn tỉnh xảy ra 214 vụ vi phạm lâm luật (giảm 88 vụ so với cùng kỳ năm trước); trong đó khai thác rừng trái phép 42 vụ; mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 85 vụ.
3. Thủy sản:
Trong tháng, phần lớn tàu thuyền trong tỉnh ngừng hoạt động, tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng theo định kỳ; các thuyền nghề lặn hải đặc sản hoạt động cầm chừng do thời tiết không thuận lợi. Do ảnh hưởng của gió bấc; ngoài khơi nước lạnh, chảy mạnh, tàu thuyền khai thác không thường xuyên, các loại cá ven bờ xuất hiện ít nên khai thác thấp; tuy vậy so với cùng kỳ năm trước có tăng chút ít; ước tháng 01/2008 sản lượng khai thác đạt 5.502 tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nuôi trồng thuỷ sản: Nuôi tôm sú thương phẩm phát triển tốt. Một số hộ nuôi đã thu hoạch vụ II/2007, năng suất đạt 2,5 – 3 tấn/ha. Nuôi hải sản trên biển tiếp tục duy trì tại các huyện Phú Quý, Tuy Phong tập trung vào các đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá mú, tôm hùm…. với hình thức nuôi lồng bè, đăng chắn. Sản xuất tôm giống hoạt động ổn định; ước trong tháng kiểm dịch và xuất bán 240 triệu post với giá 25-27 đ/post
II. Công nghiệp; Đầu tư và Xây dựng :
1. Công nghiệp:
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 01/2008 (giá cố định 1994) đạt 333,8 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 82,8 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ (riêng Thuỷ điện đạt 71,4 tỷ đồng, tăng 27,2% so cùng kỳ); ngoài nhà nước đạt 240,9 tỷ đồng (tăng 18,4% so cùng kỳ); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 10,1 tỷ đồng (tăng 15,6% so cùng kỳ).
Trong tháng đã có thêm một số doanh nghiệp có quy mô sản xuất khá lớn đi vào hoạt động như: Công ty TNHH Đông Á (sản xuất tole mạ màu); Công ty liên doanh TNHH Mitr Kasetr Thuận Phước (sản xuất đường); Công ty trách nhiệm hữu hạn May Phú Long. Riêng Công ty trách nhiệm hữu hạn May Phú Long (do Công ty cổ phần May xuất khẩu Phan Thiết đầu tư sáng lập) là doanh nghiệp có tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng, công suất 1,472 triệu sản phẩm/năm với quy mô 20 chuyền may và 1.000 lao động.
Nhìn chung hoạt động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất giữ ổn định. Ngoại trừ sản xuất muối giảm; các sản phẩm chủ yếu đều tăng hơn năm trước; trong đó tăng khá cao là: đá xây dựng (tăng 20%); thủy sản đông (tăng 21%); thủy sản khô (tăng 25%); đường (tăng 17%); sản phẩm may gia công (tăng 15%); gạch nung (tăng 17%); điện sản xuất (tăng 27%). Các cơ sở chế biến thực phẩm đã chú trọng đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản lượng sản phẩm đạt khá do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong thời gian cận tết; các doanh nghiệp chế biến hải sản đã hoạt động ổn định, tăng trưởng khá. Công tác hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị, phát triển sản phẩm thủy sản chế biến, tảo, mủ cao su được tiếp tục triển khai; công tác khuyến công được quan tâm tập trung vào phát triển các làng nghề, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch và xuất khẩu, nhất là các ngành nghề truyền thống như làm gốm, dệt thổ cẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu lá buông, tre, đúc tượng mỹ nghệ; toàn tỉnh hiện có 21 làng nghề được công nhận.
Tuy vậy việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp còn chậm, thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp còn yếu. Khu công nghiệp Phan Thiết (giai đoạn 1) sau khi thu hút được 28 dự án (23 dự án trong nước, 5 dự án có vốn ĐTNN) đến nay còn 05 dự án vẫn đang trong thời gian xây dựng và 3 dự án chưa triển khai (trong số 28 dự án đầu tư); trong 20 dự án đi vào hoạt động, có 02 dự án gặp khó khăn ngưng hoạt động và đang làm thủ tục giải thể. Khu công nghiệp Phan Thiết (giai đoạn 2) thu hút được 2 dự án (1 DA trong nước, 1 DA có vốn ĐTNN); hiện đang tiếp tục triển khai công tác giải tỏa, đền bù, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng để thu hút các dự án mới (đã có 03 dự án đăng ký). Khu công nghiệp Hàm Kiệm I (Hàm Thuận Nam) đang triển khai đền bù giải toả, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng. Khu công nghiệp Hàm Kiệm II (Hàm Thuận Nam) đã cơ bản xong khâu đền bù, lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường, hồ sơ thiết kế cơ sở, đang làm đường vào khu công nghiệp. Khu chế biến Nam Cảng cá Phan Thiết đang đẩy nhanh tiến độ thi công để thu hút các dự án đầu tư.
Đã phê duyệt hồ sơ quy hoạch, đồ án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ Sơn Mỹ. Lập các thủ tục xin ý kiến Chính phủ đưa vào Quy hoạch quốc gia và kêu gọi đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tân Đức; tiến hành lập quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp - khu dân cư và dịch vụ Tuy Phong; các khu, cụm công nghiệp, TTCN ở thị xã La Gi và các huyện. Đang triển khai các bước đầu tư dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân giai đoạn 1 với công suất 1.200 MW; giới thiệu nhà đầu tư vào cụm nhiệt điện than Sơn Mỹ; tháo gỡ các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy điện Đại Ninh, Bắc Bình; triển khai các bước chuẩn bị đầu tư Cảng nước sâu Kê Gà (Hàm Thuận Nam), cảng chuyên dùng Vĩnh Tân (Tuy Phong).
2. Đầu tư và Xây dựng
Trong tháng đã tiếp tục thi công các công trình chuyển tiếp như: xây dựng hệ thống thoát nước; sửa chữa các tuyến đường giao thông các xã, thị trấn; xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan; các trường học phổ thông; các khu dân cư. Ước tính vốn đầu tư phát triển tháng 01/2008 thực hiện 104 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 70 tỷ đồng, vốn vay 27 tỷ đồng.
Về thực hiện vốn đầu tư ở các công trình trọng điểm, tính đến cuối tháng 12/2007 kết quả thực hiện như sau:
- Nhóm Nông nghiệp - Thủy lợi :
+ Trạm bơm La Ngâu (Tánh Linh): Đập đầu mối và kênh chính đã hoàn thành, đang tiếp tục thi công kênh nhánh cấp 1, 2.
+ Hồ Sông Khán (Bắc Bình): Đang thi công hạng mục kênh xả lũ, phần đất và công trình trên kênh chính; hệ thống kênh và các công trình trên kênh nhánh.
+ Đập Đaguri : Đã thi công hạng mục cụm đầu mối, riêng hạng mục kênh đông, kênh tây và đường vào đập đang điều chỉnh hồ sơ thiết kế
+ Trạm bơm Lạc Tánh (Tánh Linh): Đã thi công hoàn thành đập đầu mối và kênh chính, phần điện và đường ống máy bơm, đang tiếp tục thi công công trình trên kênh nhánh cấp 1 và đoạn kéo dài kênh N1-5.
+ Đập Hàm Cần (Hàm Thuận Nam) : Hạng mục đầu mối, kênh và công trình trên kênh chính cơ bản đã hoàn thành, đang thi công trên kênh nhánh.
- Nhóm Thủy sản:
+ Khu chế biến hải sản phía Nam Cảng cá Phan Thiết: tiến độ thi công chậm do năng lực nhà thầu. Hiện đang điều chỉnh lại dự toán để trình phê duyệt lại
- Nhóm công trình giao thông :
+ Công trình phụ trợ ga Phan Thiết: Đơn vị tư vấn đang chỉnh sửa lại dự án + Đường QL28 nối Cảng vận tải (Tôn Đức Thắng - Phan Thiết): Đã thi công nền đường cấp phối đá được 1.500/1.650m ; thảm bê tông nhựa lớp 1 dày 7cm được 500/1.650m; 910/2.785m bê tông bó vỉa; 750/880m bê tông dải phân cách.
- Nhóm công trình hạ tầng du lịch :
+ Đường Hòn Lan - Kê Gà - Hòa Thắng (đường ven biển từ Hàm Thuận Nam đi Bắc Bình): Đã nghiệm thu đưa vào sử dụng; còn lại bãi đậu xe trên tuyến nhánh số 5 chưa thi công (do vướng mặt bằng),
- Nhóm các công trình Khu dân cư - Khu tái định cư :
+ Khu dân cư A-E Thanh Hải (Phan Thiết): Đã hoàn thành giai đoạn 1; đang triển khai công tác đền bù giải tỏa để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2.
Trong tháng, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 4 dự án, trong đó có 2 dự án du lịch, 1 dự án công nghiệp - dịch vụ, 1 dự án nông lâm nghiệp, với tổng vốn đăng ký 1.425 tỷ đồng. Như vậy đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 804 dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký 21.052 tỷ đồng, trong đó 391 dự án du lịch, 90 dự án nông lâm nghiệp, 60 dự án nuôi trồng thuỷ sản, 165 dự án công nghiệp - dịch vụ, 87 dự án xăng dầu, 7 dự án khu dân cư, 1 dự án BOT; trong đó có 56 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 428,5 triệu USD.
III. Thương mại, Giá cả, Du lịch, Xuất nhập khẩu, Giao thông vận tải
1. Thương mại, Giá cả :
Thị trường trong những ngày đầu tháng 01/2008 khá sôi động, song tại địa bàn Phan Thiết, không khí mua sắm tại các chợ không đông như năm trước (do ảnh hưởng giá cả hàng hoá tăng cao và trên địa bàn có sự tham gia của Siêu thị Co.op Mart). Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội trong tháng đạt 1.130 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa trên thị trường phong phú, đủ chủng loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp dân cư; các cửa hàng, siêu thị, hộ kinh doanh và tiểu thương các chợ đã sẵn sàng nguồn hàng phục vụ Tết Mậu Tý. Các nhóm hàng được tiêu thụ mạnh là thực phẩm, điện máy, hàng gia dụng, quần áo, giầy dép. Đáng chú ý là việc mua sắm tết tại siêu thị ngày càng được người dân địa phương ưa chuộng, tuy giá cả có cao hơn bên ngoài nhưng hàng hoá có độ tin cậy cao về nguồn gốc, chất lượng và giá cả rõ ràng.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2008 là 101,67% (tăng 1,67% so với tháng trước); trong đó: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,58%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,21%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 1,71%; Nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng tăng 1,51%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,84%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,26%; Giáo dục tăng 2,36%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,05%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,89%. Riêng nhóm hàng Giao thông bưu chính viễn thông giảm 1,3%. Kết quả trên cho thấy hầu hết các nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu đều tiếp tục tăng giá ngay trong tháng đầu năm dương lịch. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới
Nếu so với tháng cùng kỳ năm trước (sau 1 năm) thì chỉ số giá tiêu dùng là 113,49% (tăng 13,49%); trong đó nhóm hàng lương thực tăng 13,24%; thực phẩm tăng 15,42%; Đồ uống và thuốc lá tăng 12,22%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 10,07%; Nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng tăng 22,85%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 12,93%; các nhóm hàng khác tăng dưới 10%. Tình hình trên cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao do tác động của nhóm hàng lương thực, thực phẩm, may mặc, mũ nón, giầy dép, nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng. Giá vàng trong tháng biến động theo xu hướng tăng đột biến, hiện đang xoay quanh ở mức 1,717 triệu đồng/chỉ (giá bán ra, vàng 99,99% ngày 17/01/2008) và tỷ giá Đôla Mỹ bán ra đang ở mức 15.987 ĐVN/USD. So với cùng kỳ năm trước (sau 1 năm), giá vàng tăng thêm 480 ngàn đồng/chỉ; song tỷ giá Đôla Mỹ lại giảm 75 đồng/USD.
Ngành Thương mại đã phối hợp với các ngành hữu quan và các địa phương triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa kinh doanh phục vụ Tết. Hiện các doanh nghiệp thương mại trọng yếu đã chuẩn bị hàng kinh doanh tết với tổng trị giá khoảng 200 tỷ đồng, trong đó : Siêu thị Co.op Mart Phan Thiết 22 tỷ đồng, Công ty cổ phần thương mại 100 tỷ đồng; Công ty cổ phần Vật tư xăng dầu Bình Thuận 70 tỷ đồng; Chi nhánh Công ty cổ phần lương thực Nam Trung Bộ 01 tỷ đồng, Trung tâm dịch vụ miền núi 1,7 tỷ đồng, với hàng trăm điểm bán hàng và đại lý trên toàn tỉnh; bao gồm các nhóm hàng như: lương thực, thực phẩm, nước giải khát các loại, rượu bia, thuốc lá, muối Iôt, xăng dầu... Hầu hết lượng hàng hóa của các đơn vị đều được chuẩn bị đầy đủ, kịp thời xuống các địa bàn theo kế hoạch, cụ thể:
- Công ty cổ phần Thương mại đưa hàng phục vụ Tết xuống các điểm bán lẻ của Công ty ở các huyện, thị xã, thành phố (kể cả huyện Đảo Phú Quý). Công tác bán hàng phục vụ Tết tại các cửa hàng, điểm bán ở các xã nông thôn, miền núi các huyện trong tỉnh sẽ thực hiện từ 21/01/2008 đến ngày 30/01/2008.
- Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ Sài Gòn- Phan Thiết (Siêu thị Co.op Mart Phan Thiết ) đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng hóa phục vụ Tết, sẽ phục vụ đến trưa 05/02/2008 (ngày 30 Tết). Ngoài ra còn tổ chức một số dịch vụ tăng thêm như giao hàng tận nơi, bán hàng qua điện thoại, gói quà miễn phí đồng thời tổ chức chương trình bán hàng lưu động tại các huyện, thị xã La Gi, Tánh Linh, Đức Linh với gần 1.000 mặt hàng thiết yếu phục vụ tết như thực phẩm, bánh mứt, hàng tiêu dùng, hàng may mặc…, hình thức bán được tổ chức như những siêu thị mini phục vụ theo chương trình trợ giá, trợ cước, các mặt hàng đều được bán bằng với giá bán tại siêu thị Phan Thiết, các phiếu mua hàng từ 50 ngàn đồng trở lên đều có quà tặng kèm.
- Trung tâm dịch vụ phát triển thương mại miền núi đã chuyển hàng hoá phục vụ Tết Đầu lúa và Tết Nguyên đán cho các xã miền núi, vùng cao từ ngày 14/01/2008 phục vụ cho 19 xã ở các huyện trong Tỉnh gồm : xã Phan Dũng, Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền, Phan Tiến, La Dạ, Đông Tiến, Đông Giang, Thuận Hòa, Thuận Minh, Hàm Cần, Mỹ Thạnh, Sông Phan, Suối Kiết, La Ngâu, Trà Tân, Măng Tố, Lạc Tánh, Gia Huynh. Đối với địa bàn không có cửa hàng, đại lý, Trung tâm tổ chức xe bán hàng lưu động, thời gian bắt đầu từ ngày 20/01/2008 đến ngày 03/02/2008 ở các huyện Bắc Bình, Hàm Tân và Hàm Thuận Nam để đảm bảo hàng hóa phục vụ cho đồng bào dân tộc ăn Tết.
- Chi nhánh Công ty cổ phần lương thực Nam Trung Bộ : Ngoài 04 điểm bán hàng cố định tại Phan Thiết, Chi nhánh đã tổ chức bán hàng lưu động xuống các huyện bằng xe lưu động, bắt đầu từ ngày 15/01/2008 và tăng thời gian phục vụ ngoài giờ (kể cả ngày nghỉ).
Riêng Chợ tết truyền thống thành phố Phan Thiết dự kiến sẽ mở 27/01 đến 06/02/2008 (tức 20-30/12 âm lịch) với tổng diện tích khoảng 10 ngàn m2, 540 quầy hàng (có trưng dụng một số con đường trung tâm làm nơi họp chợ)
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tiếp tục tăng cường và được các ngành, các cấp, các lực lượng có liên quan phối hợp thực hiện, nhằm hạn chế hàng lậu, hàng giả lưu thông trên thị trường, nhất là vào thời điểm giáp tết. Riêng tháng 12/2007 lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường đã phát hiện 62 vụ, trong đó có 28 vụ vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, xử phạt hành chính 58 vụ, thu phạt 358 triệu đồng.
2. Du lịch :
Hoạt động du lịch tiếp tục ổn định. Trong dịp Tết Dương lịch lượng khách đến nghỉ dưỡng, du lịch tại Bình Thuận trên 40 ngàn lượt khách (trong đó khách quốc tế gần 9 ngàn lượt khách). Do là mùa cao điểm khách Tây nghỉ đông, nên thời gian lưu trú của khách quốc tế khá dài (từ 1-2 tuần lễ); khách đến chủ yếu vẫn từ Đức, Nga, Pháp, Anh, Mỹ, Hà Lan… Hầu hết các khách sạn, resort lớn như Coco Beach, Sao Biển, Terracotta, Sài Gòn - Mũi Né, Novotel, Phú Hải, Victoria, Làng Tre, Seahorse… đều đạt công suất phòng tối đa. Các khu du lịch đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí phục vụ du khách. Các resort lớn ở Hàm Tiến - Mũi Né, Phú Hải mời đoàn ca múa nhạc Biển Xanh, ban nhạc Philippin biểu diễn các chương trình ca múa nhạc dân tộc, ca nhạc quốc tế, khiêu vũ, tổ chức tiệc buffet, gala dinner tại các hồ bơi, phục vụ nhiều món ăn thuần túy Việt Nam, nhiều trò chơi xổ số có thưởng, ảo thuật, giao lưu giữa khách Việt và khách nước ngoài. Dự ước doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng đạt 107 tỷ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước; số khách đến nghỉ tại khách sạn có 161 ngàn lượt khách (tăng 7,5% so cùng kỳ năm trước) với 210 ngàn ngày khách (tăng 9,2%); số lượt khách du lịch theo tour đạt 455 lượt khách (tăng 8,3%) với 4.095 ngàn ngày khách (tăng 9,5%).
3. Xuất nhập khẩu :
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2008 ước đạt 10,451 triệu USD, tăng 16,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng thuỷ sản đạt 5,884 triệu USD (tăng 19,5% so cùng kỳ năm trước), hàng nông sản đạt 2,315 triệu USD (tăng 63,9%), hàng hoá khác 2,252 triệu USD (giảm 14,7%); với một số mặt hàng chủ yếu như: hải sản đông 1.109 tấn (tăng 23,6% so cùng kỳ năm trước), hải sản khô 138 tấn (tăng 20%); quả thanh long 2.647 tấn (tăng 2,2%), hàng dệt may 1,530 triệu USD (giảm 8,2%).
Nhập khẩu trong tháng ước đạt 2,742 triệu USD (giảm 15% so cùng kỳ năm trước), trong đó vật tư nguyên liệu sản xuất đạt 2,682 triệu USD (giảm 3,3%).
Nhìn chung hoạt động xuất khẩu trong tháng ổn định; các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản tiếp tục khai thác thêm thị trường tiêu thụ; xuất khẩu nhân hạt điều, hàng dệt may duy trì bình thường. Dự kiến trong thời gian tới, xuất khẩu mặt hàng quả thanh long sẽ tăng khá và sản phẩm mũ cao su sẽ được xuất sang nhiều nước ở thị trường Châu Á.
4. Giao thông vận tải :
Vận tải hàng hoá ổn định, ước tính khối lượng luân chuyển hàng hoá đường bộ trong tháng đạt 20 triệu tấnkm (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước), luân chuyển hàng hoá đường thủy 305 ngàn tấnkm (tăng 15,5%); luân chuyển hành khách đường bộ đạt 31 triệu lượt ngườikm (tăng 15,2%), luân chuyển hành khách đường thuỷ đạt 285 ngàn lượt ngườikm (tăng 29,5%).
Ngành Giao thông vận tải đang phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp vận tải, bến xe xây dựng phương án phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán, trong đó chú ý đến các tuyến đường xa. Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, ngày 13/1/2008, Công ty cổ phần vận tải tốc hành Mai Linh - Chi nhánh Bình Thuận đã chính thức đưa dòng xe đời mới Huyndai Univer Space Luxury vào hoạt động tuyến Bình Thuận đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại với 3 chuyến, bên cạnh 15 chuyến (16 chỗ) tại mỗi bến. Đây là loại xe 47 chỗ được trang bị cao cấp gồm màn hình LCD 32 inch, máy lạnh, tủ lạnh, chăn ấm, tủ thuốc sơ cấp cứu, túi nôn, gối kê đầu… Công tác tuần tra, kiểm soát giao thông được tiếp tục tăng cường; các lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Tổ kiểm tra liên ngành đã phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy, phương tiện vận tải bảo đảm an toàn, chở quá tải, quá số người quy định. Riêng năm 2007, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, Tổ kiểm tra liên ngành đã huy động 30.246 lượt cán bộ, chiến sĩ, tuần tra, kiểm soát phát hiện 62.828 trường hợp vi phạm; xử phạt 58.718 trường hợp, nộp ngân sách nhà nước hơn 20 tỷ đồng (tăng 15.345 trường hợp và 7,2 tỷ đồng so với năm 2006).
IV. Tài chính, Ngân hàng
1. Tài chính :
Ước tháng 01/2008, thu ngân sách đạt 281,5 tỷ đồng; tăng 56% so với cùng kỳ năm trước; trong đó thu thuế, phí đạt 121,5 tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ năm trước). Dự ước các khoản thu tăng so với cùng kỳ là thu ngoài quốc doanh 32 tỷ đồng (tăng 47,2%), thu doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài 25 tỷ đồng (tăng 26,8%), các loại phí, lệ phí 5 tỷ đồng (tăng 6,6%), phí xăng dầu 6 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần), lệ phí trước bạ 4,5 tỷ đồng (tăng 6,9%), thu cấp quyền sử dụng đất 20 tỷ đồng tăng 39,3%), thu từ dầu thô 160 tỷ đồng (tăng 87%) và các khoản thu giảm so cùng kỳ năm trước là: thu từ doanh nghiệp nhà nước 10,5 tỷ đồng (giảm 12,2%), thu xổ số kiến thiết 5 tỷ đồng (giảm 6,5%). Ngành Thuế đã tiếp tục triển khai công tác chống thất thu, tập trung đẩy mạnh việc thu thuế, phí và các khoản thu phát sinh, nhất là thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hạn chế tình trạng nợ thuế chuyển sang tháng sau.
2. Ngân hàng :
Hoạt động tín dụng tiếp tục phát triển. Công tác thanh toán và các dịch vụ tiện ích của Ngân hàng được chú trọng; hệ thống máy rút tiền tự động bằng thẻ ATM toàn tỉnh hiện có 30 máy với số lượng thẻ phát hành 56.350 thẻ, đã thiết lập 161 điểm chấp nhận thẻ thanh toán. Về thanh toán trả lương qua tài khoản, hiện đã có 282 đơn vị hưởng lương từ ngân sách đã ký kết hợp đồng với các Ngân hàng
Dự ước đến cuối tháng nguồn vốn hoạt động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 5.763 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu tháng; trong đó nguồn vốn huy động đạt 3.299 tỷ đồng (giảm 2,1%); tổng dư nợ đạt 5.561 tỷ đồng (tăng 11,7%); trong đó dư nợ ngắn hạn 2.533 tỷ đồng (tăng 0,9%). Nguồn huy động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân đạt 416 tỷ đồng, tăng 4,1% so đầu năm; dư nợ cho vay đạt 330 tỷ đồng, giảm 2,1%. Các tổ chức tín dụng đã tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn bằng nhiều hình thức huy động khác nhau, nhiều chi nhánh đã ban hành biểu lãi suất huy động mới với kỳ hạn huy động phong phú hoặc khuyến mãi bằng hiện vật nhằm thu hút khách hàng gửi tiền đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến quy trình xét duyệt cho vay, điều hành lãi suất linh hoạt, tập trung tiếp thị và đầu tư vào những dự án phù hợp với chủ trương chính sách của Tỉnh. Ngoài thực hiện nhiệm vụ cho vay phục vụ phát triển kinh tế của địa phương, các tổ chức tín dụng còn triển khai thực hiện cho vay theo chính sách của Nhà nước và địa phương như: cho vay đối với học sinh – sinh viên (7.412 SVHS vay 34,3 tỷ đồng); cho vay xuất khẩu lao động (422 người với số tiền 1,266 tỷ đồng); cho vay hộ SXKD vùng khó khăn (3.327 hộ với số tiền 39,9 tỷ đồng); cho vay hộ SXKD vùng đặc biệt khó khăn (243 khách hàng vay 1,199 tỷ đồng).
V. Văn hóa, Thể thao; Y tế, Xã hội:
1. Văn hóa, Thể thao :
Trong tháng Ngành Văn hoá Thông tin phối hợp với các ngành hữu quan tập trung tuyên truyền phục vụ các chủ đề về Tết Dương lịch 2008, kỷ niệm 40 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, 01 năm ngày Việt nam gia nhập WTO, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông; nghĩa vụ quân sự, phòng ngừa dịch cúm gia cầm, phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp ở người, tuyên truyền về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo theo tinh thần Chỉ thị 406 của Thủ tướng Chính phủ…Kết quả thực hiện gần 4.709 giờ phát thanh xe loa phóng thanh; kẽ vẽ 492 m2 panô, cắt dán 5.257 mét băng rôn khẩu hiệu, phát hành 1.000 bản tin. Đã triển khai xây dựng kế hoạch hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ mừng kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và “Mừng Đảng - Mừng Xuân Mậu Tý”. Hoạt động văn hoá văn nghệ quần chúng được duy trì đều ở địa bàn cơ sở, thu hút đông đảo người tham gia. Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh Bình Thuận trong tháng đón, phục vụ 177 đoàn khách với gần 6.600 lượt khách tham quan, trong đó có 218 khách nước ngoài.
Hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa được đẩy mạnh, trong tháng sở VHTT đã cấp và gia hạn 01 giấy phép kinh doanh hoạt động dịch vụ văn hóa, cấp 20 giấy phép quảng cáo, 12 giấy phép xuất bản và 05 giấy phép biểu diễn nghệ thuật. Đã tiến hành kiểm tra 28 đợt với 106 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, phát hiện 25 trường hợp vi phạm; tịch thu 02 đĩa CD-VCD thuộc loại in nhân bản lậu; tạm giữ 05 đầu máy karaoke, 01 âm ly, 06 băng rôn phạt tiền trên 52 triệu đồng.
Hoạt động Thể dục thể thao duy trì đều. Sở Thể dục Thể thao đã phối hợp với các địa phương, các ngành hữu quan triển khai công tác tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trong dịp Tết ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh như Lễ Hội Đua thuyền truyền thống “Mừng Đảng - Mừng Xuân”; Giải Leo núi Tà Kú (Hàm Thuận Nam – Bình Thuận).
Tổng kết công tác “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2007, toàn tỉnh đã phát động xây dựng mới 28 thôn – khu phố (Phan Thiết : 05, La Gi : 01, Tuy Phong : 03, Bắc Bình : 05, Hàm Thuận Nam : 04, Tánh Linh : 06, Đức Linh : 03 và Hàm Tân : 01); nâng tổng số tính đến nay toàn tỉnh đã phát động xây dựng 628/692 thôn – khu phố văn hóa và 30/126 xã, phường, thị trấn văn hóa.
2. Y tế :
Ngành Y tế tiếp tục triển khai đẩy mạnh các hoạt động chương trình y tế Quốc gia. Trong tháng không có vụ dịch nào xảy ra, bệnh sốt xuất huyết giảm 40% so với tháng trước. Công tác phòng chống bệnh dịch cúm gia cầm H5N1 và đại dịch cúm ở người, bệnh viêm đường hô hấp cấp được tiếp tục chú trọng và theo dõi thường xuyên. Công tác phòng chống các bệnh xã hội duy trì đều, số người mắc sốt rét giảm 50% so với cùng kỳ năm trước; công tác phòng chống HIV/AIDS duy trì hoạt động thường xuyên, trong tháng đã phát hiện 17 cas nhiễm HIV. Công tác khám chữa bệnh đáp ứng được nhu cầu phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; bệnh viện đa khoa trong tháng có 3.693 cas điều trị nội trú, giảm 560 cas so với cùng kỳ năm trước.
3. Lao động Xã hội, Chính sách :
Ngành Thương binh - Lao động và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai các dự án giải quyết việc làm cho các lao động; trong tháng đã giải ngân 70 dự án với tổng số tiền 1.644 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 298 lao động. Đã giải quyết cho 9 lao động đi làm việc ở nước ngoài
Công tác Thương binh Liệt sỹ và Người có công với Cách mạng đã được quan tâm đúng mức, trong tháng Ngành Thương binh - Lao động và Xã hội đã tham mưu và đề xuất UBND tỉnh đi thăm và tặng 300 suất quà cho các gia đình chính sách đang gặp khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý và triển khai thực hiện Quyết định 117/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ người có công với Cách mạng cải thiện nhà ở.

Để góp phần ổ định và giữ gìn trật tự an ninh trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tý Ngành Thương binh - Lao động và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường công tác kiểm tra hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ các ngành nghề “nhạy cảm”, phòng chống tệ nạn góp phần nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội./.


Website UBND tỉnh Bình Thuận

    Tổng số lượt xem: 1516
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)