Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/03/2009-09:27:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ tháng 3 năm 2009
I. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP, THUỶ SẢN
Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định. Tuy có chịu ảnh hưởng của thời tiết nên diện tích gieo trồng hàng năm giảm nhưng không đáng kể.
Kết quả sản xuất vụ đông: Thời tiết mưa bão gây ngập úng đã ảnh hưởng tới kết quả sản xuất. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 13.903,4 ha giảm 34,2% so với vụ đông năm trước (giảm 7.213,7 ha); hầu hết các loại nhóm cây trồng đều có diện tích bị giảm so với cùng kỳ năm trước: ngô đông giảm 6.163,9 ha, cây rau đậu các loại giảm 379,7 ha, cây công nghiệp hàng năm giảm 6,8 ha.
Về năng suất và sản lượng: năng suất cây ngô đông đạt 36,72 tạ/ha giảm 4,47% so vụ đông năm trước (-1,72 tạ/ha). Duy trì được kết quả đó là do sự cố gắng của bà con nông dân đã thực hiện theo đúng sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn; sự tác nghiệp sản xuất chặt chẽ, hợp lý nên đã khắc phục được một phần những khó khăn do thời tiết gây nên.
Sản lượng cây ngô vụ đông đạt 30.887,7 tấn, giảm 44,9% (-25.136,7 tấn) so với cùng kỳ năm 2008. Nguyên nhân giảm chủ yếu do diện tích gieo trồng giảm 42,3% (-6.163,9 ha). Sản lượng khoai lang đạt 8.336,7 tấn giảm 4.151,4 tấn so cùng kỳ năm trước; cây rau các loại đạt 42.749,6 tấn; đỗ tương đạt 289,3 tấn; lạc 85 tấn; đậu các loại đạt 146,4 tấn.
Sản xuất Vụ chiêm xuân: thời tiết diễn biến khá phức tạp rét đậm, rét hại, khí hậu khô gây hạn hán ở một số địa phương trong tỉnh; nhưng cũng có những thời điểm có mưa, thuận lợi cho việc gieo trồng vụ chiêm xuân; các địa phương chủ động tập trung tạo mọi nguồn nước để phục vụ gieo trồng, diện tích gieo trồng đạt khá so cùng kỳ:
Lúa chiêm xuân ước đạt 36.516,8ha, tăng 6,89% (+2353,4 ha) so cùng kỳ và bằng 51,43% kế hoạch năm; Cây ngô ước đạt 4.693,2ha, tăng 1,85% (+85,3 ha) so với cùng kỳ và bằng 23,5% kế hoạch năm; Cây sắn ước đạt 6.439,8 ha tăng 6,05% (+367,6 ha) so cùng kỳ; Rau xanh các loại ước đạt 3.302,8 ha tăng 7,97% (+243,7 ha) so cùng kỳ; đậu các loại ước đạt 821,6 ha tăng 3,27% (+ 26 ha) so cùng kỳ; Cây đỗ tương ước đạt 368,3 ha, tăng 7,72% (+26,4 ha) so cùng kỳ; Cây lạc ước đạt 4.789,7 ha giảm 3,4% (-157,4 ha) so cùng kỳ năm trước.
Về chăn nuôi gia súc, gia cầm:mặc dù một số địa phương bị dịch bệnh nhưng cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương đã kịp thời khoanh vùng, xử lý, đàn gia súc, gia cầm: trâu, bò, lợn, gà, vịt cơ bản giữ được ổn định.
Về lâm nghiệp:Hưởng ứng phong trào "tết trồng cây" và kế hoạch trồng rừng tập trung của tỉnh. Các huyện, thành, thị đã tích cực tổ chức trồng cây đầu xuân, dự ước tổng số cây đã trồng đạt 1.412,4 ngàn cây đạt 64,2% kế hoạch năm 2009, tăng 21,65% (+251,4 ngàn cây) so với cùng kỳ năm 2008. Trồng rừng tập trung ước đạt 2.857,9 ha bằng 47,63% kế hoạch năm, tăng 4,54% (+124ha) so cùng kỳ năm trước, trong đó các đơn vị ngoài quốc doanh trồng 2.007,9 ha tăng 21% (+349 ha), các đơn vị quốc doanh trồng 850 ha, tăng 20,93% (+ 225 ha) so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay các địa phương trong tỉnh đang tích cực tổ chức triển khai trồng rừng vụ xuân theo kế hoạch, chương trình năm 2009 của tỉnh, của trung ương.
Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 29.412,8 m3 tăng 1,46% (+424 m3) so với cùng kỳ năm 2008, trong đó: khối ngoài quốc doanh đạt 12.082,8 m3 tăng 15,42% (+1.614 m3), khối quốc doanh lâm nghiệp khai thác ước đạt 17.330 m3. Nguyên nhân làm cho sản lượng gỗ khai thác tăng nhanh ở khối ngoài quốc doanh là do rừng trồng (rừng sản xuất) đã đến thời kỳ cho khai thác sản phẩm, giá cả các loại gỗ mặc dù trong năm 2008 có xu hướng giảm nhưng hiện nay đang ổn định trở lại và có xu hướng tăng trên thị trường.
Nuôi trồng thuỷ sản: mặc dù thời tiết không thuận, ảnh hưởng đến nuôi trồng thuỷ sản, nhưng nhìn chung vẫn giữ được ổn định so với năm trước. Diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản 8.564,7 ha, giảm 3,77% (-335,7 ha) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm là do ảnh hưởng của bão mưa to, nhiều diện tích bị ngập, bị vỡ, bị cuốn trôi hiện nay bà con nông dân tiếp tục khắc phục, tu bổ, đầu tư, cải tạo.
Sản lượng nuôi trồng, khai thác ước đạt 3.547,5 tấn giảm 8,3% (-322,8 tấn) so cùng kỳ năm trước. Hiện nay, Trung tâm giống thuỷ sản của tỉnh và các hộ nuôi trồng thuỷ sản đang tích cực mở rộng diện tích nuôi cá giống, tôm giống, đồng thời nạo vét và vệ sinh ao hồ để tiếp tục thả cá mới và nuôi gối vụ, thâm canh nhằm đạt năng suất, sản lượng thuỷ sản cao hơn.
II. TÌNH HÌNH SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP
Ngay trong những tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp đã chịu tác động chung của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất, sản phẩm tiêu thụ chậm.
Chính phủ đã đưa ra những giải pháp kích cầu sản xuất và gói hỗ trợ kinh tế như cho vay hỗ trợ lãi suất, cho vay trả lương cho người lao động nhưng kết quả sản xuất chung toàn ngành vẫn giảm so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất quí I trên địa bàn tỉnh (theo giá cố định 1994) ước thực hiện 1.681,6 tỷ đồng giảm 19,7% so với quí cùng kỳ và đạt 15,2% kế hoạch năm.
Khu vực kinh tế Nhà nước Trung ương: Giá trị sản xuất (theo giá cố định năm 1994) ước thực hiện 525,1 tỷ đồng, giảm 30,7% so với quí I năm 2008. Sản xuất giảm mạnh là do trong 2 tháng đầu năm do ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu đầu vào từ các tháng trước, các doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm dẫn đến gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Các đơn vị sản xuất sản phẩm giấy bị ảnh hưởng nặng nhất dẫn đến tồn kho lớn, nhưng sang tháng 3 các đơn vị đã thực hiện áp dụng nhiều chính sách bán hàng như: giảm giá, tăng triết khấu nên lượng hàng tiêu thụ đã tăng, sản xuất đã trở lại bình thường. Các đơn vị sản xuất sản phẩm phân bón và hoá chất trong tháng 1 lượng tồn kho ở mức rất cao, đơn vị đã thực hiện nhiều phương pháp tiếp cận, nghiên cứu thị hiếu khách hàng, đưa ra chính sách bán hàng phù hợp do vậy đến nay cơ bản đã tiêu thụ hết lượng sản phẩm tồn kho, sản xuất đã trở lại ổn định,...
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong khu vực ký được hợp đồng mới, có giá trị lớn nên sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong quí có 1 đơn vị sản xuất thép đi vào hoạt động với công suất thiết kế 180 ngàn tấn/1 năm, đã sản xuất 8.000 tấn thép nhưng do mới đi vào hoạt động nên mức tiêu thụ chưa cao.
Khu vực kinh tế Nhà nước địa phương: Giá trị sản xuất ước thực hiện 62,5 tỷ đồng tăng 18,5% so với quý cùng kỳ chủ yếu do sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất đồ uống tiêu thụ tốt đã tăng cường sản xuất. Các đơn vị sản xuất khác trong khu vực sản xuất cơ bản giữ ở mức ổn định.
Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, giá trị sản xuất ước thực hiện 594,4 tỷ đồng giảm 16,2% so với quý I/2008. Các doanh nghiệp trong khu vực này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong quý I nhiều đơn vị đã nhận được sự trợ giúp từ gói kích thích của Chính phủ nên sản xuất có giảm nhưng không nhiều như các doanh nghiệp lớn. Một số doanh nghiệp trong ngành May tuy chưa ký được nhiều hợp đồng mới nhưng vẫn đủ việc làm cho người lao động. Một số doanh nghiệp trong ngành Chè đã bắt đầu vào vụ sản xuất nhưng do nguyên liệu chưa nhiều nên chưa chạy hết công suất máy móc thiết bị. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Thụy Vân sản xuất không tăng nhưng vẫn được duy trì trong lúc chịu ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế.
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: Giá trị sản xuất theo giá cố định ước thực hiện 499,6 tỷ đồng giảm 13,1% so với quý cùng kỳ. Hai tháng đầu năm do chịu ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ký kết hợp đồng sản xuất nhưng sang tháng 3 tình hình đã khả quan hơn do đó sản xuất đã tăng trưởng cao hơn. Giá trị sản xuất các doanh nghiệp ngành thực phẩm giảm 22%; giá trị ngành sản xuất vải, sợi giảm trên 40%,... Tuy nhiên, một số doanh nghiệp do có hợp đồng sản xuất ổn định nên sản xuất ổn định và tăng (chủ yếu các đơn vị hoạt động trong ngành may mặc). Các doanh nghiệp sản xuất Chè đã vào vụ sản xuất nhưng do chưa đủ nguyên liệu nên sản xuất còn ở mức thấp.
Sản phẩm chủ yếu:
Có 4/16 loại sản phẩm chủ yếu tăng so quý I/2008. Tăng khá như: Chè chế biến tăng 11%; Quần áo may sẵn tăng 6% (chủ yếu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9,1%); Giầy thể thao tăng 17,4%; Phân hóa học- supe lân tăng 21,2%.
Còn lại 12/16 sản phẩm giảm so với cùng kỳ, giảm mạnh là: Bia các loại giảm 37%; Bột ngọt giảm 18,1%; Sợi các loại giảm 38,6%; Vải thành phẩm giảm 35%; Giấy bìa các loại giảm 40%; Phân NPK giảm 13,8%; Gạch lát giảm 56%...
III. HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI
Tổng doanh thu vận tải, bốc xếp quí I ước đạt 209.902 triệu đồng, tăng 3,7% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế nhà nước đạt 12.375 triệu đồng, chiếm 5,9% tổng doanh thu và giảm 37,8% so cùng kỳ; kinh tế ngoài nhà nước đạt 197.527 triệu đồng, chiếm 94,1% tổng doanh thu và tăng 8,2% so cùng kỳ năm trước.
Doanh thu vận tải đường bộ ước đạt 156.928 triệu đồng, tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vận tải hàng hoá đạt 116.362 triệu đồng, giảm 0,3%; Vận tải hành khách đạt 39.016 triệu đồng, tăng 19,8%.
Doanh thu vận tải đường sông ước đạt 52.974 triệu đồng, tăng 2% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hàng hoá đạt 47.194 triệu đồng, tăng 3,1%; doanh thu bốc xếp hàng hoá đạt 3.095 triệu đồng, tăng 23,4% và doanh thu dịch vụ đạt 2.685 triệu đồng, tăng 28,8%.
Sản lượng vận tải hàng hoá ước đạt 3.138,3 ngàn tấn bằng 143.399,9 ngàn tấnkm. So với cùng kỳ năm trước, giảm 12% về tấn và giảm 6,6% về tấn.km. Trong đó, vận tải hàng hoá đường bộ đạt 2.205,3 ngàn tấn vận chuyển và 49.659 ngàn tấnkm luân chuyển. So cùng kỳ giảm 14,5% về tấn và giảm 25,4% về tấn.km; Vận tải đường sông đạt 932,9 ngàn tấn bằng 93.740,9 ngàn tấn.km. So với cùng kỳ giảm 5,8% về tấn vận chuyển và tăng 7,8% về tấn.km luân chuyển. Nguyên nhân tăng chủ yếu là do tăng số lượng doanh nghiệp, mặt khác các doanh nghiệp vận tải đường sông khai thác thêm được nhiều luồng hàng mới với cự ly vận chuyển dài và xa hơn; Sản lượng vận tải hành khách ước đạt 991,9 ngàn hành khách bằng 67.442,2 ngàn hành khách.km, so cùng kỳ tăng 0,67% về số lượng khách vận chuyển và giảm 12,7% về số hành khách.km luân chuyển.
IV.TÌNH HÌNH XUẤT, NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ
Quí I/2009 so với quí cùng kỳ năm trước hoạt động xuất khẩu giữ mức ổn định, hoạt động nhập khẩu có xu hướng giảm mạnh.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá ước đạt 64.045,9 ngàn USD, đạt 22,1 % kế hoạch năm và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Kinh tế Tập thể 30,1 ngàn USD, giảm 73,6%; kinh tế Tư nhân 9.496,5 ngàn USD, giảm 6,6%; khu vực kinh tế có Vốn đầu tư nước ngoài đạt 54.505,3 ngàn USD, tăng 5,6%. Một số mặt hàng chủ yếu có xuất khẩu trong quí như: Chè 590 tấn, sản phẩm bằng Plastic trị giá 10,6 triệu USD, hàng dệt may trị giá 50,1 triệu USD,...
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 47.199,5 ngàn USD, bằng 16,6% kế hoạch năm và giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kinh tế Nhà nước 3.930,6 ngàn USD, giảm 6%; kinh tế Tư nhân 9.236,7 ngàn USD, giảm 49,4%; kinh tế có Vốn đầu tư nước ngoài 34.032,2 ngàn USD, tăng 11,3%. Một số mặt hàng chủ yếu nhâp khẩu trong quí gồm: hoá chất 8,5 triệu USD; tơ, sợi dệt 1.866 tấn; sắt thép 4.347 tấn; Vải may mặc trị giá 11 triệu USD; phụ liệu may mặc trị giá 7,2 triệu USD và máy móc thiết bị, hàng hoá khác trị giá 6,7 triệu USD.
V. TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀ HOẠT ĐỘNG XÂY LẮP
Tình hình vốn đầu tư và xây lắp nhìn chung ổn định và tăng so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư phát triển: Khối lượng thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn quí I ước đạt 1.066,9 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 5,6%. Trong đó: nguồn vốn nhà nước 447,5 tỷ đồng, nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước 287,2 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 173,5 tỷ đồng, vốn Bộ, ngành 158,7 tỷ đồng.
Trong quí, một số công trình ước có khối lượng thực hiện đạt khá, thuộc nguồn vốn nhà nước địa phương quản lý như: Các công trình tu bổ đê điều, kè cống; xây dựng các công trình hồ đập, đường giao thông vùng chậm lũ và các công trình thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn thực hiện 191.101 triệu đồng, cầu Hạ Hoà 24.000 tỷ đồng, đường Nguyễn Tất Thành 12.000 tỷ đồng, đường vào khu tái định cư đồi mẻ Quàng 4.877 triệu đồng,… Các công trình nguồn vốn nhà nước do Trung ương, Bộ ngành quản lý: Dự án cải tạo nâng cấp QL2 đoạn Phù Ninh- Đoan Hùng thuộc địa phận tỉnh 65.000 triệu đồng; công trình cụm kè ngã ba sông Việt Trì 7.400 triệu đồng; ... Các công trình thuộc nguồn vốn ngoài nhà nước: Công trình xây dựng nhà máy xi măng Sông Thao huyện Thanh Ba 150.500 triệu đồng, dây truyền xi măng lò quay của công ty cổ phần xi măng Phú Thọ 220.000 triệu đồng….
Một số công trình có tổng mức đầu tư lớn được khởi công trong quí như: Các công trình xử lý sạt lở bờ vở sông các tuyến đê trên địa bàn tỉnh trên 10 tỷ đồng, các công trình đường bê tông liên thôn, liên xã trên địa bàn tỉnh, chương trình kiên cố hoá trường học trên địa bàn cũng đã được khởi công theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Một số công trình đã hoàn thành và dự kiến hoàn thành trong quí: nhà điều hành, nhà công vụ và phòng học các trường học trên địa bàn tỉnh 15.525 triệu đồng, hội trường và trụ sở UBND một số xã trên địa bàn tỉnh, kiên cố hoá kênh mương, công trình nước tự chảy, đập tràn, trạm y tế xã, phường, đường liên thôn, liên xã, đường tỉnh lộ và các Đình, Chùa cũng đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Hoạt động xây lắp: Quí I trên địa bàn tỉnh nhìn chung ổn định và tăng so cùng kỳ. Các đơn vị chủ yếu tập trung thi công các công trình dở dang từ năm trước chuyển sang, công trình mới chưa nhiều vì đang trong thời gian đấu thầu. Tổng giá trị sản xuất xây lắp quí I trên địa bàn toàn tỉnh ước thực hiện 404,1 tỷ đồng, tăng 15% so với quí cùng kỳ (chưa loại trừ yếu tố trượt giá). Khối doanh nghiệp Nhà nước, giá trị sản xuất ước thực hiện 105,3 tỷ đồng, tăng 7,1% so với quí cùng kỳ; Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, giá trị sản xuất ước thực hiện 178,8 tỷ đồng, tăng 20,9 % so với quí cùng kỳ. Các loại hình khác, giá trị sản xuất ước thực hiện 120 tỷ đồng, bằng 88,8% quí trước và tăng 14,2% so với quí cùng kỳ, khu vực này do các đơn vị chủ yếu xây dựng những công trình nhỏ, phụ thuộc vào nhu cầu xây dựng của người dân.
Nguyên nhân tăng so với quí cùng kỳ năm trước chủ yếu do yếu tố trượt giá, ngoài ra nhiều công trình có giá trị cao được khởi công từ năm trước, đến nay đang trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành.
VI. HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI, GIÁ CẢ VÀ TÌNH HÌNH KINH DOANH DU LỊCH, KHÁCH SẠN, NHÀ HÀNG
Trước sự ảnh hưởng suy thoái kinh tế, cùng với sự biến động phức tạp của giá cả thị trường đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động thương mại trên địa bàn trong quí đầu của năm. Nhưng nhìn chung các đơn vị kinh doanh đã đảm bảo nguồn hàng, phụ vụ tốt cho mọi đối tượng, đồng thời từng bước làm tốt công tác xúc tiến thương mại do vậy kết quả kinh doanh các đơn vị được giữ vững.
Tình hình lưu chuyển hàng hoá - dịch vụ
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội quí I đạt 1.713,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 10,8% (chưa tính yếu tố trượt giá). Trong đó, kinh tế Nhà nước đạt 227,4 tỷ đồng; kinh tế Cá thể đạt 1.293,7 tỷ; kinh tế Tư nhân đạt 190,1 tỷ đồng; kinh tế Tập thể đạt 2,34 tỷ đồng. Chia theo ngành kinh tế, thương nghiệp đạt1.538,7 tỷ đồng, chiếm 90% tổng mức; khách sạn- nhà hàng đạt 137,7 tỷ đồng, chiếm 8% và dịch vụ đạt 37,19 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2% tổng mức.
Trong quí, hoạt động kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, phục vụ tốt nhu cầu du lịch về cội nguồn trong chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam năm 2009” và các lễ hội khác trên địa bàn tỉnh. Dự ước tổng doanh thu hoạt động khách sạn quí I đạt 11,5 tỷ đồng, với 50.874 lượt khách đến các khách sạn ăn, nghỉ với 53.904 ngày khách. Hoạt động nhà hàng đạt 111,8 tỷ đồng. Riêng tháng 3, tổng doanh thu hoạt động khách sạn của các doanh nghiệp ước đạt 3,9 tỷ đồng, tăng 5,4% so với tháng trước, có 17.120 lượt khách đến ăn nghỉ tại các khách sạn với 18.126 ngày khách. So với tháng trước lượt khách tăng 1,4%, ngày khách tăng 1,7%. Hoạt động nhà hàng đạt 37,5 tỷ đồng, so tháng trước tăng 1%.
VII. TÌNH HÌNH XÃ HỘI, MÔI TRƯỜNG VÀ CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG
Quý I/2009 tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục gặp khó khăn, tuy nhiên các giải pháp và nhiệm vụ đưa ra là giữ giá cả ổn định. Tình hình xã hội và môi trường, đời sống dân cư tiếp tục được đảm bảo ổn định, an ninh chính trị được giữ vững.
Giá cả thị trường
Tháng 3/2009 giá các mặt hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 so với tháng 2 là 100,07% (tăng 0,07%). Sau 3 tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,12% (thành thị +0,05% nông thôn +0,08%).
Lương thực, chỉ số tăng so tháng trước 0,41%, nhóm thóc, gạo +0,37%; nhóm bột mỳ ngũ cốc +3,97%; nhóm lương thực chế biến +0,36%;... Tuy là tháng giáp hạt, nhưng do nguồn lương thực dồi dào nên giá lương thực trong tháng chỉ tăng nhẹ.
Thực phẩm, chỉ số giảm 1,93% so tháng trước, nhóm thịt gia súc tươi sống -1,47%; nhóm thịt gia cầm +1,17%; thực phẩm chế biến +2,79%; trứng các loại giảm 7,46%; thuỷ sản tươi sống -3,08%; riêng nhóm rau tươi giá tiếp tục giảm so tháng trước -12,53%. Nguyên nhân giá một số mặt hàng thực phẩm giảm là do tháng sau Tết nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, người lao động phải thắt chặt chi tiêu do đã phải chi dùng một khoản lớn cho Tết Nguyên đán; riêng nhóm rau tươi giảm là do trong năm các đợt mưa kéo dài khiến diện tích rau bị ngập, úng đã làm cho giá tăng vọt, sau đó là hiện tượng rau thừa, nhiều hộ gia đình bỏ mặc mà không có người mua, giá giảm.
Nhóm hàng phi lương thực- thực phẩm, chỉ số tăng so tháng trước +0,62%. Trong đó, nhóm nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng +1,90%, riêng vật liệu xây dựng giảm 0,32%, điện sinh hoạt +8,37%, gas và chất đốt khác -1,07; nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình +0,46%; nhóm giao thông, bưu chính viễn thông + 0,48%; hàng hoá và dịch vụ khác +2,0% chủ yếu tăng ở các nhóm dịch vụ về hiếu, hỉ.
Giá vàng trong tháng tiếp tục tăng do ảnh hưởng của giá vàng thế giới, chỉ số so tháng trước tăng cao (+6,4%), giá bán bình quân trong tháng 1.932.500 đ/chỉ. Vàng 99,99% bán ra tại cửa hàng tư nhân thành phố Việt Trì ngày 16/03/2009 là 1.940.000 đ/chỉ.
Giá Đô la Mỹ tăng 0,47% so tháng trước, giá bán bình quân trong tháng 17.680 đ/USD. Giá Đô la Mỹ bán ra tại cửa hàng tư nhân Việt Trì ngày 16/03/2009 là 17.700 đ/USD.
Giáo dục, đào tạo
Giáo dục mầm non, toàn tỉnh có 303 trường Mẫu giáo- Mầm non, trong đó có 244 trường mầm non bán công, 27 trường mầm non công lập, 3 trường mầm non dân lập, 9 trường mầm non tư thục và 20 trường mẫu giáo bán công, với 507 nhóm trẻ, 2.039 lớp mẫu giáo. Số trẻ em đi nhà trẻ 5.774 em; số học sinh mẫu giáo là 49.368 em, trong tổng số em đi nhà trẻ, mẫu giáo có 235 em học sinh hoà nhập.
Giáo dục phổ thông
Giáo dục tiểu học, toàn tỉnh có 300 tr­ường tiểu học tăng 4 trường so với năm học 2007-2008, với 4.225 lớp và 90.302 học sinh; trong đó số học sinh tuyển mới vào lớp 1 là 17.898 em. Các loại hình lớp hoà nhập, lớp linh hoạt, lớp ghép, lớp bán trú, lớp học 2 buổi/ngày vẫn đ­ược tiếp tục duy trì và chú trọng về chất lượng. Số trư­ờng tổ chức học 2 buổi/ngày và 5 buổi/tuần ngày một tăng, kết quả học tập của các lớp này đã được nâng lên rõ rệt và đ­ược các bậc phụ huynh đồng tình hưởng ứng. Học kỳ I có thêm 16 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đưa số trường tiểu học toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia là 150 trường.
Giáo dục Trung học cơ sở, có 250 trường; trong đó có 249 trường công lập và 1 trường dân lập, với 2.730 lớp và 84.415 học sinh; trong đó số học sinh được tuyển mới vào lớp 6 là 19.100 em, hệ trung học cơ sở có 706 học sinh học lớp hoà nhập, với 5.836 giáo viên trực tiếp giảng dạy. Công tác bồi dư­ỡng giáo viên về chuyên môn, năng lực sư phạm, phẩm chất đạo đức, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tiếp tục được khuyến khích động viên đi học hoặc tự học để nâng cao trình độ.
Giáo dục trung học phổ thông, toàn tỉnh có 54 trường trung học phổ thông tăng 1 trường so với năm học trước, với 1.020 lớp và 46.900 học sinh, trong đó có 34 trường ngoài công lập, 6 trường dân lập và 4 trường tư thục. Số học sinh tuyển mới vào lớp 10 (cả công lập và ngoài công lập) là 17.099 học sinh. Số lượng giáo viên ở các cấp học cơ bản đã đủ, tuy nhiên về cơ cấu bộ môn vẫn còn bất cập, đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng theo chương trình sách giáo khoa mới, do vậy ngành giáo dục đã mở các lớp tập huấn thay sách cho giáo viên, đặc biệt chú trọng phương pháp giảng dạy.
Về đào tạo
Toàn tỉnh có 1 trường Đại học, 9 trường Cao đẳng, 6 trường THCN và trung cấp nghề, ngoài ra còn một số cơ sở dạy nghề, một số trường cao đẳng đang phấn đấu trong thời gian tới trở thành trường đại học. Từ kết quả đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong những năm qua của tỉnh, đến nay tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật so với lao động trong độ tuổi có khả năng lao động đã tăng lên đáng kể. Hàng năm có khoảng hơn 200 người tốt nghiệp đại học, hơn 1550 người tốt nghiệp các trường cao đẳng (không kể cao đẳng nghề), gần 6.500 người tốt nghiệp các trường THCN, ngoài ra còn một lượng lớn lao động được đào tạo tay nghề ngắn hạn, dài hạn.
Y tế và chăm sóc sức khoẻ
Công tác tiêm chủng mở rộng, tiếp tục được ngành Y tế chủ động phối hợp với các ngành, các cấp triển khai đồng bộ và hiệu quả ở 275 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thị, thành đối với 6 bệnh truyền nhiễm ở trẻ dưới 1 tuổi. Trung tâm y tế dự phòng đã cung ứng đầy đủ vacxin và các phương tiện phục vụ tiêm chủng mở rộng tại các trung tâm y tế, các điểm tiêm phòng phục vụ nhân dân đúng lịch qui định.
Công tác phòng chống sốt rét, trung tâm dịch tễ đã tăng cường khám, phát hiện bệnh nhân sốt rét ở 1 số huyện trọng điểm trong toàn tỉnh. Tổng số bệnh nhân sốt rét và được điều trị 298 người; điều trị dự phòng cho 250 trường hợp. Trong 2 tháng đầu năm, tình hình sốt rét ổn định, không có dịch bệnh .
Công tác phòng dịch, tiếp tục được coi trọng, chủ động phòng chống dịch, không để những vụ dịch lớn xẩy ra, hạn chế tới mức thấp nhất trường hợp tử vong do dịch. Trong kỳ, có 765 người mắc tiêu chảy, 3 người mắc viêm gan Virus; 63 người mắc bệnh thuỷ đậu, 3.213 người mắc hội chứng cúm; 220 người mắc hội chứng lỵ. Từ đầu tháng 2/2009 đến ngày 6/3/2009 đã có 105 ca mắc bệnh sốt phát ban dạng sởi. Hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh lây nhiễm được đẩy mạnh giúp người dân biết cách tự phòng bệnh cho bản thân cũng như cộng đồng.
Công tác phòng chống HIV/AIDS, thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền về thay đổi hành vi, hoạt động tư vấn xét nghiệm, quản lý và chăm sóc người bệnh, tư vấn và xét nghiệm tự nguyện tại các cơ sở y tế được đẩy mạnh. Tính đến ngày 31/2/2009 tổng số người mắc HIV là 2.114 người, phát hiện trong kỳ 26 người, bệnh nhân AIDS là 583 người phát hiện trong kỳ 12 người, tổng số bệnh nhân chết do AIDS là 331 người, chết trong kỳ 2 người.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục được đẩy mạnh. Ngay từ đầu năm trung tâm y tế dự phòng tỉnh phối hợp với các địa phương thực hiện kiểm tra giám sát các hoạt động sản xuất, chế biến, lưu thông hàng hoá thực phẩm trên toàn tỉnh. Tính đến hết tháng 2, đã tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm 800 cơ sở, trong đó có 744 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Công tác bảo vệ bà mẹ trẻ em, được phối kết hợp giữa các ngành, đoàn thể và các địa phương trong chỉ đạo triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, phòng chống các bệnh nhiễm trùng đường sinh sản và các lây qua đường tình dục. Tăng cường công tác quản lý và chăm sóc phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15 - 49, nhất là khâu thăm khám, chăm sóc trước và sau khi sinh.
Công tác khám, chữa bệnh, thực hiện các chỉ thị về khám chữa bệnh, quản lý thuốc an toàn hợp lý và tiết kiệm, tăng cường y đức ngành y, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ và chất lượng chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế và học tập lại các quy chế về bệnh viện. Tổ chức hoạt động khám chữa bệnh tại các tuyến, tiếp tục chỉ đạo tốt các cơ sở khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là người nghèo, trẻ em và các đối tượng chính sách xã hội.
Hoạt động văn hoá, thông tin
Hoạt động văn hoá nghệ thuật: Công tác tuyên truyền về chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, luôn bám sát định hướng và tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, chính xác các sự kiện chính trị nổi bật trong tỉnh và chào mừng các ngày lễ lớn như: tuyên truyền mừng xuân Kỷ Sửu 2009, mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển, các hoạt động trong chương trình "Du lịch về cội nguồn”.
Việc chiếu phim phục vụ bà con được làm thường xuyên, trong kỳ đã thực hiện 198 buổi chiếu phim, doanh thu đạt 58 triệu đồng, phục vụ 31.900 lượt người xem, phần lớn phục vụ nhiệm vụ chính trị, lồng ghép tuyên truyền nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh, công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phòng chống các tệ nạn xã hội; Hệ thống Thư viện từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và hoạt động có hiệu quả; Hoạt động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", lồng ghép các hoạt động vui chơi giải trí trong từng thôn, bản, khu dân cư.
Công tác quản lý văn hoá: Trong 2 tháng đầu năm được duy trì và đẩy mạnh. Công tác thanh tra văn hoá được hoạt động tích cực. Tổ chức kiểm tra thị trường sách các loại - văn hoá phẩm, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp kinh doanh các loại lịch tờ, lịch bóc trái phép; hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức lễ hội truyền thống tại các địa phương theo đúng qui chế; không để tình trạng lợi dụng tự do tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan và các hoạt động tôn giáo trái pháp luật khác. Trong 2 tháng đầu năm ngành Văn hoá cấp 11 giấy phép hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, trong đó có 2 giấy phép biểu diễn, 8 giấy phép quảng cáo.
Phát thanh truyền hình, luôn bám sát định hướng, tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến bạn xem truyền hình, cập nhật và phản ánh thông tin kịp thời, chính xác. Đặc biệt phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, đài tiếng nói Việt Nam tuyên truyền sâu đậm chương trình "Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam 2009", từng bước thay đổi qui trình sản xuất chương trình theo hướng hiện đại, chất lượng cao. Các chương trình Phát thanh - Truyền hình có nội dung sát thực, hấp dẫn phản ánh đầy đủ các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động thể dục thể thao
Hoạt động thể dục thể thao quần chúng được các đơn vị duy trì tổ chức. Trong quí, hội thao mừng Đảng, mừng xuân truyền thống kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam và 55 năm ngày thành lập Đảng uỷ khối cơ quan dân chính Đảng tỉnh được tổ chức. Đây thực sự là ngày hội thể thao của các cán bộ, đảng viên khối cơ quan Dân chính Đảng tỉnh. Phong trào thể dục, thể thao trong trư­ờng học đ­ược đẩy mạnh. Công tác giáo dục thể chất và phong trào thể dục thể thao trong tr­ường học có hướng phát triển tốt, góp phần nâng cao chất l­ượng giáo dục toàn diện. Phong trào tập luyện thể thao trong cán bộ viên chức, lao động, trong nông thôn tiếp tục đư­ợc duy trì.
Thể thao thành tích cao, tiếp tục được duy trì tập luyện để chuẩn bị tham gia thi đấu các giải cúp, vô địch toàn quốc, tham gia tập huấn đội tuyển quốc gia để chuẩn bị thi đấu đại hội TDTT Đông Nam á. Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng về tập luyện và chế độ sinh hoạt cho huấn luyện viên và vận động viên, mở các lớp năng khiếu, đào tạo huấn luyện vận động viên đ­ược quan tâm.
Tình hình đời sống dân cư
Trong dịp Tết Kỷ Sửu, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc Đảng, Nhà nước cùng các cấp các ngành đã đi thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, già cả, neo đơn, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các trung tâm trại trẻ mồ côi... Tổng số đã tặng và hỗ trợ được 132.555 xuất quà với số tiền 35.059.983 ngàn đồng. Trong đó: của Trung ương 86.452 xuất với số tiền 30.904.011 ngàn đồng, của tỉnh 7.932 xuất với số tiền 1.412.665 ngàn đồng, của huyện 7.525 xuất với số tiền 1.221.004 ngàn đồng và của xã, phường, thị trấn 30.646 xuất với số tiền 1.522.303 ngàn đồng. Các cấp, các ngành tiếp tục vận động gây quỹ xây dựng nhà ở cho các công nhân, người lao động có thu nhập thấp, các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Công tác chăm lo đời sống công nhân viên chức lao động, hầu hết được các cơ quan, doanh nghiệp chăm lo. Dịp Tết Kỷ Sửu đều chăm lo Tết và trả hết lương tháng 12/2008 cho người lao động. Khối cơ quan hành chính sự nghiệp thưởng từ 500.000 - 2.000.000 đồng/người; khối doanh nghiệp thưởng theo kết quả sản phẩm, mức thưởng cao nhất 2 triệu đồng, một số đơn vị tặng quà Tết cho người lao động.
Về an ninh trật tự, an toàn xã hội
Trật tự an toàn xã hội ngày càng được đảm bảo, tuy nhiên tai nạn giao thông vẫn xảy ra. Tính đến ngày 10/3/2009 lực lượng CSGT đường bộ phát hiện xử lý 15.032 trường hợp vi phạm, phạt tiền 3 tỷ 748 triệu đồng, tạm giữ 67 xe ô tô, 2.296 mô tô, 1.547 giấy tờ xe các loại, tước giấy phép lái xe 375 trường hợp. Lực lượng CSGT đường thủy phát hiện 609 trường hợp vi phạm, phạt tiền 196.550.000 VNĐ. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán (từ 22-29/01/2009) đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 7 người chết, 9 người bị thương; nạn trộm cắp, cờ bạc, tiêm chích ma tuý, mại dâm còn xuất hiện nhiều nơi, dẫn tới sự mất ổn định về an ninh chính trị.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ

    Tổng số lượt xem: 1415
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)