Trước sức ép ngày càng gia tăng từ sự suy giảm kinh tế, các doanh nghiệp Thái Lan đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là khi các thị trường như Việt Nam được đánh giá là có lợi thế về nhân công giá rẻ và là bàn đạp để tiếp cận các thị trường rộng lớn khác.
Số liệu của Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết nước này hiện đứng thứ 11 trong danh sách các nhà đầu tư thế giới rót vốn vào Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các nhà đầu tư thuộc Hiệp hội các Nước Đông Nam Á (ASEAN).
Nhiều dự án đầu tư nước ngoài, trong đó có các dự án liên doanh của Thái Lan, đang được triển khai thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Ngoài ra, Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu cũng là các địa điểm thu hút vốn đầu tư của Thái Lan, tập trung vào các ngành như lữ hành và khách sạn, hóa phẩm nông nghiệp, thức ăn gia súc, chế tạo xe máy và các sản phẩm nhựa.
Công ty xi măng Siam Cement và Tập đoàn Charoen Pokphand nằm trong số các nhà đầu tư dài hạn của Thái Lan đã đặt cơ sở sản xuất tại Bình Dương, nơi có lực lượng lao động trẻ với giá thành rẻ hơn thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Theo tờ "Bưu điện Bangkok", bên cạnh việc đơn giản hóa các thủ tục và quy định về đầu tư cũng như quy chế tín dụng, Bình Dương còn có kế hoạch xây dựng một thành phố mới tại Thủ Dầu Một và mở rộng các khu kinh tế và công nghiệp trong tỉnh để thu hút thêm vốn đầu tư.
Đây có thể phát triển thành một cơ sở xuất khẩu mà từ đó các công ty Thái Lan không những có thể khai thác thị trường tiêu thụ khoảng 85 triệu dân mà còn vươn tới cả thị trường Trung Quốc.
Các công ty và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan cũng đang có nhiều cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam hơn, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đang tích cực mở cửa thị trường trong nước cho giới đầu tư nước ngoài./.