Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/07/2009-16:19:00 PM
Hệ thống mua sắm chính phủ điện tử: Vì sao mô hình đấu thầu của Hàn Quốc được chọn?
Cục Quản lý Đấu thầu (QLĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tiến hành khảo sát và nghiên cứu về đấu thầu qua mạng từ năm 2004 thông qua nhiều hoạt động cụ thể như: cử cán bộ tham dự các hội thảo, diễn đàn quốc tế về đấu thầu điện tử; tổ chức các đoàn nghiên cứu và khảo sát về đấu thầu qua mạng tại nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Singapore, Thái Lan, Philippines, Úc, Trung Quốc…; tổ chức các hội thảo quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm triển khai đấu thầu qua mạng.

Thông tin từ các hoạt động nghiên cứu cho thấy: đấu thầu điện tử là xu hướng tiến bộ để cải cách hệ thống đấu thầu của một quốc gia, giúp nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu. Theo thống kê của Hàn Quốc, hàng năm quốc gia này tiết kiệm được 4,5 tỷ Won (tương đương với 3,2 tỷ USD) chi phí giao dịch thông qua đấu thầu điện tử. Trong số các quốc gia đã triển khai đấu thầu qua mạng, nhiều nước đã thành công và gặt hái được thành tựu đáng kể như Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Úc …. Tuy nhiên, cũng có những nước đã phải tuyên bố thất bại do hệ thống được xây dựng không phù hợp với yêu cầu của người sử dụng như Niu-Di-Lân.

Mô hình đấu thầu qua mạng của Hàn Quốc (KONEPS) được đánh giá là đầy đủ và thành công nhất thế giới với nhiều ghi nhận của các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc (UN), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng châu Á (ADB)… Minh chứng là năm 2003, KONEPS nhận giải thưởng cao nhất về dịch vụ công do UN bình chọn. Năm 2004, OECD trao giải Nhà cung cấp dịch vụ chính phủ điện tử tốt nhất cho KONEPS; năm 2006 là giải thưởng xuất sắc về công nghệ thông tin toàn cầu dành cho lĩnh vực công tại Hội nghị Công nghệ thông tin thế giới lần thứ 15. Trên cơ sở tiếp thu những thông tin về kinh nghiệm thành công cũng như thất bại này, việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ của hệ thống đã thành công như KONEPS là lựa chọn mang tính khả thi cao trong thời điểm hiện nay.

Lý do lựa chọn nhà tài trợ

Dự án có mục tiêu là xây dựng hệ thống đấu thầu lõi (e-bidding) và vận hành thử nghiệm, là giai đoạn đầu của quá trình phát triển hệ thống toàn diện. Đây cũng là bước quyết định để có được hệ thống đấu thầu qua mạng hiệu quả ở Việt Nam. Do đây là dự án chuyển giao công nghệ mang tính thử nghiệm nên Cục QLĐT đã tiếp cận với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) - đơn vị cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc, để tìm kiếm nguồn tài trợ.

Tháng 6/2007, KOICA đã sơ bộ thống nhất chủ trương cấp vốn để thực hiện dự án này. Từ tháng 7/2007 đến tháng 5/2008, KOICA đã chính thức làm việc với Cục QLĐT để xây dựng Biên bản ghi nhớ của Dự án. Ngày 20/6/2008, đại diện Cục QLĐT (vào thời điểm đó là Vụ QLĐT) và KOICA đã ký kết Biên bản ghi nhớ phân định rõ trách nhiệm của phía Hàn Quốc và phía Việt Nam trong việc thực hiện Dự án. Theo quy định của nhà tài trợ, nguồn vốn của KOICA sử dụng cho Dự án do chính KOICA quản lý. Phía Việt Nam có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhà thầu chính (Project Management Company - PMC) do KOICA lựa chọn để thực hiện Dự án. Sau quá trình đấu thầu rộng rãi chọn PMC tại Hàn Quốc, KOICA đã chọn Công ty Sam Sung SDS (SDS) là nhà thầu chính của Dự án. Theo đó, SDS sẽ thực hiện các phần công việc như: cung cấp phần cứng, phần mềm, triển khai Việt hóa phần mềm, đào tạo trong quá trình triển khai (chuyển giao công nghệ), đào tạo sử dụng, tư vấn về pháp lý. Để trợ giúp trong quá trình triển khai tại Việt Nam, PMC lựa chọn Trung tâm Công nghệ Thông tin thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN-IT) là nhà thầu phụ phối hợp với mình trong các công việc nêu trên.

Trong suốt thời gian của Dự án (từ 2009 - 2011), nhà thầu chính và nhà thầu phụ sẽ cử hơn 200 chuyên gia về công nghệ thông tin tham gia tư vấn và phát triển hệ thống. Về phía Bộ KH&ĐT, Bộ sẽ tiếp nhận và chịu trách nhiệm đối với các phần công việc còn lại như: tiếp nhận và lắp đặt phần cứng, bố trí đội ngũ chuyên viên để cùng làm việc với chuyên gia Hàn Quốc, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và đề xuất ban hành những quy định liên quan đến việc thực hiện đấu thầu qua mạng, thực hiện thử nghiệm hệ thống mạng. Sau hơn 6 tháng triển khai, Dự án đang khẩn trương hoàn thiện những khâu cuối cùng của giai đoạn thiết kế. Lúc này, các kỹ sư công nghệ thông tin của cả Việt Nam và Hàn Quốc vẫn đang miệt mài làm việc ngày đêm để có thể chính thức vận hành hệ thống vào cuối tháng 7 này. Cổng thông tin mua sắm chính phủ điện tử thử nghiệm có thể truy cập tại địa chỉ https://muasamcong.mpi.gov.vn/ hoặc https://publicprocurement.mpi.gov.vn./.


Cục Quản lý đấu thầu

    Tổng số lượt xem: 2740
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)