Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/07/2009-15:19:00 PM
Gói kích cầu đang tác động tích cực lên kinh tế Việt Nam
Tai Hui - Nhà nghiên cứu kinh tế khu vực Đông Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered tại Xin-ga-po vừa đưa ra đánh giá về tình hình kinh tế của Việt Nam. Dưới góc nhìn của một chuyên gia phân tích kinh tế, ông Tai Hui cho rằng:
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng, dù chỉ 3,9% trong nửa đầu năm 2009, cũng là một dấu hiệu tích cực.
Trong năm nay, những ngành phát triển hơn ở Việt Nam gồm xây dựng, vận tải, truyền thông và thị trường bán lẻ, bán buôn... Điều này phù hợp với quan điểm của chúng tôi rằng gói kích cầu tài chính của Chính phủ Việt Nam đang có những tác động khả quan lên nền kinh tế. Năm 2009 là năm đầy thử thách đối với nền kinh tế trong nước và khu vực, nhưng chúng tôi vẫn giữ vững quan điểm về triển vọng phát triển trung hạn đối với thị trường Việt Nam.
Theo dự báo của Liên hợp quốc, dân số Việt Nam sẽ tăng từ 85 triệu lên 110 triệu người vào năm 2035 và 2/3 trong số đó sẽ đóng vai trò thúc đẩy kinh tế. Đây sẽ là nguồn nhân lực dồi dào cho ngành sản xuất và tiêu dùng trong nước. Nhìn vào các con số tăng trưởng thực tế ở các nước châu Á, sức mua của Việt Nam sẽ tăng lên gấp đôi trong vòng 6 đến 7 năm tới. Thêm vào đó, việc Trung Quốc gia tăng giá trị dây chuyền sản xuất có nghĩa là các doanh nghiệp quốc tế sẽ ngày càng phải tìm cho mình một cơ sở sản xuất thứ hai. Việt Nam, với một nền chính trị ổn định và chi phí sản xuất thấp, luôn được coi là lựa chọn tốt cho các doanh nghiệp châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, trở ngại lớn mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới là hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Với thực trạng cơ sở hạ tầng hiện nay, Việt Nam khó có thể đáp ứng được tốc độ phát triển nhanh và nhu cầu ngày càng gia tăng về quản lý chuỗi kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Hiện nay, vị thế cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn là mối quan tâm của các nhà đầu tư. Việc thiếu các thông tin cập nhật vẫn là một vấn đề cần lưu ý. Ngân hàng Nhà nước cho rằng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở vào khoảng 20 tỷ USD, tương đương với giá trị kim ngạch nhập khẩu của 4 tháng là tương đối thấp so với trong khu vực. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Việt Nam trong nửa đầu năm 2009 ở mức 2,1 tỷ USD, cải thiện hơn nhiều so với con số 14,2 tỷ USD của nửa đầu năm 2008. Cùng với việc hạ giá hàng hóa và giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam tại Dung Quất đã giúp giảm bớt kim ngạch nhập khẩu dầu tinh, một hạng mục đóng góp đáng kể khi năm 2008 thâm hụt thương mại là khá cao. Trong khi đó, lượng kiều hối và dòng vốn FDI cũng sụt giảm do sự suy yếu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chúng tôi dự đoán tình hình kinh tế như hiện nay sẽ còn kéo dài từ nay đến cuối năm và thâm hụt thương mại vẫn tiếp tục diễn ra nhưng ở một mức độ cho phép.
Hiện tại, Việt Nam đang thực thi nhiều chính sách tài chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như: giãn thu thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng và dành ngân sách của Chính phủ cho các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng... Với những biện pháp này, ngân sách của Chính phủ sẽ thâm hụt khoảng 10% của GDP trong năm 2009. Nhưng đó là những tín hiệu tích cực giúp thúc đẩy triển vọng phát triển trung hạn đối với thị trường Việt Nam.
Thanh Hải
Báo Hà Nội mới điện tử

    Tổng số lượt xem: 1295
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)