Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/07/2009-16:03:00 PM
Xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh, ý nghĩa quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ xem xét báo cáo đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra vào trung tuần tháng 7/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này đã được Đảng và Nhà nước thống nhất về chủ trương, Dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng chỉ đạo cần xây dựng và phê duyệt Dự án cho toàn tuyến, trên cơ sở đó vận động thu hút vốn để triển khai thực hiện. Nếu có đủ điều kiện về nguồn lực cho toàn bộ Dự án thì triển khai đồng loạt trên toàn tuyến, nếu chưa đủ thì thống nhất với các Nhà tài trợ để triển khai từng đoạn tuyến, trong đó ưu tiên các đoạn Hà Nội - Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh - Phan Thiết, Đà Nẵng - Huế. Tuy nhiên, báo cáo đầu tư cần bổ sung, làm rõ nội dung định hướng quy hoạch hình thành các khu đô thị, cụm công nghiệp mới dọc tuyến đường sắt cao tốc.
Theo kế hoạch, kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng từ nguồn thu quỹ đất trên cơ sở hình thành các khu đô thị, cụm công nghiệp dọc tuyến. Kinh phí xây dựng nhà ga, hệ thống thông tin tín hiệu, đầu tư phương tiện vận tải được đầu tư theo hướng xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp từ các thành phần kinh tế thamgia đầu tư. Doanh nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn vay, Chính phủ có phương án bảo lãnh vốn vay.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian tới, chỉ đạo Chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện nội dung của Báo cáo đầu tư Dự án để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước trong tháng 8/ 2009; đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư để kêu gọi các Nhà tài trợ, các Nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư Dự án.
Trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương xem xét để trình Quốc hội vào tháng 5/ 2010./.

Thông tin tham khảo: Theo lộ trình, đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.570 km, tàu chạy với vận tốc 300km/h, sẽ được đưa vào khai thác sau năm 2036. Xét về mặt kinh tế, tuyến đường sắt này có thế mạnh vượt trội trong cự ly vận tải 300-500 km so với vận tải hàng không và đường bộ.
Dự kiến, khi đi vào hoạt động, đường sắt cao tốc Bắc- Nam sẽ tiết kiệm chi phí khai thác phương tiện lên tới 57%, chi phí thời gian đi lại giảm 17% và giảm 20% tai nạn giao thông đường bộ, góp phần cải tạo đường sắt thông thường từ 60 km/h lên 100 km/h. Đồng thời dự án này sẽ thúc đẩy phát triển đô thị dọc đường sắt cao tốc. (Theo Web Bộ GTVT).

Ngọc Hà
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1300
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)