Báo cáo số 978/KHĐT-TH ngày 29/8/2008 của Sở KHĐT Quảng Bình về tình hình kinh tế tháng 8 năm 2008.
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Do ảnh hưởng rét đậm, rét hại đầu năm, nhiều diện tích lúa Đông Xuân phải gieo cấy lại nên đến ngày 10/8, diện tích lúa đã trổ bông chỉ đạt 20%, đến cuối tháng 9 mới trổ đại trà. Lúa Hè Thu tái sinh ở các địa phương đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Diện tích đã gặt 50%. Dự ước năng suất lúa tái sinh đạt 25 tạ/ha, tăng 2,7 tạ/ha so với năm trước.
Ước tính đến tháng 8, tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm vụ Hè Thu (kể cả lúa mùa) toàn tỉnh thực hiện 28.556 ha, bằng 99,6% so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng chia theo các nhóm cây như sau: Cây lương thực 23.063 ha, tăng 0,2%; cây chất bột có củ 833 ha, bằng 98,9%; rau, đậu các loại 3.005 ha, bằng 97,6%; cây công nghiệp 754 ha, bằng 90,2%; cây hàng năm khác 900 ha, tăng 0,6% so với cùng kỳ.
- Cây lúa: diện tích thực hiện 22.889 ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Trong đó: lúa Hè Thu chính vụ thực hiện 16.069 ha, giảm 4,3%. Hiện nay, công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện khá tốt nên đến thời điểm này chưa để xảy ra vụ dịch nghiêm trọng nào đối với cây trồng. Tuy nhiên, ở một số địa phương xuất hiện sâu đục thân và chuột phá. Đến ngày 10/8, diện tích lúa Hè Thu bị sâu bệnh là 1.168 ha, diện tích bị chuột phá 533 ha.
- Cây cao su: Mặc dù đầu năm rét đậm kéo dài nên vào vụ khai thác muộn hơn các năm nhưng sản lượng mủ cao su khai thác trong tháng tăng khá so cùng kỳ. Nguyên nhân do thời tiết tương đối thuận lợi, thị trường tiêu thụ ổn định, nhu cầu lớn nên các đơn vị quốc doanh và hộ gia đình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ khai thác mủ cao su. Dự kiến sản lượng mủ cao su khai thác trong tháng 8 là 470 tấn, sản lượng trong 8 tháng là 2.481 tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ và đạt 68,9% KH.
b. Chăn nuôi
Bước sang quý 2, tình hình chăn nuôi đang dần ổn định trở lại, nhưng tình hình dịch bệnh tai xanh lợn đang bùng phát ở nhiều địa phương ở các tỉnh lân cận có thể ảnh hưởng đến tốc độ phát triển đàn lợn trong thời gian tới. Để ngăn chặn dịch bệnh gia súc, ngày 13/8/2008, tỉnh đã ra quyết định công bố vùng bị dịch lợn tai xanh uy hiếp và vùng đệm để có phương án phòng chống thích hợp. Công tác thú y được các ngành, các địa phương quan tâm, chỉ đạo, giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là tập trung chỉ đạo chặt chẽ công tác giết mổ, thu mua, vận chuyển gia súc từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh trên Quốc lộ 1A.
Kết quả tiêm phòng vacxin 7 tháng đầu năm 2008 như sau: Vacxin tụ huyết trùng trâu bò 73.059 liều, đạt 50,7% KH; Vacxin lở mồm long móng trâu bò 87.393 liều, đạt 48,6% kế hoạch (KH); Vacxin dịch tả lợn 83.725 liều, đạt 54,7%KH; Vacxin dại chó 34.000 liều, đạt 113,3%KH; Vacxin Ung khí thán trâu bò 3.000 liều, đạt 30% kế hoạch; Vacxin cúm gia cầm 966.800 liều, đạt 66,3% KH.
2. Lâm nghiệp
Điều kiện thời tiết thuận lợi, các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh công tác khai thác gỗ và lâm sản theo kế hoạch. Công tác trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng đã được quan tâm chú trọng nên vốn rừng ngày càng được duy trì và phát triển.
- Khai thác lâm sản: Dự ước, sản lượng gỗ tròn khai thác ở khu vực quốc doanh tháng 8 là 2.050m3, 8 tháng là 9.006m3, tăng 33,7% so với cùng kỳ và đạt 90,1% kế hoạch. Sản lượng nhựa thông thực hiện 410 tấn, 8 tháng thực hiện 2.008 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ và đạt 64,8% so với kế hoạch. Sản lượng song mây khai thác dự kiến tháng 8 là 85 tấn, 8 tháng là 442 tấn, bằng 69,7% so với cùng kỳ và đạt 49,1% kế hoạch.
- Công tác lâm sinh: trong những tháng đầu năm chủ yếu tập trung vào chăm sóc rừng trồng và chuẩn bị mặt bằng, giống cho trồng rừng tập trung theo kế hoạch. Dự kiến tháng 8 diện tích rừng trồng được chăm sóc là 320 ha, 8 tháng là 11.711 ha, tăng 0,6% so với cùng kỳ và đạt 92,4% KH. Diện tích được chăm sóc chủ yếu là rừng thông, chàm, keo...
Công tác bảo vệ vốn rừng được các cấp, các ngành quan tâm. Công tác phòng chống cháy rừng được triển khai đến tận cơ sở, đã chú trọng đến tuyên truyền, giáo dục ý thức về phòng chống cháy rừng, trên địa bàn toàn tỉnh nên số vụ cháy và diện tích bị cháy ít hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do sự thiếu ý thức của một số người dân nên rải rác một số nơi vẫn xảy ra cháy rừng. Tính từ đầu năm đến ngày 10/8, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 vụ cháy rừng, diện tích bị cháy là 16,6 ha. Cụ thể ở huyện Lệ Thuỷ cháy 4 vụ, diện tích bị cháy là 10,6 ha; huyện Quảng Trạch 3 vụ cháy, diện tích bị cháy là 6 ha.
Trong tháng 8, việc vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép có chiều hướng tăng so với tháng trước với tổng số vụ vi phạm trong tháng là 105 vụ, tính chung 8 tháng đầu năm 651 vụ, với 580 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; 53 vụ khai thác và phá rừng trái phép và 18 vụ vi phạm bảo vệ động vật hoang dã. Tịch thu 1.056,427 m3 gỗ các loại; 1.017 kg gốc, rể, cành, gổ Huê; 2.496 kg động vật hoang dã và 740 con chim. Tổng giá trị tiền phạt 145,04 triệu đồng.
3. Thuỷ sản
Về khai thác thuỷ sản: Dự ước khai thác tháng 8 là 3.826,1 tấn, 8 tháng là 23.832,5 tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ và đạt 79,4%KH. Trong đó: sản lượng khai thác mặn 22.841 tấn, tăng 4,2%; sản lượng khai thác lợ 389,3 tấn, bằng 82,6%; sản lượng khai thác ngọt 602,2 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Về nuôi trồng thuỷ sản: Các địa phương tranh thủ thu hoạch sản phẩm nuôi trồng để tránh mùa mưa bão. Dự ước tháng 8, sản lượng nuôi trồng thu hoạch toàn tỉnh thực hiện 1.317,7 tấn, 8 tháng: 4.000,1 tấn, tăng 17% so với cùng kỳ và đạt 57,1% KH. Sản lượng nuôi trồng thu hoạch chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá các loại. Cụ thể: Cá các loại 2.221,5 tấn, tăng 2,6%; tôm các loại 1.546,7 tấn, tăng 48,8%; thuỷ sản khác 231,9 tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân sản lượng thu hoạch tăng cao là do diện tích cá - lúa được mở rộng; tôm thẻ chân trắng đang thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất nên năng suất đạt cao.
4. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp trong tháng 8 vẫn duy trì được sự ổn định và giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng. Dự ước, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 8 đạt 233,1 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và tăng 2,5% so với tháng trước, 8 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.708 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ, đạt 61% kế hoạch. Trong đó công nghiệp Nhà nước ước đạt 1.052,3 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 61,6% toàn ngành; Công nghiệp ngoài Nhà nước đạt 621,8 tỷ đồng, chiếm 36,41% giá trị sản xuất toàn ngành, tăng 20,1% so với cùng kỳ; Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục giảm sút, chỉ đạt 33,8 tỷ đồng, giảm 17,6% so với cùng kỳ. Phần lớn các sản phẩm chủ yếu đạt kết quả tăng trưởng khá là những sản phẩm được đầu tư mở rộng sản xuất trong những năm qua và một số sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng. Cụ thể: Bia 15.300 nghìn lít, tăng 20,5%; Xi măng và clinke 1.539 nghìn tấn, tăng 88,7%; sản phẩm gạch Ceramic 733 nghìn m2, tăng 11,2%; thanh nhôm định hình tăng 7,6%; đá hộc 1.106 nghìn m3, tăng 14,8%; nước máy 2,26 triệu m3, tăng 7,04%...
Bên cạnh đó vẫn còn một số ngành sản phẩm có mức tăng thấp hoặc giảm sút so với cùng kỳ, như: Thuỷ sản đông lạnh chế biến chỉ đạt 656 tấn, giảm 6,34%; phân NPK, vi sinh 52,3 nghìn tấn, giảm 25% do nguyên liệu đầu vào quá cao. Để góp phần giải quyết khó khăn trong tình hình hiện nay, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp mặt các nhà DN trong tỉnh để nghiên cứu tình hình và chỉ đạo các ngành tháo gỡ khó khăn.
5. Đầu tư xây dựng cơ bản
Trong tháng 8, điều kiện thời tiết thuận lợi nên công tác thi công các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn được đẩy nhanh tiến độ để vượt lũ, đảm bảo theo kế hoạch năm; các công trình trọng điểm của tỉnh như Cầu Quảng Hải, Quốc lộ 12A, Hồ thuỷ lợi Rào Đá, Hồ Sông Thai... tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Công tác cấp phát vốn cũng được quan tâm, những tháng gần đây nguồn vốn cho thực hiện đầu tư xây dựng trên địa bàn khả quan hơn trước. Dự ước vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước quản lý trên địa bàn tháng 8/2008 đạt 93,1 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước. 8 tháng đầu năm, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước quản lý trên địa bàn đạt 627,6 tỷ đồng, đạt 60,7% KH. Trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước đạt 596,2 tỷ đồng, đạt 61,3% so với kế hoạch; vốn vay đạt 6,9 tỷ đồng, đạt 47,6% KH; vốn tự có đạt 6,4 tỷ đồng, đạt 50,4% KH và các nguồn khác thực hiện 18 tỷ đồng, đạt 53,4% KH.
Tuy khối lượng thực hiện đạt khá so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn một số khó khăn chậm được xử lý như: đền bù giải phóng mặt bằng đường Trần Hưng Đạo - Lê Lợi...; việc điều chỉnh đơn giá theo Thông tư 09/TT-BXD của Bộ Xây dựng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án.
6. Thương mại
- Nội thương:
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tháng 8 đạt 534,7 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2008 đạt 3.868,5 tỷ đồng, tăng 38,3% so với cùng kỳ, đạt 72,4% kế hoạch trong đó: kinh tế nhà nước đạt 363,8 tỷ đồng, tăng 11,5%; kinh tế tập thể 2,1 tỷ đồng, tăng 1%; kinh tế cá thể 2.329,3 tỷ đồng, tăng 44,2%; kinh tế tư nhân 1.167,3 tỷ đồng, tăng 38%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6 tỷ đồng, giảm 26,8% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 1,42% so tháng 7/2008, tăng 21,62% so tháng 12/2007, tăng 27,51% so cùng kỳ.
- Hoạt động xuất nhập khẩu:
+ Xuất khẩu: Ước thực hiện xuất khẩu tháng 8 đạt 5 triệu USD, 8 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 41,86 triệu USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ và đạt 76,1% kế hoạch. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc nhóm hàng nông sản chiếm 88,5%, lâm sản chiếm 3,6%, hàng công nghiệp chiếm 5,9% tổng giá trị xuất khẩu. Một số mặt hàng chủ yếu: cao su 8 tháng xuất khẩu 12,8 ngàn tấn với giá trị 37 triệu USD, chiếm 88,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; gỗ các loại 1.103m3, giá trị 1,5 triệu USD, nhựa thông 1.493 tấn, giá trị 1,42 triệu USD...
+ Nhập khẩu: Dự ước kim ngạch nhập khẩu tháng 8 đạt 1,5 triệu USD, tính chung 8 tháng ước đạt 15,2 triệu USD, bằng 99,8% so với cùng kỳ, đạt 66,1% kế hoạch. Hàng hoá nhập khẩu chủ yếu là gỗ tròn với sản lượng nhập 4,02 ngàn m3, trị giá 3,44 triệu USD, chiếm tỷ trọng 22,6% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 98,1% so với cùng kỳ; nhôm nguyên liệu 1.062 tấn, trị giá 2,96 triệu USD và tăng 15,8% so với cùng kỳ.
- Giá cả hàng hoá dịch vụ:
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 1,37% so với tháng 7 và vẫn tiếp tục tăng nhưng mức tăng thấp hơn so với tháng trước, tăng 27,47% so cùng kỳ và tăng 21,59% so với tháng 12 năm 2007. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống có giảm, còn lại các nhóm hàng khác đều tăng dao động từ 1% đến 7,23% so tháng trước, nhất là dịch vụ vận tải do ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu vào cuối tháng 7/2008... Chỉ số giá vàng tháng 8/2008 giảm 3,44% so tháng trước, tăng 15,95% so tháng 12/2007 và so với cùng kỳ tăng 37,87%. Đô la Mỹ tháng 8/2008 giảm 4,9% so với tháng trước, tăng 4,04% so với tháng 12/2007 và so với cùng kỳ tăng 3,86%.
- Du lịch:
Dự ước trong tháng 8, lượng khách du lịch đến Quảng Bình đạt 56,67 ngàn lượt khách, bằng 86,2% so với tháng trước và tăng 27,5% so cùng kỳ; 8 tháng đầu năm là 352,76 ngàn lượt khách, tăng 29,4% so với cùng kỳ. Riêng số khách du lịch đến Phong Nha - Kẻ Bàng ước tháng 8 đạt 44 ngàn lượt, 8 tháng đầu năm có gần 240,88 ngàn lượt khách, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Số lượt khách đến từ các nước như Thái Lan, Pháp, Hà Lan, Canada vẫn duy trì số khách đến đều đặn hàng tháng với số lượng tương đối lớn.
7. Về sắp xếp doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh
Về công tác sắp xếp doanh nghiệp: Đang tiếp tục thực hiện sắp xếp các DNNN theo đề án được Chính phủ phê duyệt và theo Quyết định 342/QĐ-TTg ngày 26/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với Công ty Sông Gianh đã tiến hành mời đơn vị kiểm toán để kiểm toán báo cáo tài chính, Ban đổi mới sắp xếp DN đã tiến hành kiểm tra, xem xét kết quả kiểm toán, trình UBND tỉnh phê duyệt giá trị còn lại của doanh nghiệp. Các đơn vị như Công ty TNHH 1 thành viên Cấp thoát nước Quảng Bình, Công ty TNHH 1 thành viên đường sông Quảng Bình, Xí nghiệp Khai thác vận tải và sản xuất vật liệu xây dựng và Xí nghiệp chế biến lâm sản và Kinh doanh tổng hợp Đồng Hới (trực thuộc Công ty LCN Long Đại); Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Phú Quý (thuộc Công ty Cao su Việt Trung) đang thực hiện các thủ tục để tiến hành cổ phần hoá trong năm 2008 theo đúng tiến độ.
Công tác đăng ký kinh doanh: Tháng 8 cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho 21 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 62,6 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ĐKKD từ đầu năm lên 256 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký: 1.578 tỷ đồng, trong đó có 41 doanh nghiệp tư nhân, 141 Công ty TNHH 2 thành viên, 46 Công ty TNHH 2 thành viên, 28 Công ty cổ phần; thực hiện thu hồi giấy phép ĐKKD 1 doanh nghiệp do giải thể.
8. Tài chính tín dụng
Dự ước thu ngân sách trên địa bàn tháng 8 là 66,696 tỷ đồng, 8 tháng: 561,472 tỷ đồng bằng 73,68% so dự toán địa phương và tăng 17,9% so cùng kỳ. Trong đó thu nội địa đạt: 497,02 tỷ đồng, đạt 72% dự toán địa phương, tăng 16,6% so cùng kỳ; thuế xuất nhập khẩu: 64,453 tỷ đồng, bằng 89,5% dự toán địa phương và bằng 129% so cùng kỳ. Một số khoản thu tăng cao như: thu DN quốc doanh TW tăng 24%, thu doanh nghiệp quốc doanh địa phương tăng 14,2%, thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh tăng 26,5% và một số phí và lệ phí tăng so cùng kỳ...
- Tổng chi ngân sách tháng 8 là 46,749 tỷ đồng, 8 tháng là 1.084,51 tỷ đồng, chi thường xuyên: 775,788 tỷ đồng, đạt 75% so với dự toán địa phương, đạt 151% dự toán TW, tăng 27% so với cùng kỳ; chi XDCB 8 tháng là 308,7 tỷ đồng, bằng 60% so với dự toán địa phương, tăng 30% so cùng kỳ.
- Các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng cường việc quảng bá thương hiệu, tiếp cận khách hàng... nên công tác huy động vốn đạt kết quả tốt hơn. Đến cuối tháng 8, tổng nguồn vốn huy động trên toàn tỉnh ước đạt 3.829 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước. Trong đó: tiền gửi của các tổ chức kinh tế ước đạt 639 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 16,7% tổng nguồn vốn huy động, tăng 0,3% so tháng trước; tiền gửi dân cư đạt 3.190 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 83,3% tổng nguồn vốn, tăng 2,2%, tiền gửi bằng ngoại tệ 737 tỷ đồng, chiếm 19,2% tổng nguồn vốn, tăng 6,4% so tháng trước. Tính đến cuối tháng 8/2008, tổng dư nợ ước đạt 7.628 tỷ đồng, trong đó nợ xấu 214,3 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng dư nợ.
9. Kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư
- Kinh tế đối ngoại:
+ Các dự án ODA:
* Đối với các dự án đang hoạt động: tiếp tục tiến hành theo kế hoạch đề ra, cụ thể: Dự án Giảm nghèo miền Trung, dự án Phân cấp giảm nghèo, dự án Vệ sinh môi trường TP Đồng Hới đang khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục phê duyệt hồ sơ mời thầu, đấu thầu, triển khai nghiệm thu và đưa công trình vào sử dụng cũng như đẩy nhanh tiến độ của các hợp phần khác như nâng cao năng lực thể chế cho các BQL dự án và các tổ chức đoàn thể cấp xã nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA để kịp hoàn thành dự án theo đúng hiệp định.
* Các dự án mới: UBND tỉnh đã chỉ đạo các BQL dự án bố trí cán bộ ngay từ khâu chuẩn bị dự án để nắm bắt được quy trình và nội dung dự án tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện một số hoạt động ban đầu của dự án như mua sắm trang thiết bị, trình phê duyệt kế hoạch công tác và ngân sách của các dự án Bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng đã được UBND tỉnh phê duyệt kết quả đấu thầu dịch vụ tư vấn, dự kiến giữa tháng 9 sẽ khởi động.
* Các dự án đang chuẩn bị như dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn: hiện đã tiến hành thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở đăng ký vốn với nhà tài trợ.
Tỷ lệ giải ngân của các dự án 8 tháng đầu năm là 34,8% kế hoạch năm, trong đó một số dự án có tỷ lệ giải ngân cao như dự án Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005 đạt 60,6%, dự án đường liên xã Hiền - Xuân - An - Vạn: 72,7%, dự án Giảm nghèo khu vực miền Trung 50%...
+ Cấp giấy chứng nhận đầu tư: Trong tháng 8 đã cấp 1 giấy chứng nhận đầu tư¬ cho dự án khai thác quặng sắt của Công ty Anh Trang với tổng vốn đầu tư 2,95 tỷ đồng nâng tổng số dự án được cấp giấy chứng nhận đầu t¬rong 8 tháng đầu năm lên 27 dự án với tổng vốn đầu tư là 7.014,95 tỷ đồng.
- Công tác xúc tiến đầu tư:
Trong tháng, đã có 6 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 2 dự án đang xin chủ trương đầu tư: Dự án Nhà máy nước sạch Mỹ Trạch tại Động Đỏ, Xuân Thuỷ, Lệ Thuỷ của Công ty TNHH Xây dựng Quý Đạt với tổng mức đầu tư 197,2 tỷ đồng; Dự án Du lịch nghỉ dưỡng Thanh Hà - Đá Nhảy của Công ty Cổ phần Việt Thiên Bình, TP Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng; 2 dự án đã lấy ý kiến sở, ngành và chuẩn bị trình UBND tỉnh là Dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Đồng Suôn (Hưng Trạch - Bố Trạch) của Công ty TNHH Thương mại Lộc Tài (Ninh Bình) với tổng mức đầu tư 48,15 tỷ đồng, dự án Sản xuất tôm giống sạch và nuôi tôm công nghệ cao trên cát tại Hải Ninh, Quảng Ninh của Công ty CP T.ASIA-USA, Công ty TNHH ASIA HAWAII VENTURES (Phú Yên) và 2 dự án đang trong giai đoạn khảo sát lập báo cáo đầu tư là dự án trồng và chế biến cây Jatropha của Công ty TNHH Tân Nhật Linh và dự án trồng và chế biến cây Jatropha của Công ty CP đầu tư và phát triển Lũng Lô 5.
Đã tổ chức thành công chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm xúc tiến đầu tư tại 2 tỉnh phía Nam là TP Hồ Chí Minh và tỉnh An Giang. Thực hiện việc cung cấp thông tin và tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc; chuẩn bị tài liệu cho UBND tỉnh dự Hội thảo về Thị trường bất động sản Việt Nam tổ chức tại Hồng Kông.
- Công tác ngoại vụ:
Trong tháng 8, có 03 đoàn ra với 12 lượt người đi các nước Thái Lan, Malaysia, Campuchia... với mục đích tham quan, học tập kinh nghiệm…
Đoàn vào: 4 đoàn với 11 lượt người đến từ các nước Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Bỉ … với mục đích thăm, tìm hiểu, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện dự án; trao đổi, làm việc với tỉnh về phát triển giáo dục đào tạo.
10. Tài nguyên và môi trường
- Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Đến nay UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cho 100/159 xã; đang triển khai 48 xã, còn 11 xã chưa được triển khai. Ngành đã làm thủ tục trình UBND tỉnh quyết định giới thiệu địa điểm xây dựng 5 công trình; quyết định thu hồi để giao đất 15 công trình với diện tích 39,67 ha; cho thuê đất 20 công trình với diện tích 49,7 ha. Nhìn chung, các công trình, dự án được giao đất, cho thuê đất đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.
- Công tác đăng ký đất đai: Ngành đã tập trung triển khai đo đạc, chỉnh lý phục vụ cho việc kiểm kê quỹ đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất theo Chỉ thị số 31/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã hoàn thành việc trích đo, trích lục và lập hồ sơ của 4.181 thửa đất cho 2.116 tổ chức trong toàn tỉnh với diện tích 1.842,6 ha.
Kiểm tra thực địa 21 mỏ khoáng sản để hướng dẫn cho các tổ chức, doanh nghiệp làm thủ tục khảo sát, thăm dò khoáng sản, cấp, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản và bàn giao thực địa 12 điểm mỏ cho các tổ chức, doanh nghiệp.
Làm thủ tục trình UBND tỉnh quyết định cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cho 3 đơn vị trong đó cấp gia hạn 1 giấy phép khai thác cát sạn, 2 giấy phép khai thác đá xây dựng.
11. Giáo dục đào tạo
Trong tháng 8/2008, ngành đã tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 2 và chuẩn bị các điều kiện để khai giảng năm học mới 2008-2009. Ngành đã tiến hành mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học, chuẩn bị cơ sở vật chất như sửa chữa xây dựng mới các công trình từ nguồn vốn kiên cố hoá trường học để kịp ngày khai giảng; triển khai tuyển sinh đầu vào các khối lớp 1, lớp 6 và lớp 10; tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý cũng như nâng cao kiến thức cho đội ngũ giáo viên.
Năm nay, ngành tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 12, đã triển khai chương trình thay sách cho giáo viên giảng dạy của 14 môn học để giáo viên kịp thời nắm bắt chương trình mới. Công ty thiết bị trường học đã chuẩn bị cung ứng 1,3 triệu bản sách cho học sinh các trường học. Đồng thời, ngành tiếp tục tuyển viên chức để bổ sung đội ngũ giáo viên còn thiếu nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Trong tháng, các hoạt động hè tiếp tục được triển khai như tổ chức cho học sinh ôn tập văn hoá, tổ chức, khuyến khích thanh thiếu niên, học sinh tham gia các lớp học nghề, lớp học năng khiếu, phổ cập tin học.
12. Khoa học công nghệ
Trong tháng 8 hoạt động khoa học và công nghệ đã tập trung thực hiện các mặt công tác như tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Các giá trị khoa học mang tính toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng”; dự thảo “Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng KHCN tỉnh Quảng Bình với nhiệm kỳ 5 năm”; tiếp tục xét duyệt đề cương, kinh phí các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ năm 2008.
Tiến hành điều tra, đánh giá tình hình an toàn bức xạ và hạt nhân trên toàn tỉnh. Triển khai dự án “ứng dụng công nghệ mô hom trong sản xuất giống cây lâm nghiệp cao sản phục vụ phát triển trồng rừng tại Quảng Bình"; Hoàn thiện hồ sơ dự án “Chuyển giao công nghệ sản xuất và sử dụng phân nén hữu cơ, hữu cơ - vô cơ bằng công nghệ sinh học ở quy mô cộng đồng thôn, xã phục vụ sản xuất nông nghiệp tại huyện Lệ Thuỷ".
Tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2000.
13. Văn hoá thông tin - TDTT
Trong tháng, ngành văn hoá thông tin đã có nhiều hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, tổ chức tốt ngày chất độc da cam Việt Nam 10/8/2008. Hoạt động thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được duy trì rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đã giúp đỡ công tác chuyên môn cho các ngành tổ chức hội thao chào mừng kỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9; tổ chức tập luyện cho các lớp năng khiếu và các lớp sinh hoạt hè cho các em học sinh, sinh viên.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động và dịch vụ văn hoá, tập trung ngăn chặn có hiệu quả các vi phạm, đặc biệt là vi phạm trong dịch vụ quảng cáo, băng đĩa hình, internet và quản lý di tích.
14. Y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Ngành tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng giám sát dịch bệnh cung cấp thuốc vệ sinh môi trường, tăng cường các biện pháp y tế dự phòng các loại dịch bệnh trong mùa mưa. Chú trọng công tác chuẩn bị thuốc men, hoá chất, vật tư và nhân lực khám chữa bệnh cho người dân trong mùa mưa sắp đến. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục được quan tâm chú trọng nên trên địa bàn không xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào.
15. Lao động thương binh xã hội
Trong tháng, ngành đã triển khai thực hiện Chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2008-2010 và kế hoạch kiểm tra liên ngành Công An – Lao động TBXH về phòng ngừa và chống các hành vi vi phạm luật xuất khẩu lao động năm 2008; Hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật tỉnh Quảng Bình đến 2010, 2015 trình UBND tỉnh phê duyệt.
Thực hiện giải quyết các chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công theo quy định hiện hành của Nhà nước. Tiếp nhận 3 hài cốt liệt sỹ quy tập từ Hướng Hoá - Quảng Trị về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Ba Dốc. Triển khai kế hoạch thu nộp quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2008.
Hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức cứu đói, cứu trợ và khắc phục thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, phương tiện tại chỗ để đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân trong mùa mưa lũ.
Ban hành hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 cho các huyện, thành phố theo Quyết định số 23/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 05/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội. Biên tập tài liệu tập huấn cho cán bộ cấp xã về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, xây dựng kế hoạch bảo vệ và chăm sóc trẻ em năm 2009.
16. Công tác nội chính, thanh tra, tư pháp
a. Công tác tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền
Trong tháng, đã quyết định thành lập Trung tâm Dạy nghề huyện Bố Trạch và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hoá gia đình cấp huyện; Kiện toàn, bổ sung, thành lập mới 3 Ban chỉ đạo, Hội đồng tư vấn liên ngành tham mưu, tư vấn giúp UBND tỉnh thuộc các lĩnh vực văn hoá - xã hội; Xây dựng báo cáo tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 19/2003/NĐ-CP ngày 07/3/2003 của Chính phủ về quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội liên hiệp phụ nữ tham gia quản lý nhà nước.
Dự thảo Quyết định ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 5 về đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước. Trình Bộ Nội vụ về hướng giải quyết chế độ cho cán bộ xã già yếu nghỉ việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thường xuyên theo Quyết định số 130/CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ
b. Công tác tư pháp:
Trong tháng, đã thẩm định và góp ý 10 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tiến độ, thời gian tham gia góp ý và thẩm định văn bản được đảm bảo, chất lượng từng bước được nâng cao.
Báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện đề án “Phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ tư pháp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ nhân dân xã, phường, thị trấn’’
Tiếp tục triển khai công tác thi hành án dân sự với 3.757 vụ việc phải thụ lý, trong đó việc có điều kiện thi hành 1.408 việc, chưa có điều kiện thi hành 2.349 việc, số việc đã giải quyết 326 việc, đạt 23% trên tổng số việc có điều kiện thi hành. Tổng số tiền phải thi hành 26,84 tỷ đồng, số tiền có điều kiện thi hành 10,12 tỷ đồng, số tiền đã thi hành 1,25 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 12% trên tổng số tiền có điều kiện thi hành.
Tiếp nhận, thụ lý đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 2 trường hợp, cấp phiếu lí lịch tư pháp cho 397 trường hợp. Đã thực hiện trợ giúp 67 vụ việc trong đó tư vấn 53 vụ việc, đại diện bào chữa 14 vụ việc.
17. An ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội
Trong tháng, xảy ra một số sự việc nổi cộm trên biển: tai nạn trên biển xảy ra 4 vụ làm chết 2 người, bị thương 2 người, hỏng 1 thuyền và thiệt hại tài sản trên 60 triệu đồng.
Tình hình trật tự trên địa bàn: trên 2 tuyến biên giới xảy ra 22 vụ, trong đó mâu thuẫn cá nhân 11 vụ, trộm cắp 8 vụ bắt 17 đối tượng, phá hoại tài sản công dân 1 vụ bắt 1 đối tượng. Phạm pháp hình sự xảy ra 35 vụ, làm chết 1 người, bị thương 19 người, thiệt hại tài sản 342,6 triệu đồng; cháy rừng 6 vụ thiệt hại 7,6 ha rừng thông và gỗ huê.
Đến ngày 28/8, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông làm chết 14 người, bị thương 8 người trong đó đường sắt 2 vụ chết 2 người; thiệt hại tài sản lên đến 76 triệu đồng./.
Website Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình