Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/09/2008-15:54:00 PM
Báo cáo công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh Lào Cai, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và nhiệm vụ chủ yếu tháng 9 năm 2008
Báo cáo số 198/BC-UBND ngày 16/9/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.
A. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA UBND TỈNH THÁNG 8 NĂM 2008:
1. Tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 8/2008:
Trong tháng 8/2008, các Sở, ngành đã hoàn chỉnh và xin ý kiến Thành viên UBND tỉnh 04 dự thảo văn bản trong chương trình xây dựng văn bản QPPL của UBND tỉnh.
Tổ chức làm việc với các Bộ, ngành TW về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2009. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện QĐ 44 của Thủ tướng Chính phủ. Thành lập BCĐ cấp tỉnh về Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009 và triển khai các công việc liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của các Bộ, ngành TW.
2. Chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ khác:
- Tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả do cơn bão số 4 gây ra, hỗ trợ ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiên tai; tập trung chỉ đạo sản xuất, phòng, chống dịch bệnh ở người; dịch bệnh trên đàn gia súc. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác XDCB, GPMB và tiến độ thi công các dự án trọng điểm. Chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện tổ chức khai giảng năm học mới và Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
- Trong tháng, Thường trực UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng CP- Trưởng Ban BCĐ Tây Bắc, Đoàn công tác của Trưởng BCĐ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TW, một số Bộ ngành TW thăm làm việc với tỉnh và chỉ đạo kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.
Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với một số Sở, ngành, huyện thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2008.
3. Trong tháng 8/2008, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản qui phạm pháp luật sau:
+ QĐ số 35/2008/QĐ -UBND ngày 8/8/2008 ban hành Quy định một số điểm thực hiện hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
+ QĐ số 36/2008/QĐ -UBND ngày 13/8/2008 về việc kiện toàn mạng lưới nhân viên thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh.
+ QĐ số 37/2008/QĐ -UBND ngày 20/8/2008 về mức chi hỗ trợ cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
+ Chỉ thị số 03/2008/CT-UBND ngày 28/8/2008 về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và ngăn chặn nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới.
B. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 8 NĂM 2008
Trong tháng 8, mặc dù phải đối mặt với những khó khăn thách thức do giá cả tăng cao, ảnh hưởng của lạm phát, thời tiết mưa lớn nhiều ngày tại nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt cơn bão số 4 (từ ngày 8-10/8/2008) đã gây thiệt hại nặng nề về dân sinh, sản xuất nông lâm nghiệp và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đã ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh.
Song với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND và những cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cùng với sự trợ giúp của TW, Quân khu II, các Bộ, ngành TW; các tỉnh, thành trong cả nước; các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; công tác khắc phục hậu quả thiên tai được thực hiện kịp thời, bước đầu ổn định đời sống của nhân dân các vùng bị thiệt hại; tạm thông các tuyến giao thông; duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị; kết quả đạt được thể hiện trên các lĩnh vực chủ yếu sau:
I/ TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn:
a/ Về trồng trọt: trong tháng do ảnh hưởng của cơn bão số 4, tình hình sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng lớn; diện tích lúa mùa đã cấy 18.129 ha, bị thiệt hại 2.030,3 ha, còn lại 16.099 ha (giảm 11,58% so với vụ mùa năm 2007); nhiều diện tích hoa màu bị đất đá vùi lấp, cuốn trôi, ngập úng (diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại chiếm 15,7% tổng diện tích vụ mùa).
Các địa phương đã tích cực tập trung chỉ đạo chăm sóc phục hồi diện tích lúa, hoa màu bị đổ hoặc bị vùi lấp nhẹ, cấy dặm, chuyển trồng cây ngắn ngày thay thế, tu sửa kênh mương dẫn nước, đồng thời tiếp tục chỉ đạo chăm sóc gieo trồng cây hè thu ( trong đó đã trồng 5.725 ha ngô, 3.002 ha đậu tương, 230 ha cây lạc), thu hoạch ngô xuân (đến nay ngô xuân đã thu hoạch 18.900 ha, bằng 92,3% KH). Đảm bảo vật tư nông nghiệp cho sản xuất; chuẩn bị các điều kiện cho vụ đông- xuân 2008-2009.
b/ Về chăn nuôi: trong tháng, dịch bệnh tai xanh làm 22 con lợn bị mắc bệnh (tại phường Nam Cường, xã Đồng Tuyển- TP Lào Cai và xã Quang Kim- huyện Bát Xát); tiêu huỷ 115 con lợn (trọng lượng gần 4 tấn). Bệnh tụ huyết trùng trâu bò làm 19 con trâu mắc bệnh và chết ( tại xã Mường Vi- huyện Bát Xát).
Cơ quan chức năng đã phối hợp với chính quyền các địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch; tiêu huỷ toàn bộ số gia súc bị mắc bệnh, khử trùng môi trường và tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch, tăng cường công tác tiêm phòng theo quy định. Đến nay tình hình dịch bệnh tai xanh, tụ huyết trùng trên đàn gia súc đã ổn định, không phát sinh.
Tính từ tháng 6/2008 ( khi dịch tai xanh phát sinh) đến nay toàn tỉnh đã tiêu huỷ 511 con lợn với trọng lượng 25,28 tấn. Bệnh tụ huyết trùng trâu bò làm 108 con trâu bò bị chết (Bảo Yên 70 con, Bảo Thắng 05 con, Sa Pa 14 con, Bát Xát 19 con); nguyên nhân do ý thức phòng dịch của người dân chưa được tốt, không tự giác thực hiện tiêm phòng, khi có gia súc bị bệnh không khai báo kịp thời, vận chuyển gia súc từ vùng ngoài tỉnh vào địa bàn làm lây lan.
- Tình hình thực hiện hỗ trợ thiệt hại vụ đông xuân do rét đậm, rét hại: đến nay các địa phương đã giải ngân được trên 7,3 tỷ đồng, bằng 85,5% kinh phí hỗ trợ thiệt hại do rét đợt I (trong đó hỗ trợ mua trâu bò 6,04 tỷ, đạt 93,2%KH; hỗ trợ giống lúa 1, 25 tỷ đạt 98,6% KH); tiến độ giải ngân kinh phí hỗ trợ đợt II thực hiện chậm (do thủ tục thanh toán hoàn thiện chậm).
c/ Về lâm nghiệp:trong tháng, trồng rừng tập trung đạt 143 ha, luỹ kế đến nay trồng được 1.266 ha, bằng 32%KH và bằng 106,9% so CK ( trong đó rừng sản xuất 1.241,7 ha, đạt 39,5 % KH; rừng phòng hộ & phòng hộ cảnh quan 7,5 ha).
d/ Về tình hình nông thôn: Trong tháng các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở; huy động các lực lượng phối hợp cùng nhân dân địa phương giúp các gia đình bị nạn sửa chữa, làm lại nhà, khắc phục khó khăn để ổn định nơi ăn ở và tổ chức lại sản xuất; tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chương trình 134, 135 và chương trình trợ cước, trợ giá theo kế hoạch.
Trong tháng phát hiện có 34 hộ (209 khẩu) di cư tự do ( trong đó có 04 hộ 25 đi trong tháng; 30 hộ 184 khẩu đi từ các tháng trước nay các huyện mới rà soát báo cáo). 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 158 hộ (817 khẩu) di cư tự do, chủ yếu đi các tỉnh Đăk Lăk, Điện Biên, Đăk Nông (tăng 52 hộ, 281 so với cùng kỳ.
e/ Tình hình thiệt hại do cơn bão số 4 gây ra:
Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, từ ngày 8-10/8/2008 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to, nhiều nơi mưa rất to và kéo dài liên tục nhiều ngày, lượng mưa tại các huyện Sa Pa, Bát Xát trên 401mm, Bảo Yên 371,2mm (có ngày lên 700mm), các nơi khác trên 100mm; đối với tỉnh Lào Cai đây là trận mưa lịch sử chưa từng có cả về cường độ và thời gian, đã gây nên lũ quét, lũ ống làm nhiều người chết và mất tích, bị thương; các công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá.. bị phá huỷ hết sức nặng nề và khốc liệt; giao thông bị chia cắt, ách tắc nhiều ngày.
Ngay khi xảy ra mưa lớn, Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã tổ chức họp khẩn cấp với các ngành để quán triệt tính chất nguy hiểm, cấp bách của mưa lũ, huy động cả hệ thống chính trị tổ chức thường trực 24/24h, ứng cứu, tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; tổ chức các đoàn xuống các khu vực bị thiệt hại để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ với các ngành thực hiện các biện pháp cấp bách để khắc phục hậu quả, hỗ trợ cứu đói cho nhân dân; huy động các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục sụt lở trên các tuyến giao thông huyết mạch; thành lập 03 Tổ công tác xuống các địa bàn, phối hợp với các huyện thống kê rà soát và đánh giá mức độ thiệt hại do mưa lũ, đề xuất các cơ chế hỗ trợ; kết quả rà soát thiệt hại như sau:
Ước tính tổng thiệt hại về các công trình hạ tầng và dân sinh 879, 424 tỷ đồng, trong đó:
- Về dân sinh:
+ 9/9 huyện/TP bị ảnh hưởng, 123/164 xã phường, thị trấn; 3.819 hộ và 17.877 khẩu liên quan bị thiệt hại. 79 người chết và mất tích, 58 người bị thương phải vào các cơ sở y tế điều trị
- Về sản xuất nông nghiệp: thiệt hại 290,674 tỷ đồng
+ Diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại 4.888 ha/31.000 ha vụ mùa, trong đó diện tích lúa bị mất trắng 2.030,3 ha; hoa màu bị mất trắng 927,8 ha; ngập úng 685,7 ha; diện tích ruộng bị vùi lấp phải khai hoang lại 910,5 ha; diện tích không thể khôi phục được 333,6 ha. Diện tích ao cá bị ngập trôi, tràn 422,3 ha
+ Lũ cuốn trôi, mất: 51,4 tấn thóc và 28,8 tấn ngô; 76 con trâu bò, ngựa; 632 con lợn, dê và 9.029 con gia cầm. 12 tấn phân hoá học các loại.
+ Về lâm nghiệp: 229,3 ha rừng trồng từ 3-10 năm và 257 ha rừng tự nhiên bị sạt lở; ước tính số gỗ rừng tự nhiên bị cuốn trôi 23.335 m3.
- Thiệt hại về giao thông: Ước tính khối lượng đất đá sụt lở trên các tuyến giao thông (QL, tỉnh lộ, giao thông nông thôn) là 1.877,5 ngàn m3; hư hỏng 9.720m2 nền mặt đường; lún nứt nền đường 470m; đứt gãy toàn bộ 100m đường; hư hại, vỡ nhiều cống, đập tràn, cầu treo, kè đá…Ước tính thiệt hại về giao thông 170,725 tỷ đồng.
- Thiệt hại 360 công trình thuỷ lợi, 121 công trình cấp nước sinh hoạt; ước tính thiệt hại 119,350 tỷ đồng.
- Thiệt hại về y tế: có 02 phòng KĐKKV, 05 trạm y tế thuộc huyện Bảo Yên, Bát Xát bị hư hại nặng; phòng khám ĐKKV Long Khánh, Tram Y tế xã Bản Khoang bị trôi, hư hại nhiều thiết bị, thuốc, vật tư y tế. Ước tính thiệt hại về y tế 5,74 tỷ đồng
- Về nhà và tài sản: sập đổ, trôi hỏng hoàn toàn 320 ngôi nhà; 353 ngôi nhà hư hỏng trên 50% ; 345 hộ mất hết toàn bộ phương tiện sản xuất lâm vào tình trang thiếu đói;
490 hộ lâm vào thiếu đói 3 tháng; 328 hộlâm vào thiếu đói 6 tháng. Có 3 hộ, 5 người ( 4 trẻ mồ côi), 01 người bị thương dẫn đến tàn tật lâm vào tình trạng phải cứu trợ thưởng xuyên. 1.763 hộ phải di dời nơi ở cũ do nguy cơ sạt lở( trong đó 110 hộ phải di dời khẩn cấp). Ước tính thiệt hại về nhà tài sản 39, 769 tỷ đồng.
- Thiệt hại về trường học: sập đổ hoàn toàn 44 phòng học, 21 phòng ở giáo viên; hư hỏng nặng 172 phòng học; 12 phòng học ngập nước. Có 9 phòng học và 53 nhà ở giáo viên phải di dời khẩn cấp; 450 bộ bàn ghế giáo viên và học sinh, 40 bảng, 382 bộ thiết bị dạy học, 926 bản sách giáo khoa và các vật dụng khác bị hư hỏng; khối lượng đất đá sạt lở 9.000m3 làm ảnh hưởng đến các trường học. Ước tính thiệt hại về trường học 9, 828 tỷ đồng.
- Thiệt hại công trình điện: đổ 52 cột điện cao thế, 294 cột điện hại thế hư hỏng hoàn toàn 02 trạm biến áp; đứt 1.800m dây điện. Ước thiệt hại 15 tỷ đồng
- Thông tin liên lạc: hư hỏng nặng 01 trạm phát sóng Vinaphon cấp II; đổ gãy 21 cột BT cấp II; đứt 34,2 nghìn m dây điện thuê bao, 03 điểm cáp; hư hỏng 01 cặp thiết bị viba. Ước thiệt hại 528 triệu đồng.
- Thiệt hại của các công trình kè, cơ sở hạ tầng khác 3,5 tỷ đồng; thiệt hại các cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp 224, 876 tỷ đồng.
* Công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả: Trước mắt tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện chế độ hỗ trợ cho đồng bào các vùng bị thiệt hại theo Quyết định số 75/2007/QĐ-UBND ngày 11/12/2007 của UBND tỉnh và từ nguồn hỗ trợ trực tiếp của Bộ Quốc phòng, UBTW MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ( hỗ trợ khẩn cấp đối với gia đình có người chết, mất tích, người bị thương; gia đình có nhà bị trôi, sập, đổ hỏng hoàn toàn; hỗ trợ gạo cứu đói );
Đối với tiền, hiện vật của các tổ chức, cá nhân ủng hộ trực tiếp cho đồng bào bị thiệt hại đã được các huyện trao đến tận tay đồng bào các huyện Bát Xát, Bảo Yên, Bảo Thắng ( gồm gạo, mỳ tôm, quần áo, sách vở và các vật dụng khác).
Đồng thời chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các hộ phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở; trợ cấp cứu đói, hỗ trợ làm lại nhà và mua vật dụng thiết yếu đối với các hộ mất trắng nhà cửa, tài sản hoa màu; hỗ trợ học sinh các gia đình bị thiệt hại về sách vở, đồ dùng học tập; hỗ trợ 100% giá giống ngô, khoai tây và một số cây trồng vụ đông năm 2008; trợ cấp cứu đói đối với các gia đình mất hết nhà, tài sản, diện tích hoa màu.
* Về tình hình tiếp nhận hỗ trợ, ủng hộ: Ngay sau khi xảy ra thiên tai, UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với tinh thần tương thân tương ái, vận động ủng hộ các gia đình vùng bị thiên tai sớm ổn định đời sống và sản xuất:
Tính đến hết tháng 8/2008: đã có 246 tổ chức, cá nhân gửi thư thăm hỏi, ủng hộ tỉnh Lào Cai đợt thiên tai vừa qua, số tiền là 12.135, 899 triệu đồng; 35 tấn gạo; 2.475 tấn và 2.145 kiện mỳ tôm; 400 thùng hàng dụng cụ gia đình; 681 màn, 756 vỏ chăn 51 thùng và 1000 bộ quần áo; 3577 vở viết và một số vật dụng khác.
Trung ương hỗ trợ 90 tỷ đồng, 370 tấn gạo và giống phục vụ sản xuất nông nghiệp trích từ nguồn dự trữ Quốc gia.
2. Sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản:
Do ảnh hưởng của mưa lũ, tiến độ sản xuất công nghiệp chậm hơn tháng trước, một số công trình thuỷ điện, công trình xây dựng bị bị hư hỏng phải sửa chữa, thi công lại:
- Sản xuất công nghiệp: GTSX công nghiệp trong tháng đạt 107 tỷ đồng, giảm 5,5% so với tháng trước. Luỹ kế 8 tháng đầu năm, GTSXCN trên địa bàn đạt 795,9 tỷ đồng, bằng 57% KH và tăng 23% so với CK; trong đó: CNTW đạt 495 tỷ đồng, tăng 12 % so CK và bằng 55,3% KH; CNĐP đạt 247 tỷ đồng, tăng 20% so CK và bằng 57,4%KH, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 53,7 tỷ đồng, bằng 71,6% so KH và tăng hơn 100 lần so với CK. Trong tháng đã khánh thành Nhà máy luyện đồng Lào Cai.
8 tháng đầu năm, giá trị SX ngành CN khai thác mỏ đạt 92,3% KH và tăng 20% so CK; công nghiệp điện nước đạt 57% KH và tăng gần 30% so CK; CN chế mới đạt 37,3% KH năm (do một số sản phẩm như phốt pho vàng, bia các loại, quần áo may sẵn, giấy vàng kim, giấy đế, trang in…tiêu thụ chậm).
- Tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư trong tháng được đẩy mạnh (giá trị khối lượng thực hiện trong tháng đạt 165 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với tháng trước; thanh toán đạt 111 tỷ đồng (tăng gần 3 lần so với tháng trước). Tuy nhiên so với yêu cầu và so với cùng kỳ đạt thấp (do việc điều chỉnh, bổ sung định mức dự toán các dự án, công trình do giá cả tăng cao thực hiện chậm); 8 tháng đầu năm, giá trị khối lượng XD thực hiện đạt 768,9 tỷ đồng, bằng 56% KH, tiến độ giải ngân còn chậm (đạt 445,8 tỷ đồng), bằng 32% KH (một số nguồn vốn giải ngân chậm như: CT 135 đạt 18%, DA trồng mới 5 triệu ha rừng 28%, CT nước sạch vệ sinh môi trường 27%KH…).
Công tác GPMB được tích cực chỉ đạo; khu tái định cư Hợp Xuân (DA GPMB nhà máy Gang thép Lào Cai) thống kê xong 159/160 hộ, đã chi trả đền bù cho 157 hộ với số tiền là 14,26 tỷ đồng, đã khởi công xây dựng khu tái định cư đảm bảo kế hoạch. Đối với DA nhà máy hoá chất Đức Giang đã thống kê, phê duyệt và chi trả xong cho 6/28 hộ ở khu A, tiến hành thống kê khu B. DA GPMB đường cao tốc đang triển khai áp giá tiền đền bù và triển khai XD các hạng mục khu tái định cư.
3. Thương mại - Dịch vụ:
Trong tháng, hoạt động Thương mại, XNK, dịch vụ chịu ảnh hưởng lớn do mưa lũ và những khó khăn về giao thông, tuy nhiên cùng với những cố gắng nỗ lực của các cấp các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn đã duy trì hoạt động, đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu;
- Tổng mức lưu chuyển, bán lẻ hàng hoá và dịch vụ XH tháng 8 đạt 278 tỷ đồng, bằng 105,4% so tháng trước; luỹ kế 8 tháng đầu năm đạt 2.069,5 tỷ đồng, bằng 82,7% KH và bằng 137% so CK; lĩnh vực thương nghiệp cá thể và tư nhân tăng khá, trong khi đó lĩnh vực du lịch lữ hành, khách sạn giảm.
- Kim ngạch XNK mậu dịch qua các cửa khẩu trên địa bàn tháng 8 đạt 67,3 triệu USD, tăng 13,5% so với tháng trước: trong đó NK tăng 12,3% (do nhập khẩu phân bón tăng; trong tháng các DN nhập trên 37,9 nghìn tấn phân bón qua lối mở Quang Kim, tăng 28% so tháng trước).
Luỹ kế 8 tháng, kim ngạch XNK đạt 385,8 triệu USD, giảm 19% so CK, trong đó XK giảm 17,4%, NK giảm 19,6% so cùng kỳ; nguyên nhân do khó khăn về giao thông, lượng nhập khẩu giảm (phôi thép, sắt xây dựng); mặt hàng NK chủ yếu là hoá chất, phân bón, điện năng, hàng nông sản, thạch cao; mặt hàng XK chủ yếu là quặng sắt, tinh quặng đồng, bã xỉ kẽm, chì, hàng nông sản và giày dép …
- Trong tháng, các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp hoạt động phòng chống buôn lậu do vậy tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới giảm.
- Hoạt động dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin mặc dù bị thiệt hại do mưa lũ, song các đơn vị đã tập trung cao độ khắc phục duy trì, đảm bảo giao thông và thông tin liên lạc trên địa bàn. Tuy nhiên tuyến giao thông huyết mạch Lào Cai đi HN (cả đường sắt và đường bộ) và đi các tỉnh lân cận thường xuyên bị ách tắc, ngừng cục bộ do đường hẹp, xuống cấp nghiêm trọng và quá tải.
4. Tài chính, tín dụng, giá cả thị trường:
- Thu NSNN trên địa bàn được đẩy mạnh, tháng 8 đạt 164,9 tỷ đồng, tăng 21,5% so với tháng trước ( trong đó thu từ các DN nhà nước tăng 34%, phí xăng dầu tăng 27%, thu để lại quản lý qua ngân sách tăng gấp 8 lần).
Luỹ kế 8 tháng đầu năm: Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 913 tỷ đồng, bằng 82,4% dự toán và bằng 108% so CK, trong đó thu nội địa đạt 347 tỷ đồng, bằng 71,5%DT và bằng 163,7% so CK; một số khoản thu đạt cao và vượt dự toán như thu từ DN có vốn ĐTNN đạt 246%, thu lệ phí trước bạ 109,4%, thu thuế thu nhập với người có thu nhập cao 119%, thu thuế chuyển quyền sử dụng đất 120%; thu cho thuê mặt đất, mặt nước đạt 100%DT; tuy nhiên khoản thu phí và lệ phí đạt dưới 50% DT; thu bán trụ sở đạt thấp do việc tạm ngừng bán trụ sở (27%DT ).
Thu từ hoạt động XNK luỹ kế đạt 460 tỷ đồng, bằng 86% DT và bằng 76% so CK (nguyên nhân do hoạt động NNK hàng hoá giảm so với CK). Các khoản thu để lại quản lý qua ngân sách luỹ kế đạt 106 tỷ đồng, bằng 120,5%DT và bằng 385,5% so CK.
+ Thu ngân sách địa phương luỹ kế đạt 2.132 tỷ đồng, bằng 73,9% DT. Chi ngân sách ĐP đạt 1.486 tỷ đồng, bằng 51,5% so DT ( trong đó chi thường xuyên đạt 68,9%; chi cho XDCB tập trung đạt 47,3%, chi đầu tư từ nguồn thu tiền SD đất đạt 40%DT).
- Hoạt động ngân hàng: tiếp tục thực hiện tốt chính sách tiền tệ thắt chặt, kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp, đồng thời tiếp tục triển khai cho hộ nghèo vay vốn sản xuất, thực hiện tín dụng học sinh, sinh viên; mở rộng thanh toán bằng thẻ tín dung. Tổng nguồn vốn tín dụng huy động đến thời điểm 31/8/2008 đạt 85.450 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm ( trong đó nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 37,8%). Tổng dư nợ đến cuối tháng 8 đạt 4.890 tỷ đồng, tăng 7,8% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu ở mức 3,72%, giảm 1,02% so cuối tháng trước và tăng 0,7% so với đầu năm.
- Về giá cả thị trường: chỉ số giá tiêu dùng trong tháng tăng 1,95% so với tháng trước (đây là mức tăng thấp nhất từ đầu năm đến nay), trong đó nhóm lương thực tăng 1,32%, nhóm thực phẩm tăng 2,57%; hàng may mặc, giày dép tăng 1,3%; nhóm nhà ở, VLXD, chất đốt tăng 1,52%; giá xăng dầu được điều chỉnh giảm, song giá nhóm dịch vụ giao thông vẫn ở mức cao (tăng 6,5%).
So với CK năm 2007 chỉ số giá tăng 28,2% . Trong tháng, các đại lý, cây xăng trên địa bàn thực hiện nghiêm việc giảm giá bán theo quy định, tuy nhiên qua kiểm tra chưa có mặt hàng nào giảm theo giá xăng dầu.
5. Hoạt động đối ngoại và đầu tư:
- Các hoạt động đối ngoại diễn ra bình thường; cơ quan chức năng đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nắm bắt tình hình, rà soát, kiểm tra số công dân nước ngoài bị kẹt lại do mưa lũ, hỗ trợ và tạo điều kiện bố trí phương tiện để khách du lịch là người nước ngoài trở về nhà an toàn. Công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức Phiên họp thứ nhất nhóm công tác liên hợp 4 tỉnh biên giới Việt Nam và tỉnh Vân Nam Trung Quốc được tích cực thực hiện; công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào đảm bảo đúng quy định.
- Về thu hút vốn ODA: tiếp tục triển khai Dự án cơ sở hạ tầng nông thôn và Du lịch sinh thái do cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ, UBND tỉnh đã thành lập Ban quản lý dự án tỉnh và các BQL dự án hợp phần; tổng số vốn 27,68 triệu Euro, trong đó vốn ODA 25,59 triệu Euro, thực hiện từ tháng 8/2008 đến tháng 8 năm 2012.
Hoạt động đầu tư: Trong tháng, đã thẩm định cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 05 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 165 tỷ đồng; 8 tháng đầu năm đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án, số vốn đăng ký là 2.236 tỷ đồng. Cấp mới đăng ký kinh doanh cho 15 doanh nghiệp (với tổng số vốn đăng ký là 34,8 tỷ đồng), thành lập 02 chi nhánh DN.
II/ VĂN HOÁ-XÃ HỘI
1. Về Giáo dục- Đào tạo: Ngành Giáo dục &ĐT tập trung chỉ đạo tổng kết năm học 2007-2008, triển khai nhiệm vụ năm học mới; năm học 2008-2009 ngành Giáo dục tuyển dụng 949 giáo viên bổ sung cho các cấp học phổ thông. Kỳ thi tốt nghiệp THPT (lần 2) diễn ra an toàn, đúng quy chế, các thí sinh tại các vùng khó khăn, vùng bị thiên tai được tạo mọi điều kiện dự thi đầy đủ.
Ngành GD đã phối hợp với các địa phương tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả, đảm bảo đủ phòng học, sách vở, đồ dùng dạy và học cho năm học mới; tổ chức tuần lễ quyên góp sách, vở, truyện cho thư viện trường học và học sinh nghèo, học sinh vùng bị mưa lũ.
2. Hoạt động Văn hoá, TDTT, Du lịch và Phát thanh- Truyền hình:
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động về văn hoá, thể thao, du lịch trên địa bàn được tăng cường; Ngành Văn hoá đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh triển khai chương trình đẩy mạnh phong trào hoạt động văn hoá- văn nghệ, thể dục thể thao và du lịch cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho 164 cán bộ văn hoá xã, phường, thị trấn và hơn 100 người là hạt nhân văn nghệ và phụ trách Nhà văn hoá thôn bản
Tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, tuyên truyền kỷ niệm 63 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Thông tin, phản ánh công tác khắc phục mưa lũ, các hoạt động cứu nạn, cứu trợ đồng bào vùng bị thiệt hại. Tiếp tục tuyên truyền về các giải pháp kiềm chế lạm phát, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH .
Thể thao Lào Cai tiếp tục giành thành tích cao tại các giải thi đấu toàn quốc đạt 03 HCV, 06 HCB, 06 HCĐ; tại Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc đoàn Lào Cai được xếp thứ 24/64 tỉnh thành, đứng thứ 4/19 tỉnh miền núi.
Do khó khăn về giao thông, mưa lũ cùng với tác động của tăng giá nên lượng khách du lịch đến Lào Cai trong tháng đạt thấp (36,6 nghìn lượt khách), giảm 36,6% so với tháng trước.
3. Hoạt động Y tế, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng:
Trong tháng Ngành Y tế đã tích cực triển khai kịp thời các giải pháp khắc phục hậu quả do cơn bão số 4 gây ra: tăng cường cán bộ chuyên môn, vật tư y tế cho các vùng bị thiệt hại; tổ chức điều trị cho các nạn nhân, xử lý môi trường, khử trùng nguồn nước ăn cho nhân dân vùng bị thiên tai và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lũ và khắc phục các cơ sở y tế bị hư hỏng.
Duy trì công tác khám chữa bệnh, kiểm tra VSATTP, phòng chống dịch bệnh (đã kiểm tra 11 cơ sở, đạt tiêu chuẩn vệ sinh); thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh sốt nghi do vi rút tại xã Tả Phìn- Sa Pa (đến nay tình hình bệnh đã ổn định, không có tử vong); trong tháng phát hiện mới 15 ca nhiễm HIV, chẩn đoán mới 07 ca AISD. Công tác TCMR được tích cực triển khai, đến nay đã tiêm chủng đầy đủ cho 7.472 trẻ em dưới 1 tuổi (đạt 60,2%KH). Tình hình cung ứng thuốc, hoá chất vật tư y tế cho các cơ sở khám chữa bệnh được đảm bảo. Tiếp tục ổn định tổ chức Chi cục Dân số-KHHGĐ và triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch; phối hợp kiểm tra công tác cấp phát thẻ BHYT người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.
4. Công tác giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo và các vấn đề về chính sách - xã hội được duy trì:
Trong tháng, các trường và trung tâm dạy nghề tuyển sinh và mở mới 50 lớp dạy nghề với tổng số 1.872 học viên; tư vấn pháp luật lao động, học nghề và giới thiệu việc làm cho 71 đối tượng; tiếp tục hướng dẫn các huyện, TP tuyển sinh học nghề luyện gang, luyện thép. Tiến hành khảo sát kiểm tra tai nạn lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho 66 cán bộ phụ trách lao động việc làm của xã, phường, thị trấn và cán bộ phòng LĐTBXH huyện. Phối hợp tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại về dân sinh do mưa lũ gây ra; thực hiện chính sách hỗ trợ, cứu trợ kịp thời đối với các hộ bị thiệt hại.
III/ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG VÀ THANH TRA GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO
Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng và thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo được quan tâm tập trung chỉ đạo: tiếp tục kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống tham nhũng trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đối với các hoạt động vận tải, bảo vệ công trình giao thông, hoạt động cơ sở lưu trú, bảo hộ và an toàn lao động, đo lường chất lượng xăng dầu và ga, các chương trình y tế, giáo dục, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật …
Trong tháng, các cấp, các ngành đã tổ chức tiếp 227 lượt công dân đến khiếu nại, kiến nghị, đề nghị (tăng 44 lượt so với tháng trước); tiếp nhận 68 đơn, trong đó số đơn thuộc thẩm quyền các cấp, các ngành là 25 đơn (trong số này đã giải quyết xong 9 đơn, số đơn còn lại đang được phân loại xác minh, giải quyết); thực hiện 32 cuộc thanh tra kinh tế- xã hội (20 cuộc từ tháng trước chuyển sang), đã kết thúc 8 cuộc.
Công tác tổ chức và CCHC: Tiếp tục thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị định 13, Nghị định 14 của Chính phủ, kiện toàn mạng lưới nhân viên thú y cấp xã, bộ máy làm công tác Dân số- KHHGĐ. Hoàn thiện xây dựng tiêu chí phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ các cơ quan hành chính nhà nước. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2006-2010; trong tháng UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hoạt động của Tổ công tác thực hiện Đề án 30 về đơn giản hoá thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh.
* Đánh giá chung: Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của thiên tai gây ra và những tác động của lạm phát, song với quyết tâm cao và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương đã khắc phục mọi khó khăn, duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo tiến độ thu ngân sách; tập trung giải ngân vốn đầu tư XD và các chương trình mục tiêu quốc gia; duy trì hoạt động văn hoá thể thao cơ sở; đảm bảo các điều kiện tổ chức năm học mới; các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững Quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên kinh tế - xã hội của tỉnh còn nổi lên một số vấn đề:
Thời tiết diễn biến bất thường, nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất cao. Dịch bệnh tai xanh, bệnh tụ huyết trùng trên đàn gia súc chưa dứt điểm; hậu quả nặng nề của thiên tai dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại sản xuất vụ đông xuân 2007-2008 ở một số địa phương còn chậm trễ. Tình trạng ách tắc giao thông trên một số tuyến đường; giá cả trong tháng đã giảm song vẫn còn cao; giải ngân vốn đầu tư còn chậm.
C. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU THÁNG 9 NĂM 2008:
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008, các cấp, các ngành tiếp tục tập trung thực hiện tốt Chỉ thị của UBND tỉnh về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2008 và Chỉ thị về một số giải pháp chủ yếu nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế- xã hội năm 2008, trong đó cần tập trung vào một nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng trên các lĩnh vực và đảm bảo an sinh xã hội:
- Sản xuất nông lâm nghiệp: tập trung chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng; chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ đông xuân 2008-2009, chú trọng vận động sản xuất tăng vụ; đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời vật tư nông nghiệp. Tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh đảm bảo duy trì và phát triển đàn gia súc, tăng cường phòng chống cúm gia cầm.
Các huyện, thành phố khẩn trương hoàn thành công tác hỗ trợ thiệt hại sản xuất nông nghiệp do rét đậm, rét hại trong tháng 9/2008, đồng thời triển khai hỗ trợ thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua; sửa chữa, khôi phục ngay các công trình thuỷ lợi, kênh mương bị hư hại có thể khắc phục được để đảm bảo nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt; tiếp tục rà soát sắp xếp dân cư và di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng, trồng chè đảm bảo kế hoạch. Tích cực triển khai thực hiện các chương trình dự án phát triển nông thôn.
- Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, XDCB. Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong XDCB, GPMB, nhất là đối với các dự án lớn, công trình trọng điểm. Tập trung chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư các dự án, công trình có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Thành lập các Tổ công tác xuống cơ sở, cùng các huyện, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
- Tăng cường các hoạt động quảng bá du lịch; chuẩn bị tốt các điều kiện phối hợp tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc tại Lào Cai; tổ chức Giải leo núi chinh phục đỉnh Fansipan- Cúp Việtnam Airlines lần thứ II năm 2008.
- Tăng cường công tác quản lý thị trường và hoạt động phối hợp của các lực lượng quản lý biên giới, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, kiểm tra, kiểm soát chống hàng giả, hàng kém chất lượng và phòng chống buôn lậu qua biên giới; quản lý chặt việc nhập khẩu phân bón qua lối mở Quang Kim- Bát Xát đảm bảo đúng quy định.
2. Các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hạn chế chi hội họp, sử dụng xăng dầu, tạm dừng mua sắm tài sản, trang thiết bị có giá trị lớn, thực hiện các biện pháp giảm chi phí sản xuất. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về kê khai, niêm yết và đăng ký giá; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Tăng cường các biện pháp đôn đốc thu thuế và chống thất thu thuế. Các tổ chức tín dụng tăng cường hoạt động huy động vốn đảm bảo đủ vốn cho sản xuất; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt để đảm bảo vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; chú trọng hỗ trợ vốn cho người nghèo vay để sản xuất và hỗ trợ tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo.
Các huyện, thành phố tiếp tục đôn đốc tiến độ thu ngân sách, thu tiền sử dụng đất năm 2008.
Tiếp tục chỉ đạo xây dựng kế hoạch năm 2009; chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Hội nghị Nhóm công tác liên hợp 4 tỉnh miền núi biên giới VN và tỉnh Vân Nam TQ; Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp trên địa bàn; Hội nghị khởi động Dự án AFD. Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh kỳ họp thứ 13 và chuẩn bị các nội dung trình Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 13.
3. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2008-2009; duy trì chất lượng công tác phổ cập giáo dục; duy trì tỷ lệ học sinh chuyên cần; thực hiện bám trường, bám lớp, tập trung nắm bắt tình hình học sinh đảm bảo không để tình trạng học sinh bỏ học, nhất là học sinh các vùng bị thiên tai; triển khai sâu rộng phong trào thi đua “ Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng tới tận cơ sở về các chủ trương, giải pháp điều hành của tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế- xã hội năm 2008.
Duy trì công tác khám chữa bệnh ở các tuyến, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân; tập trung các biện pháp ngăn ngừa và phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thông qua việc tuyên truyền thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp tết trung thu. Tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 4/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và KHHGĐ.
Tập trung thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội: các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng xã hội; học sinh dân tộc nội trú và các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội đối với các xã đặc biệt khó khăn, nhất là các chính sách trợ giúp nhân dân vùng bị thiệt hại do thiên tai. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; rà soát, đánh giá kết quả giảm nghèo, tái nghèo năm 2008; khẩn trương thực hiện rà soát tại 3 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% theo chỉ đạo của TW. Tổ chức rà soát cấp lại thẻ BHYT người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi cho nhân dân các vùng bị thiệt hại do mưa lũ.
4. Các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phòng, chống tham nhũng. Thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, các quyết định, quy định hiện hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Tăng cường kiểm tra thực hiện kế hoạch phòng chống tham nhũng, kiểm tra chuyên ngành.
5. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng địa phương và diễn tập khu vực phòng thủ huyện Sa Pa. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; các cấp, các ngành, các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm an ninh trật tự; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo; triển khai Tháng an toàn giao thông.
6. Các Sở, ngành, các huyện, thành phố chủ động rà soát tình hình thực hiện nhiệm vụ, tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với các nhiệm vụ còn đạt thấp. Phát động đợt thi đua nước rút quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch năm 2008.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai

    Tổng số lượt xem: 1802
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)