Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/09/2008-15:13:00 PM
Nửa thế giới đang sống chung với lạm phát hai con số
Thiên niên kỷ mới đã bắt đầu với một giai đoạn tăng trưởng bùng nổ khắp thế giới. Nhưng nạn lạm phát đang làm thay đổi toàn bộ bức tranh. Dưới đây là bài viết của tác giả Rana Foroohar trên báo NewsWeek, trong đó phân tích những nguyên nhân và hậu quả của lạm phát toàn cầu.

Toàn cầu hóa đã từng được cho là làm cho mọi thứ rẻ đi. Thật khó tìm ra mặt hàng nào không giảm giá trong mấy thập niên qua, từ ôtô, đồ điện tử, hàng tiêu dùng các loại, các dịch vụ như ngân hàng, viễn thông. Dòng chảy toàn cầu của hàng hóa, lao động và vốn đã làm giàu cho các nước phát triển và cả các thị trường mới nổi.

Trên thực tế, trong giai đoạn 2003-2007, tổng GDP thế giới đã tăng 5% mỗi năm, nhanh hơn mọi thời kỳ trước đó, và lạm phát duy trì dưới 4%. Tự do thương mại hơn, lao động ở các thị trường mới nổi rẻ hơn, công nghệ tốt hơn, và nhiều vốn hơn, đều góp sức làm cho thời kỳ đầu của thế kỷ thịnh vượng nhất trong lịch sử hành tinh này.

Giai đoạn tăng trưởng huy hoàng liệu đã qua?

Quên mất mặt tối của toàn cầu hóa

Sự thịnh vượng và cơ hội toàn cầu đáng thuyết phục đến mức mọi người dường như quên mất mặt tối. Đi kèm với tăng trưởng là tăng nhu cầu lao động, thực phẩm và năng lượng. Và gần đây, lần đầu tiên sau 35 năm, thế giới đang đối mặt với lạm phát đồng loạt và nghiêm trọng. Mối liên kết toàn cầu về thị trường, đã giúp tăng trưởng nhanh, hiện đang đẩy mặt tối của toàn cầu hóa lên nhanh hơn bao giờ hết.

Trong mấy tháng qua lạm phát đã tấn công hầu hết các nước. Người ta đã cảm nhận được ảnh hưởng của lạm phát tại cây xăng, nhà hàng, hay hóa đơn tiền điện. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực của thế giới đang phát triển, lạm phát tăng nhanh đang gây ra nạn đói, mất ổn định xã hội và chính trị.

Ở Nga, người tiêu dùng đã lại tích trữ lương thực, như đã từng làm trong những thời kỳ thiếu thốn. Họ đã đi vét bột mỳ, mỳ ống, dầu ăn… để dự trữ cho nhiều tháng, vì sợ mức lạm phát 15% sẽ đẩy giá lên quá cao. Trung Quốc đang gặp tình trạng thiếu điện chưa từng có, do giá than tăng cao và thuế điện đã buộc các nhà máy nhỏ phải đóng cửa.

Một báo cáo của Công ty tư vấn Morgan Stanley đã tổng kết: “Chúng ta rất ngạc nhiên khi thấy có đến 50 nước trong tổng số 190 nước đang chịu lạm phát hai con số, bao gồm hầu hết các thị trường mới nổi. Nói cách khác khoảng một nửa dân số thế giới đang chịu mức giá tăng trên 10%.”

Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách đang rung chuông báo động. Chỉ cách đây mấy tuần, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, ông Jean Claude Trichet đã tuyên bố lạm phát đang đe dọa tăng trưởng ở châu Âu và cảnh báo về tác động vòng hai của lạm phát như tăng lương (lương ở Đức đang tăng mạnh.)

Hồi tháng 6/2008 giá tiêu dùng ở Mỹ đã có mức tăng nhanh nhất trong vòng 17 năm khiến Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mỹ Ben Bernanke báo cáo với Quốc hội: “ưu tiên hàng đầu” là đưa lạm phát xuống mức chấp nhận được. Báo cáo tháng 7/2008 của Ngân hàng Phát triển châu Á đã hối thúc các nước ngừng chú trọng vào tăng trưởng - như đã làm trong hàng chục năm, và phải bắt đầu chống lạm phát để không dẫn đến tồi tệ hơn: lạm phát đình đốn.

Sự kết hợp méo mó giữa tăng trưởng chậm và lạm phát cao từng làm phương Tây lao đao cách đây 3 thập niên, có thể đảo ngược hoàn toàn thời kỳ toàn cầu hóa vàng son.

Giờ đây mọi người đang so sánh lại với hồi thập niên 70 (cả ông Bernanke cũng vậy). Hồi đó cũng như bây giờ, gia tăng chi tiêu ngân sách và chính sách tiền tệ nới lỏng một cách vô trách nhiệm đã đẩy lạm phát lên. Tuy nhiên những khác biệt còn tệ hơn. Hồi đó các nước phát triển gây ra lạm phát và chịu hầu hết hậu quả của lạm phát.

Từ đầu thập niên 70 đến đầu thập niên 80, thất nghiệp ở các nước thành viên OECD đã tăng từ 3% đến 7,8% khi giá cả tăng thêm 10% mỗi năm. Giờ đây lạm phát là do các thị trường mới nổi. Các quốc gia như Trung Quốc đã bắt đầu xuất khẩu lạm phát do sự tăng trưởng bùng nổ của họ và nhu cầu cao về nguồn lực đẩy giá hàng thế giới. Ở Mỹ, lương thực, thực phẩm và xăng dầu chiếm khoảng một nửa mức lạm phát, ở châu Âu là 2/3, còn ở những nước đang phát triển tỷ lệ này còn cao hơn thế.

Sự lạm phát ngày nay dường như liên quan hoàn toàn đến việc tăng giá hàng căn bản là một khác biệt quan trọng nữa so với thập niên 70. Hồi đó, như ở Mỹ chẳng hạn, lương thực và xăng dầu chiếm khoảng 30% tổng lạm phát. Lạm phát căn bản, tức là lạm phát không gồm lương thực và xăng dầu lại tăng mạnh.

Ngày nay, trái lại, lạm phát căn bản lại tương đối vững, ít nhất là ở thế giới giàu. Trước đây, người ta cho rằng lạm phát về lương thực và xăng dầu là không đáng lo vì giá những mặt hàng này có xu hướng giảm xuống mức trung bình dài hạn. Giờ đây, giá lương thực và xăng dầu dường như tăng vô hạn do tăng dài hạn nhu cầu của các cường quốc kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Nga.

Do chi phí vận tải tăng cao, hàng hóa Trung Quốc không còn rẻ
ở phương Tây

Vòng xoáy lạm phát chưa dừng lại

Xu hướng tăng năng suất chậm chạp trong nông nghiệp và các gián đoạn cung cấp dầu lửa sẽ khiến cho lạm phát tổng thể ở mức cao hơn trước đây. Ông Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng ngân hàng America nói: “Với mức lạm phát toàn cầu gần 6%, khó có thể giảm xuống mức 4% của 2007 và càng khó xuống đến mức 3,5% của đầu thập niên này.”

Nhiều công ty đang xem xét lại các mô hình kinh doanh để đối phó với môi trường lạm phát. Nhiều hãng hàng không và chế tạo ôtô sắp phá sản, nhiều chuỗi nhà hàng đang gặp khó khăn. Starbucks vừa công bố quý thua lỗ đầu tiên kể từ khi hoạt động, ngày càng ít người sẵn lòng bỏ ra 4USD cho một ly cafe. Hãng Procter & Gamble vừa thông báo xem lại chuỗi cung cấp toàn cầu của họ, chuyển những cơ sở sản xuất về sát với người tiêu dùng để giảm chi phí vận tải. Rubbermaid, một công ty kinh doanh hàng tiêu dùng của Mỹ đã phải cắt giảm thùng đựng của một số mặt hàng vì giá nguyên liệu nhựa tăng cao. Công ty này cho biết cũng có kế hoạch tăng giá một số mặt hàng hiện có lên đến 20%.

Đến nay, nhiều công ty đã đơn giản chấp nhận hạ lợi nhuận, vì người tiêu dùng quen với thời kỳ vàng son của hàng giá rẻ toàn cầu nên không muốn trả thêm tiền. Tuy nhiên tình hình giá cả có thể sẽ thay đổi. Các khảo cứu ở cả châu Âu và Mỹ cho thấy kỳ vọng lạm phát ở người tiêu dùng hiện ở mức cao nhất trong nhiều năm và họ chưa sẵn lòng trả thêm tiền. Giờ đây nhiều công ty đang gánh chịu hậu quả của lạm phát. Các hãng hàng không đã mất hết lợi nhuận biên. Công ty bán lẻ Mervyns của California gần đây đã nộp đơn xin phá sản, phần vì không thể đẩy chi phí hàng may mặc tăng cao về phía người tiêu dùng.

“Chúng tôi không thể ước lượng mức lạm phát chính xác mà các thị trường mới nổi đang xuất khẩu sang phương Tây nhưng tôi tin rằng điều này đang diễn ra”, nhà kinh tế trưởng của công ty tài chính Morgan Stanley nói. Ông lưu ý rằng lợi nhuận sụt giảm hiện vẫn chưa tạo ra sự giảm mạnh đầu tư công ty có thể do còn được hưởng các ưu đãi thuế. Ông cảnh báo sau khi các ưu đãi này bị cắt vào cuối năm nay, lợi tức có thể giảm mạnh.

Nhìn lại chúng ta thấy sự kết thúc của thời kỳ lạm phát thấp hoàn toàn có thể dự đoán được. Sau khi bong bóng công nghệ vỡ vào năm 2001, các ngân hàng trung ương phương Tây, đứng đầu là Ngân hàng Trung ương Mỹ, đã cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ các thị trường bị tác động. Nhiều quốc gia mới nổi như Trung Quốc, do tỷ giá gắn với với đồng đô la Mỹ, bị buộc phải làm theo, mặc dù việc cắt giảm là không cần thiết ở các nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Kết quả là tràn ngập vốn lãi suất thấp, mầm mống của hỗn loạn. Năm ngoái, khi lạm phát đã cao thì khủng hoảng tín dụng xảy ra. Các ngân hàng trung ương buộc phải cắt giảm lãi suất và như đổ thêm dầu vào lửa.

Lần này, lạm phát đã di chuyển khắp thế giới, nhanh hơn với hồi thập niên 70. Joachim Fels, nhà kinh tế tại Công ty Morgan Stanley nói: “Lạm phát toàn cầu đang tác động đến các quốc gia một cách chưa từng có trong quá khứ".

Những giả định đã thay đổi

Không như người ta mong đợi, các yếu tố một đã thời kiềm chế lạm phát đến nay hóa ra không mạnh, thậm chí phức tạp. Hàng Trung Quốc vẫn rẻ nếu tính bằng nhân dân tệ, nhưng đồng USD suy yếu đã làm chúng đắt hơn với người Mỹ. Mặc dầu Internet là công cụ mạnh giúp người mua hàng, không đủ mạnh để giảm nhiệt tăng giá toàn cầu.

Giáo sư Dale Jorgensen của ĐH Harvard cho là, sự phát triển công nghệ thông tin từ giữa thập niên 90 đã làm tăng năng suất và làm giảm 0,5% trong lạm phát hằng năm của Mỹ. Con số 0,5% đó là lớn khi lạm phát ở mức 2%, nhưng không có nhiều ý nghĩa khi lạm phát đã lên tới 5%. “Internet có hỗ trợ, nhưng không thể chặn được nguy cơ 200 USD/thùng dầu hay giá thực phẩm tăng mạnh”, ông Jorgensen nói.

Còn nữa, theo nhà kinh tế trưởng Bart van Art của Conference Board, tăng trưởng kinh tế tri thức toàn cầu đang góp phần tạo ra lạm phát lương ở các khu vực cao cấp. “Chúng ta nghĩ toàn cầu hóa sẽ làm giảm chi phí lương, nhưng trên thực tế những người có kỹ năng cao lại có lương cao hơn,” ông cho biết ở những nơi như Trung Quốc, lương trong ngành công nghệ thông tin đang tăng nhanh nhất.

Trên thực tế, lương đang tăng vọt ở hầu khắp các nước đang phát triển. Năm nay, lương đã tăng trên 10% ở hầu hết các nước vùng Vịnh, Ấn Độ, Ai Cập, Nam Phi, Argentina, Venezuela, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Pakistan, Hungary, Latvia và nhiều nơi khác. Trong khi đó, lạm phát lương của khu vực sử dụng đồng euro đã tăng lên 3,3% từ đầu năm 2008, mức cao nhất trong vòng 4 năm nay.

Liệu có xảy ra vòng xoáy giá lương kiểu như hồi thập niên 70 hay không? Một số nghĩa là có. Các công ty như U.S. Steel hiện đang lên, vì phí vận tải tăng làm giảm sức cạnh tranh của hàng Trung Quốc trên đất Mỹ. Nhà kinh tế trưởng Jeff Rubin của CIBC World Markets cho biết, chi phí vận tải cao đang làm tăng xu hướng chuyển sản xuất về nước, từ đó lao động châu Âu và Mỹ đòi tăng lương. Điều này xảy ra với nhiều ngành, từ ắc quy đến đồ nội thất, “lạm phát làm thế giới kém ‘phẳng’ hơn,” ông nói.

Những người khác lại không chắc như vậy, phần lớn vì các tổ chức công đoàn phương Tây không còn đủ mạnh để đòi tăng lương. “Tình hình bây giờ hoàn toàn khác với thập niên 70 khi mà các chính sách cánh tả đang lên”, ông Schmieding nói. Ông cho rằng việc tăng lương gần đây ở châu Âu là do thất nghiệp thấp, không phải nhờ công đoàn.

Cũng có một lập luận ngược lại: Ở phương Tây những lo ngại suy thoái sẽ giúp ngăn một vòng xoáy giá lương. Động lực thông thường của một vòng xoáy là người tiêu dùng dự kiến giá sẽ tăng, nên họ mua hàng nhiều hơn, rồi đòi hỏi tăng lương để bù lại giá tăng. Tuy nhiên hiện tại chi tiêu tiêu dùng ở cả Mỹ và châu Âu đang rất thấp. Các khảo sát cho thấy người mua hàng bắt đầu mặc cả theo kiểu “thế giới thứ 3” tại các thị trường trong nước. Trong khi đó một nền kinh tế khó khăn hơn khiến người lao động thấy không có lý do gì để đòi tăng lương.

Hãy quên những tư vấn của Greenspan (trái)
hãy nhớ lại những lời của Volcker (phải)

Hậu quả chưa lường hết

Chưa rõ mức độ tác động của lạm phát đến tăng trưởng toàn cầu, nhưng sẽ không nhỏ. Các nghiên cứu của Stanley Fisher và Robert Barro cho rằng tác động chỉ thấy rõ khi lạm phát lên đến 5-7%. Lạm phát trung bình toàn cầu hiện là 5,5%. IMF dự đoán tăng trưởng toàn cầu năm nay sẽ là khoảng 4%, thấp hơn 1% so với năm ngoái, chủ yếu do ảnh hưởng lạm phát.

Tất cả cho thấy trật tự kinh tế mới phức tạp như thế nào. Toàn cầu hóa đã tạo ra một tầng lớp giàu mới ở các thị trường mới nổi, họ lại tăng nhiệt cho một kỷ nguyên mới của lạm phát toàn cầu. Giải pháp không đơn giản. Hơn nữa, môi trường toàn cầu khó khăn hơn đã thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ hẹp hòi. Riêng các nền kinh tế mới nổi sẽ phải chọn giữa tăng trưởng và an ninh, tách chính sách tiền tệ của mình khỏi phương Tây; cắt bỏ những khoản trợ giá khổng lồ về xăng dầu và lương thực, tuy giúp người dân nhưng lại làm biến dạng thị trường và thúc đẩy lạm phát toàn cầu. Một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Ấn Độ, với nền tài chính công yếu, chính trị khó khăn, và tài nguyên hạn hẹp, có thể bị suy thoái mạnh đến mức gây bất ổn xã hội.

Với nhiều nước khác, sẽ chỉ đơn giản là một giai đoạn tăng trưởng kém ổn định hơn. Nhưng tất cả phải thận trọng để tránh những sai lầm chính sách đã từng dẫn phương Tây đến thời kỳ đình đốn của thập niên 70. Một lời khuyên: Hãy bỏ qua tư vấn của Alan Greenspan, để xem lại những lời của Paul Volcker, vị chủ tịch ngân hàng trung ương Mỹ tuy bảo thủ hơn nhưng đã chế ngự được lạm phát hai con số ở Mỹ.

Ông Fels ở Morgan Stanley nói: “Điều các thị trường mới nổi cần là người như Volcker để giảm tăng trưởng” và kiềm chế lạm phát trước khi vượt khỏi tầm kiểm soát. Vì thế cần sự lãnh đạo kinh tế thận trọng và chín chắn. Về mặt này, có lẽ mọi sự không khác lắm so với 30 năm trước.

Mỹ Trang
Vietnamnet

    Tổng số lượt xem: 1235
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)