Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/03/2008-10:06:00 AM
Diễn biến mới về đàm phán Doha
Trong thời gian qua, các thành viên WTO đã nỗ lực đàm phán để thu hẹp các bất đồng trong các lĩnh vực đàm phán chủ chốt là nông nghiệp, tiếp cận hàng phi nông sản (NAMA), dịch vụ và các vấn đề quy tắc nhằm kịp chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng WTO thu nhỏ (với sự tham gia của một số thành viên được mời) trong tháng 3/2008. Tuy nhiên, cho đến nay các thành viên WTO vẫn đang loay hoay với các dự thảo báo cáo của Chủ tịch các Nhóm đàm phán về nông nghiệp, NAMA và dịch vụ nên Hội nghị Bộ trưởng không được tổ chức như dự kiến mà phải lùi đến tháng 4/2008 hoặc thậm chí lâu hơn.

Tình hình này đã khiến rất nhiều thành viên WTO bi quan về khả năng kết thúc Vòng đàm phán Doha vào cuối năm nay. Trong phiên họp kín trong nội bộ khối ASEAN, một số nước như Thái Lan và Malaysia đều cho rằng khó có khả năng kết thúc đàm phán Vòng Doha vào cuối năm. Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi một số thành viên đang phát triển khác. Dường như các thành viên WTO hiện nay đang cố gắng tìm ra lý do hoặc đối tượng để đổ lỗi cho sự chậm trễ của Vòng Doha. Gần đây, đã có một số hãng tin đã loan truyền đoàn Hoa Kỳ không có thẩm quyền kết thúc đàm phán Doha. Thậm chí họ nêu ra một số hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Hoa Kỳ đã ký như FTA với Pêru, Hàn Quốc được một thời gian nhưng cho đến giờ vẫn chưa được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua.

Về tình hình đàm phán trong các lĩnh vực cụ thể, tình hình đàm phán mới nhất diễn ra từ 11-20/3/2008 như sau:

Đàm phán nông nghiệp

Nông nghiệp là tâm điểm của Vòng đàm phán Doha, tập trung vào 3 vấn đề: i) mở cửa thị trường; ii) trợ cấp xuất khẩu và iii) hỗ trợ trong nước. Do sự nhạy cảm của chủ đề này đối với tất cả các thành viên WTO nên đàm phán nông nghiệp diễn ra rất chậm chạp, ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán trong các lĩnh vực khác như NAMA hoặc dịch vụ. Tới nay, các thành viên đã bàn tới 3 dự thảo của Chủ tịch đàm phán nông nghiệp trong đó nêu ra cách thức tiến hành đàm phán. Dự thảo mới nhất được đưa ra vào ngày 8/2/2008. Trong phiên họp không chính thức ngày 14/3/2008 tại, Chủ tịch Uỷ ban đàm phán nông nghiệp đã yêu cầu các thành viên báo cáo về tình hình đàm phán về sản phẩm nhạy cảm. Hoa Kỳ và Úc báo cáo đàm phán về vấn đề này đã có nhiều tiến triển tốt và sẽ tiếp tục đàm phán tiếp trong tháng 3/2008. Một số thành viên đề nghị vấn đề này cần được đàm phán đa phương vì vấn đề này hiện đang đàm phán theo nhóm.

Vấn đề này cũng được nhóm các thành viên mới gia nhập (RAMs) rất quan tâm. Tại cuộc gặp giữa Nhóm RAMs với ông Chủ tịch Uỷ ban Đàm phán Nông nghiệp Falconer ngày 19/03/2008, đại diện Nhóm RAMs đã yêu cầu ông Chủ tịch rằng trong bản dự thảo đàm phán nông nghiệp tới, cần bổ sung một mục riêng cho RAMs đối với vấn đề này.

Đàm phán NAMA

Đàm phán NAMA tập trung vào 3 vấn đề chính: i) cắt giảm thuế quan ràng buộc; ii) nâng diện ràng buộc thuế quan thông qua cam kết ràng buộc mức thuế quan chưa ràng buộc hiện hành và iii) các biện pháp phi quan thuế (NTBs). Cho đến nay, các thành viên vẫn còn rất nhiều bất đồng đối với cả 3 vấn đề nói trên, đặc biệt là việc thống nhất công thức cắt giảm thuế cho công bằng (cho dù Tuyên bố Hồng Kông đã nhất trí áp dụng công thức Thụy Sỹ để cắt giảm thuế). Hiện các nước đang thảo luận dự thảo báo cáo của Chủ tịch Nhóm đàm phán NAMA trong đó nêu ra các cách thức đàm phán NAMA như công thức cắt giảm thuế, các vấn đề liên quan đến phi thuế. Trong phiên họp không chính thức về NAMA ngày 17/3/2008, các thành viên tập trung thảo luận các một số Phụ lục đưa ra tại Dự thảo đàm phán NAMA ngày 08/02/2008, bao gồm:

- Diễn giải cách hiểu về việc áp dụng Hiệp định hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) đối với thương mại mặt hàng pháo hoa;

- Hài hoà hoá các tiêu chuẩn và thủ tục đánh giá tuân chuẩn đối với bật lửa;

- Diễn giải cách hiểu về việc áp dụng Hiệp định TBT đối với mặt hàng điện tử;

- Diễn giải cách hiểu về việc áp dụng Hiệp định TBT đối với việc ghi nhãn hàng dệt may, giày dép và hàng du lịch;

- Quyết định về việc áp dụng các hàng rào phi thuế đối với các sản phẩm lâm nghiệp dùng trong trong lĩnh vực xây dựng;

Đàm phán dịch vụ

Các thành viên WTO tiến hành đàm phán trên 2 kênh: đàm phán mở cửa thị trường và đàm phán các vấn đề quy tắc. Ngoài ra, các thành viên cũng bàn về dự thảo của Chủ tịch Nhóm đàm phán dịch vụ trong đó nêu ra “một số yếu tố cần thiết để kết thúc đàm phán dịch vụ trong Vòng Doha”. Đây là tài liệu quan trọng bởi lẽ nó đề cập đến những vấn đề nhạy cảm như có coi dịch vụ là một “trụ cột” trong đàm phán Doha như nông nghiệp và NAMA hay không (các nước phát triển muốn dịch vụ là một trụ cột trong khi các nước đang phát triển phản đối), cách thức đàm phán dịch vụ, vấn đề dành ưu đãi cam kết cho các nước mới gia nhập (RAM).

Về đàm phán mở cửa thị trường, hầu hết các thành viên WTO đều cử cán bộ đàm phán dịch vụ từ thủ đô sang đến trực tiếp tiến hành các phiên đàm phán song phương, đàm phán nhiều bên với các thành viên WTO khác. Theo thông tin từ các thành viên ASEAN, những nước tích cực nhất trong việc yêu cầu đàm phán dịch vụ vẫn là các nước có thế mạnh về dịch vụ như Hoa Kỳ, EC, Úc, Nhật Bản, Nauy trong khi những nước nhận được sự quan tâm lớn nhất là các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philíppin. Tuy nhiên, tình hình đàm phán đến nay chưa đạt được nhiều tiến triển. Các bên chủ yếu vẫn đang trong giai đoạn thăm dò, chưa đưa ra cam kết hay nhân nhượng cụ thể.

Về đàm phán các vấn đề quy tắc, các thành viên WTO hiện đang bàn về dự thảo đối với Quy định trong nước (domestic regulation) trong đó chủ yếu tập trung vào một số điểm đáng lưu ý như quy định về cấp phép và cấp chứng chỉ một cửa, cấp phép hoặc cấp chứng chỉ qua mạng. Do đây là vấn đề liên quan đến câu chữ, rất kỹ thuật nên các thành viên WTO cho đến nay chưa đạt được nhiều tiến triển./.


Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế

    Tổng số lượt xem: 1314
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)