(MPI Portal) – Ngày 11/8/2014, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Ốt-xtrây-li-a tổ chức Hội thảo khởi động Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Đại sứ Ốt-xtrây-li-a tại Việt Nam Hugh Borrowman; Phó Chủ tịch Ủy ban năng suất Ốt-xtrây-li-a Mike Woods, cùng đại diệnViện Nghiên cứu quản lý kinh tếTrungương - Bộ Kế hoạch vàĐầu tư,Bộ Công thương,Viện Chính sách và Chiến lược phát triển -Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cố vấn cấp cao, chuyên gia kinh tế đến từ các Viện Nghiên cứu, các trường đại học kinh tế Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Cải cách kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của ViệtNamtrong gần 30 năm qua đã đạt được những thành tựu lớn trên nhiều mặt. Từ năm 2010, ViệtNamđã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Cơ cấu kinh tế đã từng bước chuyển đổi tích cực theo hướng hiện đại; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã được cải thiện đáng kể cả về số lượng và chất lượng; một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao đã hình thành và bước đầu phát triển; thu hẹp đáng kể khoảng cách phát triển so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Kinh tế vĩ mô trong suốt thời kỳ cơ bản duy trì ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung vẫn được đảm bảo.
Tuy vậy, nền kinh tế nước ta hiện nay bộc lộ không ít yếu kém nội tại. Tăng trưởng GDP đang có xu hướng chậm lại; chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Quy mô các ngành kinh tế còn nhỏ và phân tán; sản xuất công nghiệp phần lớn còn ở dạng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng nội địa thấp. Đa số các sản phẩm có đóng góp lớn trong GDP và kim ngạch xuất khẩu đều là sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và khoáng sản, các sản phẩm công nghiệp sơ chế và dịch vụ phục vụ tiêu dùng thâm dụng nhiều lao động phổ thông. Số ngành, lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, hiện đại còn ít; công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, còn mất cân đối lớn giữa các khâu trong chuỗi sản xuất và cung ứng. Cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu đầu tư và cơ cấu lao động còn bất hợp lý; hiệu quả đầu tư và năng suất lao động còn thấp; chưa thu hẹp được khoảng cách về năng suất lao động so với các nước trong khu vực. Lạm phát ở mức cao, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, nợ nước ngoài và nợ công ở mức cao; nợ xấu ngânhàng có xu hướng gia tăng dẫn đến những bất ổn kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây.
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết việc tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vô cùng cấp thiết trong tình hình hiện nay. Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định “đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế” là định hướng tổng quát của phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 – 2020; đồng thời, yêu cầu phải “chuyển đổi mô hình tăng trưởng chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững”. Ngày 19/02/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020. Theo đó, việc tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần thực hiện với lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quan điểm tái cơ cấu nhấn mạnh tới việc phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và của thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản; coi trọng và phát huy các lợi thế về nông nghiệp; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng đánh giá cao những kết quả mà ViệtNamđạt được sau 2 năm triển khai chủ trương tái cơ cấu kinh tế. Đối mặt với nhiều thách thức, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ trong quá trình cải cách, đặc biệt trong việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế và các thực tiễn tốt, tăng cường các đối thoại chính sách trên diện rộng, nâng cao cơ sở bằng chứng ủng hộ cho các cải cách chính sách và thể chế, chuyển hóa một cách hiệu quả thành các vấn đề cải cách quốc gia. Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV) do Bộ Ngoại giao và Thương mại Ốt-xtrây-li-a (DFAT) hỗ trợ là hết sức kịp thời và thiết thực. Dự án được xây dựng và triển khai trong giai đoạn 2014 – 2016 nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số nội dung trong Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
|
Đại sứ Ốt-xtrây-li-a Hugh Borrowman. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Hugh Borrowman bày tỏ vui mừng vì Ốt-xtrây-li-a đã góp phần giúp ViệtNamtrong công cuộc cải cách kinh tế. Đại sứ mong rằng Dự án với những nội dung thiết thực, hợp lý sẽ mang lại hiệu quả cao cho Việt Nam, góp phần vào việc tăng cường năng lực điều hành vĩ mô và hoạch định chính sách của Chính phủ Việt Nam./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư