Báo cáo của Vụ Quản lý các Khu kinh tế ngày 31/12/2010
I. Tình hình xây dựng và phát triển KCN, KKT
1. Về tình hình thành lập mới và mở rộng KCN
Trong năm 2010 có 27 dự án đầu tư phát triển hạ tầng KCN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thành lập mới 23 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên là 5.410,5 ha và mở rộng 4 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên là 429 ha. Tổng diện tích đất tự nhiên KCN tăng thêm trong năm 2010 là 5.839,5 ha. Tổng vốn đầu tư đăng ký của 27 dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN đạt gần 8.000 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 260 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 71.394 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt trên 45.854 ha, chiếm khoảng 65% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 173 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 43.718 ha và 88 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 27.405 ha. Các KCN được phân bổ trên 57 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở 3 vùng kinh tế trọng điểm: trong đó,vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung nhiều KCN nhất với 124 KCN, chiếm gần 48% tổng số KCN trên cả nước; vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc có 52 KCN, chiếm 20% tổng số KCN trên cả nước; và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 23 KCN, chiếm xấp xỉ 10% tổng số KCN trên cả nước.
Theo Quyết định 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015, dự kiến thành lập mới 115 KCN và mở rộng 27 KCN với tổng diện tích gần 32.000 ha. Sau một thời gian thực hiện Quyết định nêu trên, một số KCN đã được thành lập và một số KCN đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020. Tính chung từ nay đến năm 2020, số KCN quy hoạch thành lập đến năm 2020 là 207 KCN với tổng diện tích 63.553 ha.
2. Về tình hình thành lập KKT.
Trong năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động cho 01 khu kinh tế là: KKT Năm Căn (Cà Mau), nâng tổng số KKT đã thành lập trên cả nước lên 15 KKT, cụ thể như sau: 2 KKT ở vùng Đồng bằng sông Hồng là Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh và Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng; 10 KKT ở vùng Duyên hải miền Trung là Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An; Vũng áng, tỉnh Hà Tĩnh; Đông Nam, tỉnh Quảng Trị; Chân Mây-Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế; Chu Lai, tỉnh Quảng Nam; Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Nhơn Hội, tỉnh Bình Định; Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa; Hòn La, tỉnh Quảng Bình và Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên và 3 KKT ở đồng bằng sông Cửu Long là KKT Đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang; KKT Định An, tỉnh Trà Vinh và KKT Năm Căn, tỉnh Cà Mau.Tổng diện tích mặt đất và mặt nước của 15 KKT này là 662.249 ha.
Trong năm 2010, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định đồng ý bổ sung thêm 02 KKT vào Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến 2020 là: KKT Đông Nam Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị và KKT Thái Bình, tỉnh Thái Bình nâng tổng số KKT trong Quy hoạch phát triển KKT của cả nước đến năm 2020 theo Quyết định 1353/QĐ-TTg ngày 23/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ lên 17 KKT, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước của các KKT là 716.603 ha.
3. Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT
- Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KCN:
Đến cuối năm 2010, trong số 260 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN trên cả nước, có 23 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 150 dự án đầu tư trong nước đã hoàn thành xây dựng cơ bản và đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang trong giai đoạn triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản.
Tổng vốn thực hiện của các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN lũy kế đến cuối năm 2010 đạt 2,8 tỷ USD và hơn 111.000 tỷ đồng. Trong đó vốn thực hiện của các dự án đã vận hành đạt hơn 1 tỷ USD và 49.170 tỷ đồng. Các KCN đang xây dựng cơ bản chủ yếu là các KCN được thành lập trong năm 2009, 2010.
- Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KKT:
Trong năm 2010, đã có 32 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội trong KKT đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 15.600 tỷ đồng. Lũy kếđến hết năm 2010, tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KKT trên cả nướclà gần 170.000 tỷ đồng trong đó vốn đầu tư trong nước khoảng hơn 40.000 tỷ đồng (chiếm gần 25 % tổng vốn đầu tư), vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 130.000 tỷ đồng (chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư).
4. Tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, KKT.
4.1. Tình hình thu hút đầu tư vào các KCN.
- Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN
Trong năm 2010, cácKCN của cả nước đã thu hút được 230 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3.591,6 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 212 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là hơn 1.714 triệu USD. Tính chung, tổng số vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm trong năm 2010 đạt 5.276,86 triệu USD. Đông Nam Bộ là khu vực dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào KCN với tổng số vốn đầu tư là 2.896,3 triệu USD, chiếm 55% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào KCN cả nước trong năm 2010.
Lũy kế đến cuối tháng 12/2010 các KCN trong cả nước đã thu hút được 3962 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 53.588 triệu USD, tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt 17.055 triệu USD, bằng 32 % tổng vốn đầu tư đăng ký.Hiện nay đã có 3053 dự án đang sản xuất kinh doanh và 274 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản.
Tỷ suất đầu tư vốn đầu tư các dự án FDI/ ha đất công nghiệp đã cho thuê đạt 2,55 triệu USD (tương đương 50 tỷ đồng). Vùng Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ có tỷ suất đầu tư trung bình của các dự ánFDI/ha đất công nghiệp đã cho thuê cao hơn mức trung bình của cả nước lần lượt là 3,29 và 3,22 triệu USD. Đây cũng là 2 vùng có tỷ lệ tạo công ăn việc làm/1 ha đất công nghiệp đã cho thuê cũng cao hơn các địa phương khác lần lượt là 83 lao động và 87 lao động.
- Tình hình thu hút đầu tư trong nước vào các KCN:
Về tình hình thu hút đầu tư trong nước, trong 12 tháng đầu năm, các KCN đã thu hút được 357 dự án với tổng vốn đăng ký 50.013,43tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 95 dự án với tổng vốn tăng thêm 7.665,55tỷ đồng.Như vậy, trong gần 12 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư trong nước thu hút được đạt hơn 55.175,1 tỷ đồng.
Tính lũy kế đến hết tháng 12/2010, các KCN cả nước đã thu hút được 4.377dự án đầu tư trong nướcvới tổng vốn đăng ký gần 336.078 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 135.950 tỷ đồng, bằng 40,5% vốn đăng ký. Tỷ suất đầu tư các dự án DDI/1 ha đất công nghiệp đã cho thuê đạt gần 16 tỷ đồng.
4.2. Tình hình thu hút đầu tư vào các KKT
Trong năm 2010, các KKT ven biển thu hút được hơn 30 dự án đầu tư nước ngoài, kể cả các dự án tăng vốn, mở rộng sản xuất với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 2 tỷ USD; hơn 80 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng. Các KKT cả nước hiện thu hút được gần 700 dự án trong nước và nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 33 tỷ USD và 330.000 tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án lớn và quan trọng tại KKT Nghi Sơn, KKT Vũng áng, KKT DungQuất gồm nhà máy lọc dầu số 1 và số 2, nhà máy đóng tàu Dung Quất, nhà máy thép Quảng Liên, Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, nhà máy cơ khí nặng Doosan, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn và Vũng áng, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong...
4.3. Tình hình cho thuê đất công nghiệp
Tính đến hết năm 2010, các KCN trên cả nước đã cho thuê được hơn 21.000 ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 46%. Riêng các KCN đã đi vào hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê gần 65%.
Bảng so sánh một số chỉ tiêu phát triển KCN ở Việt Nam (tính đến tháng 12/2010)
STT
|
Vùng
|
Tỷ suất ĐT hạ tầng/ha đất TN (tr.USD)
|
Tỷ suất ĐT 1 dự án /ha đất CN đã cho thuê
|
Tổng sốlao động/ha đất CN đã cho thuê
|
Dự án FDI (tr.USD)
|
Dự án DDI (tỷ đồng)
|
1
|
Trung du MN phía Bắc
|
0,13
|
0,83
|
22,72
|
59,65
|
2
|
Đồng bằng sông Hồng
|
0,17
|
3,29
|
16,97
|
82,81
|
3
|
Duyên hải miền Trung
|
0,11
|
0,89
|
15,76
|
62,00
|
4
|
Tây Nguyên
|
0,06
|
0,29
|
22,05
|
35,48
|
5
|
Đông Nam Bộ
|
0,10
|
3,22
|
13,82
|
87,28
|
6
|
Đồng bằng sông Cửu Long
|
0,13
|
0,91
|
20,28
|
48,88
|
|
Bình quân cả nước
|
0,12
|
2,55
|
15,97
|
76,76
|
5. Tình hình sản xuất kinh doanh
Mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT đã đạt được những kết quả khả quan, dần phục hồi tốc độ tăng trưởng so với giai đoạn trước khủng hoảng.
Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của các KCN, KKT cả nước trong năm 2010 đã đạt mức tăng trưởng khá. Các doanh nghiệp KCN đã đạt tổng doanh thu trên 30,5 tỷ USD và 57.251 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của các doanh nghiệp đạt xấp xỉ 19 tỷ USD và 18,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp cũng đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước với 19.165tỷ đồng và 344.37 triệu USD.
Mặc dù mới được thành lập và đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhưng trong năm vừa qua tình hình sản xuất kinh doanh của các KKT cũng đã có bước phát triển đáng kể, doanh thu của các KKT đạt hơn 10.000 tỷ đồng và 560 triệu USD, giá trị nhập khẩu và xuất khẩu lần lượt là 572.5 triệu USD và 370 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.100 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2010, các KCN, KKT đã giải quyết việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động trực tiếp.
6. Tình hình xử lý nước thải
Hiện có 105 KCN đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 61% tổng số KCN đã vận hành; 34 KCN đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Nếu theo chỉ tiêu KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung được điều chỉnh theo Kế hoạch kinh tế – xã hội năm 2010 là 45% thì tỷ lệ này đã vượt kế hoạch đề ra.
7. Nhận xét, đánh giá tình hình xây dựng và phát triển KCN, KKT
7.1. Kết qủa
- Cơ chế, chính sách phát triển KCN, KKT đã dần được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp cho các Ban quản lý KCN, KKT thực hiện quản lý Nhà nước KCN, KKT trên các lĩnh vực.
- Ban quản lý các KCN, KKT đã dần ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự và nâng cao năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới được phân cấp.
- Các KCN, KKT đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương, góp phần tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế-lao động theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết việc làm.
- Các địa phương có điều kiện thuận lợi đã chủ động định hướng thu hút các dự án đầu tư phù hợp với lợi thế so sánh của địa phương; các dự án có hàm lượng công nghệ và vốn cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
7.2. Hạn chế
- Vấn đề bảo vệ môi trường KCN tuy đã được cải thiện, song vẫn còn tồn tại một số KCN, doanh nghiệp KCN chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật về môi trường. Việc phối hợp kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường KCN, KKT của các cơ quan Nhà nước chưa thật chặt chẽ.
- Cơ cấu đầu tư, lao động trong các KCN, KKT chưa thực sự hợp lý, hàm lượng công nghệ, lao động tri thức trong các KCN, KKT còn hạn chế.
- Công tác quy hoạch KCN và tuân thủ các điều kiện quy hoạch, thành lập KCN của các địa phương còn hạn chế.
- Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của một số KCN còn gặp khó khăn, không hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
- Vấn đề nhà ở, điều kiện sống, làm việc của người lao động trong KCN vẫn chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu.
- Công tác xây dựng hạ tầng KKT còn chậm; huy động các nguồn vốn cho phát triển hạ tầng KKT còn gặp nhiều khó khăn.
8. Định hướng, giải pháp phát triển KCN, KKT
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KCN, KKT gắn với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường, để đảm bảo tính bền vững.
- Tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường, giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động địa phương.
- Quy hoạch KCN gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư và các quy hoạch ngành đảm bảo hiệu quả thu hút đầu tư, điều kiện sinh hoạt, ăn ở và dịch vụ khác phục vụ cho doanh nghiệp KCN và người lao động trong KCN.
- Phát triển về số lượng và quy mô KCN cần phù hợp và hài hoà với điều kiện phát triển thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất KCN.
- Việc xem xét bổ sung thêm các KKT ven biển vào Quy hoạch cần được cân nhắc về thời điểm cũng như các điều kiện đáp ứng thực tế của địa phương.
- Tập trung phát triển các KKT ven biển đã thành lập, kiên quyết không thành lập thêm các KKT ven biển khi chưa đủ điều kiện.
- Xem xét, sửa đổi chính sách phát triển KKT hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong KKT, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
II. Dự báo tình hình đầu tư và phát triển KCN, KTT năm 2011
Dự kiến trong năm 2011, số KCN được thành lập mới và mở rộng là 15 KCN với tổng diện tích dự kiến khoảng 3.000 – 3.500 ha.
Năm 2011, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có chuyển biến theo hướng tích cực, tình hình FDItrên thế giới dự báo sôi động hơn, dự kiến các KCN sẽ thu hút được thêm khoảng 4,5-5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 18-20 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng số dự án trong KCN đến cuối 2011 đạt 8.900 dự án trong đó có 4.100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 4.800 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 56-58 tỷ USD và 400 ngàn tỷ đồng.
Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của KCN dự kiến sẽ tăng khá so với năm năm 2010 (khoảng 5-8%). Dự kiến doanh thu của các doanh nghiệp KCN (kể cả trong nước và nước ngoài) trong năm 2011 ước đạt 32-34 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 19 - 21 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt khoảng 18-20 tỷ USD; nộp ngân sách đạt khoảng 1,6 tỷ USD và thu hút khoảng 1,6-1,8 triệu lao động trực tiếp.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung KKT Ninh Cơ (tỉnh Nam Định) và đang thụ lý 02 hồ sơ xin bổ sung Quy hoạch phát triển Khu kinh tế ven biển đến năm 2020: KKT Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu) và KKT Trần Đề (Sóc Trăng), nên có khả năng trong năm 2011, Thủ tướng Chính phủ sẽ cho phép bổ sung thêm 03 KKT này vào Quy hoạch. Việc xem xét thành lập các KKT trong Quy hoạch cần đảm bảo hội tụ đầy đủ các điều kiện theo quy định, phù hợp với khả năng thu hút đầu tư của địa phương, tránh trường hợp thành lập để xin hỗ trợ từ ngân sách trung ương, giữ đất gây lãng phí đất đai./.
Vụ Quản lý các Khu kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư