Trong hai ngày 01 và 02 tháng 7 năm 2008, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:
1. Chính phủ đã nghe Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2008, các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm; Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2008 của Chính phủ; Báo cáo tình hình điều hành kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2008; Báo cáo tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2008; Báo cáo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2008 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ trình.
Trong 6 tháng đầu năm 2008, Chính phủ vừa tiếp tục chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy của các bộ, ngành vừa tích cực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2008. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo triển khai đồng bộ 10 nhóm giải pháp nhằm thực hiện 5 trọng tâm công tác của cả năm là: phấn đấu đạt tăng trưởng cao và bền vững gắn với xóa đói, giảm nghèo; tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng.
Vào nửa cuối Quý I, trong bối cảnh bị tác động mạnh bởi kinh tế thế giới suy giảm, giá cả tăng cao; ở trong nước, thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại kéo dài, dịch bệnh gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống; chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát tăng cao, nhập siêu lớn; những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế càng bộc lộ rõ. Chính phủ đã kịp thời đánh giá tình hình, đề ra 8 nhóm giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; chỉ đạo quyết liệt việc đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, giảm nhập siêu, kiềm chế tốc độ tăng giá, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thực hành tiết kiệm, nâng cao hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và chi tiêu công; kiểm soát nhập khẩu, tăng cường quản lý thị trường, giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ cũng đã trình Quốc hội phê chuẩn việc điều chỉnh một số chỉ tiêu nhiệm vụ trong kế hoạch năm 2008 cho phù hợp với tình hình mới. Các giải pháp của Chính phủ đã tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; đến nay, việc thực hiện đã thu được những kết quả tích cực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn đạt 6,5%, trong đó sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tốt, vụ lúa Đông xuân được mùa, tăng 1 triệu tấn so với cùng kỳ có ý nghĩa lớn cả về kinh tế, xã hội và bảo đảm an ninh lương thực. Kim ngạch xuất khẩu tăng 34,5%, nhập siêu giảm dần. Vốn đầu tư xã hội đạt mức cao (tương đương 42% GDP); thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng cao với 31,6 tỷ USD vốn đăng ký mới và 4,9 tỷ USD vốn thực hiện, thể hiện các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư của nước ta trong trung và dài hạn. Thu ngân sách nhà nước tăng cao hơn so với cùng kỳ, đạt 60,6% dự toán cả năm. Chỉ số tăng giá có xu hướng giảm, tháng 6 chỉ tăng 2,14% so với tháng 5, là mức thấp nhất trong 6 tháng đầu năm. Thị trường tài chính tiền tệ tuy biến động nhưng đã có dấu hiệu chuyển biến theo hướng tích cực. Các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao và thực hiện các chương trình, đề án về xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, hỗ trợ các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp tục được quan tâm. Giáo dục và đào tạo có chuyển biến tốt. Chính trị ổn định; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đối ngoại; phòng, chống dịch bệnh có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Giá cả thị trường thế giới, trong nước diễn biến phức tạp; thiên tai, dịch bệnh khó lường. Lạm phát và nhập siêu vẫn ở mức cao. Thị trường tiền tệ chưa ổn định vững chắc, thị trường chứng khoán sụt giảm và phục hồi chậm. Giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ chậm so với tiến độ đề ra. Môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng, một số lĩnh vực sản xuất đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Công tác xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội gặp nhiều khó khăn. Công tác thông tin tuyên truyền về nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa được thực hiện đồng bộ.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề, đòi hỏi sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, với nỗ lực và quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân. Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình để có biện pháp ứng phó thích hợp; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
a) Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt đi đôi với việc bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế; đáp ứng đủ vốn lưu động cho sản xuất, xuất khẩu, vốn cho các dự án, công trình đầu tư cấp bách sớm phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội đã đề ra.
Điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tín hiệu thị trường; thực hiện chính sách tài khóa theo hướng tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước; tăng cường hỗ trợ, kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; theo dõi sát, bảo đảm sự lành mạnh của thị trường chứng khoán.
Điều hành giá cả theo nguyên tắc thị trường với lộ trình, thời điểm phù hợp; đồng thời tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm.
Thực hiện kiên quyết cắt giảm đầu tư công và tiết kiệm chi tiêu thường xuyên. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát để cắt giảm đầu tư công; sắp xếp, sử dụng tổng mức vốn đã được phê duyệt để đầu tư tập trung và xử lý trượt giá theo quy định cho các công trình không cắt giảm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước về việc rà soát, sắp xếp cụ thể và công bố công khai danh mục các công trình, dự án cắt giảm. Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ về tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên.
Đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, tăng chủng loại, nguồn hàng, xúc tiến tìm kiếm thị trường để tăng kim ngạch xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, cân đối cung cầu hàng hóa thị trường. Áp dụng cơ chế, chính sách, hàng rào kỹ thuật phù hợp nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng chưa thật sự cần thiết cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Giảm dần nhập siêu, phấn đấu đạt tỷ lệ nhập siêu tương đương năm 2007.
b) Duy trì sản xuất, phấn đấu bảo đảm tăng trưởng
Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khả năng có thể. Có cơ chế, chính sách bảo đảm đủ, kịp thời vốn lưu động cho sản xuất, xuất khẩu, vốn cho các dự án, công trình cấp bách, nhất là các dự án, công trình có vị trí quan trọng phục vụ các mục tiêu tăng trưởng. Tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, hoạt động đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạm ứng vốn...; có biện pháp giải ngân nhanh vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, FDI; tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình và cung ứng hàng hóa cho thị trường.
Tiếp tục tạo điều kiện để các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh để tăng cường tiềm lực nhằm thực hiện có hiệu quả vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế; đồng thời quan tâm chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là đầu tư kinh doanh chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.
c) Công tác bảo đảm an sinh xã hội
Tiếp tục bảo đảm ổn định đời sống nhân dân thông qua việc đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và có hiệu quả các chính sách đã ban hành về hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ thuộc diện chính sách, hộ cận nghèo, vùng bị thiên tai, người lao động có thu nhập thấp, chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng nghèo và các chính sách hỗ trợ khác. Khẩn trương ban hành các cơ chế, chính sách về giải quyết vấn đề đình công, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ giảm nghèo cho 58 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; xây dựng và ban hành chuẩn nghèo phù hợp với tình hình mới để có cơ sở thực hiện từ năm 2009.
d) Công tác thông tin tuyên truyền
Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời các chủ trương, chính sách về kinh tế - xã hội, nhất là các thông tin về tình hình và sự điều hành kinh tế vĩ mô cho các cơ quan truyền thông.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế có sự nhìn nhận đúng đắn; kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi đưa tin sai sự thật, tạo ra dư luận xấu, gây tâm lý lo lắng trong xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Các cơ quan thông tin truyền thông nêu cao trách nhiệm đối với lợi ích của nhân dân, của đất nước, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước, trước hết là hưởng ứng chủ trương về tiết kiệm chi tiêu và hạn chế tiêu dùng, nhất là đối với các hàng hóa xa xỉ, chưa thật cần thiết, góp phần cùng với Nhà nước thực hiện thành công các giải pháp kiềm chế lạm phát.
đ) Các công tác khác
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quan tâm thường xuyên công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trật tự xã hội, an toàn giao thông; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; chủ động phương án phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống giảm nhẹ thiệt hại thiên tai; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra. Đồng thời khẩn trương xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009.
Các bộ, ngành theo chức năng phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội.
Giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2008 và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2008 của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định gửi các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2008, các giải pháp chủ yếu trong 6 tháng cuối năm 2008 và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để trình Bộ Chính trị.
2. Chính phủ nghe Đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008 - 2010 do Bộ Giáo dục và Đào tạo trình.
Chính phủ xác định mục tiêu đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục và đào tạo phát triển có chất lượng hơn và mọi người dân trong độ tuổi đều có cơ hội học tập với sự quan tâm, chăm lo, đầu tư nhiều hơn của Nhà nước và xã hội cùng với sự đóng góp của những đối tượng có khả năng chi trả. Đề án cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, quan điểm nguyên tắc đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục, đào tạo và thể hiện rõ cơ chế, chính sách về tài chính, bảo đảm tính khả thi cao, khuyến khích giáo dục và đào tạo phát triển mạnh.
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh-Xã hội và các cơ quan liên quan thành lập nhóm công tác để tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan để hoàn chỉnh Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình xin ý kiến Bộ Chính trị. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định về đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và đào tạo sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị.
3. Chính phủ nghe Báo cáo kết quả hoạt động của Ủy ban Nhà nước điều tra sự cố sập 2 nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Ủy ban trình.
Chính phủ nhất trí thông qua Báo cáo kết luận về kết quả điều tra sự cố sập 2 nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ và đánh giá cao cố gắng của Ủy ban đã làm việc nghiêm túc, khách quan, đúng trình tự theo quy định; các kết luận có đủ căn cứ và cơ sở khoa học.
Giao Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ vào kết luận của Ủy ban để xem xét, ra kết luận điều tra, xác định rõ trách nhiệm pháp lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Giao Bộ Giao thông vận tải căn cứ kết quả thẩm định lại thiết kế của cơ quan tư vấn độc lập về các gói thầu của dự án xây dựng cầu Cần Thơ, chỉ đạo các cơ quan liên quan, phối hợp với các nhà thầu tiếp tục triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình.
4. Chính phủ đã xem xét các dự án Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, Luật Đăng ký bất động sản, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính trình; xem xét Báo cáo của Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về các dự án Luật này.
Giao các Bộ: Tư pháp, Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, Luật Đăng ký bất động sản, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự án Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (đã ký)
File đính kèm: Nghi quyet 15-2008 CP.pdf