Những kịch bản về suy thoái kinh tế thế giới trong năm 2009 đều đưa ra những cảnh báo hết sức khó khăn đối với các ngành hàng xuất khẩu trong đó có nông nghiệp.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển vọng xuất khẩu nông nghiệp năm 2009.
Theo ông, triển vọng xuất khẩu năm 2009 của ngành nông nghiệp sẽ diễn biến theo hướng nào?
Cuộc khủng hoảng tài chính đang tiếp diễn, chưa dừng lại. Nó sẽ còn ảnh hưởng hết năm 2009 nên triển vọng xuất khẩu năm 2009 khó khăn hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Vấn đề không chỉ là lựa chọn một kịch bản dự báo cụ thể nào mà cần phải có một gói giải pháp tổng thể cho xuất khẩu Việt Nam trong đó có nông nghiệp.
Theo tôi, chúng ta nên có một gói tài chính để ứng cứu một số doanh nghiệp đang bên bờ phá sản. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước bảo giảm lãi suất ngân hàng, nhưng hiện doanh nghiệp chưa hưởng được. Một số ngân hàng vẫn bắt buộc doanh nghiệp phải trả hết vốn vay cũ với lãi suất cũ rồi mới cho vay với lãi suất mới.
Thực ra hàng hóa trong kho nhiều doanh nghiệp vẫn chưa bán được, vì vậy phải khoanh nợ cũ lại và cho vay với lãi suất mới thấp hơn thì doanh nghiệp mới có thể chịu đựng được. Nếu doanh nghiệp chịu đựng được thì nông dân, nông thôn mới không bị ảnh hưởng nặng nề.
Thứ trưởng nói nên có gói tài chính để cứu doanh nghiệp nhưng chúng ta nên hỗ trợ theo phương thức như thế nào?
Gói tài chính giải cứu này phải thông qua các chính sách chứ không phải “bơm” tiền cho doanh nghiệp này, hay ngân hàng khác.
Cụ thể, chúng ta thông qua ngân hàng để giảm lãi suất cho vay; xác định lại tỷ giá đồng tiền Việt Nam để có lợi cho xuất khẩu, đặc biệt là, chúng ta phải làm thế nào để mở được thị trường bán hàng hóa, không chỉ nông sản mà tất cả các loại hàng hóa khác. Nếu bán được thì mới giải quyết được, còn nếu để trong kho thì rất khó.
Ngành nông nghiệp chuẩn bị như thế nào trước khả năng rau, quả giá rẻ sẽ tràn vào Việt Nam trong năm 2009 sau khi thị trường bán lẻ được mở cửa?
Chúng ta cũng đã có những chuẩn bị nhất định song thực sự là quá chậm. Hiện sản xuất nông nghiệp vẫn chạy theo sản lượng, năng suất nhưng về chất, tức sức cạnh tranh thì còn quá thấp. Nếu chuyển một cách cơ bản thì phải giảm những loại hàng hóa thị trường không có nhu cầu và nâng cao chất lượng nông sản lên.
Ví dụ, năm tới, cá tra không tăng lượng được mà phải đầu tư nuôi thế nào để con cá có chất lượng tốt hơn, chế biến tốt hơn. Gạo cũng thế, chúng ta có thể nâng cao gạo chất lượng cao và làm thế nào cho nông dân có lãi trên mảnh ruộng của mình.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần quản lý theo một chuỗi giá trị sản xuất, từ ao nuôi tới bàn ăn, từ cái cày tới cái đĩa, từ trang trại tới bàn ăn, tức là gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với chế biến và tiêu thụ, giữa sản xuất và thị trường.
Vừa qua có một nhược điểm lớn là nhà sản xuất không biết sản xuất cứ lo làm mà không biết thị trường. Do vậy, phải gắn kết lại. Có ba mối quan hệ cần phải cải tiến, đó là quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhà sản xuất; nhà chế biến với người nông dân; thị trường trong nước và thị trường nước ngoài.
Sang năm 2009, dự báo kim ngạch xuất khẩu của 5 nhóm hàng nông sản lớn đều giảm xuống rất mạnh, nhất là gạo và cà phê. Vậy ngành nông nghiệp đã điều chỉnh cơ cấu sản xuất như thế nào?
Vấn đề hiện nay các mặt hàng vẫn có nhu cầu lớn như chè, hồ tiêu, cà phê. Theo tôi nghĩ, mặt hàng có khối lượng lớn là lúa gạo cần có một bước chuyển và nên đầu tư mạnh vào bảo quản, chế biến tốt hơn để làm thế nào nâng giá trị gạo sau thu hoạch, tức phải chú ý tới công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến sau thu hoạch để nâng giá trị từ thủy sản cho tới nông sản.
Còn ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng sẽ phải đầu tư như thế nào?
Thủy sản bây giờ phải đầu tư vào nuôi bền vững với ba tiêu chí: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, phải bảo vệ được môi trường sinh thái. Như thế, thủy sản mới phát triển bền vững được. Trong phát triển thủy sản, vấn đề môi trường cần phải quan tâm hàng đầu.
Thời báo kinh tế Việt Nam