Thời gian gần đây, một số mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên rau, quả, chè đã bước đầu được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, góp phần quảng bá và nâng cao uy tín cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một thực trạng là VietGAP vẫn chưa được nhận thức đầy đủ, nông dân thực hiện còn lúng túng.
|
Vú sũa Lò Rèn theo tiêu chuẩn GlobalGAP của gia đình ông Trương Văn Vốn chuẩn bị cho thu hoạch
|
VietGAP - Bước “khởi động” cần thiết
Để đảm bảo các tiêu chuẩn gắt gao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho ra đời tiêu chuẩn riêng của Việt Nam (VietGAP), được xây dựng trên cơ sở thừa kế các tiêu chuẩn GAP đã ra đời trước đó.
VietGAP tương đương với GlobalGAP, Asengap và các GAP khác trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều địa phương, đơn vị còn băn khoăn giữa việc lựa chọn áp dụng GlobalGAP hay VietGAP vào sản xuất nông sản.
Tại buổi phát động phong trào thi đua sản xuất VietGAP, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng khẳng định cần thiết phải cho ra đời tiêu chuẩn VietGAP, đây là bước “chạy đà” để tiến đến hòa nhập vào GlobalGAP trong vài năm tới.
Tầm nhìn của VietGAP là hòa nhập vào GlobalGAP, tiến trình hòa nhập sẽ mất khoảng 4-5 năm. Rau, quả, chè là những đối tượng được xác định áp dụng đầu tiên; sau đó sẽ mở rộng đến gạo, mía, tiêu, điều và các đối tượng còn lại.
Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được một số tổ chức chứng nhận VietGAP, mục tiêu trong tương lai sẽ có được những tổ chức chứng nhận GlobalGAP.
Theo Cục Trồng trọt, cả nước hiện có 15 mô hình sản xuất áp dụng VietGAP được chứng nhận, tập trung ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Long An,Vĩnh Long, Bến Tre.
Ngoài ra, Việt Nam có 80ha rau an toàn, 5ha vải và 3.000ha thanh long đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng ở Tiền Giang, một trong những địa phương đi tiên phong về sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn GAP, đã có một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như vú sữa Lò Rèn, lúa ở Mỹ Thành Nam.
Mới đây, Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 vừa cấp giấy chứng nhận sản xuất khóm đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 22 hộ xã viên của Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, với diện tích 30ha.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục mở rộng các dự án để tái chứng nhận các diện tích đã đạt trước đó và chứng nhận các diện tích mở rộng; xây dựng mô hình sản xuất lúa ở Gò Công Tây, Cái Bè; nhãn và thanh long, theo các tiêu chuẩn GAP.
Nhờ áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất trên, giá trị của các vùng sản xuất tăng hơn trước, nông hộ giảm được chi phí đầu tư vật tư nông nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đặc biệt là có giá trị xuất khẩu cao.
Và những việc cần làm
Ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Thắng nêu lên không ít khó khăn trong việc áp dụng quy trình VietGAP trên cây dứa dù được các ngành, các cấp tích cực hỗ trợ. Đó là việc thay đổi quan điểm, thói quen sản xuất và sự e ngại của người dân để thực hiện được quy trình có yêu cầu khắt khe, đòi hỏi nông dân phải có trình độ nhất định này.
Qua tư vấn sản xuất xoài cát Hòa Lộc ở thành phố Cần Thơ đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, dứa Queen ở tỉnh Tiền Giang đạt tiêu chuẩn VietGAP, tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã chỉ ra những tồn tại từ khâu sản xuất đến quản lý và tiêu thụ.
Về phía sản xuất, chủng loại cây ăn trái đặc sản đa dạng nhưng sản xuất tự phát, manh mún nhỏ lẻ; mỗi hộ trồng nhiều loại giống cây trên một mảnh vườn và chất lượng giống không đảm bảo.
Tập quán sản xuất khó thay đổi, nông dân chưa quan tâm đến việc sản xuất trái cây theo hướng chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nên đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh.
Việc xây dựng vùng chuyên canh chưa được quan tâm, công tác quản lý giống bất cập, kinh tế hợp tác còn mang tính hình thức, doanh nghiệp chế biến trái cây lại quá ít, hạ tầng vùng sản xuất yếu, việc tiếp cận thị trường kém; các công đoạn từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, vận chuyển, kho chứa chưa thông suốt.
Để giải quyết những tồn tại trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phấn đấu từ nay đến năm 2011 hoàn thành qui hoạch các vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn tập trung ở 100% tỉnh, thành phố trong nước. 50% các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất an toàn tập trung đảm bảo đủ điều kiện sản xuất, sơ chế sản phẩm rau, quả, chè phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP; 30% lượng hàng nông sản tại các vùng sản xuất an toàn tập trung được chứng nhận hoặc tự đánh giá và công bố sản xuất theo VietGAP, cũng là những mục tiêu phấn đấu mà Bộ đưa ra từ nay đến năm 2011.
Từ năm 2010-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động phong trào thi đua áp dụng VietGAP trong sản xuất rau, quả an toàn; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm rau, quả; huy động sự quan tâm từ trong nước và quốc tế để đầu tư, hỗ trợ cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, phục vụ xuất khẩu.
Để đạt mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng gợi mở thêm cách tiếp cận mới để tham khảo như việc Thái Lan cấp chứng nhận các tiêu chuẩn GAP trực tiếp cho nông hộ. Lâu nay, Việt Nam chỉ xây dựng và cấp chứng nhận đạt các tiêu chuẩn GAP trong sản xuất nông sản thông qua hợp tác xã nhưng hiện nay hầu hết đơn vị trong kinh tế hợp tác còn quá yếu.
Liệu cách tiếp cận mới này có làm lan tỏa nhanh việc áp dụng các tiêu chuẩn GAP vào nông sản, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.
Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu rau, quả nhưng sản lượng còn quá thấp do không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn mà thế giới đặt ra. VietGAP là bước đi đầu tiên trong hành trình đưa nông sản Việt Nam đến gần với thế giới hơn.
Cái khó nhất hiện nay là đa phần nông dân và cả các cơ quản quản lý chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ quy trình, mục đích áp dụng, người sản xuất chưa nhận được hỗ trợ khi thực hiện, đầu ra sản phẩm bấp bênh.
Vì thế, để có hàng hóa bảo đảm chất lượng, đạt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp và sự hợp tác tích cực của nông dân./.