Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công nghiệp Nguyễn Thăng Long cho biết năm nay, khối công thương địa phương sẽ triển khai đồng bộ 7 giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu lớn, đạt mức tăng trưởng 12% về giá trị sản xuất công nghiệp.
|
Sản xuất động cơ điện tại Công ty cổ phần chế tạo điện cơ Hà Nội
|
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2009 và triển khai kế hoạch năm 2010 khối công thương địa phương, tổ chức ngày 13/1, ông Long cho biết 7 giải pháp đó là Cục Công nghiệp địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với sở công thương các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị ngành công thương của 5 vùng theo hướng gắn với nhiệm vụ trọng tâm của ngành và địa phương; tăng cường đẩy mạnh liên kết vùng; kịp thời nắm bắt thông tin về sản xuất công nghiệp địa phương.
Cục Công nghiệp địa phương sẽ cùng với sở công thương các đại phương đôn đốc, giúp đỡ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trong ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp của Chính phủ về phục hồi kinh tế đảm bảo an sinh xã hội; khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế, sản phẩm tiêu dùng.
Bên cạnh đó, giải pháp đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm để nâng cao năng lực sản xuất; sắp xếp lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu theo hướng có lợi thế, hiệu quả, hướng ra xuất khẩu sẽ tiếp tục được chú trọng.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, vùng miền tốt nhất, Cục Công nghiệp địa phương sẽ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác khuyến công tại cơ sở; hướng dẫn kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để 180 tỷ đồng kinh phí khuyến công được sử dụng hiệu quả nhất.
Trong năm 2010, Cục Công nghiệp địa phương cũng sẽ thành lập Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp 3 - khu vực miền Trung để hỗ trợ tốt nhất doanh nghiệp tại khu vực này.
Năm 2009, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp khu vực ngoài quốc doanh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 9,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,1%, góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
Một số tỉnh thành phố có tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp lớn, duy trì được tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng của toàn ngành như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ.
Đáng chú ý, công nghiệp nông thôn ít chịu tác động của suy giảm kinh tế nên tiếp tục tăng trưởng 11,7% và chiếm tỷ trọng 20,38% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành.
Còn theo Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương, năm nay, để hỗ trợ cho việc khai thác thị trường trong nước, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước sẽ tập trung vào các hoạt động tổ chức bán hàng dưới nhiều hình thức phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn thị trường, kích thích tiêu dùng, góp phần mở rộng và đa dạng hóa các kênh phân phối tới mọi vùng miền của cả nước, đặc biệt là nông thôn và miền núi.
Nhằm thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, chất lượng dịch vụ phân phối để lôi cuốn người tiêu dùng, góp phần đạt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng trên 18% so với năm ngoái.
Nhằm làm tốt vai trò tư vấn cho Chính phủ và định hướng cho sản xuất kinh doanh, Vụ sẽ chủ động đề xuất các giải pháp ổn định thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra đột biến dẫn đến sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát ở mức dưới 7%.
Tổ điều hành thị trường trong nước sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, nhất là trong công tác dự báo cung cầu, giá cả đối với các mặt hàng trọng yếu./.