Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/12/2009-14:00:00 PM
Hàng hóa Việt Nam: Nhiều cửa để xuất khẩu vào Mỹ
Hàng dệt may, giày dép của Việt Nam (VN) xuất khẩu (XK) đã có được lợi thế cạnh tranh tốt tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, hàng hóa của VN bán vào nước Mỹ chỉ được hơn 1% trong tổng nhu cầu nhập khẩu của nước Mỹ. VN đã tham gia vào chuỗi cung ứng tại thị trường Mỹ nhưng vẫn còn thấp và VN còn có rất nhiều cơ hội để gia tăng giá trị. Nguyên Đại sứ Thương mại Mỹ, Giáo sư - Tiến sĩ Susan Schwab, đã đưa ra nhận xét trên tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp VN vừa diễn ra mới đây.
- Xu thế thương mại toàn cầu: nhiều biện pháp phân biệt đối xử
Năm 2009, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, sức mua tại thị trường Mỹ giảm mạnh đã kéo theo sự sụt giảm về XK của nhiều quốc gia ở châu Á. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm sút XK của VN vào thị trường Mỹ chỉ ở mức thấp. Vì thế, theo đánh giá của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), thuận lợi này sẽ “tiềm ẩn” khó khăn cho hàng hóa VN trước các rào cản thương mại các nước đưa ra. VN chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng nông sản nên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sẽ là cái cớ để các nước dùng biện pháp bảo hộ, các tranh chấp thương mại dự báo sẽ xảy ra nhiều hơn.

Việt Nam đang gia tăng xuất khẩu giày dép vào thị trường Mỹ

Thực tế cho thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 vừa qua, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử. Đến tháng 9-2009, nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới (G-20) đã có 192 biện pháp phân biệt đối xử, 134 vụ việc đang được thực hiện.
Theo số liệu do bà Susan Schwab cung cấp, dẫn đầu về phân biệt đối xử thương mại là các quốc gia Liên minh châu Âu (EU), kế đến là Nga (chưa vào WTO), Đức, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Mỹ. Bà Susan Schwab nhận định, không phải sự phân biệt đối xử nào cũng đi ngược lại với các cam kết WTO. Tuy nhiên những hành động này cho thấy tính “tự biện hộ” của các quốc gia đưa ra phân biệt đối xử. Những hành động của Mỹ đã gây ảnh hưởng đến 120 quốc gia và Mỹ cũng chịu 86 vụ phân biệt đối xử. Trung Quốc cũng làm ảnh hưởng đến 164 quốc gia và chịu nhiều phân biệt thương mại hơn bất cứ quốc gia nào khác.
Đến giờ này, VN chưa đụng đến những vụ kiện tiếp cận thương mại (khi chưa tuân thủ các cam kết WTO) vì hiện nay VN đang trong quá trình thực hiện các cam kết của WTO. Tuy nhiên, để tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị cao hơn, VN phải làm tốt về Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Đây là vấn đề gắn liền với việc xây dựng, phát triển thương hiệu. Bà Susan Schwab đánh giá, Chính phủ VN đã quan tâm, nỗ lực cải thiện khả năng kiểm soát, quản lý, có xử lý tích cực trong nhiều năm gần đây nhưng VN vẫn còn nằm trong danh sách theo dõi của Mỹ về SHTT dù chỉ ở mức 3.
Theo Luật Chống bán phá giá (CBPG), chống trợ giá của Mỹ, nếu doanh nghiệp bán dưới giá thành sản xuất, bán giá thấp hơn giá thành trong nước, bán giá thấp hơn giá bán cùng một loại sản phẩm ở một nước khác thì sẽ vi phạm vào luật này. Trong những tình huống về điều tra CBPG, vai trò của các hiệp hội là rất lớn, bởi nếu các hiệp hội không tham gia vào việc chứng minh doanh nghiệp nước mình không bán phá giá, thì nước áp CBPG phải lấy thông số từ một nước thứ 3, điều này sẽ thiệt hại hơn cho doanh nghiệp và sẽ rất tốn kém khi dính vào các vụ kiện tụng tại Mỹ.
Thực tế này đã được chứng minh rõ qua các vụ cá da trơn, giày mũ da. Bà Susan Schwab cho rằng, VN đã “thích nghi” hơn trước những vấn đề nhạy cảm, thể hiện rõ qua vai trò của hiệp hội trong việc đưa ra cơ chế giám sát nhập khẩu hàng dệt may VN trong năm 2008, khi mà hàng dệt may VN đã được bỏ hạn ngạch (quota) XK vào Mỹ. Mỹ không muốn tiếp tục giám sát việc này nhưng VN cần có cách làm khác, bà nhận định.
- Gia tăng xuất khẩu vào Mỹ
Trong 10 năm gần đây, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc có tăng trưởng rất cao, trong khi đó biểu đồ nhập khẩu từ khu vực ASEAN chỉ nằm ngang, có tăng trưởng thấp. Hiện Mỹ đang dành nhiều chính sách tăng cường xuất nhập khẩu vào khu vực ASEAN. Đây là cơ hội để hàng hóa của Mỹ cũng như Việt Nam và các nước ASEAN đều có tăng trưởng xuất khẩu về 2 phía. VN có nhiều cơ hội để gia tăng tỷ trọng XK vào Mỹ trong thời gian tới. Việc vượt qua mốc 1,15% trong tổng thị phần hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ là điều chắc chắn.
Tuy nhiên, sẽ có không ít rào cản về kỹ thuật, nhưng hàng hóa VN cũng còn nhiều hy vọng nếu như vòng đàm phán Doha mang lại thành công (Vòng đàm phán Doha là vòng đàm phán khá toàn diện, bao gồm nhiều nội dung quan trọng trong thương mại đa biên như mở cửa thị trường hàng công nghiệp, nông nghiệp, cắt giảm trợ cấp nông nghiệp, cải thiện các quy định luật lệ của WTO cũng như tăng cường các cam kết trong lĩnh vực dịch vụ).
Nhiều mặt hàng VN nhập khẩu vào Mỹ vốn chịu thuế suất cao sẽ được miễn hoặc giảm xuống mức khá thấp. VN hy vọng, hai mặt hàng XK chủ lực vào Mỹ là dệt may, giày dép sẽ được hưởng thuế quan ưu đãi GSP trong thời gian tới, vì các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan… đang được hưởng ưu đãi này khi XK vào Mỹ. VN đã tạo ra sự chênh lệch lớn với các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh về xuất khẩu hàng dệt may, da giày vào Mỹ, hiện chỉ đứng sau Trung Quốc. Trong 10 năm, dệt may xuất khẩu vào Mỹ chỉ đạt 36 triệu USD (năm 1998) đã tăng lên 5,2 tỷ USD (2008); da giày từ 8 triệu đôi, tăng lên 90 triệu đôi (9-2009). Năm 2009 dù XK khó khăn nhưng giày dép XK vào Mỹ vẫn đạt tăng trưởng khoảng 9%.
Với tăng trưởng kinh tế đáng ngạc nhiên của VN trong những năm gần đây, VN đang tạo được sức hút lớn từ các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư Mỹ. Bà Susan Schwab cho rằng, việc thu hút vốn FDI cũng là một cạnh tranh. Trung Quốc có nhiều lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI với VN, tuy nhiên không một nhà đầu tư nước ngoài nào lại muốn hạn chế sự hiện diện của họ tại một nơi và VN sẽ là nơi đến thứ 2 khi các nhà đầu tư này muốn tiếp tục, mở rộng đầu tư tại châu Á. Cũng theo bà, Mỹ hiện vẫn là nhà đầu tư lớn, dẫn đầu tại VN, vì trên thực tế có rất nhiều nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào VN thông qua các chi nhánh đóng tại các quốc gia khác. Ví như, Intel là từ Malaysia, Coca-Cola từ Nam Phi, Ford từ Singapore…
Mỹ Hạnh
Báo Sài Gòn giải phóng điện tử

    Tổng số lượt xem: 890
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)