Năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chuẩn bị bước sang giai đoạn 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 góp phần vào sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị thuộc Bộ đã tích cực, chủ động phối hợp nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể và có hiệu quả để đảm bảo được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Trong năm vừa qua, Bộ đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nên đã chủ động nghiên cứu, đề xuất được nhiều cơ chế, chính sách với chất lượng ngày càng cao trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thủ tướng, Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành. Các hoạt động trong lĩnh vực hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sôi động và đạt được hiệu quả quan trọng. Bộ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan đầu mối về thu hút, vận động, điều phối và quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đã cam kết dành cho Việt Nam một lượng vốn ODA là 7,9 tỷ USD. Kết quả giải ngân ODA năm 2010 đạt 3,5 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra.
Năm 2010, vốn đầu tư đăng ký đạt 18,595 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện đạt 11 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó vốn đầu tư thực hiện của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp phần quan trọng, chiếm 25,8% tổng vốn đầu tư xã hội. Thu ngân sách từ khu vực FDI tăng 26% so với năm 2009. Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu của cả nước, góp phần giảm bớt gánh nặng cho cán cân thương mại. Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Bộ đã cấp giấy chứng nhận cho 107 dự án với tổng vốn đăng ký là 2,93 tỷ USD và vốn thực hiện đạt khoảng 900 triệu USD.
Đặc biệt trong năm 2010, là năm Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng các Bộ hoàn thành gói cam kết thứ 7 và trình Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định thư cho gói cam kết thứ 8 của Việt Nam về hội nhập dịch vụ trong ASEAN.
Nhìn chung năm 2010 là năm có nhiều khó khắn, thách thức nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt một khổi lượng lớn các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Chính phủ giao. Đạt được những kết quả to lớn đấy là do có sự phán đấu hết mình, không mệt mỏi của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức toàn cơ quan. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, năm 2010 vẫn còn một số tồn tại như sự phối hợp công tác, nhất là trong việc xử lý đề xuất của địa phương và doanh nghiệp tại các đơn vị trong cơ quan vẫn làn vấn đề tiếp tục rút kinh nghiệm. Trong công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng tuy đã được chú trọng hơn nhưng kết quả vẫn còn chưa khả quan. Công tác thông tin, dự báo tình hình kinh tế - xã hội giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành kinh tế đất nước vẫn đang là vấn đề cần tiếp tục đề cao hơn để đáp ứng với yêu cầu đặt ra.
Hội nghị đã đánh giá tổng thể những kết quả thực hiện được trong năm 2010, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2011.
Năm 2011 là năm đầu củaKế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra. Kế hoạch năm 2011 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung vào các nội dung chính như: Chủ trì, phối hợp với các Bộ, các cơ quan, địa phương có biện pháp phù hợp để tăng cường thu hút, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn viện trợ chính thức ODA, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát chất lượng các công trình. Thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng trong đầu tư công. Tích cực đàm phán với các tổ chức quốc tế, chính phủ, tổ chức nước ngoài để vay vốn với lãi suất hợp lý, thời hạn dài bổ sung nguồn vốn thực hiện cho mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, cho hộ nghèo vay…Tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác xây dựng và thực hiện các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, chính sách. Nghiên cứu và trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chê, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với lộ trình hội nhập. Nghiên cứu, xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư. Thực hiện tốt các công tác chuyên môn thường xuyên và những nhiệm vụ khác được giao trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý và có biện pháp phù hợp để tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích các hình thức đầu tư đối tác công – tư (PPP), đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng.
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá cao những mục tiêu mà Bộ đạt được như mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lam phát. Trong công tác quản lý nhà nước, đầu tư, đấu thầu, đối ngoại… đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo Bộ trưởng năm 2011 là năm trụ cột, phải đưa ra được khung cơ bản cho kế hoạch 5 và 10 năm tới, góp phần vào sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với việc ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; đơn giản hóa quy trình đăng ký thành lập và giải thể doanh nghiệp. Tăng cường nghiên cứu, nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo và cảnh báo, tổng hợp và xử lý thông tin kinh tế - xã hội trong và ngoài nước nhất là vấn đề liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô. Bộ trưởng cũng tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ, toàn thể cán bộ, viên chức, công chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, bám sát các nghị quyết của Đảng và Quốc hội; các Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị và các chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ để triển khai hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.