Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/08/2009-13:16:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2009 thành phố Đà Nẵng
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2009 thành phố Đà Nẵng
I. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh
1. Sản xuất công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tháng 7/2009 ước 918,7 tỷ đồng, lũy kế 7 tháng đầu năm 2009 ước 6.025 tỷ đồng, tăng 0,9% so cùng kỳ, đạt 46,2% kế hoạch năm; trong đó: công nghiệp trung ương ước 2.943 tỷ đồng (tăng 4,4%); công nghiệp địa phương ước 2.140 tỷ đồng (tăng 2,7%) và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước 942 tỷ đồng (giảm 12%).
Thời gian qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành vẫn còn thấp so với cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp do mới chuyển đổi hình thức sở hữu sang cổ phần hóa tư nhân nên có ảnh hưởng đến giá trị sản xuất công nghiệp quốc doanh địa phương, giảm 53,8%. Tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp dân doanh có khởi sắc, tăng 6,4% chủ yếu là do các doanh nghiệp nhà nước như Công ty Hữu Nghị, Công ty Dược DANAPHA… từ sau khi chuyển sang cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh tiến triển tốt hơn. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chịu ảnh hưởng nhiều nhất của khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp gia công xuất khẩu, một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất như: Kim Quốc Bảo, Việt Nam Knitwear, Rohave Funiture, TKR Việt Nam…
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo tích cực của UBND thành phố nhằm thực hiện các nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay từ gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ qua các Ngân hàng Thương mại, Quỹ đầu tư phát triển thành phố,… cho nên tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 7 đã có những chuyển biến tích cực, sản xuất bắt đầu phục hồi mặc dù tốc độ tăng giá trị sản xuất vẫn còn thấp.
Một số ngành hàng đang dần hồi phục và tăng trưởng như xi măng, sắt thép, cơ khí xây dựng, dệt – may –giày, sản xuất đồ nội thất xuất khẩu… Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ như: Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (tăng 19,1%), Công ty Dệt Hòa Khánh (tăng 67,9%), Công ty Dệt may 29/3 (tăng 17,2%), Công ty Thủy sản Đà Nẵng (tăng 74,5).
2. Sản xuất thủy sản - nông – lâm nghiệp
Giá trị sản xuất thuỷ sản - nông - lâm tháng 7 ước 45 tỷ đồng, lũy kế 7 tháng đầu năm 2009 ước 445 tỷ đồng, đạt 69,5% kế hoạch năm, tăng 4,46% so với cùng kỳ 2008, trong đó thuỷ sản (tăng 4,2%), nông nghiệp (tăng 5,3%) và lâm nghiệp giảm (7,7%).
Trong tháng, sản lượng khai thác hải sản ước 3.000 tấn, lũy kế 7 tháng đầu năm 2009 ước 24.600 tấn, đạt 64% so với kế hoạch năm.
Tính đến nay, đã gieo sạ được 3.755 ha diện tích lúa Hè thu. Sâu bệnh trên lúa hè thu có chiều hướng gia tăng, nhiều nhất là bệnh rầy nâu với diện tích 550ha, hiện cơ quan chức năng đã hướng dẫn nông dân phòng trừ, không để lây lan trên diện rộng.
Tình hình chăn nuôi phát triển ổn định. Công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ luôn được tăng cường. Tính đến nay, đã triển khai tiêm vacxin cúm gia cầm cho 103.052 con (77.819 con gà, 25.233 con vịt), tiêm phòng lở mồm long móng dự kiến kết thúc vào cuối tháng 7/2009 với hơn 20.000 con gia súc.
Trong tháng, xảy ra 03 vụ phát lửa rừng trên diện tích 1,4ha. Các lực lượng chức năng tiếp tục duy trì công tác trực tuần tra, kiểm tra truy quét chống chặt phá rừng; đã tổ chức 26 đợt truy quét tại các khu vực trọng điểm, lập biên bản 23 vụ vi phạm gồm: phá rừng trái phép, vận chuyển, cất dấu và mua bán lâm sản trái phép; tạm giữ 47,632m3 gỗ tự nhiên quy tròn, 3,81m3 gỗ trồng ....
3. Thương mại, giá cả và dịch vụ
3.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ phục vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ 7 tháng đầu năm 2009 ước 11.826 tỷ đồng, tăng 15,4% so cùng kỳ năm 2008. Hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố diễn ra bình thường. Các ngành chức năng tiếp tục tập trung công tác quản lý thị trường, kiểm soát tình hình giá cả, ngăn chặn các hành vi đầu cơ, nâng giá, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm ổn định thị trường, giữ gìn môi trường kinh doanh lành mạnh, ổn định tâm lý tiêu dùng.
Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tháng 7/2009 ước tăng 0,77% so tháng 6/2009; tăng so 2,85% với cùng kỳ năm 2008 và tăng 3,18% so với tháng 12/2008. Trong đó, tăng cao nhất là giá nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng 13,39%, tiếp đến là nhóm thiết bị gia dụng tăng 9,69%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,96%, giá nhóm hàng thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng 3,64%. Có 2 nhóm hàng có mức giá giảm là bưu chính viễn thông giảm 0,42% và hàng hóa dịch vụ khác giảm 0,05%. Các nhóm hàng còn lại giá tương đối ổn định. Giá vàng và USD tăng lần lượt là 10,31%, 2,54% so với cùng kỳ năm trước.
3.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ 7 tháng ước 431,5 triệu USD, đạt 39,6% kế hoạch năm, giảm 7,6% so với cùng kỳ 2008, trong đó: xuất khẩu hàng hóa ước 256 triệu USD, giảm 20%; xuất khẩu dịch vụ ước 175,5 triệu USD, tăng 19,5%. Hoạt động xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2009 vẫn còn giảm so cùng kỳ nhưng đã có dấu hiệu phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu của Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ ước thực hiện trong tháng 7 đạt kim ngạch 6,5 triệu USD là mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Các doanh nghiệp dệt may khác như Vinatex, Dệt may 29/3 đều tăng so với thực hiện tháng 6/2009. Tuy nhiên, dệt may vẫn là mặt hàng có tỷ lệ tăng chậm và giảm 18,2% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu giày dép cũng giảm 56,2% so cùng kỳ; nhóm nông lâm sản, mặt hàng cà phê tiếp tục giảm mạnh so cùng kỳ (giảm 64,5%), do giá cà phê trên thị trường thế giới liên tục giảm.
Kim ngạch nhập khẩu 7 tháng ước 277 triệu USD, bằng 43,3% kế hoạch năm, giảm 18,7% so với cùng kỳ 2008.
3.3. Lĩnh vực du lịch
Hoạt động du lịch tiếp tục có nhiều khởi sắc với tổng lượt khách đến tham quan trong tháng 7/2009 ước 162.870 lượt khách, tăng 28% so với cùng kỳ 2008; trong đó có 135.430 khách nội địa, tăng 38% so với cùng kỳ 2008.
Tổng doanh thu du lịch tháng 7/2009 ước 79 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ 2008. Trong tháng, các công ty lữ hành đã đón tiếp và phục vụ 1 tàu du lịch biển với 700 lượt khách. Khách du lịch bằng đường bộ từ Thái Lan đến Đà Nẵng ước 1.700 lượt khách, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2008.
Thành phố đã tổ chức thành công Chương trình du lịch “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè 2009”, với nhiều hoạt động văn hóa – thể thao và du lịch sôi động. Chương trình du lịch đã thu hút hơn 20 ngàn lượt khách tham gia.
Thành phố đã đón và làm việc với Đoàn Singapore vào khảo sát đầu tư xây dựng cảng biển du lịch tại Đà Nẵng, đặc biệt là việc xúc tiến phát triển du lịch đường biển và hỗ trợ phát triển đường bay trực tiếp Singapore - Đà Nẵng; phối hợp với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố triển khai kế hoạch và đảm bảo an ninh trật tự, công tác cứu hộ, vệ sinh môi trường và nâng cao chất lượng dịch vụ…
3.4. Giao thông vận tải
Hoạt động vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa trên địa bàn thành phố. Chất lượng dịch vụ tiếp tục được nâng cao và trật tự vận tải được duy trì. Các đơn vị vận tải hoạt động trên địa bàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2009. Cơ quan chức năng tổ chức tổng kiểm tra chất lượng mỹ thuật phương tiện, rà soát các điểm đậu, chấn chỉnh thái độ phục vụ xe buýt, xe taxi.
Khối lượng luân chuyển hành khách 7 tháng ước 431,4 triệu khách.km, tăng 7,5% so với cùng kỳ 2008; luân chuyển hàng hóa ước 1.114,2 triệu tấn.km, giảm 17%. Lượng hàng qua cảng ước 1.822,9 ngàn tấn, đạt 35,1% kế hoạch, tăng 18,7%. Doanh thu vận tải ước 1.048,7 tỷ đồng, đạt 55,8% kế hoạch, tăng 8,53% so với cùng kỳ.
3.5. Hoạt động ngân hàng
Hoạt động ngân hàng duy trì phát triển ổn định và thực hiện tốt chương trình cho vay được hỗ trợ lãi suất 4% theo chủ trương của Chính phủ.
Tính đến cuối tháng 7/2009, tổng nguồn vốn huy động ước 24.600 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước (VND 21.250 tỷ đồng, tăng 3,3%; ngoại tệ 3.350 tỷ đồng, tăng 2,6%), trong đó: tiền gửi tổ chức kinh tế là 8.200 tỷ đồng, tăng 2,5%; tiền gửi dân cư là 16.400 tỷ đồng, tăng 3,5%. Tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế ước 32.700 tỷ đồng, tăng 2,8% (VND 28.500 tỷ đồng, tăng 2,6%; ngoại tệ 4.200 tỷ đồng, tăng 4,4%), trong đó: cho vay ngắn hạn là 17.900 tỷ đồng, tăng 3,0%; cho vay trung, dài hạn là 14.800 tỷ đồng, tăng 2,7%.
Tổng dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất 4% theo chủ trương của Chính phủ tính đến ngày 23/7/2009 của các chi nhánh tài chính tín dụng trên địa bàn thành phố đã thực hiện là 8.315 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ trên 72,435 tỷ đồng, trong đó: nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước là 3.961 tỷ đồng (chiếm 47,62%); nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần là 3.948 tỷ đồng (chiếm 47,48%); nhóm các ngân hàng liên doanh là 303 tỷ đồng (chiếm 3,64%) và công ty tài chính là 103 tỷ đồng (chiếm 0,87%). Cụ thể thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất theo các quyết định sau:
- Hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn theo Quyết định số 131/QĐ-TTg và Quyết định số 333/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai từ đầu tháng 2 tính đến ngày 23/7/2009, dư nợ cho vay đạt 7.467 tỷ đồng, tăng 2,27% so với tháng trước; số tiền lãi vay đã hỗ trợ là 69,872 tỷ đồng.
- Hỗ trợ lãi suất vay vốn trung, dài hạn theo Quyết định số 443/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai từ đầu tháng 4 tính đến ngày 23/7/2009, dư nợ cho vay đạt 847 tỷ đồng, tăng 32,96% so với tháng trước; số tiền lãi vay đã hỗ trợ là 2,563 tỷ đồng.
- Hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn theo Quyết định số 497/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai từ đầu tháng 5 tính đến ngày 23/7/2009, dư nợ đạt 1,904 tỷ đồng, tăng 128,29% so với tháng trước.
- Hỗ trợ đối với lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế theo Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg với tổng số vốn đề nghị vay là 1,920 tỷ đồng (trong đó: tiền trợ cấp thôi việc là 1,489 tỷ đồng, tiền bảo hiểm xã hội là 430 triệu đồng).
- Hỗ trợ đối với tất cả các đối tượng vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng dư nợ là 31,243 tỷ đồng, số tiền lãi suất đã hỗ trợ là 254 triệu đồng.
Về chất lượng tín dụng, đến cuối tháng nợ xấu là 1.015 tỷ đồng, chiếm 3,19% trên tổng dư nợ, trong đó: ngân hàng quốc doanh là 456 tỷ đồng, ngân hàng cổ phần và liên doanh là 559 tỷ đồng.
Tổng phương tiện thanh toán qua hệ thống ngân hàng ước đạt 33.000 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước, trong đó thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 83%.
4. Thu, chi ngân sách Nhà nước (tính đến ngày 27/7/2008):
4.1. Tình hình thu – chi ngân sách địa phương:
- Tổng thu ngân sách địa phương 8.755,490 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa là 2.420,445 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất khẩu là 1.476,561 tỷ đồng.
- Tổng thu ngân sách địa phương hưởng theo phân cấp 7.094,572 tỷ đồng.
- Tổng chi ngân sách địa phương là 4.054,304 tỷ đồng.
4.2. Tình hình thu – chi ngân sách thành phố:
- Tổng thu ngân sách thành phố là 6.368,879 tỷ đồng, trong đó: tiền sử dụng đất (đã nộp ngân sách) là 654,019 tỷ đồng; trung ương bổ sung có mục tiêu là 168,335 tỷ đồng; tạm thu do trung ương bổ sung là 190,784 tỷ đồng; thu chuyển nguồn năm trước là 4.087,411 tỷ đồng.
- Số dư tiền sử dụng đất là 330,031 tỷ đồng.
- Tổng chi ngân sách thành phố là 3.517,618 tỷ đồng, trong đó: chi đầu tư xây dựng cơ bản là 2.776,710 tỷ đồng; chi thường xuyên 722,682 tỷ đồng; chi chương trình mục tiêu quốc gia và Dự án 5 triệu ha rừng là 18,226 tỷ đồng; chi bổ sung ngân sách cấp dưới (tạm ứng) là 19,600 tỷ đồng.
5. Đầu tư và phát triển doanh nghiệp
Từ ngày 15/6 đến ngày 15/7/2009, thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới cho 136 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký ước trên 336 tỷ đồng, trong đó: 10 doanh nghiệp tư nhân (5 tỷ đồng); 89 công ty TNHH (248 tỷ đồng); 16 công ty cổ phần (83 tỷ đồng) và 283 chi nhánh, văn phòng đại diện. Ngoài ra, đã làm thủ tục đăng ký thay đổi, bổ sung nội dung trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 289 doanh nghiệp.
Trong 7 tháng đầu năm 2009, có 12 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư được cấp là 150,86 triệu USD và 3 dự án tăng vốn, tổng vốn tăng thêm 23,5 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư cấp mới và tổng vốn tăng thêm lên 172,36 triệu USD. Tính đến nay, trên địa bàn có 157 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 2,61 tỷ USD. Tổng vốn thực hiện ước 1,04 tỷ USD.
Hoạt động thu hút nguồn vốn đầu tư hỗ trợ chính thức (ODA) đạt kết quả khá. Đến nay, thành phố có 11 dự án sử dụng vốn ODA do thành phố quản lý, tổng vốn đầu tư 320 triệu USD (vốn ODA đạt 236,8 triệu USD, chiếm 80% tổng vốn).
Trong tháng, đã vận động được 03 chương trình, dự án thuộc chương trình Viện trợ phi Chính phủ (NGO) với tổng kinh phí là 2,6 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến nay thành phố đã vận động được 115,3 tỷ đồng.
Công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được thực hiện tốt với tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý 7 tháng ước thực hiện 2.711,4 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ 2008. Công tác chuẩn bị đầu tư, thẩm định dự án, thiết kế - dự toán, thẩm định đấu thầu và quản lý chất lượng công trình được thực hiện đúng quy trình và luật định.
6. Hoạt động khoa học – công nghệ
Trong tháng, ngành chức năng đã tổ chức nghiệm thu 01 đề tài cấp thành phố: “Nghiên cứu tình hình bệnh tật về mắt và các giải pháp phòng, trị bệnh mắt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”; nghiệm thu đề tài cấp cơ sở “Ứng dụng Gis trong quản lý các biển báo giao thông” và hoàn chỉnh dự án “Xây dựng phòng thí nghiệm enzim-protein tại Đà Nẵng”; hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 13 cá nhân, tổ chức; tiếp nhận 03 sản phẩm công bố chất lượng của 03 cơ sở; kiểm định 306 phương tiện đo và hiệu chuẩn 110 phương tiện; hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số vạch, tiêu chuẩn cơ sở; tiếp tục công tác tư vấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 cho các đơn vị hành chính công tại Đà Nẵng.
Tiếp tục thanh tra 13 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố; kiểm tra 18 cơ sở kinh doanh sản phẩm may mặc và hàng tiêu dùng do nước ngoài sản xuất, hầu hết các cơ sở đều vi phạm về nhãn hàng hóa và đều có giới hạn mức xâm nhập của các độc tố từ phần tiếp xúc của vật liệu đồ chơi.
7. Văn hóa – xã hội
Hoạt động văn hóa – xã hội, thể dục – thể thao trong tháng diễn ra sôi nổi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, trong đó:
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tổ chức tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan nhân kỷ niệm các ngày lễ trong tháng như ngày Quốc tế phòng chống ma túy (26/6), ngày Dân số thế giới (11/7),...Tiếp tục tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực quảng cáo. Ngành chức năng đã thành lập Tổ khảo sát hiện trạng di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố; triển khai sưu tầm và thống kê hiện vật trong kho phục vụ công tác trưng bày, sưu tầm và chuẩn bị hiện vật về văn hóa Chăm để triển lãm tại Hoa Kỳ.
Các quận, huyện tổ chức Đại hội Thể dục – Thể thao các cấp đúng tiến độ đề ra, hiện các xã, phường cơ bản đã hoàn thành tổ chức xong Đại hội Thể dục – Thể thao và có 5 quận, huyện đã hoàn thành tổ chức Đại hội cấp huyện. Thể thao thành tích cao đã đạt được các thành tích như: Đội bóng đá SHB Đà Nẵng sau 21 vòng đấu đạt 45 điểm, xếp vị trí thứ nhất; tham gia giải Điền kinh quốc tế mở rộng tại thành phố Hồ Chí Minh đạt 02 HCV, 01 HCB và 02 HCĐ và Giải Judo quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh đạt 01 HCĐ. Tổng số huy chương đạt được là 25 HCV, 21 HCB và 47 HCĐ. Công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể dục-Thể thao thành phố Đà Nẵng lần thứ VI và Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc lần thứ VI-2010 tiếp tục gấp rút chuẩn bị.
Về Giáo dục và Đào tạo: Chuẩn bị kế hoạch và các điều kiện tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2008-2009; tiếp tục thực hiện chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè 2009, kế hoạch hoạt động hè 2009. Công bố điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập và vào các trường chuyên trên thành phố. Chỉ đạo các trường tiến hành nhận hồ sơ tuyển sinh đúng theo quy định.
Về Y tế: Tính đến ngày 13/7/2009, tại Đà Nẵng có 06 ca dương tính cúm A (H1N1), trong đó 05 ca đã xuất viện, 01 ca đang điều trị và 02 ca đang cách ly theo dõi. Công tác tuyên truyền phòng chống dịch được tăng cường, tổ chức treo băng rôn tuyên truyền trực quan tại các điểm cửa ngõ ra vào thành phố như sân bay, nhà ga, bến xe,... Công tác phòng chống các bệnh dịch mùa hè và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục được thực hiện tốt.
Về Lao động - Thương binh và Xã hội: Thành phố đã tổ chức tốt Kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2009), kịp thời trợ cấp và hỗ trợ các gia đình chính sách theo chế độ quy định. Các thành phần kinh tế trên địa bàn đã giải quyết việc làm cho 2.973 lao động. Lũy kế 7 tháng đã giải quyết việc làm cho 19.093 lao động, đạt 63,6% kế hoạch. Tổ chức 01 phiên chợ việc làm với 76 đơn vị tham gia tuyển dụng; số người được giới thiệu việc làm tại chợ 559 người. Tiếp tục triển khai hỗ trợ cho các đối tượng lao động mất việc làm do suy giảm kinh tế, các đối tượng là hộ đặc biệt nghèo trên địa bàn thành phố và các gia đình chính sách theo chế độ. Công tác bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em tiếp tục thực hiện tốt; chương trình "Không có người lang thang xin ăn" tiếp tục được triển khai hiệu quả và đã tập trung 13 đối tượng lang thang xin ăn, người tâm thần chuyển vào các trung tâm.
8. Xây dựng chính quyền - Thanh tra - Tư pháp
Tập trung việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên địa bàn thành phố, đồng thời báo cáo Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện nêu trên; đã hoàn thành Kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp năm 2010 để báo cáo Bộ Nội vụ; ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp và Đại hội Thi đua yêu nước thành phố lần thứ II; ban hành văn bản điều chỉnh mức lương mới đối với một số đơn vị hưởng mức lương tuyệt đối.
Trong tháng, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp, các ngành và các cơ quan Thanh tra trên địa bàn thành phố đã tiếp 620 lượt người, giải quyết 12/15 đơn kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền. Nội dung chủ yếu là về giải tỏa đền bù, tái định cư; khiếu nại xử phạt vi phạm hành chính trong việc thực hiện cưỡng chế, giải tỏa, đền bù.
Ngành Thanh tra tiến hành thanh tra việc thực hiện cổ phần hóa tại Công ty cổ phần Dược-Thiết bị Y tế Đà Nẵng, phát hiện việc xác định sai thời gian ưu đãi đầu tư và kiến nghị thu hồi 508 triệu đồng; đang tiến hành thanh tra trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng và Công ty cổ phần Sách, Thiết bị trường học Đà Nẵng.
Ngành Tư pháp đã thẩm định 07 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, góp ý 02 dự thảo văn bản của Trung ương; thụ lý 218 hồ sơ về công tác hành chính tư pháp; trợ giúp pháp lý cho 181 vụ việc trên các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và đất đai; tổ chức cuộc khảo sát lấy ý kiến nhân dân đánh giá chất lượng phục vụ của các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn.
9. Quốc phòng – an ninh và trật tự trị an đô thị
Tiếp tục gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giáo dục ý thức quốc phòng toàn dân trong tình hình mới.
Tập trung triển khai các biện pháp tấn công, trấn áp tội phạm về trộm cắp, cướp tài sản, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; khảo sát hoạt động của các nhà hàng, khách sạn, vũ trường, quán bar, karaoke để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng sử dụng, mua bán ma túy. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trong tháng 7/2009, đã xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 05 người, bị thương 10 người.
Nhờ có những giải pháp tích cực của Chính phủ về chống suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư, tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội và sự tích cực trong công tác chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội thành phố tháng 7/2009 có những chuyển biến tích cực và tăng trưởng so với cùng kỳ 2008 trên các lĩnh vực: thủy sản nông lâm, đầu tư, vận tải, ngân hàng. Các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao, văn hóa xã hội diễn ra sôi nổi, đời sống của cán bộ và nhân dân được quan tâm chăm lo. Tình hình phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông có những chuyển biến tích cực; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khu vực và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn do suy thoái, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, ... đã và đang tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực như: công nghiệp, xuất khẩu, du lịch... Bên cạnh đó, hoạt động y tế, vệ sinh phòng dịch, tình hình phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông đường bộ cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo.
II. Một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 năm 2009
1. Tập trung triển khai các nhiệm vụ, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội đã được HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 14, khóa VII để đảm bảo hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm.
2. Tổ chức triển khai xây dựng đề án thực hiện các mục tiêu của chương trình “Thành phố 5 không” đã được điều chỉnh và tiếp tục triển khai tốt đề án “3 có” của thành phố.
3. Đẩy mạnh công tác đền bù giải tỏa, bố trí tái định cư trên địa bàn.
4. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm, trong đó: Trung tâm Hành chính, dự án đường Lê Văn Hiến, Bệnh viện đa khoa 600 giường,... đồng thời thực hiện quyết toán dự án cầu Thuận Phước và một số công trình xây dựng cơ bản khác đã có chủ trương của lãnh đạo thành phố.
5. Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm A (H1N1), các dịch bệnh mùa hè và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.
6. Triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch tại các bãi biển (bãi tắm) trên địa bàn thành phố.
7. Rà soát các dự án, công trình bức xúc trên địa bàn thành phố cần bổ sung vốn đầu tư.
8. Tập trung khắc phục ô nhiễm môi trường và xử lý các điểm giao thông có nguy cơ gây ngập úng khi mưa lớn xảy ra trên địa bàn thành phố, để đảm bảo giao thông trong mùa mưa.
9. Chuẩn bị tốt các điều kiện cho khai giảng năm học mới 2009-2010./.

Website UBND tỉnh Đà Nẵng

    Tổng số lượt xem: 1511
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)