1.2. Tình hình phát triển ngành du lịch:
Trong tháng 1 năm 2010 nhiều sự kiện văn hoá lễ hội đã diễn ra trên khắp các địa phương trong cả nước. Đầu tiên là lễ hội Hoa được tổ chức từ ngày 31/12/2009 đến ngày 3/1/2010 tại Hà nộinhằm chào đón năm mới và mở đầu cho sự kiện chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà nội. Sự kiện đặc biệt này đã thu hút gần 3 triệu lượt khách đến thăm quan thưởng lãm. Tại Bến Tre cũng diễn ra Lễ hội Dừa với nhiều hoạt động văn hoá được tổ chức như: hội thi ẩm thực, ca nhạc…Tại Tiền Giang tổ chức lễ mít tinh kỉ niệm 225 chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút..
Cũng trong thời gian này nhiều tầu du lịch nước ngoài cũng đã chọn Việt Nam là điểm đến trong tháng 1 này như: tàu Voyages of Discovery với 900 du khách đã bắt đầu chuyến hành xuyên Việt thành phố Hồ Chí Minh – Nha Trang – Đà Nẵng – Hà Long từ ngày 21 đến ngày 27/1/2010. Ngày 24/1/2010 tàu Spirit of Discovery với 800 du khách cũng sẽ có chuyến thăm Việt Nam theo hành trình ngược lại. Đặc biệt, tàu biển 5 sao Costa Classica chở 2.000 du khách và thuyền viên chủ yếu mang quốc tịch Italy, Tây Ban Nha, Anh, Đức đã cập cảng Navi Oil thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 12/1/2010. Đây là lần cập cảng đầu tiên trong chương trình định tuyến (2tuần/chuyến) đến Việt Nam của tầu Costa Classica. Tại Trung tâm Lữ hành quốc tế Hội An cũng đã đón một đoàn khảo sát từ Singapore đến Việt Nam bằng mô tô để khảo sát lộ trình cho đoàn caravan khoảng 25 của họ sẽ vào Việt Nam trong năm 2010. Trong tháng 12 và tháng 1/2010 cũng đã có 4 đoàn khách quốc tế đi mô tô được phép vào Việt Nam
Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng1/2010 ước đạt 416.249 lượt khách, tăng 10,6 % so với tháng 12/2009 và tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các thị trường khách đều có sự tăng trưởng khá. Khách du lịch quốc đến Việt Nam trong tháng 1/2010 chủ yếu từ một số thị trường như: Mỹ đạt 39.146 lượt khách bằng 109,2% so với tháng 12/2009, Đài Loan 94,5%, Úc 126,3%, Pháp 98,6 %, Canada 124,3 %Nhật 103%, Hàn Quốc 121,1%. Đặc biệt khách đến từ thị trường Trung Quốc có sự tăng trưởng khá ấn tượng 94,9% so với cùng kỳ năm 2009 đạt 59.426 lượt khách. Có được kết quả đó là do chúng ta mở cửa đón khách du lịch Trung Quốc bằng giấy thông hành trở lại và khách du lịch Trung Quốc có thể sử dụng giấy thông hành đi du lịch tới 63 tỉnh, thành của Việt Nam với lệ phí cấp thẻ du lịch chỉ có 10USD và được bay trên các chuyến nội địa Việt Nam.
Xét theo phương tiện đi lại, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 1/2010 chủ yếu vẫn bằng đường hàng không đạt 244.249 lượt khách bằng 112.4 % so với tháng trước và tăng 15.1% so với cùng kỳ năm ngoái, khách du lịch đi bằng đường bộ đạt 67.000 lượt tăng 2,3% so với tháng 12/2009 và tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái, lượngkhách du lịch đi bằng đường biển tăng 11.1% so với tháng trước nhưng lại giảm 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. .
Xét theo mục đích chuyến đi, số lượng khách du lịch đi theo mục đích nghỉ ngơi, du lịch tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2009, khách du lịch đi theo mục đích công việc giảm 9,5% so với tháng 12/2009 nhưng lại tăng 65,8% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch đi theo mục đích thăm thân nhân giảm 25,3% và theo mục đích khác giảm tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
2. Xuất, nhập khẩu hàng hoá:
2.1. Xuất khẩu
Ước thực hiện xuất khẩu tháng 1 năm 2010 đạt 4,9 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ 2009; trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 2,1 tỷ USD tăng 35,4% so cùng kỳ 2008.
Xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu tháng 1 năm 2010: dầu thô ước đạt 810 triệu tấn, giảm 41,2% về lượng nhưng tăng 24,45% về kim ngạch so với cùng kỳ 2009; dệt may 750 triệu USD, tăng 2,2% so cùng kỳ; da giày 380 triệu USD, tăng 5,8%; sản phẩm gỗ 270 triệu USD, giảm 32,4%; linh kiện điện tử 230 triệu USD, giảm 55,4%; thuỷ sản 270 triệu USD, tăng 23,3%; gạo 330 nghìn tấn, tăng 9,3% về lượng và tăng 29,9% về kim ngạch...
Kim ngạch tháng 1 năm 2010 có sự tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước là do thời điểm này năm 2009 rơi vào kỳ nghỉ Tết âm lịch, vì vậy số ngày thực tế phục vụ cho hoạt động xuất khẩu cũng ít hơn so với các tháng khác. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng nói trên còn do giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu đầu năm nay cao hơn so với cùng kỳ như giá hạt điều tăng 14,6%, chè các loại tăng 27,5%, hạt tiêu tăng 20%, gạo tăng 17,9%, sắn và sản phẩm tăng gần gấp đôi, than đá tăng 32%, đặc biệt là giá dầu thô và cao su đã tăng gấp hơn 2 lần. Tính riêng do sự tăng giá của các mặt hàng này, kim ngạch xuất khẩu tháng đầu năm 2010 tăng khoảng 450 triệu USD.
2.2. Nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu tháng 1 năm 2010 ước đạt 6,2 tỷ USD, tăng 81,45% so với tháng cùng kỳ năm 2009. Nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2,35 tỷ USD, tăng 87,85%.
Lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng chủ yếu tháng 1 năm 2010 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2009 như: xăng dầu tăng 3,8% về lượng và tăng 53,4% về kim ngạch, thép các loại tăng 82,2% về lượng và tăng 82,6% về kim ngạch, phân bón tăng gấp gần 3 lần về lượng và 2,6 lần về kim ngạch, kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 34,5%, kim ngạch nhập khẩu máy tính và linh kiện tăng gấp hơn 2 lần, giấy các loại tăng 79,5% về lượng và tăng 76,5% về kim ngạch, chất dẻo nguyên liệu tăng 49,5% về lượng và tăng gấp hơn 2 lần về kim ngạch, kim ngạch nhập khẩu máy móc thiết bị tăng 34,5%, kim ngạch nhập khẩu máy tính và linh kiện tăng gấp hơn 2 lần...
Cũng như xuất khẩu, lý do kim ngạch nhập khẩu tháng 1 năm 2010 tăng mạnh so với cùng kỳ là bởi vì số lượng ngày dành cho hoạt động nhập khẩu thời điểm này năm 2009 ít hơn do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Cùng với những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới, giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu tháng đầu tiên của năm 2010 cũng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, là thời điểm kinh tế thế giới đang bị suy thoái, đây cũng là lý do khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao.
Giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: giá xăng dầu các loại tăng 47,8%, khí đốt hóa lỏng tăng 45,6%, chất dẻo nguyên liệu tăng 40,85%, sợi các loại tăng 40,13%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này khiến kim ngạch nhập khẩu tăng khoảng 350 triệu USD.
Tình trạng nhập siêu vẫn diễn ra rất đáng lo ngại với giá trị nhập siêu tháng 1 năm 2010 ước đạt 1,3 tỷ USD.
2.3. Đánh giá chung về xuất nhập khẩu hàng hóa:
- Đã có những dấu hiệu phục hồi của kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung thể hiện trong sự tăng trưởng về kim ngạch và sự cải thiện về giá cả của nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu tháng 1 năm 2010.
- Tình trạng nhập siêu vẫn rất đáng lo ngại, đây là tháng thứ 10 liên tiếp, nhập siêu đạt trên 1 tỷ USD. Đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu vẫn tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2010.
- Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo chỉ đạo các Bộ ngành thực hiện các giải pháp hạn chế nhập siêu ngay từ cuối năm 2009. Các giải pháp đưa ra đang được các Bộ ngành nỗ lực triển khai thực hiện, khả năng nhập siêu trong năm nay sẽ sớm được hạn chế./.
File đính kèm: BCKTDVT1.10.pdf
Vụ Kinh tế Dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư