Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/12/2009-14:05:00 PM
Báo cáo một số tình hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tháng 12 và ước cả năm 2009
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2009 có những thuận lợi: Chính phủ triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất để kích cầu và tăng cường đầu tư cho sản xuất, thời tiết về cơ bản thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và khai thác thuỷ sản, dịch bệnh diễn ra ở qui mô nhỏ,... Tuy nhiên năm 2009 sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn: mưa lũ lớn trên diện rộng cuối năm 2008 đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất cây vụ đông, khu vực Tây Nguyên quí I bị hạn, thiếu nước, mưa bão trong quý III ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, giá cả nhiều nông sản giảm mạnh từ cuối năm 2008, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, thị trường xuất khẩu một số sản phẩm khó khăn,... Do vậy, kết quả sản xuất năm 2009 vẫn tăng so với cùng kỳ nhưng ở mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2009 theo giá so sánh 1994 ước đạt 219.458,24 tỷ đồng, tăng 2,78% so với năm 2008; trong đó nông nghiệp đạt 160.080,94 tỷ đồng, tăng 2,17%, lâm nghiệp đạt 7.008 tỷ đồng, tăng 3,79%, thuỷ sản đạt 52.369,30 tỷ đồng tăng 4,57%. Kết quả sản xuất từng ngành khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản như sau:
1. Nông nghiệp
1.1. Trồng trọt
Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 43,33 triệu tấn, tăng 24 nghìn tấn (+0,1%) so với năm 2008; trong đó sản lượng lúa đạt 38,9 triệu tấn, tăng 166 nghìn tấn (+ 0,4%), sản lượng ngô đạt 4,4 triệu tấn, giảm 141 nghìn tấn (-3,1%).
Cây lúa: Sản lượng lúa năm 2009 tăng nhẹ so với năm 2008 chủ yếu do tăng diện tích gieo trồng. Diện tích gieo cấy lúa cả năm ước đạt 7440,1 nghìn ha, tăng 39,9 nghìn ha (+0,5%) so năm 2008. Năng suất lúa cả năm đạt 52,3 tạ/ha, tương đương mức năng suất năm 2008.
Lúa đông xuân: Sản lượng lúa đông xuân đạt 18,7 triệu tấn, tăng 369 nghìn tấn (+2,0%) so với vụ đông xuân năm 2008 do diện tích tăng 47,6 nghìn ha (+1,6%) và năng suất tăng 0,3tạ/ha(+0,5%).
Lúa hè thu và thu đông: Cơ bản đã thu hoạch xong. Sản lượng đạt 11,18 triệu tấn, giảm 211,6 nghìn tấn (-1,9%) so với vụ hè thu và thu đông năm 2008. Nguyên nhân do giảm cả diện tích và năng suất. Diện tích gieo trồng đạt 2358,3 nghìn ha, giảm 10,4 nghìn ha (-0,4%), năng suất đạt 47,4 tạ/ha, giảm 0,7 tạ/ha (-1,4%). Diện tích giảm chủ yếu do lúa hè thu năm 2009 thu hoạch muộn nên một số diện tích lúa thu đông vùng ĐBSCL gieo cấy trên chân ruộng hè thu sớm không tiến hành gieo sạ được do nước lũ về sớm (diện tích lúa thu đông giảm trên 50 nghìn ha so với năm 2008). Năng suất lúa hè thu, thu đông giảm là do: (1) ảnh hưởng của thời tiết: Thời tiết không thuận lợi cho phát triển cây lúa ở nhiều tỉnh vùng ĐBSCL, mặt khác các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 làm năng suất giảm 2,3 tạ/ha (-4,5%); (2) tiếp tục thay đổi cơ cấu giống ở các địa phương vùng ĐBSCL theo hướng chuyển dịch một số diện tích trồng giống lúa cho năng suất cao nhưng chất lượng gạo thấp (giống IR) sang trồng các giống lúa chất lượng cao.
Lúa mùa:
Tình đến hết tháng 12/2099, các tỉnh Miền Nam đã thu hoạch được 542.6 nghìn ha diện tích lúa mùa, sản lượng đạt khoảng 2 triệu tấn (còn khoảng 100 nghìn ha sẽ thu hoạch trong tháng 1 năm 2010).
Sản lượng lúa mùa ước đạt 9,01 triệu tấn, tương đương vụ mùa năm 2008. Diện tích gieo trồng ước đạt 2021,1 nghìn ha, tăng 2,7 nghìn ha (+ 0,13%), năng suất ước đạt 44,6 tạ/ha, bằng mức năng suất năm 2008. Năng suất lúa mùa của các tỉnh miền Bắc ước đạt 48,3 tạ/ha, tăng 0,8 tạ ha, sản lượng toàn miền đạt 5,8 triệu tấn, tăng nhẹ so vụ mùa 2008. Một số tỉnh có năng suất tăng khá như: Hải Phòng (+4,4tạ/ha), Hải Dương (+2,3 tạ/ha), Ninh Bình (+2,2 tạ/ha), Vĩnh Phúc (2 tạ/ha), ...Tuy nhiên, mưa bão cuối vụ đã làm thiệt hại nặng đến lúa mùa một số tỉnh (Quảng Bình giảm 11tạ/ha; Quảng Trị giảm 7,2tạ/ha) và đáng lưu ý là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã xuất hiện và gây ảnh hưởng nặng đến năng suất và sản lượng lúa mùa của một số địa phương miền Bắc (Nam Định năng suất giảm 6,3 ta/ha, sản lượng giảm 48 nghìn tấn (-11,2%); Nghệ An NS giảm 1,3 tạ/ha, sản lượng giảm 45,7 nghìn tấn (-36,7%). Năng suất lúa mùa của các tỉnh miền Nam ước đạt 39,2 tạ/ha, giảm 1,1 tạ so cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do các tỉnh Duyên hải miền Trung liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng bởi các cơn bão số 9 và số 11, nhiều diện tích lúa mùa bị vùi lấp, không có khả năng phục hồi, số diện tích còn lại sinh trưởng kém (Sản lượng lúa mùa toàn vùng ước đạt 559,2 nghìn tấn, giảm 48 nghìn tấn (-8%) so vụ mùa 2008.
Cây ngô: Sản lượng ngô năm 2009 ước đạt sản lượng đạt 4,43 triệu tấn, giảm 141,3 nghìn tấn (- 3,1%) so với năm 2008, chủ yếu do giảm diện tích. Diện tích ngô đạt 1086,8 nghìn ha, giảm 53,4 nghìn ha (- 4,7%) do ngô vụ đông ở các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng nặng bởi trận lụt lịch sử cuối năm 2008 (riêng sản lượng ngô vụ đông giảm 271 nghìn tấn). Năng suất ngô năm 2009 ước đạt 40,8 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha (+1,7%).
Cây hàng năm khác:
Mặc dù năng suất nhiều loại cây hàng năm khác tăng nhẹ so với năm 2008 nhưng sản lượng một số loại cây hàng năm (khoai lang, đỗ tương, lạc) vẫn giảm nhiều so với năm 2008 do sản xuất vụ đông bị ảnh hưởng nặng bởi thời tiết dẫn đến giảm diện tích. Sản lượng khoai lang đạt 1207,6 nghìn tấn, giảm 118,0 nghìn tấn (- 8,9%) do diện tích giảm 16,2 nghìn ha (-10%). Sản lượng đỗ tương đạt 213,6 nghìn tấn, giảm 54 nghìn tấn (- 20,2%) do diện tích giảm 45,9 nghìn ha (-23,9%). Sản lượng lạc đạt 525,1 nghìn tấn, giảm 5,1 nghìn tấn (- 1,0%) do diện tích giảm 2,4%.
Sản lượng sắn đạt 8,5 triệu tấn, giảm 753,0 nghìn tấn (- 8,1%) do diện tích giảm. Diện tích sắn đạt 508,8 nghìn ha, giảm 45,2 nghìn ha (- 8,2%); năng suất đạt 168,2 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha. Diện tích sắn giảm do giá sắn cuối năm 2008 giảm mạnh (nhà máy Vedan phải giảm công suất hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường trên sông Thị Vải) nên nông dân trồng sắn đã chuyển đổi sang trồng loại cây trồng khác.
Sản lượng mía ước đạt 15,24 triệu tấn, giảm 899,1 nghìn tấn (- 5,6%) so với năm 2008 do giảm cả diện tích và năng suất. Diện tích mía đạt 260 nghìn ha, giảm 10,6 nghìn ha (- 3,9%) so cùng kỳ; năng suất đạt 586,2 tạ/ha, giảm 10,2 tạ/ha (- 1,7%). Diện tích mía giảm do giá mía nguyên liệu năm 2008 thấp do đó vào vụ mía năm 2009 nhiều diện tích mía đã được chuyển sang trồng các loại cây khác, đặc biệt là nhiều diện tích trồng mía năm 2008 đã chuyển sang trồng lúa (Hậu Giang chuyển 2,5 nghìn ha sang trồng lúa). Một số diện tích mía được chuyển sang làm khu công nghiệp (Long An chuyển 500ha đất mía sang làm khu công nghiệp).
Sản lượng rau đậu các loại vẫn tăng khá. Sản lượng rau các loại tăng 3,3% do diện tích tăng 1,7% và năng suất tăng 1,6%; diện tích đậu các loại giảm 3,2% nhưng sản lượng vẫn tăng 2,5% do năng suất tăng 5,9%.
Cây lâu năm
Những năm gần đây, giá bán các mặt hàng nông sản như chè, cà phê, cao su, hồ tiêu khá thuận lợi cho người sản xuất, do vậy các địa phương tiếp tục ổn định diện tích ở những vùng trọng điểm, đồng thời tiến hành trồng thay thế những diện tích già cỗi bằng những giống mới cho năng suất, chất lượng cao hơn và tiếp tục được mở rộng ở những vùng khác. Năm 2009, một số mô hình, dự án đã được triển khai như trồng mới 320 ha chè cành cho năng suất cao ở Thái Nguyên, dự án trồng mới cây cao su ở miền núi phía Bắc (Yên Bái, Lai Châu 3,5 nghìn ha, Điện Biên 3,2 nghìn ha, Sơn La 3,9 nghìn ha), dự án trồng cao su trên đất lâm nghiệp ở Tây nguyên, Bình Phước (Gia Lai 3,8 nghìn ha/20 nghìn ha kế hoạch, Bình Phước 10 nghìn ha) hoặc mô hình đầu tư giống, vật tư cho những vùng trọng điểm chuyên canh cây hồ tiêu ở Gia Lai.
Tính chung cả nước, diện tích chè búp hiện có ước đạt 128,1 nghìn ha, tăng 2,6 nghìn ha (+2,1%); cây cà phê ước đạt 537 nghìn ha, tăng 6,1 nghìn ha (1,1%); cây cao su ước đạt 674,2 nghìn ha, tăng 42,8 nghìn ha (+6,8%); cây hồ tiêu ước đạt 50,5 nghìn ha, tăng 0,6 nghìn ha (+1,3%); Diện tích cây điều ước đạt 398,1 nghìn ha, giảm 8,6 nghìn ha (-2,1%) do đang trong giai đoạn thay đổi, cải tạo giống năng suất thấp bằng giống mới năng suất cao hoặc giảm những diện tích không hiệu quả ở Nam Trung bộ.
Năm 2009, sản lượng nhiều cây lâu năm tăng do tăng cả diện tích cho sản phẩm và năng suất. Sản lượng chè búp ước đạt 798,8 nghìn tấn, tăng 7% do năng suất tăng 4,2%, diện tích cho sản phẩm tăng 2,7%; sản lượng cao su ước đạt 723,7 nghìn tấn, tăng 9,7% do diện tích cho sản phẩm tăng 5,6% và năng suất tăng 3,8%; sản lượng hồ tiêu ước đạt 105,6 nghìn tấn, tăng 7,2% do diện tích cho sản phẩm tăng 4,5% và năng suất tăng 2,6%. Riêng cây cà phê và cây điều do thời tiết không thuận với chu kỳ sinh trưởng đã ảnh hưởng đến năng suất (năng suất cà phê giảm 1,7%; điều giảm 10,3%) nên sản lượng cà phê ước 1045 nghìn tấn, bằng 99%; Sản lượng điều ước đạt 293,5 nghìn tấn, bằng 95,2% so với năm 2008.
Cây ăn quả: Diện tích một số cây ăn quả tăng nhẹ (cam quýt tăng 1,4%; bưởi tăng 3,7%; xoài tăng 2%); và giảm diện tích nhãn, vải chôm chôm do những năm trước nhiều địa phương phát triển diện tích nhưng hiện nay không có hiệu quả. Sản lượng cam, quýt ước đạt bằng 102%, sản lượng bưởi bằng 108,5%, chủ yếu tăng các tỉnh phía Nam, đặc biệt là ở nơi trồng tập trung chuyên canh như Đồng Nai, Vĩnh Long, Trà Vinh, những nơi trồng phân tán, năng suất ước chỉ đạt bằng năm trước. Trong khi đó một số cây ăn quả chủ lực của các tỉnh phía Bắc như nhãn, vải, chuối giảm sản lượng do thời tiết không thuận lợi: cây nhãn đạt 95,7%; cây vải đạt 83%; cây chuối bằng 98,3%.
1.2. Chăn nuôi
Chăn nuôi năm 2009 tiếp tục phát triển nhanh, theo hướng tích cực. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất qui mô lớn, tăng các trang trại chăn nuôi, giảm các hộ chăn nuôi qui mô nhỏ. Theo kết quả điều tra trang trại, số trang trại chăn nuôi tại thời điểm 1/7/2009 tăng 18,5% so với thời điểm 1/7/2008, đáng chú ý là nhiều tỉnh ở vùng Đông Nam Bộ số trang trại chăn nuôi tăng trên 50% so với năm 2008.
Chăn nuôi trâu, bò: Tại thời điểm 1/10/2009, đàn trâu đạt 2.886,6 nghìn con, giảm 0,38%, đàn bò đạt 6103,3 nghìn con, giảm 3,7% so với thời điểm 1/10/2008. Đàn trâu, bò giảm ở hầu hết các vùng do: (1) số lượng trâu bò cày kéo tiếp tục giảm nhiều do nhu cầu sử dụng sức kéo trâu bò ngày càng giảm; trâu cày kéo giảm 53,8 nghìn con (-4,74%), bò cày kéo giảm 189,2 nghìn con (-15,59%); (2) tăng số con xuất chuồng so với năm 2008; (3) bệnh Lở mồm long móng vẫn diễn ra ở một số địa phương; đồng thời mưa bão ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã làm thiệt hại đến tổng đàn trâu, bò. Số đầu con tại thời điểm 01/10/2009 giảm nhưng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2009 vẫn tăng khá: sản lượng thịt trâu ước đạt 74,96 nghìn tấn, tăng 4,78%, sản lượng thịt bò ước đạt 257,78 nghìn tấn, tăng 13,7% so với năm 2008.
Chăn nuôi lợn: Đàn lợn tại thời điểm 1/10/2009 đạt 27627,7 nghìn con, tăng 3,47% so với 1/10/2008. Sản lượng thịt lợn xuất chuồng năm 2009 ước đạt 2 931,4 nghìn tấn, tăng 4,45% so với năm 2008. Năm 2009 dịch bệnh xuất hiện ở một số địa phương nhưng ở phạm vi nhỏ, không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao trong khi giá bán thịt lợn không ổn định, nhiều thời điểm giá xuống thấp khó tiêu thụ đã ảnh hưởng đến việc phát triển quy mô đàn và tăng nhanh hơn sản lượng xuất chuồng.
Chăn nuôi gia cầm: Đàn gia cầm phát triển nhanh với số lượng tổng đàn đạt 280,18 triệu con, tăng 12,83% so với thời điểm 1.10.2008. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng năm 2009 ước đạt 502,8 nghìn tấn, tăng 12,16%, sản lượng trứng gia cầm các loại ước đạt 5952,1 triệu quả, tăng 8,98% so với năm 2008.
Tình hình dịch: Hiện nay, cả nước còn 3 tỉnh Cà Mau, Thái Nguyên và Cao Bằng có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, có 8 tỉnh là Quảng Nam, Yên Bái, Hà Giang, Hà Tĩnh, Phú Yên, Sơn La, Lạng Sơn và Nam Định có dịch LMLM chưa qua 21 ngày, không còn tỉnh nào có dịch tai xanh.
2. Lâm nghiệp
Ước tính cả năm 2009, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước đạt 212 nghìn ha, tăng 5,95% (+12 nghìn ha) so năm 2008. Một số địa phương có diện tích rừng trồng mới tập trung nhiều là: Hà Giang 17.000 ha, Tuyên Quang 14.899 ha, Yên Bái 13.868 ha, Thanh Hoá 12.000 ha, Nghệ An 9.500 ha, Quảng Ngãi 8.700 ha. Công tác chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng được quan tâm thực hiện đảm bảo cho rừng trồng phát triển tốt, tái sinh rừng nghèo để nâng độ che phủ rừng. Diện tích rừng trồng được chăm sóc ước đạt 486 nghìn ha, tăng 4,3% (+19,9 nghìn ha) so năm 2008; diện tích rừng được khoanh nuôi tái sinh 1.032 ha, tăng 5,2% (+51,1 nghìn ha). Trồng cây lâm nghiệp phân tán được các địa phương duy trì thực hiện trên những diện tích nhỏ lẻ ngoài vùng dự án, trồng xen cây lâu năm, ven đường giao thông…, kết quả cả năm 2009 trồng được 180,4 triệu cây, bằng 98,2% so năm 2008. Kết quả trồng, chăm sóc rừng đạt khá do thời tiết tương đối thuận lợi, tiếp tục được đầu tư của các chương trình dự án, trong đó trọng tâm là Dự án 5 triệu ha rừng năm 2009 đã đầu tư 1180 tỷ đồng (có 180 tỷ đồng ứng trước vốn 2010), tăng 43,9% so năm 2008. Mặt khác, chính sách giao đất, giao rừng đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người sản xuất nên nhiều địa phương nhân dân đã tự bỏ vốn trồng rừng; do trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên một số diện tích trồng cây nông nghiệp đã được chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp.
Sản lượng gỗ khai thác cả năm 2009 ước đạt 3.766,7 nghìn m3, tăng 5,7% (+ 204,4 nghìn m3) so năm 2008.Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác nhiều là: Hà Giang 67 nghìn m3, Tuyên Quang 218 nghìn m3, Yên Bái 200 nghìn m3, Lạng Sơn 74 nghìnm3, Quảng Ninh 96 nghìnm3, Hoà Bình 135 nghìn m3, Nghệ An 116 nghìn m3, Quảng Nam 169 nghìnm3, Quảng Ngãi 180 nghìn m3, Bình Định 167 nghìn m3,Lâm Đồng 89 nghìn m3… Sản lượng củi khai thác cả năm ước đạt 27.832 nghìn ste, tăng 3,6% (+973,8 nghìn ste) so năm 2008. Sản lượng gỗ khai thác tăng khá do nhu cầu xây dựng cơ bản tăng, thực hiện chương trình hỗ trợ xoá nhà tạm. Nhất là Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng được triển khai từ năm 1998, trong đó có 3 triệu ha rừng kinh tế (nguyên liệu giấy, ván nhân tạo, gỗ trụ mỏ…) đến nay đã có nhiều diện tích đến chu kỳ thu hoạch cũng làm tăng sản lượng gỗ khai thác.
Công tác bảo vệ rừng và tuyên truyền phòng chống cháy rừng được các địa phương quan tâm thực hiện, triển khai rộng rãi đến các xã, thôn bản và nhân dân nên đã hạn chế tình trạng cháy, phá rừng. Tuy nhiên, cháy rừng và nạn chặt phá rừng làm nương rẫy và khai thác lâm sản trái phép còn sảy ra, có nơi nghiêm trọng. Theo báo cáo của các địa phương, cả năm 2009 diện tích rừng bị thiệt hại 3.221 ha, giảm 18,8% so với năm 2008; trong đó diện tích rừng bị cháy 1.658 ha, diện tích rừng bị chặt phá 1.563 ha. Một số địa phương có diện tích rừng bị cháy nhiều là Hà Giang 381 ha; Yên Bái 201,4 ha; Lạng Sơn 144,8 ha; Cao Bằng 93,7 ha; Điện Biên 34,6 ha; Sơn La 133,6 ha; Lai Châu 85,2 ha; Bình Thuận 94 ha; Long An 62,5 ha,...Các địa phương có diện tích rừng bị phá nhiều là Sơn La 227 ha; Quảng Nam 45 ha; Kon Tum 62 ha; Đắc Lắc 63,7 ha; Đắc Nông 284 ha; Lâm Đồng 488 ha; Bình Phước 489 ha...
3. Thuỷ sản
Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 4787,6 nghìn tấn, tăng 4% so cùng kỳ năm trước; trong đó cá đạt 3604,1 nghìn tấn, tăng 3,9%; tôm đạt 532,7 nghìn tấn, tăng 6,2%.
Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng ước đạt 2516,8 nghìn tấn, tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước; trong đó cá 1901 nghìn tấn, tăng 2%; tôm 410 nghìn tấn, tăng 5,6%; thuỷ sản khác 205,7 nghìn tấn, giảm 3,8%. Mặc dù bị tác động ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến thị trường xuất khẩu thủy sản, nhất là mặt hàng cá tra và tôm sú, nhưng nuôi trồng thủy sản vẫn tăng so năm 2008. Nguyên nhân do các địa phương tiếp tục thực hiện chủ chương chuyển đổi và mở rộng các diện tích nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa canh, đa con kết hợp hướng vào thị trường nội địa, tăng năng suất nuôi trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường sinh thái bền vững. Thực hiện chuyển đổi phương thức nuôi trồng như một số diện tích chuyên nuôi tôm sú trước đây, nay chuyển sang nuôi kết hợp tôm-cá, tôm-cua, tôm lúa ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và diện tích nuôi nước ngọt lúa-cá phát triển mạnh ở Quảng Bình, Thanh Hoá;… Thêm vào đó, nuôi thuỷ sản hình thức lồng, bè phát triển khá ở các vùng với tổng số lồng, bè nuôi các loại tăng 14,7% (+12.600 chiếc) so cùng kỳ năm trước, trong đó tăng mạnh ở hình thức nuôi biển (Kiên Giang tăng gấp 2,18 lần; Phú Yên tăng 53%, Quảng Nam 87,9%, Ninh Thuận 76,2%, Hải Phòng 46,4% với các loại nuôi cá mú, cá giò, tôm hùm,…).
Sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt 1066,3 nghìn tấn, giảm 6,9% so với năm trước. Nuôi cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn do giá cá nguyên liệu và thị trường tiêu thụ không ổn định. Tuy chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn của Nhà nước cho doanh nghiệp và hộ nuôi để khôi phục và phát triển sản xuất phần nào đã khuyến khích đầu tư nuôi trở lại, nên diện tích để treo ao giảm hơn so với đầu năm. Nhưng diện tích thả nuôi cá tra ước đạt 9 nghìn ha, giảm 12,4% (-1,3 nghìn ha) so với năm trước; trong đó diện tích nuôi cá tra công nghiệp đạt 6,6 nghìn ha, giảm 10,3% (diện tích nuôi công nghiệp giảm nhiều là: Đồng Tháp thả nuôi 1791 ha, giảm 28%; An Giang thả nuôi 1108 ha, giảm 9%; Cần Thơ 999 ha, giảm 16,7%; Tiền Giang 123 ha, giảm 12,1%). Một số doanh nghiệp không xuất khẩu được do chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng, nhiều doanh nghiệp bị tồn đọng sản phẩm kéo dài hạn chế khả năng thu mua.
Diện tích nuôi tôm sú ước đạt 549,1 nghìn ha, giảm 10,7% (-65,5 nghìn ha) so cùng kỳ năm trước. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên tình hình tiêu thụ tôm trên thế giới giảm mạnh, Mỹ và Nhật Bản là các thị trường chủ lực nhập tôm thì thị phần giảm lớn. Một bộ phận diện tích nuôi tôm sú trước đây được chuyển nuôi tôm thẻ chân trắng, cho năng suất cao (BQ 10 tấn/ha/vụ), tiêu thụ ở thị trường nội địa. Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ước đạt 13,5 nghìn ha, tăng 75,5% so cùng kỳ năm trước, sản lượng thu hoạch 63 nghìn tấn gấp 2 lần.
Khai thác thủy sản
Sản lượng thuỷ sản khai thác ước đạt 2270,8 nghìn tấn, tăng 6,3% so với năm trước, đạt tốc độ tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây; trong đó sản lượng khai thác biển đạt 2079,8 nghìn tấn, tăng 6,8%. Những tháng cuối năm thời tiết ngư trường bị ảnh hưởng nhiều bởi bão và áp thấp nhiệt đới nhưng sản lượng khai thác vẫn đạt khá do thời tiết ngư trường tương đối thuận lợi trong 9 tháng đầu năm, các loại cá cơm, cá trác, cá hố, cá nục,…xuất hiện dày đặc và kéo dài; cá ngừ đại dương được mùa, được giá(Phú Yên khai thác được 4.383 tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; Bình Định 3.430 tấn, tăng 12,1%). Mặt khác, chính sách hỗ trợ ngư dân mua mới, đóng mới tàu khai thác hải sản từ 90 CV trở lên làm tăng số lượng tàu, thuyền cơ giới khai thác hải sản. Tuy nhiên do giá nhiên liệu và các chi phí đầu vào tăng làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác hải sản; tình hình an ninh trên biển đông vẫn diễn biến phức tạp đã tác động khai thác biển. T ình h ình th ị tr
4. Thị trường tháng 12 năm 2009
Giá lúa gạo tăng khá mạnh đợt cuối năm: Giá lúa tăng 600đ-1000đ/kg so với tháng trước, lúa tẻ thường phổ biến ở mức 5300-6600 tùy loại; lúa OMCS 2000 khoảng 6000đ/kg- 6200đ/kg (tăng 1000đ/kg), lúa IR 50404 khoảng 5300đ/kg- 5500đ/kg (tăng 900đ/kg), lúa Jasmine mới khoảng 6500đ/kg-6600đ/kg (tăng 1400đ/kg) kéo theo giá gạo tăng cao: gạo Jasmine khoảng 10000-11000/kg (tăng 1500đ/kg), gạo CLC khoảng 9000-11500đ/kg (đứng giá so tháng trước), gạo IR50404 dao động trong khoảng 8500- 9000đ/kg (tăng 1500-2000đ/kg).
Thịt lợn đứng hoặc giảm giá so với tháng trước: lợn hơi khoảng 28.000-31.000đ/kg (đứng giá), giá lợn đùi ở mức 55000đ/kg (giảm 5000đ/kg); thịt nạc vai 62000đ/kg, thịt rọi 50000đ/kg (giảm 5000đ/kg).
Các loại thực phẩm khác không nhiều biến động: giá các loại thịt gà, bò, tôm, cá ít biến động: vịt hơi khoảng 18000-20000đ/kg (giảm nhẹ), giá thịt bò khoảng 90-100 ngàn đ/kg (đứng giá), thịt gà hơi 60.000 (giảm 5000đ/kg); tôm càng xanh khoảng 160 ngàn/kg (đứng giá); cá tra 20000đ/kg (đứng giá); cá diêu hồng 24.000-25.000 đ/kg (đứng giá)
Giá các loại rau xanh nhìn chung giảm giáso với tháng trước: Cải xanh 5000đ/kg (tăng 1000đ/kg); rau cải ngọt 4000đ/kg (giảm 500đ/kg), rau muống 5000đ/kg (tăng 1000đ/kg), xà lách 7000đ/kg (đứng giá), hành tươi 8.000đ/kg (giảm 2000đ/kg), cà chua 6000đ/kg (đứng giá).
Giá phân bón trong nước giảm đáng kể: Giá urê Trung Quốc khoảng 6500đ/kg (tăng 1300đ/kg), giá Urê Phú Mỹ sản xuất 6700đ/kg (tăng 1500đ/kg), Urê Liên Xô 6400đ/kg (tăng 400đ/kg); phân lân 10200-10400đ/kg (giảm 200-1000đ/kg tùy nước sản xuất); phân DAP (Philipin nhập khẩu) 10400đ/kg (giảm 1800đ/kg), DAP Trung Quốc 8400đ/kg (tăng 1200đ/kg).
5. Kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới
Dự báo năm 2010 sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan hơn. Tuy nhiên, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản sẽ vẫn còn nhiều khó khăn do phải tiếp tục hạ giá thành sản xuất và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu. Mức tăng trưởng, phát triển sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phụ thuộc nhiều vào khả năng xuất khẩu và thu mua dự trữ trong nước. Kiến nghị:
1. Tiếp tục xây dựng, thực hiện chiến lược thu mua, dự trữ các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu. Đây là giải pháp lâu dài nhằm tránh sự quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu trong 1 giai đoạn nhất định, đồng thời tránh những rủi do cho người sản xuất.
2. Triển khai các biện pháp giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, trong đó trọng tâm là thức ăn và giống.
3. Giải quyết mối quan hệ giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, theo hướng ký kết hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm để cùng chia sẻ lợi nhuận và cùng chia sẻ rủi ro.
4. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất và chế biến thuỷ sản vay vốn trung, dài hạn hỗ trợ lãi suất 2%; hỗ trợ chi phí và quy định thủ tục đơn giản để ngư dân khi đi khai thác biển ghi chép đầy đủ vùng khai thác đối với sản phẩm; tiếp tục có quy hoạch thuỷ lợi cho vùng đồng bằng sông Cửu Long để hạn chế triều cường, nhiễm mặn,…để phát triển cá, tôm, lúa ở vùng này./.

File đính kèm:
BCNongnghiepT12.09.pdf

Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1868
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)