Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/03/2011-10:37:00 AM
Hà Nội sẽ hình thành trung tâm tài chính - ngân hàng lớn
Phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng, thương mại là một trong những ưu tiên của thành phố Hà Nội trong tương lai nhằm tái cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng cung cấp dịch vụ chất lượng cao.

Ngày 22/3, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Khu Tài chính London, tổ chức Hội thảo bàn tròn về phát triển khu trung tâm tài chính thương mại của thành phố.
Tham dựcó Thị trưởng Khu Tài chính London Michael Bear, các diễn giả đến từ các tập đoàn tài chính quốc tế, đại diện các sở, ban ngành của Hà Nội…
Phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng, thương mại là một trong những ưu tiên của thành phố Hà Nội trong tương lai nhằm tái cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng cung cấp dịch vụ chất lượng cao, Phó Chủ tịch thành phố Hoàng Mạnh Hiển cho biết.
Trong Quy hoạch chung của Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thành phố dành quỹ đất phát triển mạng lưới các tổ chức tín dụng ngân hàng, sẽ hình thành những trung tâm tài chính-ngân hàng tập trung tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Thành phố xác định ngành ngân hàng đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống tài chính trên địa bàn nhằm hỗ trợ vốn và dịch vụ ngân hàng phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Hội thảo là dịp để thành phố Hà Nội tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia trong việc xây dựng các trung tâm tài chính trên thế giới.
Tại Hội thảo, ông Michael Bear đã giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Khu Tài chính London vừa có vai trò là trung tâm tài chính của ngành dịch vụ tài chính trong nước vừa là trung tâm buôn bán tài chính quốc tế.

Thị trưởng Khu Tài chính London Michael Bear

Với vị thế đó, Trung tâm Tài chính London chiếm tới 1/10 tổng giá trị tăng thêm của Anh, tạo ra khoảng 1,3 triệu việc làm cho người dân trong nước, đóng góp 11% cho tổng thuế thu nhập quốc gia và 15% thuế doanh nghiệp.
Ông Michael Bear nói rằng Việt Nam có điều kiện để phát triển trung tâm tài chính tuy nhiên đây là công việc lâu dài, đòi hỏi phải có kế hoạch cụ thể.
Theo ông, có 5 tiêu chí để xây dựng một trung tâm tài chính, trong đó có thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường kinh doanh thân thiện với một hệ thống các quy định pháp lý rõ ràng, hệ thống cơ sở hạ tầng liên hoàn.
Diễn giả Raymond Chow, đại diện Tập đoàn Jardines Matheson của Singapore, cho rằng Việt Nam có đầy đủ khả năng trở thành một trong những trung tâm tài chính quan trọng của châu Á do Chính phủ có quyết tâm và người dân chăm chỉ, thông minh.
Điều quan trọng là Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng, cần có quy hoạch và có tầm nhìn rõ ràng về trung tâm tài chính để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư dài hạn, ông Raymond Chow nói./.
Hải Minh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1511
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)