Các số liệu thuộc các chuyên ngành thống kê khác được tổng hợp từ KSMS2010 để làm rõ và phân tích sâu hơn về những nhân tố ảnh hưởng đến mức sống, không nhằm thay thế các số liệu đã công bố của các chuyên ngành này.
Kết quả khảo sát KSMS2010 liên quan đến các chỉ tiêu thu nhập, chi tiêu, giảm nghèo, một số đặc điểm nhân khẩu học cơ bản liên quan đến mức sống, giáo dục, lao động việc làm, y tế và chăm sóc sức khoẻ, nhà ở, điện nước, phương tiện vệ sinh và đồ dùng lâu bền.
Theo đánh giá chung của Tổng cục Thống kê, KSMS2010 đã đạt được những kết quả quan trọng. Liên quan đến chỉ tiêu thu nhập, Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm 2010, thu nhập bình quân đầu người/tháng chung cả nước theo giá hiện hành đạt 1,387 triệu đồng, tăng 39,4% so với năm 2008, tăng bình quân 18,1%/năm trong thời kỳ 2008-2010. Thu nhập ở khu vực thành thị và nông thôn đều tăng so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người/tháng của nhóm hộ nghèo nhất đạt 369 nghìn đồng, tăng 34%, của nhóm hộ giàu nhất đạt 3.411 nghìn đồng, tăng 38,7% so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2010 theo giá hiện hành của các vùng đều tăng so với năm 2008.
Tốc độ tăng thu nhập năm 2010 của hộ dân cư chủ yếu do tốc độ tăng từ công việc hưởng tiền lương, tiền công và công việc tự làm xây dựng; ở khu vực nông thôn có thêm công việc tự làm thương nghiệp.
Về chi tiêu, tính chung cả nước, chi tiêu theo giá hiện hành năm 2010 bình quân đầu người/tháng đạt 1,211 triệu đồng, tăng 52,8% so với năm 2008, bình quân mỗi năm tăng 23,6%. Chi tiêu cho đời sống bình quân đầu người/tháng năm 2010 ở khu vực nông thôn đạt 950 nghìn đồng, tăng 53,4% so với năm 2008; khu vực thành thị đạt 1,828 triệu đồng, tăng 46,8% so năm 2008. Mức chi tiêu cho đời sống ở khu vực thành thị gấp 1,94 lần ở khu vực nông thôn và có xu hướng thu hẹp dần khoảng cách. Các chỉ số liên quan đến chi tiêu của các hộ dân cư đều có dấu hiệu tăng so với cùng kỳ.
Năm 2010, Việt Nam đã đạt được thành tích xuất sắc trong việc xóa đói giảm nghèo, hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ.
Về kết quả giảm nghèo, Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2010 giảm còn 10,7% theo chuẩn nghèo của Chính phủ ban hành cho giai đoạn 2006-2010. Có 82,2% số hộ tự đánh giá cuộc sống của gia đình năm 2010 được cải thiện hơn so với 5 năm trước, 11,3% như cũ và 6,2% giảm sút.
Việt Nam có phân bố thu nhập trong dân cư ở mức tương đối bình đẳng, nhưng đang có xu hướng tăng lên mức bất bình đẳng vừa. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người/tháng của nhóm hộ giàu nhất gấp 9,2 lần thu nhập của nhóm hộ nghèo nhất, tăng so với các năm trước.
Trong năm 2010, có nhiều hộ dân cư tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo. 26,7% số hộ dân cư được hưởng lợi từ dự án/chính sách giảm nghèo, trong đó 10,2% hộ được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, 11,5% hộ được miễn giảm chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo, 9,9% hộ được hưởng tín dụng ưu đãi cho người nghèo.
Một số vấn đề liên quan đến tình hình đời sống xã hội như lao động, việc làm, giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe đều đạt những kết quả khả quan.
Về giáo dục, Chương trình phổ cập giáo dục tiếp tục được triển khai mạnh tại các địa phương. Tỷ lệ đi học chung có xu hướng giảm ở tất cả các cấp học phổ thông, ở thành thị và nông thôn và ở các vùng, ở nam và nữ và ở các nhóm dân tộc. Tỷ lệ không có bằng cấp hoặc chưa bao giờ đến trường của dân số từ 15 tuổi trở lên của nhóm hộ nghèo nhất là 38,2%, cao hơn 4,8 lần so với nhóm hộ giàu nhất; của nữ giới là 24,6%, cao hơn 1,6 lần so với của nam giới. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có bằng cao đẳng trở lên của nhóm hộ giàu nhất gấp 60 lần nhóm hộ nghèo nhất.
Về y tế và chăm sóc sức khỏe, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, người dân nông thôn có ít cơ hội được khám chữa bệnh tại các bệnh viện nhà nước hơn. Năm 2010, có 81% lượt người ở khu vực nông thôn khám, chữa bệnh nội trú tại các bệnh viện nhà nước, trong khi tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 90%. Chi tiêu cho y tế, chăm sóc sức khoẻ bình quân đầu người/tháng đạt khoảng 62 ngàn đồng, chiếm tỷ trọng 5,4% trong chi tiêu cho đời sống. Chi tiêu cho y tế, chăm sóc sức khoẻ bình quân đầu người/tháng của nhóm hộ giàu nhất cao hơn gấp 3,8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất, của hộ thành thị cao hơn 1,43 lần so với hộ nông thôn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, việc làm là yếu tố quan trọng nhất tác động trực tiếp đến mức sống của dân cư thông qua vai trò tạo thu nhập cho hộ dân cư. Dân số từ 15 tuổi trở lên làm công việc chiếm nhiều thời gian nhất trong 12 tháng qua có cơ cấu nghiêng về công việc phi nông, lâm nghiệp, thuỷ sản (55,5%) so với công việc nông, lâm nghiệp và thủy sản (44,5%). Tuy nhiên, có đến 80% công việc của nhóm hộ nghèo nhất vẫn là công việc thuần nông.
Để đánh giá tác động của cộng đồng đến đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của dân cư ở khu vực nông thôn, KSMS2010 đã thu thập thông tin của 2250 xã ở khu vực nông thôn trên phạm vi cả nước. Các thông tin được thu thập từ cấp thôn và xã bao gồm: đặc điểm tình hình chung của xã, cơ hội việc làm phi nông nghiệp, tình hình sản xuất nông nghiệp của xã, cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, tín dụng, tiết kiệm và các vấn đề về môi trường.
Nhìn chung, năm 2010, tuy kinh tế - xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh không ít khó khăn, thách thức, nhưng cùng với đà phục hồi kinh tế nhanh sau khủng hoảng, thu nhập năm 2010 của dân cư tiếp tục tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của các tầng lớp dân cư tiếp tục ổn định. Tuy vậy, mức sống vẫn có sự cách biệt xa giữa thành thị, nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa một số vùng, đặc biệt vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên còn khó khăn nhất so với các vùng khác. Đây là vấn đề đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục quan tâm giải quyết./.
Kết quả chủ yếu từ khảo sát mức sống hộ dân cư năm 2010
(Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
|