(MPI Portal) - Chiều 29/6, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê đã họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm 2011. Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì buổi họp báo cùng với sự tham dự của đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.
|
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Đỗ Thức phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Theo báo cáo, tổng sản phẩm trong nước sáu tháng đầu năm ước tính tăng 5,57% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó quý I tăng 5,43%; quý II tăng 5,67%. Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế sáu tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,08%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,49%, khu vực dịch vụ tăng 6,12%.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện sáu tháng đầu năm 2011 theo giá thực tế ước tính đạt 409,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước 141,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3%; vốn khu vực ngoài Nhà nước 163 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 105,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,1%.
Ông Đỗ Thức nhận định, con số tăng trưởng 5,57% là sự cố gắng lớn, có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chỉ đạo điều hành phù hợp và đúng đắn về chính sách tiền tệ, tài khóa, giảm đầu tư công. Đây là bức tranh khá khả quan, xuất khẩu tăng cao nhờ lượng xuất khẩu và giá quốc tế của một số mặt hàng tăng; các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch tiếp tục đà tăng trưởng. Thu ngân sách đạt mức khá, bảo đảm nguồn cho chi ngân sách và góp phần giảm bội chi ngân sách nhà nước. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi sáu tháng đầu năm ước tính đạt 2,58%, trong đó khu vực thành thị 3,96%; khu vực nông thôn 2,02%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính đạt 3,9%, trong đó khu vực thành thị 2,15% và khu vực nông thôn 4,6%.
Chỉ số giá 6 tháng đầu năm 2011 bao gồm chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá sản suất, chỉ số giá xuất, nhập khẩu hàng hóa đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 1,09% so với tháng 5, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 1,79% (lương thực tăng 0,33%; thực phẩm tăng 2,47%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,16%); các nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu khác có mức tăng từ 0,3% đến 0,8%. Riêng chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%.
CPI tháng 6 tăng 13,29% so với tháng 12/2010 và tăng 20,82% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2011 tăng 16,03% so với bình quân cùng kỳ năm 2010. Theo nhận định của ông Đỗ Thức, trên thế giới đã hình thành mặt bằng giá mới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao có nguyên nhân từ chi phí đẩy nên việc giảm CPI không thể nhanh chóng được. Ông Đỗ Thức cũng cho rằng, dư địa cho dư nợ tín dụng những năm trước lớn hơn, còn trong năm nay, hy vọng chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt hợp lý và giữ ổn định thì CPI sẽ tăng ở mức độ thấp.
Các chỉ số giá sản xuất 6 tháng đầu năm 2011 tăng so với cùng kỳ năm trước, cụ thể là: chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 27,57%; chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp tăng 16,71%; chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 18,32%; chỉ số giá cước vận tải tăng 15,85%. Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm nay tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 9,28%.
|
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Khẳng định lạm phát đã dịu đi song vẫn còn những yếu tố tăng cao trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê dự báo lạm phát trong 6 tháng cuối năm ở vào khoảng 2,5% đến 3,9%. Tính chung cả năm, lạm phát ở khoảng 17%, còn trong trường hợp kiểm soát lạm phát, kiên trì chính sách kiềm chế lượng tiền đưa ra lưu thông tốt hơn thì mức lạm phát cả năm ở khoảng trên 16%.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn một số thách thức như lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn về vốn và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; nhập siêu còn ở mức cao; thu hút đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm.
Để thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, các cấp, các ngành, các tập đoàn kinh tế và các địa phương cần tăng cường phối hợp chặt chẽ để tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả cao Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư