Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 29 tháng 03 năm 2011
1. Tình hình hoạt động:
Vốn thực hiện:
Trong 3 tháng đầu năm 2011, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 2,54 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2010.
Tình hình xuất, nhập khẩu:
Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu khí) trong 3 tháng đầu năm 2011 dự kiến đạt 10,457 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm 52,4% kim ngạch xuất khẩu. Nếu không tính dầu thô, khu vực ĐTNN dự kiến xuất khẩu 8,9 tỷ USD, chiếm 46,2% tổng xuất khẩu và tăng 31,3% so với cùng kỳ 2010. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN tính đến cuối tháng 3 năm 2011 đạt 9,488 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm 42,6% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 3 tháng, khu vực ĐTNN xuất siêu 969 triệu USD, trong khi cả nước nhập siêu 3,029 tỷ USD; nếu không tính xuất khẩu dầu thô, khu vực ĐTNN nhập siêu 588 triệu USD.
2. Tình hình cấp GCNĐT:
Theo các báo cáo nhận được, tính đến ngày 22 tháng 3 năm 2011 cả nước có 173 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký 2,038 tỷ USD, bằng 64,8% so với cùng kỳ năm 2010.
Đến cuối tháng 3 năm 2011, có 37 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 334 triệu USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2010.
Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 3 tháng đầu năm 2011, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 2,372 tỷ USD, bằng 66,9% so với cùng kỳ 2010.
Theo lĩnh vực đầu tư:
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ nhất với 76 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 1,55 tỷ USD, chiếm 65,37% tổng vốn đầu tư đăng ký từ đầu năm đến nay. Đứng thứ 2 là lĩnh vực xây dựng với 28 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 205,84 triệu USD, chiếm 8,68% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm lần lượt là 50,31 triệu USD và 30,84 triệu USD.
Theo đối tác đầu tư::
Tính từ đầu năm 2011 đến nay, đã có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,08 tỷ USD, chiếm 46,74% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; trong tháng 3/2011 Hồng Kông đã vươn lên đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 331,54 triệu USD, chiếm 13,98% tổng vốn đầu tư; British Virgin Islands đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 277,37 triệu USD, chiếm 11,69% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 193,29 triệu USD, chiếm 8,15% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ 5 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 131 triệu USD, chiếm5,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Theo địa bàn đầu tư:
Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 1,08 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Đà Nẵng đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 364,68 triệu USD. Trong tháng này, Ninh Thuận đã vươn lên đứng thứ 3 với 266 triệu USD vốn đăng ký. Tiếp theo là Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 185,15 triệu USD và 146,6 triệu USD.
Một số dự án lớn được cấp phép trong 3 tháng đầu năm 2011 là: dự án Công ty TNHH sản xuất First Solar Việt nam, thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo do Singapore đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD; dự án Công ty TNHH một thành viên Enfinity Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 266 triệu USD do Hồng Kông đầu tư với mục tiêu sản xuất điện tại Ninh Thuận; dự án công ty Bến du thuyền Đà Nẵng của nhà đầu tư British Virgin Islands với tổng vốn đầu tư 174 triệu USD; dự án Công ty TNHH biệt thự và khách sạn biển Đông Phương tại Đà Nẵng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 55,56 triệu USD./.
Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư