Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/06/2014-09:44:00 AM
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2014
1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 6 năm 2014
Trong tháng 6 năm 2014, cả nước có 6.087 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 57.300 tỷ đồng, tăng 10,7% về số doanh nghiệp và tăng 89,6% về số vốn đăng ký so với tháng 5 năm 2014.
Về số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động có đăng ký hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký của cả nước là 6.369 doanh nghiệp, giảm 5,1% so với tháng 5 năm 2014, bao gồm: 966 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có đăng ký, 4.554 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, 849 doanh nghiệp giải thể.
2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2014
a) Tình hình chung về đăng ký doanh nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước có 37.315 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 230.924 tỷ đồng, giảm 4,1% về số doanh nghiệp đăng ký thành lập và tăng 19,3% về số vốn đăng ký, so với cùng kỳ năm 2013. Thống kê theo Quý, số doanh nghiệp đăng ký mới trong Quý I/2014 là 18.356 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 97.983 tỷ đồng, giảm 2% về số doanh nghiệp và 16,5% về số vốn đăng ký so với Quý IV/2013; trong Quý II/2014 là 18.959 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 132.942 tỷ đồng, tăng 3,3% về số doanh nghiệp và 35,7% về số vốn đăng ký so với Quý I/2014 và tăng 1,3% về số doanh nghiệp và 13,3% về số vốn đăng ký so với Quý IV/2013.
Hình 1: Biểu đồ số doanh nghiệp đăng ký và số vốn đăng ký
Về số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động có đăng ký hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký của cả nước là 33.454 doanh nghiệp, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2013, bao gồm: 6.066 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có đăng ký, 22.637 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, 4.751 doanh nghiệp giải thể.
Số doanh nghiệp khó khăn rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nay quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2014 là 8.322 doanh nghiệp, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2013.
b) Cơ cấu doanh nghiệp đăng ký theo vùng lãnh thổ
So với Quý I/2014, trong Quý II/2014, các địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ có xu hướng tốt nhất khi lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 5,3%, đồng thời số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm 11,1%. Nổi bật tại các vùng này là: Thành phố Hồ Chí Minh (thành lập mới tăng 14,8%, dừng hoạt động giảm 13,6%).
Tại một số địa bàn khác, quá trình tham gia, đào thải, sàng lọc doanh nghiệp đang diễn ra rất mạnh mẽ, khi có số doanh nghiệp gia nhập cũng như rút lui khỏi thị trường tăng so với Quý trước. Điển hình là một số địa phương thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung như: Thành phố Hà Nội (thành lập mới tăng 16,2%, dừng hoạt động tăng 7,8%); Thái Bình (tăng 32,3%, tăng 61,5%); Cao Bằng (tăng 133,3%, tăng 54,1%); Thanh Hóa (tăng 16,6%, tăng 77%).
Ngược lại với tình hình tích cực nêu trên, trong Quý II/2014, cộng đồng doanh nghiệp tại vùng Tây Nguyên lại đang thể hiện một bức tranh còn nhiều khó khăn so với Quý trước với số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm (46,6%) trong khi số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải dừng hoạt động lại gia tăng cao (53,2%), trong đó, nhiều địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp gặp khó khăn phải dừng hoạt động lại tăng cao như: Kon Tum (thành lập mới giảm 29,5%, dừng hoạt động tăng 50%); Đắc Nông (giảm 62,1%, tăng 78,4%).
Đơn vị: doanh nghiệp
Hình 2: Biểu đồ số doanh nghiệp đăng ký mới theo vùng
c) Về cơ cấu doanh nghiệp đăng ký theo lĩnh vực hoạt động
Trong Quý II/2014, ngành có xu hướng tốt lên khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với Quý trước là: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (thành lập mới tăng 27,5%, dừng hoạt động giảm 13,9%); Kinh doanh bất động sản (tăng 38,7%, giảm 11,4%).
Tại một số ngành khác đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động cùng tăng trong việc gia nhập đồng thời rút lui của các doanh nghiệp trên thị trường so với Quý trước, cụ thể: Vận tải kho bãi (thành lập mới tăng 62,6%, dừng hoạt động tăng 14,9%); Giáo dục và đào tạo (tăng 50,7%, tăng 17,2%); Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 30,6%, tăng 4,7%).
Ngược lại với các ngành có xu hướng tốt cũng như có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, vẫn còn một số ngành còn thể hiện sự khó khăn so với Quý trước, khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng như: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (thành lập mới giảm 9%, dừng hoạt động tăng 0,2%); Khai khoáng (giảm 2,9%, tăng 11,1%).

Đơn vị : doanh nghiệp

Hình 3: Biểu đồ số doanh nghiệp đăng ký mới của một số ngành, lĩnh vực


Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1877
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)