Tại Hội nghị các nhà kinh tế nông nghiệp châu Âu ở thành phố Zurich, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy khẳng định thương mại là sống còn đối với an ninh lương thực. Thế giới vẫn thiếu các chính sách nông nghiệp quốc gia và quốc tế bền vững và gắn kết để giải quyết vấn đề an ninh lương thực.
Ông Lamy nhấn mạnh giá lương thực thế giới trong tháng 7 đã tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm trước đó và hiện đã gần đạt tới mức giá cao nhất trong cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008.
Giá lương thực cao có lợi cho nông dân nhưng gây nguy hiểm cho an ninh lương thực của nhiều cộng đồng người tiêu dùng dễ bị tổn thương, gây rối loạn xã hội ở nhiều nước trên thế giới gần đây.
Tổng Giám đốc WTO cho rằng mặc dù có thể dẫn ra nhiều nguyên nhân khiến giá lương thực tăng cao như sản xuất nhiên liệu sinh học từ lương thực, giá dầu tăng, tập quán ăn uống thay đổi ở châu Á, kho ngũ cốc giảm, đầu cơ tài chính, biến đổi khí hậu... nhưng cần nhìn vấn đề này trong bối cảnh chính sách thương mại rộng rãi hơn khi thế giới vẫn còn con đường khá dài phía trước để thiết kế được khuôn khổ chính sách thương mại nông nghiệp quốc tế và quốc gia gắn kết và nhất quán.
Thương mại quốc tế nếu được sử dụng thích đáng có thể giúp thế giới thoát khỏi hiện trạng giá lương thực tăng cao. Cơ hội này có thể nhận thấy ở Vòng đàm phán thương mại Doha và đây vẫn là cơ hội cho những cải cách có tầm quan trọng sống còn trong nông nghiệp.
Quản lý đất đai, nguồn nước và nguồn tài nguyên thiên nhiên, quyền sở hữu, kho chứa, năng lượng, vận tải và mạng lưới phân phối, hệ thống tín dụng, khoa học công nghệ, đều là những nhân tố then chốt của một chính sách nông nghiệp cùng với hệ thống an ninh lương thực thành công. Chính sách thương mại cần phải được thiết kế phù hợp với bối cảnh này.
Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh việc thiếu một tầm nhìn chung đã dẫn đến quy mô khác nhau trong các cuộc khủng hoảng lương thực trong nhiều năm qua. Thương mại quốc tế có thể giúp làm giảm giá lương thực và tăng cường sức mua của người tiêu dùng trong nhiều năm thông qua cạnh tranh lớn hơn, đem lại những thành quả rõ ràng về hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, thương mại quốc tế không phải là thách thức mà là một phần của giải pháp cho khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Trong khi thương mại nông nghiệp chỉ chiếm 10% trao đổi thương mại quốc tế và chỉ 25% sản lượng nông nghiệp thế giới được trao đổi quốc tế, cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu và dây chuyền trao đổi quốc tế hoạt động tốt hơn đối với lương thực là nhân tố sống còn để tăng cường an ninh lương thực toàn cầu./.