Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/10/2010-16:58:00 PM
Tình hình thực hiện các nhiệm vụ KT-XH, quốc phòng an ninh năm 2010 và phương hướng, nhiệm vụ KT-XH, quốc phòng an ninh năm 2011 tỉnh Kon tum
Báo cáo số 168/BC-UBND ngày 27/10/2010 của UBND tỉnh Kon tum.
PHẦN THỨ NHẤT
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU,
NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2010
Tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2010 trong bối cảnh kinh tế thế giới vừa ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái, bước đầu phục hồi nhưng vẫn còn tiềm ẩn khó khăn thách thức.
Năm 2010 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010. Tuy phải vừa khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão số 9, vừa đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên người, gia súc, gia cầm và khí hậu thời tiết.... Nhưng các cấp, các ngành quán triệt chỉ đạo của Chính phủ; của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI - QUỐC PHÒNG AN NINH NĂM 2010
1. Về kết quả khắc phục hậu quả bão số 9([1]) (phụ lục 01)
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, cùng sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, của các tổ chức trong và ngoài nước, nỗ lực các ngành, các cấp và người dân vùng bị ảnh hưởng; các công trình thiết yếu, nhà cửa bị hư hỏng, diện tích đất bị bồi lấp ... đã từng bước được khôi phục.
Về khôi phục sản xuất nông nghiệp: Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại là 11.834 ha. Trong đó, đã khôi phục (tính đến ngày 30-9-2010) đưa vào sản xuất 7.540 ha (diện tích đã đưa vào sản xuất 7.492 ha; diện tích chưa đưa vào sản xuất 48,2 ha), diện tích đang khôi phục 1.275 ha, diện tích chưa khôi phục là 3.019 ha([2]). Nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ để khôi phục sản xuất là 13,512 tỷ đồng với diện tích thực hiện là 2.527,4 ha, đến nay đã hỗ trợ khôi phục được 1.045,3 ha (41,4% kế hoạch).
Khắc phục các công trình bị hư hỏng: Tổng kinh phí để khắc phục 420 công trình([3]) bị hư hỏng là 231,6 tỷ đồng([4]). Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 356 công trình([5]) (84,76% tổng số công trình), số công trình còn lại đang triển khai thực hiện. Tổng số cầu treo bị hư hỏng, cuốn trôi là 170 cầu, đã sửa chữa đưa vào sử dụng 44 cầu treo, đang triển khai xây dựng mới 8 cầu, còn lại 118 cầu chưa có nguồn vốn để đầu tư.
Về nhà cửa: Tổng kinh phí phân bổ hỗ trợ nhân dân là 6,479 tỷ, đến nay đã khắc phục xong 711 căn nhà bị sập, hư hỏng nặng và 1.749 căn nhà tốc mái, siêu vẹo, nhà có công trình phụ bị hư hỏng.
Xây dựng nhà cho các hộ dân sau bão: Tổng số căn nhà thuộc diện di dời là 2.986 căn nhà. Đã di dời 1.575 hộ dân và làm nhà cho 1.080 hộ dân, số còn lại hiện đang triển khai hoặc chờkinh phí để thực hiện theo đề án.
UBND tỉnh đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho xóa nợ và miễn, giảm lãi tiền vay đối với các hộ vay vốn Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Kon Tum do ảnh hưởng của bão số 9 là 393 triệu đồng, trong đó số dư nợ đề nghị xóa nợ 360 triệu đồng, số dư nợ đề nghị miễn, giảm lãi 33 triệu đồng.
2. Về kinh tế, văn hóa và xã hội (phụ lục 02)
2.1. Về kinh tế, đầu tư
a) Tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) ước tăng 15,61%([6]) so với năm 2009([7]), đạt kế hoạch đề ra([8]), trong đó: nông lâm thủy sản tăng 7,01%([9]), công nghiệp - xây dựng tăng 25,28%([10]), thương mại - dịch vụ tăng 17,45%([11]).
Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng nông lâm - thủy sản giảm từ 43,72% năm 2009 xuống còn 41,04% năm 2010; ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 22,67% lên 24,4%; ngành thương mại - dịch vụ tăng từ 33,61% lên 34,56%.Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 11,45 triệu đồng năm 2009 lên 13 triệu đồng (khoảng 684 USD) năm 2010.
b) Phát triển kinh tế:
- Về Nông lâm thủy sản:
Diện tích một số cây trồng chính vượt kế hoạch: Diện tích lúa đạt 22.415 ha, vượt 11% kế hoạch, trong đó lúa đông xuân 6.516 ha, vượt 18,5% kế hoạch; diện tích cao su trồng mới 5.994 ha, vượt 20% kế hoạch và tăng 15,7% so với năm 2009; cà phê trồng mới 325ha, vượt 116,7% kế hoạch. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 106.185 tấn vượt 0,24% kế hoạch, và tăng 0,4% so với năm 2009.
Tình hình chăn nuôi năm 2010 gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn diễn biến khá phức tạp; dịch cúm gia cầm xảy ra tại 2 thôn của xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi; dịch tai xanh ở lợn đã xảy ra tại một số điểm thuộc huyện Đắk Hà, huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum([12]), đã ảnh hưởng đến phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm([13]).
Tổng diện tích rừng nghèo được chuyển đổi sang trồng cao su đến tháng 10 năm 2010: 22.928,6 ha([14]), trong đó, diện tích cao su đã trồng giai đoạn 2007-2009: 3.651 ha; trồng mới năm 2010: 3.990 ha.
Đã tổ chức lực lượng kiểm lâm địa bàn bám dân, bám rừng, tuyên truyền và hướng dẫn đồng bào sản xuất nương rẫy đúng quy hoạch; tổ chức lực lượng chống xâm canh tại khu vực Sê San, khu vực giáp ranh; công tác trinh sát, kiểm tra giám sát phát hiện những vi phạm được tăng cường. Trong năm, UBND tỉnh đã thành lập 08 trạm kiểm soát liên ngành và 5 tổ liên ngành tại khu vực Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Tu Mơ Rông để kiểm tra, ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Trong 8 tháng năm 2010, Chi cục Kiểm lâm đã phát hiện 654 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng([15], đã xử lý 565 vụ.)
Đã tiến hành rà soát, đánh giá mức độ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới của 81 xã nông thôn trên địa bàn theo Quyết định 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hầu hết các xã chưa đạt được tiêu chí về nông thôn mới. Trong tổng số 19 tiêu chí về nông thôn mới, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có 01 tiêu chí về an ninh trật tự xã hội là đạt chuẩn; có 04 tiêu chí cơ bản đạt([16]), còn 14 tiêu chí chưa đạt. Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 20% số xã đạt tiêu chí về nông thôn mới, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 17 xã để tập trung chỉ đạo.
- Về công nghiệp - xây dựng:
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá 1994) năm 2010 ước đạt 828,27 tỷ đồng([17]), tăng 29,22% so với năm 2009, trong đó ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước tăng 180%; ngành công nghiệp khai thác tăng 44,7%.
Về tình hình khai thác khoáng sản: Khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát , đá, sỏi); khoáng sản vàng ĐăkBlô, wolfram-Môrai đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục để thăm dò tại thực địa, các loại khoáng sản khác các nhà đầu tư đang liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để lập thủ tục trình thẩm định, cấp phép theo quy định.
Trước diễn biến khai thác khoáng sản (quý hiếm) trái phép xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh (ở các vùng xâu, vùng xa gây ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, môi trường, thất thu ngân sách), tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp kiên quyết ngăn chặn, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định. Bước đầu đã thiết lập trật tự theo quy định của pháp luật đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Đã có 61 công trình thủy điện vừa và nhỏ có chủ trương đầu tư với tổng công suất 558 MW, với 13 công trình đang trong quá trình đầu tư xây dựng.Hiện có 5 công trình đã hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 63,2MW ([18]).
Về đầu tư các tuyến đường giao thông quan trọng, có quy mô lớn: Dự kiến cuối năm 2010, dự kiến sẽ hoàn thành: Quốc lộ 24 đoạn qua thành phố (trừ nút giao thông ngã 5); triển khai bước thiết kế bản vẽ thi công và giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 Quốc lộ 14C; giai đoạn 1 Đường Nam Quảng Nam; công tác giải phóng mặt bằng Tỉnh lộ 674; công tác giải phóng mặt bằng và triển khai 02 gói thầu xây lắp đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh; công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công nền đường đoạn tránh dốc Văn Loan. Đường Đăk Côi - Đăk Pxi, đã hoàn thành 2/8 gói thầu, dự kiến đến 31-12-2010 hoàn thành 5/8 gói thầu.
- Về thương mại, dịch vụ:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2010 ước đạt 3.660 tỷ đồng, tăng 31,16% so với năm 2009 và vượt 3,5% kế hoạch. Kiểm soát tốt tình hình biến động giá trên địa bàn; chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 năm 2010 tăng 3,89% so với tháng 12-2009.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,04 triệu USD, tăng 0,06% so với năm 2009 và vượt 21,73% kế hoạch; đã tổ chức, triển khai thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và thực hiện 02 đợt “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại hai huyện Sa Thầy và Đăk Hà.
c) Tài chính, đầu tư phát triển, tín dụng, tiền tệ:
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.208,9 tỷ đồng([19]), vượt 22,9% dự toán và tăng 31,06% so với thực hiện năm 2009([20]); trong đó: thu nội địa vượt 20,57% dự toán([21]) và tăng 30,41% so với năm 2009, thu thuế xuất nhập khẩu và VAT hàng nhập khẩu vượt 64,3% dự toán và bằng 89,8% so với năm 2009.
Tổng chi ngân sách địa phương năm 2010([22]): 3.340,32 tỷ đồng, đạt 91,5% nhiệm vụ chi, trong đó chi cân đối ngân sách 3.190,41 tỷ đồng, chi từ xổ số kiến thiết, thuê rừng quản lý qua ngân sách: 90 tỷ, ghi thu, ghi chi quản lý qua ngân sách 59,9 tỷ đồng.
Trong tổng chi cân đối ngân sách, chi đầu tư phát triển đạt 1.419,5 tỷ đồng, đạt 90,5% nhiệm vụ chi và tăng 53,3% so với năm 2009, chi thường xuyên đạt 1.770,9 tỷ đồng, vượt 5,5% nhiệm vụ chi.
Trong chi đầu tư thuộc chi cân đối ngân sách, chi vốn cân đối ngân sách địa phương 493 tỷ đồng vượt 2% nhiệm vụ chi, chi từ nguồn Trung ương bổ sung có mục tiêu 890 tỷ đồng, đạt 86,6% (chi nguồn trung ương bổ sung mục tiêu cụ thể 790 tỷ, đạt 90,9% nhiệm vụ chi; chi chương trình mục tiêu quốc gia 20 tỷ, đạt 57,6% nhiệm vụ, chương trình 135 đạt 50 tỷ, đạt 68,8% nhiệm vụ; chương trình 5 triệu ha rừng 30 tỷ, đạt 58,3% nhiệm vụ); chi vốn vay kiên cố hóa kênh mương 35 tỷ, đạt 62,9%.
Tình hình thực hiện các công trình trọng điểm (phụ lục 03): Kế hoạch vốn đã bố trí cho các công trình trọng điểm 5 năm (2006-2010):1.006,6 tỷ đồng (kế hoạch năm 2010:397,8 tỷ đồng) đạt khoảng 80,2% so với tổng mức dự kiến cân đối giai đoạn 2006-2010;thực hiện giải ngân đến 30/9/2010 đạt 62,75%.
Tình hình đầu tư phát triển ba vùng kinh tế động lực: Đã đánh giá kết quả 03 năm thực hiện đầu tư xây dựng và phát triển ba vùng kinh tế động lực của tỉnh; tiềm năng về thủy năng, khoáng sản và đất lâm nghiệp đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư, nhiều công trình, dự án có quy mô lớn đang triển khai thi công.
Tín dụng, tiền tệ: Số dư huy động vốn tại chỗ đến 31/12/2010 ước đạt 2,775 ngàn tỷ đồng, tăng 26% so với 31/12/2009, vốn huy động tại địa bàn đáp ứng khoảng 45% trong tổng dư nợ tín dụng. Tổng dư nợ ước đạt 6,15 ngàn tỷ đồng, tăng 34% so với 31/12/2009. Năm 2010, ước tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 610 tỷ đồng, với 3.630 khách hàng, tổng số tiền lãi được hỗ trợ 16 tỷ đồng.
2.2. Về văn hóa - xã hội
Giáo dục - đào tạo tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2009-2010: 97,16% (người dân tộc thiểu số đạt 94,6%), cao hơn 11,6% so với năm 2008-2009. Tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc trung học phổ thông 35,66%, cao hơn 31,56% so với năm học 2008-2009. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, năm học 2009-2010 tỷ lệ học sinh bỏ học 1,2%, giảm 0,2% so với năm học trước; chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên. Trong năm học 2009-2010, đã có thêm 19 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, nâng tổng số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi lên 67 xã, đạt 69%; hoàn thành công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Kết quả thi vào các trường đại học, tỉnhKon Tum đứng vị thứ 22/63 tỉnh, thành phố, tăng 6 bậc so với năm 2009. Năm học 2010-2011 có 363 trường, trung tâm([23]), 128.663 học sinh([24]); trong đó có 74.867 học sinh dân tộc thiểu số.
Mạng lưới y tế tiếp tục được tăng cường, củng cố([25]);Bác sỹ về công tác tại tuyến xã được tăng cường, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ tăng từ 55,7% năm 2009 lên 83,5% năm 2010. Tổng số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là 17 xã tăng 6 xã so với năm 2009; y đức và ý thức trách nhiệm phục vụ người bệnh của cán bộ y tế từng bước được nâng lên. Mặc dù dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp hơn năm 2009; có 998 ca dịch sốt xuất huyết([26]) đã xảy ra trên địa bàn 9 huyện, thành phố nhưng không có trường hợp tử vong.
Đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị và các các ngày lễ lớn trong năm; tổ chức đêm giao lưu nghệ thuậtKon Tum những dấu chân anh hùng” được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV9; tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Kon Tum, Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XIV, Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Kon Tum lần thứ VI; tuyên truyền kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội Đảng bộ các cấp tiến đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.Phong trào thể dục thể thao trong toàn tỉnh được duy trì và phát triển; đã tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ IV; đăng cai tổ chức thành công giải võ thuật cổ truyền Việt Nam khu vực Tây Nguyên lần thứ II/2010, kết quả đoàn Kon Tum đạt giải nhất. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu liên hợp thể thao tỉnh; triển khai thực hiện tốt đề án đầu tư, tôn tạo và phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng các dân tộc thiểu số tại huyện KonPlông.
Tổng số lao động được tạo việc làm thông qua các chương trình việc làm 767 lao động([27]); lao động của 02 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 30a) đăng ký tham gia xuất khẩu làm việc có thời hạn tại các nước 138 lao động, trong đó đã xuất cảnh 41 lao động. Để triển khai thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2020. Mô hình làng thanh niên lập nghiệp bước đầu đã tạo việc làm cho thanh niên.
Các biện pháp giảm nghèo được triển khai tích cực, hướng đến bền vững, dự kiến đến cuối năm 2010, tổng số hộ nghèo của tỉnh 16.810 hộ/102.000 hộ, chiếm 16,48%, đạt mục tiêu kế hoạch. UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện việc hỗ trợ 1.718 căn nhà ở cho hộ nghèo của kế hoạch năm 2010 theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg đang gặp khó khăn về nguồn vốn, hiện Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội chưa có nguồn vốn để vay làm nhà trong năm 2010.
Hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống được đẩy mạnh; một số kết quả nghiêm cứu đã được ứng dụng vào sản xuất và đời sống; chương trình hỗ trợ khoa học và công nghệ cho các doanh nghiệp được tăng cường; cơ sở vật chất cho phát triển công nghệ sinh học được đầu tư một bước.
3. Về cải cách hành chính, thu hút đầu tư
Thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 28/2010/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản pháp luật của địa phương([28]). Đã tổng kết thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010; cơ chế một cửa, một cửa liên thông được các đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện; tiếp tục triển khai thiết lập địa chỉ thư điện tử cung cấp cho các đơn vị và cá nhân; một số cơ quan đã sử dụng, khai thác hộp thư điện tử công vụ để phục vụ công việc. Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã đi vào hoạt động. Đã tổ chức làm việc vào ngày thứ bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại một số đơn vị, địa phương. Đã có 20 đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng.
Đã tổ chức đánh giá 01 năm thực hiện đề án năng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục được cải thiện đáng kể([29]).
Thường xuyên rà soát, kiểm tra tình hình triển khai các dự án đầu tư đã có chủ trương đầu tư, đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. UBND tỉnh đã cho chủ trương 10 dự án, và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng số vốn đăng ký là 143 tỷ; đã thu hồi 01 Giấy chứng nhận đầu tư (Dự án thủy điện Đăk Lây của Công ty cổ phần Nam Hải) và 02 chủ trương đầu tư([30]). Kế hoạch rà soát, điều chỉnh và xây dựng mới quy hoạch một số ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnhđang được các ngành, các cấp tiếp tục triển khai thực hiện và đảm bảo đúng tiến độ đề ra([31]).
Công tác sắp xếp các công ty lâm nghiệp nhà nước, lâm trường quốc doanh thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước đã thực hiện đúng lộ trình đề ra. Từ ngày 01/10/2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum thực hiện việc cấp mã số doanh nghiệp qua hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
4. Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí
Công tác tiếp công dân:Tại trụ sở tiếp dân của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tiếp 549 lượt công dân đến khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; kết quả tiếp công dân đã hướng dẫn cho công dân làm đơn gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết 174 lượt; giải thích cho công dân hiểu về những vấn đề công dân thắc mắc 375 lượt người.
Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị: Số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị thuộc thẩm quyền phải xem xét, giải quyết của các cấp, các ngành là 392/634 đơn. Các ngành, các cấp đã giải quyết xong theo thẩm quyền 354/392 đơn (90,3%); số đơn đang trong thời hạn giải quyết là 35 đơn (8,9%).
Công tác thanh tra, kiểm tra: Toàn ngành Thanh tra đã kết thúc 45 cuộc thanh tra, kiểm tra([32]), qua thanh tra đã xử lý thu hồi nộp ngân sách nhà nước 792,627 triệu đồng; thu về cho đơn vị 126,336 triệu đồng và xử lý khác 1.404,983 triệu đồng.
5. Quốc phòng-an ninh, công tác đối ngoại địa phương
Quốc phòng - an ninh trên địa bàntiếp tục được giữ vững, công tác phân giới, cắm mốc và tôn tạo mốc quốc giới đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công trình trạm kiểm soát liên kiểm cửa khẩu quốc tế Phu Cưa - tỉnh Atapư (Lào), đã hoàn thành đua vào sủ dụng ngày 09/7/2010. Đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự khu vực Nam Sa Thầy
Phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia: Đã xác định được đường biên giới từ cột mốc ngã ba biên giới đến cột mốc số 4 với chiều dài khoảng 17,4 km và xác định được 7 điểm đặc trưng.
Công tác tăng dày tôn tạo mốc quốc giới Việt Nam - Lào: Xác định được 31/33 vị trí và xây dựng hoàn thành 23 vị trí mốc; đã tổ chức Lễ khánh thành mốc 790 mốc cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Phu Cưa vào ngày 19/5/2010. Tiếp tục khảo sát song phương xây dựng các cột mốc trên đoạn biên giới tỉnh Kon Tum và Attapư, phấn đấu hoàn thành trong năm 2010.
Công tác an ninh trật tự: Trong 10 tháng đã phát hiện 127 vụ thanh thiếu niên vi phạm pháp luật với 365 đối tượng, tập trung vào các hành vi cố ý gây thương tích và trộm cắp tài sản. Xảy ra 143 vụ tai nạn giao thông, làm chết 94 người, bị thương 198 người; giảm 18 vụ, tăng 29 người chết, tăng 17 người bị thương so với cùng kỳ. Đã phát hiện 29 vụ vi phạm kinh tế và chức vụ, môi trường, giảm 15 vụ so với cùng kỳ, song có diễn biến phức tạp. Xảy ra 408 vụ vi phạm hình sự, làm chết 10 người, bị thương 94 người, thiệt hại tài sản khoảng 2,6 tỷ đồng. Đã phát hiện 07vụ/11 đối tượng phạm tội có liên quan đến ma túy.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh ta trong năm qua còn những hạn chế, yếu kém:
1. Tuy nền kinh tế tăng trưởng khá cao (15,61%) nhưng quy mô của nền kinh tế còn nhỏ bé; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm.
2. Quản lý nhà nước, nhất là quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên đất, khoáng sản, quản lý quy hoạch còn nhiều yếu kém, bất cập.
3. Chất lượng giáo dục không đồng đều, chậm được cải thiện. Tỷ lệ thu hút học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông và việc duy trì sĩ số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Chưa tạo chuyển biến mạnh trong giải quyết việc làm và công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân vẫn còn không ít khó khăn, yếu kém; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt.
4. Công tác bảo vệ môi trường còn yếu kém, ý thức về bảo vệ môi trường trong xã hội chưa cao.
Tình hình trên có nguyên nhân khách quan, nhưng khuyết điểm chủ quan trong quản lý điều hành ở các cấp, các ngành là nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp, cần sớm được khắc phục.
Nhìn tổng quát, tỉnh ta đã đạt được những thành tựu khá toàn diện, cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đã đề ra cho năm 2010 (phụ lục 4). Kinh tế tăng trưởng khá cao. Các lĩnh vực văn hoá xã hội có tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện. Chính trị xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
PHẦN THỨ HAI
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011
I. BỐI CẢNH TRONG NƯỚC VÀ TRONG TỈNH
1. Tình hình trong nước
Năm 2011 là thời gian nước ta vừa bước vào ngưỡng nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang có xu hướng phục hồi khá nhanh trên tất cả các ngành, lĩnh vực; kinh tế vĩ mô tương đối ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; thị trường trong nước có dấu hiệu khởi sắc; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao; hợp tác ASEAN với các đối tác tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu.
Bên cạnh những thuận lợi, năm 2011 nền kinh tế nước ta cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức đó là: Suy thoái kinh tế toàn cầu tuy đã được ngăn chặn, nhưng vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế nước ta; thị trường tài chính vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư; việc thiếu điện, thiếu vốn tín dụng chưa dễ khắc phục; nguy cơ lạm phát cao vẫn còn tiềm ẩn; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, khó lường.
2. Tình hình trong tỉnh
Năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, năm đầu thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, định hướng đến 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015 của tỉnh.
Đảng, Chính phủ sẽ có Nghị quyết, quyết định cụ thể về định hướng phát triển kinh tế - xã hội và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên cho giai đoạn đến. Một số cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù phát triển một số lĩnh vực nhiều tiềm năng đối với vùng Tây Nguyên, một số chính sách đối với dân tộc, vùng sâu, vùng xa… sẽ tiếp tục triển khai thực hiện.
Nhiều dự án đầu tư quan trọng với quy mô lớn có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục được triển khai đầu tư xây dựng; hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư được quan tâm, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi hơn; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ngày càng được cải thiện...sẽ tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi, năm 2011 còn những khó khăn, thách thức, tồn tại, yếu kém của năm 2010, chưa thể khắc phục kịp thời như: Hậu quả của cơn bão số 9 (năm 2009); khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, phá rừng làm nương rẫy, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự an toàn giao thông... nguy cơ dịch bệnh, thời tiết, khí hậu có thể diễn biến phức tạp, khó lường...
II. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU
1. Các chỉ tiêu kinh tế
- Tốc độ tăng GDP trên 16%([33]), trong đó nông lâm thủy sản tăng 7-8%, công nghiệp - xây dựng tăng: 25-26%, thương mại - dịch vụ tăng: 16-17%
- Cơ cấu kinh tế năm 2011: Nông, lâm, thuỷ sản: 38-39%; Công nghiệp - Xây dựng: 26-27%; Thương mại - Dịch vụ: 34-35%.
- Thu nhập bình quân đầu người trên 15 triệu đồng.
- Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn ([34])
- Tổng kim ngạch xuất khẩu: 67 triệu USD([35]).
2. Các chỉ tiêu xã hội
- Dân số trung bình năm 2011: 459,36 ngàn người
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 33,5%
- Giảm 4-5% số hộ nghèo/năm (theo chuẩn mới giai đoạn 2011-2015).
- Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế trên 25%
- Tỷ lệ xã có thiết chế văn hóa trên 17,5%
- Đến cuối năm 2011 có 1 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
3. Các chỉ tiêu về môi trường
- Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 75%
- Tỷ lệ độ che phủ rừng 66,7%
- Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý ở đô thị trên 75%
- Tỷ lệ cơ sở sản xuất mới xây dựng sử dụng công nghệ sạch hoặc có thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường trên 70%.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tiếp tục khắc phục hậu quả của bão số 9, đầu tư xây dựng nông thôn mới
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện Đề án tổng thể khắc phục hậu quả của bão số 9 để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015, đặc biệt là sớm đầu tư hoàn thành các cầu treo dân sinh, các dự án bố trí sắp xếp dân cư tái định cư nội vùng tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Plong, Sa Thầy, Đăk Hà. Tiếp tục khôi phục diện tích sản xuất; khai hoang diện tích đất mới thay thế diện tích đất không khôi phục được. Xây dựng phương án chuyển đổi ngành nghề hoặc tái định cư nơi ở mới đối với những vùng không còn đất sản suất.
Tổ chức quán triệt và thực hiện tuyên truyền, vận động để các cấp, các ngành và nhân dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện việc xây dựng đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới với mục tiêu đến năm 2011 hoàn thành công tác xây dựng đồ án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới với chất lượng cao và bảo đảm tính khả thi; huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn của nông thôn mới. Phát huy vai trò, nâng cao năng lực điều hành Chương trình phát triển nông thôn mới của cấp ủy, chính quyền cấp xã.
2. Về kinh tế, văn hóa và xã hội
2.1 Về kinh tế và đầu tư
a) Nông lâm nghiệp
Chủ động phòng chống có hiệu quả các loại dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học, kỹ thuật, giống mới, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Mở rộng diện tích cây cao su, rừng nguyên liệu giấy theo quy hoạch; ổn định diện tích và tập trung thâm canh, tăng năng suất đối với cây cà phê; từng bước hình thành vùng chuyên canh các cây dược liệu gắn với công nghiệp chế biến ở TuMơRông; tiếp tục đầu tư phát triển một số loại rau, hoa xứ lạnh ở Măng Đen.
Xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất (ở nơi có điều kiện), sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi đất canh tác, nhằm xây dựng các vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao (cao su, cà phê, chăn nuôi gia súc tập trung...).
Tập trung chỉ đạo, giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án phát triển đàn bò lai; tăng cường tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh thú y phòng chống dịch bệnh đến nông dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số; từng bước đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, chế biến gia súc, gia cầm..
Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng; khai thác sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên rừng, xử lý nghiêm các đơn vị chủ rừng thiếu tinh thần trách nhiệm để mất rừng, xảy ra nhiều vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng trên lâm phần được giao. Đẩy mạnh công tác giao rừng, cho thuê rừng sản xuất, nhất là ở đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng. Tiếp tục chỉ đạo công tác quản lý sản xuất nương rẫy; giám sát việc khai thác tận thu gỗ trên diện tích rừng chuyển đổi trồng cao su, trên tuyến đường tuần tra biên giới; tổ chức các lực lượng chống khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, chống xâm canh phát rừng làm nương rẫy ở khu vực Sê San, địa bàn xung yếu.
Tận dụng các ao hồ, mặt nước để phát triển nuôi thủy sản theo hướng phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh mô hình muôi cá hồi, cá tầm... ở Măng Đen.
b) Công nghiệp:
Tiếp tục tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư thủy điện vừa và nhỏ, nhà máy chế biến bột giấy, thủy điện thượng Kon Tum...; quản lý và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoàn thành việc thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đúng quy hoạch. Tăng cường hoạt động khuyến công và xúc tiến công nghiệp, thương mại trên địa bàn. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn, khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống.
Tập trung nghiên cứu thị trường nguyên liệu của các địa phương lân cận, tăng cường liên kết, liên doanh để mở rộng vùng nguyên liệu, đặc biệt là thị trường nguyên liệu tại Lào và Campuchia để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến hiện có.
c) Thương mại - du lịch:
Thực hiện tốt chương trình trợ giá, trợ cước, cấp cho không các mặt hàng chính sách đến các đối tượng được thụ hưởng chính sách. Đẩy mạnh phát triển hệ thống siêu thị ở thành phố, thị trấn; phát triển thương mại, dịch vụ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường công tác thu mua sản phẩm nông sản cho nhân dân các xã khu vực III. Tăng cường công tác quản lý thị trường, chỉ đạo công khai niêm yết giá; kiểm soát, chống đầu cơ tích trữ. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới. Nghiên cứu xây dựng một số sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Tăng cường quảng bá, xây dựng và giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương; bảo tồn, gìn giữ và quảng bá hình ảnh các tuyến điểm du lịch của tỉnh; tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; từng bước đưa khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen phát triển xứng tầm quốc gia.
d) Tài chính, đầu tư phát triển, tín dụng, tiền tệ:
Kiểm tra, rà soát các khoản thu ngân sách trên địa bàn; chú trọng nuôi dưỡng và khai thác các nguồn thu có nhiều tiềm năng, các nguồn thu mới; thực hiện tốt đề án giao rừng, cho thuê rừngđể tạo nguồn thu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế; tăng cường quản lý chặt chẽ và đầy đủ các trường hợp phải kê khai thuế. Tổ chức tốt công tác thông tin để nắm kết quả thu trên địa bàn; thực hiện tốt các biện pháp thu nợ và cưỡng chế thu nợ thuế.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy khóa XIII về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2020, các công trình trọng điểm giai đoạn 2006 - 2010 đang triển khai([36]); các công trình kỷ niệm 100 năm của tỉnh; đầu tư các công trình hạ tầng cấp thiết của khu hành chính mới huyện Kon Rẫy, huyện Ngọc Hồi, phấn đấu đến cuối năm 2011, cơ bản hoàn thành trung tâm huyện mới Kon Rẫy, di dời khu trung tâm hành chính cũ của huyện Ngọc Hồi sang khu mới.
Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng đối với một số công trình có quy mô lớn như: Quốc lộ 24 (giai đoạn 1 xây dựng đoạn qua đèo Măng Đen; đoạn qua trung tâm hành chính huyện Kon Rẫy (mới) và cầu Kon Brai); đường Trường Sơn Đông...
Tăng cường kiểm tra, giám sát và chỉ đạo kịp thời việc triển khai thực hiện đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện nghiêm các chế tài nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Đẩy mạnh công tác huy động vốn tín dụng nhằm đáp ứng cho vay sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu... Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách cho vay ưu đãi lãi suất đối với 02 huyện nghèo TuMơRông và KonPlông; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 41/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
2.2 Về văn hoá - xã hội
a) Giáo dục - Đào tạo
Thực hiện tốt các giải pháp duy trì sĩ số học sinh và tiếp tục củng cố, nâng cao hơn nữa chất lượng toàn diện giáo dục, nhất là chất lượng học sinh các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục củng cố kết quả chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học; củng cố, duy trì nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở; xây dựng và triển khai kế hoạch phổ cập giáo dục trung học. Tiếp tục đầu tư, xây dựng các trường mầm non, trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia; đầu tư xây dựng, hiện đại hóa trường trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành; Huy động các nguồn vốn đầu tư nâng cấp và mở rộng hệ thống trường, lớp bán trú xã, liên xã; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển trường dân lập, tư tục chất lượng cao.
b) Dân số, y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân:
Thực hiện các biện pháp để giảm tỷ lệ sinh một cách vững chắc. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; tiếp tục thực hiện tăng cường bác sỹ tình nguyện về công tác tại tuyến xã. Tăng cường đầu tư, nâng cấp các trạm y tế cả về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, đặc biệt là các xã chưa cótrạm y tế hoặc nhà tạm... khuyến khích và tạo điều kiện phát triển bệnh viện tư.
c) Lao động - việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội:
Xây dựng kế hoạch cụ thể để đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn một cách chủ động, bảo đảm các đối tượng sau khi học nghề xong có việc làm; tăng cường sử dụng số lao động tại chỗ đã được đào tạo. Triển khai thực hiện tốt các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh và phê duyệt([37])… nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường lao động, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Có giải pháp để hạn chế tình trạng nguồn nhân lực chất lượng cao di chuyển ra khỏi địa bàn.
Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các cấp, các ngành, doanh nghiệp rà soát và triển khai thực hiện kịp thời chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, khắc phục tình trạng sai, sót và chậm chi chế độ trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội.
Đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững; cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là ở các huyện theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủvà xã, thôn trọng điểm đặc biệt khó khăn; tháo gỡ khó khăn để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà.Tăng cường tập trung chỉ đạo giải quyết đất ở, đất sản xuất, ở nhà cho người dân theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
d) Văn hóa thông tin, thể dục thể thao, phát thanh truyền hình
Tổ chức tuyên truyền nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn trong năm của đất nước và địa phương, đặc biệt là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân ba cấp; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế, các công trình văn hóa, thể thao và du lịch. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phối hợp, tạo điều kiệnđể Trung tâm huấn luyện đào tạo vận động viện Quốc gia III khảo sát, xây dựng dự án Trung tâm đào tạo, huấn luyện cho vận động viên quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu liên hợp thể thao tỉnh; triển khai thực hiện tốt đề án đầu tư, tôn tạo và phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng các dân tộc thiểu số tại huyện KonPlông.
e) Khoa học công nghệ - bảo vệ môi trường
Trên cơ sở các mô hình đã triển khai và có hiệu quả, tiến hành nhân rộng gắn đào tạo ngắn hạn cho nông dân theo từng nhóm nhỏ tại làng bản để tăng năng suất, chất lượng tạo thu nhập trên diện tích canh tác. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhằm tạo đà phát triển và cạnh tranh trong hội nhập.
Sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khắc phục và cải thiện môi trường ở khu vực nhà máy, khu dân cư. Từng bước điều tra, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và khả năng ảnh hưởng do biến đổi khí hậu đối với từng lĩnh vực, ngành và huyện, thành phố, xây dựng và lựa chọn các giải pháp ứng phó với việc biến đổi khí hậu.
Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch số 538/KH-UBND ngày 01/4/2009 của UBND tỉnh về kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Kon Tum. Tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật về môi trường để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; chú trọng việc tăng cường các nguồn thu từ lĩnh vực tài nguyên và môi trường phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tái đầu tư, hiện đại hóa ngành tài nguyên và môi trường.
3. Cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư
Rà soát tính phù hợp trong việc thực hiện chức năng của các cơ quan đầu mối trong tất cả các lĩnh vực cho phù hợp hơn, tránh chồng chéo, dẫn đến tình trạng chậm tham mưu. Tiếp tục phát huy vai trò điều hành, quyết định trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp khi các ngành tham mưu còn có ý kiến khác nhau, tạo niền tin cho các nhà đầu tư đến xúc tiến, đầu tư trên địa bàn.
Tổ chức gặp mặt, đối thoại các nhà đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo việc triển khai thực hiện đồng bộ, đúng tiến độ.
Tập trung rà soát, kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư đối với các doanh nghiệp không triển khai dự án, có biểu hiện giữ đất,để giao cho doanh nghiệp khác có năng lực tài chính, công nghệ.
Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước và mở rộng áp dụng tại một số đơn vị sự nghiệp; tiếp tục xây dựng môi trường làm việc điện tử trên phạm vi toàn tỉnh giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, nhất là phần mềm áp dụng trong thực hiện, xử lý các thủ tục hành chính. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân trì trệ trong công việc, thiếu tinh thần trách nhiệm, không chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Hoàn thành các quy hoạch, rà soát bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành phố theo đúng tiến độ đã đề ra; phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch sinh thái Măng Đen và vùng phụ cận huyện KonPlông,
4. Quốc phòng - an ninh; trật tự, an toàn xã hội; công tác đối ngoại
Phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các âm mưu kích động biểu tình gây rối, bạo loạn, vượt biên... và các hoạt động tôn giáo trái pháp luật; giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự.
Kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm ma túy, tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên và các loại tội phạm mới, triệt xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội. Tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh nông thôn...Triển khai kế hoạch bảo vệ các ngày lễ, hội lớn của đất nước và địa phương. Điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh các vụ, việc phức tạp, gây dư luận bức xúc trong nhân dân. Chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định tại thông báo 477-TB/TU ngày 02-7-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tiếp tục đấu tranh, xóa bỏ "tà đạo Hà Mòn".
Thực hiện tốt công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào, tăng cường mối quan hệ hữu nghị; tiếp tục song phương khảo sát, phân giới đường biên giới trên thực địa đoạn biên giới còn lại giữa tỉnh Kon Tum (Việt Nam) - tỉnh Ratanakiri (Campuchia) và phân giới các điểm chưa thống nhất trên thực địa./.


([1]): Số liệu tính đến 30/9/2010.
([2]): Trong đó: Diện tích có khả năng khôi phục: 760,3 ha, diện tích không có khả năng khôi phục: 2.259 ha, chiếm 19,09%.
([3]): 145 công trình giao thông, 98 công trình thủy lợi, 57 công trình nước sinh hoạt, 120 công trình khác.
([4]): Giao thông: 129,4 tỷ đồng; thủy lợi: 45,406 tỷ đồng; nước sinh hoạt 15,353 tỷ đồng, trường học: 13,448 tỷ đồng; công trình công cộng: 26,8 tỷ đồng.
([5]): 127 công trình giao thông, 76 công trình thủy lợi, 40 công trình nước sinh hoạt, 113 công trình khác.
([6]) Có phụ lục tính toán chi tiết kèm theo
([7]) :Năm 2009 tăng 13,52%; trong đó NLTS3,97%; CN - XD 24,11%; TM - DV 17,38%.
([8]): Kế hoạch 2010: Tăng trưởng kinh tế >15%; NLTS tăng: 7-8%; CNXD: 23-24: TMDV: 16-17%.
([9]): Kế hoạch 7-8%: Mặc dù sản lượng cà phê, cao su tăng mạnh (cà phê tăng: 11,5%; cao su tăng: 15,7%), nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh tai xanh ở lợn; dịch cúm gia cầm....nên đạt thấp so với kế hoạch.
([10]) : Ngành CN-XD tăng trưởng khá là nhờ có thêm 01 tổ máy của Nhà máy thủy điện PleiKrông đi vào hoạt động; một số nhà máy thủy điện đi vào sản xuất ổn định, sản lượng điện sản xuất tăng cao; huy động vốn và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án lớn trên địa bàn.
([11]): Tăng tập trung ở các ngành dịch vụ như: Khách sạn nhà hàng tăng 25,02%, vận tải kho bãi thông tin liên lạc tăng 23,25%, tài chính tín dụng tăng 16,62%
([12]): Ngày 16/8/2010 xảy ra tại xã Đắk La, huyện Đắk Hà; ngày 17/8/2010 tại Phường Quang Trung, Phường Duy Tân thành phố Kon Tum; ngày 25, 26/8 tại xã Đắk Kan, Bờ Y huyện Ngọc Hồi. Tính đến 19/10/2010,trên địa bàn tỉnh còn 11 xã, phường, thị trấn đang có gia súc mắc bệnh tai xanh, chưa qua 21 ngày. Tổng số lợn mắc bệnh là 3.252 con, đã tiêu hủy 2.083 con, chữa khỏi 1.070 con…
([13]): Đàn lợn đạt 94% kế hoạch và bằng 98,72% so với năm 2009; đàn bò đạt 87,2% kế hoạch và bằng 99,6% so với năm 2009.
([14]): Diện tích cho thuê: 1.820,2 ha, diện tích chuyển đổi: 21.108,4 ha.
([15]): Trong đó: Vi phạm về khai thác rừng: 75 vụ, khối l­ượng 99,143 m3 gỗ các loại; vận chuyển lâm sản trái phép: 74 vụvới khối l­ượng 51,571 m3 gỗ các loại...
([16]): 4 tiêu chí cơ bản đạt gồm: Thuỷ lợi, hệ thống điện, bưu điện, giáo dục
([17]):Không tính nguyên vật liệu của khách hàng.
([18]): ĐăkRơSa, ĐăkPôNe, Đăk Pô Ne 2, Đăk Ne, ĐăkPsi 4.
([19]): Gồm thu cân đối ngân sách Nhà nước 1.050,19 tỷ; thu qua đề án cho thuê rừng quản lý qua ngân sách 60 tỷ; thu để lại chi quản lý qua ngân sách 98,689 tỷ
([20]): Sản lượng điện của các nhà máy thủy điện tăng, giá tính thuế tài nguyên nước tăng dẫn đến số thu thuế tài nguyên nước; giá các mặt hàng nông sản như sắn, cao sutăng giá dẫn đến số thu từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này đạt khá cao...
([21]):Do Chính phủ điều chỉnh tăng mức thu phí xăng, dầu; thuế GTGT tăng từ 5% lên 10%; Thu thuế các nhà máy thủy điện theo Thông tư số 45/2009/TT-BTC ngày 11-3-2009 của Bộ Tài chính.
([22]): Dự toán 2.509,64 tỷ; điều chỉnh, chuyển nguồn năm 2009: 1.100,532 tỷ đồng.
([23]): Trong đó 106 trường MN, 131 trường tiểu học, 96 trường THCS, 23 trường THPT, PT DTNT, 07 trung tâm
([24]):Mầm non: 2.7014 HS, DT: 15.610; tiểu học: 51.800, DT: 32.901; THCS: 43.906, DT:21.492; THPT: 13.760, DT: 4.113
([25]):Đầu tưxây dựng mới 6 trạm y tế (ĐăkNhoong, Đăk Long, ĐăkBlô, Ngọc Lây, Đăk Cấm, Đăk năng); phòng khám đa khoa khu vực Ngô Mâyđã đi vào hoạt động....
([26]): Được khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Thực tế có thể nhiều hơn do điều trị tại nhà.
([27]):Số liệu tính đến 15/8/2010: Trong đó: Xuất khẩu lao động: 68 lao động; cung ứng cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh: 202 lao động; tạo việc làm thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm: 497 lao động
([28]):Đã thực thi phương án đơn giản hóa được tổng số 145 thủ tục hành chính của 3 cấp (đạt 99,3% về số thủ tục hành chính); sửa đổi, bổ sung 05 văn bản của UBND tỉnh; bãi bỏ 01 văn bản của UBND tỉnh, 01 văn bản của Sở Lao động thương binh và Xã hội; bãi bỏ một phần của 02 văn bản do UBND tỉnh ban hành.
([29]): Năm 2009 tăng 8 bậc so với năm 2008, đứng thứ 51/63 và xếp loại khá trong bảng xếp hạng.
([30]): Dự án Nhà máy cồn sinh học – Ethanol của Công ty Cao su Đăk Lăk và Dự án Liên doanh liên kết trồng rừng sản xuất của Công ty Đầu tư PT NLCN và DV Sa Thầy.
([31]): Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét để phê duyệt; quy hoạch tổng thể phát triển KTXH ĐăkGlei, KonPlông, KonRẫy, TP KonTum, ĐăkHà dự kiến sẽ đưa ra phê duyệt vào cuối năm 2010; Quy hoạch TTPTKTXH Ngọc Hồi, Sa Thầy đang lập, phê duyệt Đề cương nhiệm vụ, dự toán; Quy hoạch định hướng phát triển kinh tế - xã hội khu vực Mô Rai, huyện Sa Thầy, đã được UBND tỉnh phê duyệt.
([32]): Số liệu tính đến 30/8/2010
([33]): Có phụ lục giải trình kèm theo
([34]): Giá trị này, các ngành đang tổng hợp,
([35]): Năm 2010, nhà máy bột ngọt Vedan ngừng hoạt động, nên một phần sản lượng sắn lát khô tại một số tỉnh phía nam đã được Công ty cổ phần tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum mua và xuất khẩu, nên giá trị xuất khẩu năm 2010 dự kiến tăng cao; năm 2011, dự kiến sản lượng sắn lát mua ngoài tỉnh giảm, do nhà máy bột ngọt Vedan sẽ đi vào hoạt động trở lại.
([36]):Đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, đường Sa Thầy - Ya Ly - Thôn Tam An (xã Sa Sơn) - Ya Mô - Làng Rẽ (Mo Rây), huyện Sa Thầy (tỉnh lộ 674); sân vận động tỉnh; đầu tư cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Măng Đen.
([37]):Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2006-2010, có tính đến 2015; Đề án “quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức tỉnh Kon Tum đến năm 2020”; đề án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành theo Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Nghị quyết 03/2009/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đi học đại học, sau đại học và chính sách thu hút cán bộ, sinh viên tốt nghiệp về công tác tại tỉnh; nghị quyết số: 13/2010/NQ-HĐND, ngày 19/7/2010 về thông qua Đề án “Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tri thức tỉnh Kon Tum đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương…

File đính kèm:
Bao cao so 168 UBND phuong huong 2011 tinh Kon Tum SL (c).xls

Website Kontum

    Tổng số lượt xem: 1796
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)