Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp trong hiệp hội đã xuất khẩu được trên 3,7 triệu tấn gạo, trị giá trên 1,7 tỷ USD, trong tổng số trên 5 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu.
|
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Công nghiệp tàu thủy, Thành phố Hồ Chí Minh
|
Ông Bảy cho biết, diễn biến thị trường đang có lợi cho xuất khẩu gạo do giá cả lúa gạo đang ở mức phải chăng nên nhu cầu nhập khẩu bắt đầu tăng lên, lượng hợp đồng thương mại ký mới tăng rõ rệt, trong mấy tuần nay phía các nhà nhập khẩu hỏi mua nhiều hơn, đặc biệt là từ thị trường châu Phi.
Thị trường Philippines từ đầu năm đến nay chỉ xuất được 200.000 tấn nhưng hợp đồng thương mại được ký tới 660.000 tấn. Một lợi thế nữa cho gạo Việt Nam là do diễn biến tình hình chính trị tại Thái Lan khiến giá gạo nội địa nước này tăng vọt, nhiều khách hàng chuyển hướng sang hỏi mua gạo từ Việt Nam.
VFA nhận định, từ nay đến cuối năm các nhà nhập khẩu châu Á (Philippines, Bangladesh, Indonesia...) và thị trường châu Phi sẽ vẫn là những đối tượng khách hàng chính.
Trước thông tin một số nước như Myanmar, Campuchia tuyên bố đẩy mạnh xuất khẩu, tạo áp lực cạnh tranh về giá cho gạo Việt Nam trên thị trường, ông Phạm Văn Bảy cho rằng lượng gạo từ Myanmar không lớn, giá nội địa của nước này cũng không rẻ trong khi thủ tục xuất nhập khẩu khá rườm rà, còn Campuchia chưa đủ hạ tầng kỹ thuật cho xuất khẩu gạo (xay xát, đánh bóng...), vì vậy trước mắt không có gì đáng ngại.
Hiện giá lúa Hè Thu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 5.600-5.800 đồng/kg (lúa khô), và VFA đánh giá mức giá này không thấp so với mọi năm vì chất lượng lúa Hè Thu năm nay khá tốt./.
Liên Phương
TTXVN/Vietnam+