Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/09/2011-09:47:00 AM
Hà Nội: Tham vấn các chuyên gia về triển khai thực hiện Quy hoạch chung
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa có cuộc họp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nghe những ý kiến đóng góp của Hội với sự phát triển Thủ đô, liên quan đến quy hoạch Hà Nội.

Hà Nội sẽ xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết trên cơ sở Quy hoạch chung

Cuộc họp diễn ra vào chiều 20/9 với sự tham dự của nhiều kiến trúc sư tên tuổi thuộc Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam. Những nhiệm vụ quan trọng đang đặt ra cho Hà Nội sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là nội dung chính trong phần thảo luận của các kiến trúc sư tại buổi làm việc này.
Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, cần lựa chọn phương án tốt nhất cho các Quy hoạch phân khu của Thủ đô Hà Nội.
Ông Trần Ngọc Chính muốn Hà Nội quan tâm hai trục đặc biệt quan trọng trong đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội hiện nay là trục Ba Vì- Hồ Tây và trục Nhật Tân- Nội Bài, vì Ba Vì - Hồ Tây là trục không gian, trục cảnh quan, thương mại, văn hóa, khoa học, lịch sử. Còn trục Nhật Tân - Nội Bài là cửa ngõ.
Về dự án đô thị ven sông Hồng, trước đây Thành phố Hà Nội đã có đồ án chi tiết, công khai cho người dân xem. Hà Nội đã có quy hoạch chung nên cũng cần làm rõ việc điều chỉnh dự án này như thế nào.
Ông Hoàng Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, có 4 vấn đề lớn phải quan tâm sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 đã được phê duyệt là đổi mới cách làm quy hoạch và quản lý quy hoạch hiện nay: từng bước, trình tự làm đồ án quy hoạch ra sao, khâu nào là đột phá.
Vấn đề thứ 2 là phải đổi mới phân công, phân cấp, cơ cấu tổ chức quản lý đô thị. Cùng với quy hoạch giữa đô thị và nông thôn, một vấn đề quan trọng nữa cần được quan tâm là đẩy mạnh nghiên cứu, định hình bản sắc Thăng Long-Hà Nội 1000 năm văn hiến để mọi người cùng có góc nhìn về bản sắc Thủ đô vì hiện nay mỗi người nói một kiểu, mỗi người nhìn một góc khác nhau.
Theo GS Lê Đức Kế, quy hoạch hạ tầng xã hội phải thật kỹ, Hà Nội của chúng ta hiện có 5 đô thị vệ tinh, cần làm rõ 5 đô thị vệ tinh sẽ kết nối với khu trung tâm như thế nào, cách thức tổ chức, chi tiết ra sao. Địa bàn Hà Tây cũ rất rộng, trên 400 làng xã sẽ được quy hoạch phát triển như thế nào để phù hợp với xu hướng phát triển chung của Thủ đô văn minh hiện đại.
PGS.TS Hồng Thục phát biểu, “trong các Quy hoạch phân khu chi tiết, chúng tôi rất mong Hà Nội lưu ý mạng lưới trung tâm. Hà Nội rất thiếu trung tâm giao tiếp, những không gian dân sự như hội hè, hội nghị”.
Đóng góp ý kiến tại cuộc họp, GS Hoàng Đạo Kính cho biết, mảng di sản vật chất hiện quản lý rất tốt, nhưng với mảng di sản là kiến trúc Pháp…với hàng trăm công trình kiến trúc, các biệt thự cũ nên quản lý thế nào vì không thể xếp hạng vào các công trình văn hóa để bảo tồn.
Theo GS Hoàng Đạo Kính, Hà Nội có thể lập quỹ kiến trúc đô thị và thống kê các công trình cần bảo vệ để có nguyên tắc ứng xử riêng đối với các di sản này.
Ông Đào Đình Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc cho rằng Hà Nội cần tập trung xây dựng nếp sống văn hóa đô thị, mọi người ứng xử tốt hơn, tôn trọng giao thông công cộng, có ý thức với môi trường hơn… Ông Đức cho rằng, một đô thị có thể chưa giàu có nhưng nếu có văn minh, văn hóa thì vẫn được coi là phát triển bền vững.
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học, Kiến trúc sư Nguyễn Thế Bá, người có gần 50 năm làm công việc giảng dạy, quản lý và xây dựng các đồ án quy hoạch đô thị, chủ tịch danh dự Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nói: Không phải một lúc mà chúng ta giải quyết được tất cả vấn đề này được. Chính vì vậy, GS Nguyễn Thế Bá mong rằng, Thành phố Hà Nội sẽ có sự chỉ đạo chặt chẽ, tạo điều kiện để Hội kiến trúc đô thị có thể đóng góp cho quy hoạch kiến trúc đô thị Hà Nội tốt hơn.
“Tâm tư tình cảm của anh em là rất muốn đóng góp, cống hiến xây dựng Thủ đô”, KTS Nguyễn Thế Bá chia sẻ.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nói, Thành phố Hà Nội đang rất quan tâm tổ chức thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô ra sao, nên rất mong các chuyên gia, kiến trúc sư của Hội đóng góp bằng tâm huyết, trí tuệ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trước hết, thành phố sẽ xây dựng các quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết trên cơ sở Quy hoạch chung. Đây là khối lượng công việc rất lớn và mang tính cấp bách. Do đó, sự giúp đỡ của Hội là cực kỳ cần thiết. Thành phố nhận thức rằng, phải tăng cường đổi mới công tác quy hoạch, trong đó trước hết phải là đổi mới tư duy.
Hiện nay, tư duy làm quy hoạchcòn lạc hậunên nảy sinhnhiều bất cập trong quá trình phát triển đô thị. Do vậy, chúng ta phải cùng nhau đổi mới. Chúng tôi rất muốn sắp tới nghiên cứu sâu về đổi mới tư duy, để giải quyết các vấn đề đô thị của Hà Nội,triển khai thực hiệntốt Quy hoạch chung./.
Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam hiện có 2.700 hội viên trong cả nước. Tại Thành phố Hà Nội, Hội được thành lập từ năm 2000 và hiện có 799 hội viên.
Thời gian qua Hội đã tổ chức một số hội thảo quốc tế và trong nước về các vấn đề liên quan đến Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, có nhiều đề tài khoa học như "Định hướng mô hình về hệ thống làng xã Hà Nội trong quá trình đô thị hóa", "Mạng lưới công trình vệ sinh công cộng khu vực nội thành Hà Nội"...
Trong thời gian tới Hội sẽ tổ chức công tác phản biện hoặc thẩm định ở Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng, ngành và Thành phố Hà Nội (về các đồ án quy hoạch vùng, đồ án quy hoạch chung điều chỉnh và phát triển đô thị, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới...)
Việt Hà
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1805
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)