Báo cáo của Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 22 tháng 9 năm 2011
1/ Tình hình chung:
- Tháng 9 năm 2011 Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,1% so với tháng 8 và tăng 12% so với cùng kỳ, trong đó, IIP của ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 6,6%; công nghiệp chế biến tăng 15%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, gas và nước tăng 7% so với cùng kỳ (giảm 5,5% so với tháng 8 do từ ngày 15/8/2011 đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn tạm ngừng cung cấp khí để bảo dưỡng nên một số nhà máy nhiệt điện chạy khí phải ngừng hoạt động).
- Tính chung 9 tháng năm 2011 Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,8% so với cùng kỳ, trong đó, IIP của ngành công nghiệp khai thác mỏ tăng 0,8%; công nghiệp chế biến tăng 10,7%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, gas và nước tăng 9,6% so với cùng kỳ.
- Tình hình sản xuất của một số sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm 2011:
9 tháng đầu năm 2011 các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có tăng trưởng gồm: than đá (than sạch) đạt 32,36 triệu tấn tăng 4,4%, thuỷ hải sản chế biến đạt 1,28 triệu tấn tăng 9,4%; dầu thực vật tinh luyện đạt 392,3 nghìn tấn tăng 5%; sữa bột tăng 19,9%, đường kính đạt 824,1 nghìn tấn tăng 43,1%; bia đạt 1,94 tỷ lít tăng 8,7% (trong đó: bia hơi đạt 271 triệu lít giảm 9,6%; bia đóng chai đạt 1,21 tỷ lít tăng 4,6; bia đóng lon đạt 463 triệu lít tăng 40,5%); thuốc lá điếu tăng 7,4%; vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 18,2%, quần áo mặc thường cho người lớn tăng 9,7%; giày thể thao tăng 16,8%; giấy, bìa các loại đạt 1,45 triệu tấn tăng 8,9%, phân hỗn hợp NPK đạt 1,99 triệu tấn tăng 22,6%; phân hoá học đạt 1,72 triệu tấn tăng 5,4%; sơn hoá học tăng 15,7%; xi măng đạt 44,4 triệu tấn tăng 10,7%; thép tròn các loại đạt 3,14 triệu tấn tăng 1,2% (trong đó, thép tròn 8mm trở xuống tăng 6,3%, sắt cây 10mm trở lên giảm 2%); thép thanh và thép góc đạt 1,3 triệu tấn tăng 14%; máy giặt tăng 48,1%; bình đun nước nóng tăng 47,5%; điện sản xuất đạt 74,8 tỷ Kwh tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ có dầu mỏ thô khai thác đạt 10,9 triệu tấn giảm 0,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 6,48 tỷ m3 giảm 7,8%; khí hóa lỏng (LPG) đạt 402,1 nghìn tấn giảm 2% (do NMLD Dung Quất triển khai bảo dưỡng định kỳ từ ngày 15/7/2011-15/9/2011); xà phòng giặt các loại giảm 8,3%; lốp ô tô, máy kéo giảm 7,1%, gạch xây bằng đất nung giảm 1,2%; tủ lạnh, tủ đá giảm 12,1%, xe tải giảm 22,4%; điều hoà nhiệt độ giảm 22,1% so cùng kỳ năm trước.
Một số nhận xét về tình hình sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp:
- Về tăng trưởng công nghiệp 9 tháng đầu năm 2011: Các sản phẩm tiếp tục duy trì tăng trưởng khá gồm: năng lượng (chủ yếu than sạch; điện sản xuất), các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (vải dệt từ sợi tổng hợp; thuỷ hải sản chế biến; sữa bột; đường kính; giày thể thao; giấy bìa các loại; bình đun nước nóng; máy giặt), vật liệu xây dựng (sản xuất xi măng; sản xuất thép thanh, góc); phân hoá học và phân NPK phục vụ sản xuất nông nghiệp.
- Tình hình sản xuất và tiêu thụ của một số mặt hàng công nghiệp chủ yếu như sau:
Giá bán lẻ xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 300-500 đồng/lít từ 21h ngày 26/8/2011, giảm mức trích quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng từ 400 đồng/lít xuống còn 300 đồng/lít đối với lượng xăng thực tế bán ra, giữ ổn định mức trích quỹ bình ổn giá với mặt hàng diezel, dầu hoả, mazut như hiện nay là 300 đồng/lít(kg).
Giá thép trong nước tương đối ổn định so với tháng 8 do nhu cầu thép không tăng, giá nguyên liệu và thép phế trên thị trường thế giới ổn định, mức giá bán lẻ thép ở mức 17.600-18.500 đồng/kg. Để đẩy mạnh tiêu thụ, tránh tồn kho và ứ đọng vốn, phần lớn doanh nghiệp sản xuất đã thực hiện các giải pháp tăng chiết khấu bán hàng, hỗ trợ chi phí vận chuyển,… dự báo trong thời gian tới nhu cầu thép trong nước sẽ tăng, tuy nhiên lượng tồn kho tương đối lớn nên giá thép xây dựng sẽ không có biến động lớn.
Đối với toàn ngành công nghiệp chế biến, tính đến ngày 01/9/2011 chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến giảm 5,5%, tuy nhiên một số sản phẩm vẫn có mức tồn kho tương đối lớn so với cùng kỳ như sau: ống nhựa mềm tăng 15,4%; ống nhựa cứng phi dưới 50 mm tăng 61%; ống nhựa cứng phi trên 50 mm tăng 18,6%; bao bì chất dẻo dạng đúc- thổi tăng 41,3%; bao bì bằng chất dẻo khác tăng 35,4%; thép thanh, thép góc tăng 34,5%; sắt tròn loại 8mm trở xuống tăng 37,6%; xe 4 chỗ ngồi tăng 59,1%; xe máy dung tích từ 50cc đến 125cc tăng 56,1%.
2. Về xuất nhập khẩu:
- Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu cả nước 9 tháng đầu năm 2011 ước đạt 70,02 tỷ USD tăng 35,4% so cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất khẩu đạt 32,5 tỷ USD tăng 35,2% so cùng kỳ.
Một số mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu so với cùng kỳ như sau: dầu thô ước đạt 6,26 triệu tấn tăng 3,9% (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,5 tỷ USD); than đá đạt 12,5 triệu tấn giảm 13,6% (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD); xăng dầu các loại ước đạt 1,6 triệu tấn tăng 21% (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,48 tỷ USD); sản phẩm hoá chất ước đạt 452 triệu USD tăng 54,3%; sản phẩm nhựa ước đạt 975 triệu USD tăng 30%; hàng dệt may đạt 10,5 tỷ USD tăng 31,1%; hàng giày dép đạt 4,76 tỷ USD tăng 30,9%; hàng điện tử, vi tính và linh kiện đạt 2,77 tỷ USD tăng 9,6%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 942 triệu USD tăng 36,9%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 2,76 tỷ USD tăng 27,7%; sắt thép đạt 1,37 triệu tấn tăng 64,6% và sản phẩm thép đạt 820 triệu USD tăng 39,9% so với cùng kỳ.
- Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu cả nước 9 tháng đầu năm 2011 ước đạt 76,87 tỷ USD tăng 26,9% so cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhập khẩu đạt 34,23 tỷ USD tăng 30,2% so cùng kỳ. Nhập siêu 9 tháng đầu năm đạt 6,85 tỷ USD bằng 9,8% kim ngạch xuất khẩu là mức thấp so với cùng kỳ.
Một số mặt hàng công nghiệp nhập khẩu chủ yếu gồm: xăng dầu các loại đạt 8,36 triệu tấn tăng 8,2% (kim ngạch nhập khẩu ước đạt 7,7 tỷ USD); khí đốt hoá lỏng đạt 620 nghìn tấn tăng 28,4% (kim ngạch nhập khẩu ước đạt 571 triệu USD) ; phân bón đạt 2,86 triệu tấn tăng 30,5% (trong đó: phân ure đạt 647 nghìn tấn tăng 26,4%); sắt thép các loại đạt 5,36 triệu tấn giảm 14,7% (trong đó phôi thép ước đạt 714 nghìn tấn giảm 45%); ôtô nguyên chiếc đạt 44.324 chiếc tăng 20,3% so với cùng kỳ nhưng giảm 10% so với tháng 8 năm 2011; linh kiện phụ tùng ôtô đạt 1,53 tỷ USD tăng 9,6%; xe máy nguyên chiếc đạt hơn 54,6 nghìn chiếc giảm 23,8%; linh kiện xe máy đạt 772 triệu USD tăng 36,6%; chất dẻo nguyên liệu đạt 1,85 triệu tấn tăng 5,9%; giấy các loại đạt 767 nghìn tấn tăng 11,6% (kim ngạch nhập khẩu ước đạt 774 triệu USD); máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 11,1 tỷ USD tăng 12,5%; nguyên phụ liệu dệt may da đạt 2,18 tỷ USD tăng 14,9% so với cùng kỳ.
3. Tình hình thực hiện nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ trong quý III năm 2011 của Bộ Công Thương
Bộ Công thương đã có công văn số 8426/BCT-KH ngày 24/6/2011 báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 11 (văn bản đã gửi tới quý Vụ), trong đó báo cáo một số nội dung chính liên quan đến hoạt động thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Cụ thể như sau:
- Bộ Công thương đã phối hợp với các Bộ, ban ngành báo cáo Chính phủ về tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá điện đã từng bước chuyển sang thực hiện theo cơ chế thị trường. Bộ Công thương đã kết hợp với Bộ Tài chính và EVN cùng các cơ quan liên quan xây dựng đề án xử lý tổng thể vấn đề tài chính cho EVN.
Trước tình hình các nhà máy nhiệt điện chạy khí phải dừng hoạt động do từ ngày 15/8/2011 đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn tạm ngừng cung cấp khí để bảo dưỡng thì Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN lên phương án huy động tối đa các nguồn điện khác để bù vào công suất.
Về lĩnh vực xuất, nhập khẩu: hoàn thiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011-2020 trình Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện dự thảo đề án đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương với Liên minh Châu Âu; Bộ Công thương cũng đã tiến hành xây dựng cơ chế phối hợp điều hành nhập khẩu đường, muối theo chế độ hạn ngạch thuế quan.
4. Về các giải pháp, kiến nghị:
- Đề nghị thực hiện quyết liệt hơn nữa Nghị quyết 11/NQ-CP; tiếp tục xúc tiến thương mại trên cơ sở đẩy mạnh mối liên danh, liên kết giữa doanh nghiệp, người sản xuất và các tổ chức Hiệp hội ngành hàng, đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích hàng xuất khẩu, khuyến khích sử dụng hàng tiêu dùng sản xuất tại Việt Nam, nhờ đó giảm nhập siêu.
- Tập trung giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư, tiến độ giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm và các dự án hoàn thành trong năm 2011.
- Tiếp tục đẩy mạng cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị trong nước đã sản xuất được, đồng thời thực hiện quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh./.
File đính kèm: BCKT Cong nghiepT9.11.pdf
Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư