Dựa trên những vật liệu sẵn có tại địa phương, Dự án JICA hỗ trợ người dân về kỹ thuật để sản phẩm đạt chất lượng cao, truyền đạt cách tạo lập vốn, quản lý vốn, tính toán về quy mô sản xuất, lượng nguyên vật liệu… nhằm mang lại hiểu quả kinh tế cho người dân.
|
Gian trưng bày những sản phẩm tiêu biểu của người dân vùng cao làm với sự hỗ trợ của JICA
|
Sau 3 năm thực hiện, Dự án Nâng cao năng lực phát triển ngành nghề nông thôn phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn Việt Nam được đánh giá cao vì vốn đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần thay đổi nhận thức và đời sống người dân vùng cao.
Hôm nay, (22/9) tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) đã tổ chức Hội nghị Ban điều phối chung để đánh giá kết quả dự án thí điểm này.
Dự án được triển khai tại 4 tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình với mục tiêu phát huy thế mạnh từng địa phương bằng chính những sản phẩm nông sản và những nghề thủ công vốn có.
Dựa trên những vật liệu sẵn có tại địa phương, Dự án JICA hỗ trợ người dân về kỹ thuật để sản phẩm đạt chất lượng cao, truyền đạt cách tạo lập vốn, quản lý vốn, tính toán về quy mô sản xuất, lượng nguyên vật liệu… nhằm mang lại hiểu quả kinh tế cho người dân.
Ông Cầm Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Sơn La dẫn ví dụ về trồng cây Sơn Tra (táo mèo), một loại cây cho quả để ép lấy nước cốt chế biến rượu vang. Cây Sơn Tra đã được người dân trồng nhiều năm nhưng việc bán quả xanh thường không mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên nếu không bán sớm thì khi quả chín sẽ không được thu mua vì tại địa phương không có cơ sở sản xuất rượu vang.
Viện công nghiệp thực phẩm (FIRI) đã chuyển giao công nghệ chế biến rượu vang của Nhật thông qua một dự án hợp tác kỹ thuật của JICA, kết quả được áp dụng cho dự án thí điểm này tại Sơn La.
Hiện cây Sơn Tra của Sơn La được thu hoạch đúng mùa vụ đã mang lại hiệu quả cụ thể khoảng 30.000 đồng/kg, 1ha cho 50 tấn quả, cây trồng mới khoảng 3-5 năm sẽ cho thu hoạch, nhiều nhà dân tại tỉnh đã có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Ông Chính cũng cho biết cây Sơn Tra còn là loại cây trồng làm rừng phòng hộ rất tốt. Người dân đã có phong trào trồng cây Sơn Tra. Từ đó, địa phương đã thu được hiệu quả đồng thời từ sự phát triển kinh tế của người dân nhưng vẫn giữ được sự bền vững của rừng, môi sinh trên địa bàn rộng của tỉnh.
Đối với việc phát triển làng nghề dệt thổ cẩm tại tỉnh Hòa Bình cũng được phát triển với mô hình bán hàng thổ cẩm tại làng nghề kết hợp du lịch đã đem lại hiệu quả cao cho người dân địa phương, mà theo lời ông Trần Bảo Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình là hiện nay nhiều khi chị, em tại các làng nghề dệt thổ cẩm hầu như không có ngày nghỉ vì lượng đơn đặt hàng rất lớn.
Ông Tsuno Motonori, Trưởng Đại diện của JICA cho biết trong vòng 2 tháng tới dự án sẽ kết thúc, những hiệu quả và kinh nghiệm thực hiện dự án sẽ được tổng kết trong một quyển cẩm nang mang tên “Cẩm nang phát triển ngành nghề nông thôn” dự kiến ra mắt vào ngày 25/10 tới.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng đã đánh giá cao phương thức hoạt động và kết quả đã đạt được của dự án.
Thứ trưởng cho rằng đây cũng là mô hình mà người làm quản lý nhà nước cần học tập và ứng dụng trong chường trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Với hình thức mỗi làng một nghề, dự án đã khai thác được nghề truyền thống tại chỗ và hợp lòng dân, tạo được sự tin tưởng và hứng thú sản xuất ở mỗi người dân vùng cao.
Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng bày tỏ mong muốn JICA sẽ nghiên cứu và tiếp tục triển khai dự án tại nhiều địa phương khác hoặc triển khai pha 2 của dự án tại các địa bàn của 4 tỉnh vùng Tây Bắc nói trên.
Ông Hồ Xuân Hùng cũng khẳng định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục hỗ trợ bà con vùng cao đã được tổ chức JICA tài trợ để các mô hình sản xuất tiếp tục phát triển đúng hướng đưa lại hiệu quả kinh tế cho người dân nghèo./
Đỗ Hương
Cổng thông tin điện tử Chính phủ