Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/10/2011-14:41:00 PM
Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2011 của tỉnh Quảng Bình
Báo cáo số 1147/KHĐT-TH ngày 30 tháng 9 năm 2011 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình
Thực hiện kế hoạch năm 2011, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn đã tác động bất lợi đến đời sống kinh tế - xã hội như giá cả một số vật tư, hàng hóa thiết yếu tăng cao; lãi suất tín dụng tăng, dư nợ tín dụng bị hạn chế, nguy cơ dịch bệnh, mưa lũ… nhưng với sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách, các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước 2011 và mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nên tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2011 tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt: Nhờ triển khai nhiều biện pháp tích cực nên sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục ổn định và phát triển, vụ Đông Xuân được mùa, sản lượng lương thực cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, do vụ Đông Xuân kéo dài (chậm hơn 1 tháng) đã làm tiến độ gieo trồng vụ Hè Thu chậm hơn so cùng kỳ, nhưng bằng sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và của bà con nông dân nên diện tích gieo trồng cây hàng năm vẫn tăng, vụ Hè Thu toàn tỉnh thực hiện: 30.204,4 ha, tăng 2,8% so cùng kỳ ; trong đó cây lúa (không kể lúa mùa) thực hiện: 23.550 ha, tăng 1,7%. Đến nay, lúa Hè Thu đang vào vụ thu hoạch, các địa phương đang tập trung thu hoạch nhanh để tránh lũ, bão. Dự ước năng suất lúa vụ Hè Thu: 39,8 tạ/ha, sản lượng lúa Hè Thu: 93.726 tấn (tính cả lúa mùa), trong đó năng suất lúa Hè Thu chính vụ đạt: 47 tạ/ha, sản lượng đạt: 68.104 tấn.
Sản lượng lương thực 2 vụ ước đạt: 279.431 tấn, trong đó sản lượng lúa (tính cả lúa mùa): 258.329 tấn [1]. Cây lâu năm tăng khá về diện tích, đến cuối tháng 9, diện tích cây lâu năm thực hiện: 20.778 ha, tăng 9,5%, trong đó cây cao su: 15.636,2 ha, tăng 11% so cùng kỳ.
Nhìn chung, sản xuất ngành trồng trọt đang từng bước hình thành những vùng sản xuất chuyên canh như: vùng lúa nước, vùng sắn nguyên liệu, vùng rau, vùng lạc, vùng cao su… Người dân đã mạnh dạn đầu tư thâm canh tăng năng suất, sản lượng cây trồng làm cho hiệu quả kinh tế ngày càng cao.
b. Chăn nuôi: Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá cả thức ăn, thuốc thú y tăng cao và tình hình dịch bệnh 6 tháng đầu năm diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi. Vì vậy, việc đầu tư, mở rộng quy mô đàn còn hạn chế, dẫn đến số lượng đàn gia súc, gia cầm sụt giảm mạnh so cùng kỳ. Dự ước đàn gia súc, gia cầm có đến ngày 01/10/2011: Đàn trâu: 35.570 con, bằng 85,3%; đàn bò: 108.907 con, bằng 87%; đàn lợn: 363.589 con, bằng 93,5%; đàn gia cầm 2.416.000 con, bằng 97% so cùng kỳ.
c. Lâm nghiệp: Công tác chăm sóc rừng trồng được thực hiện khá tốt, rừng trồng được chăm sóc đúng quy trình nên phát triển nhanh, tỷ lệ sống cao. Công tác quản lý rừng và phòng, chống cháy rừng được đặc biệt quan tâm. Các địa phương, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo PCCR từ đầu năm nên công tác triển khai thực hiện công tác PCCR trong quý III thuận lợi và đạt kết quả cao. Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức về PCCR trong nhân dân được thực hiện thường xuyên nên năm nay số vụ cháy rừng xảy ra rất ít và quy mô nhỏ; nạn khai thác, buôn bán lâm sản trái phép đã được giảm đáng kể.Công tác khai thác lâm sản tiếp tục được thực hiện theo kế hoạch. Dự ước sản lượng gỗ khai thác 9 tháng 83.200m3, tăng 2,1%; nhựa thông 3.917 tấn, tăng 26,8% so cùng kỳ.
d. Thuỷ sản: Sản lượng thuỷ sản tháng 9 ước đạt 4.915,6 tấn,9 tháng 40.866,6 tấn, tăng 3,7% so cùng kỳ, đạt 81,7%KH; trong đó nuôi trồng 7.323 tấn, tăng 4,4%, đánh bắt 9 tháng 33.543,2 tấn, tăng 3,5% [2]. Tuy thời tiết thuận lợi nhưng do giá nhiên liệu vẫn ở mức cao nên đã hạn chế thời gian bám biển của ngư dân, hoạt động đánh bắt gần bờ đạt kết quả thấp. Sản lượng đánh bắt tuy tăng nhưng có mức tăng không bằng các năm trước, ở một số địa phương năng suất đánh bắt đạt thấp.
Đối với nuôi trồng, các địa phương đã chú trọng mở rộng diện tích nuôi trồng, đa dạng hình thức nuôi với nhiều sản phẩm đa dạng, có chất lượng. Tuy nhiên, do thời vụ thả giống muộn, một số nơi tôm thẻ chân trắng vẫn bị bệnh đốm trắng. Bên cạnh đó, do việc thu hoạch lúa Đông Xuân muộn làm ảnh hưởng đến việc nuôi cá trong ruộng lúa tái sinh, làm hạn chế kết quả nuôi trồng của nhiều địa phương.
2. Công nghiệp
Trong 9 tháng đầu năm, giá cả nhiều mặt hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu và lãi suất vay ngân hàng đều ở mức cao làm cho chi phí đầu vào tăng đáng kể, nên các doanh nghiệp khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng để duy trì và mở rộng sản xuất. Từ đó, đã tác động xấu đến tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo phương pháp mới, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 8,2%; theo phương pháp truyền thống, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 9 ước đạt 338,8 tỷ đồng, 9 tháng 2.859,7 tỷ đồng, tăng 15,9% so cùng kỳ.
Một số dự án sản xuất công nghiệp đang được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đi vào hoạt động như: Nhà máy Xi măng Áng Sơn 2, Nhà máy Sản xuất bột đá chất lượng cao Châu Hóa, Nhà máy Xi măng Văn Hóa, đẩy mạnh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1,... Đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ưu tiên tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh để duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp theo kế hoạch.
Mặc dù, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp dự ước 9 tháng đầu năm tăng khá cao so cùng kỳ do có sự đóng góp thêm của một số năng lực mới tăng thêm, nhưng so với kế hoạch đặt ra (20-21%), tốc độ tăng trưởng vẫn còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình sản xuất của các cơ sở mới còn gặp nhiều khó khăn cả về vấn đề vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm; một số sản phẩm mới, được kỳ vọng là đóng góp lớn cho tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011, nhưng đến nay, sản phẩm vẫn trong quá trình kiểm nghiệm, chưa chính thức tung ra thị trường như: Cao lanh tinh chất lượng cao, sơn nước các loại của Công ty Bohemia…
3. Các ngành dịch vụ
a. Nội thương: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 9 ước đạt 1.023 tỷ đồng, tăng 29,1% so cùng kỳ, 9 tháng đầu năm đạt 8.707 tỷ đồng, tăng 25,3% so cùng kỳ. Hầu hết, doanh thu các thành phần kinh tế đều có mức tăng trưởng khá; trong đó doanh thu kinh tế Nhà nước tăng 35,2%; kinh tế cá thể tăng 18,2%; kinh tế tư nhân tăng 36,6%; kinh tế tập thể tăng 65,8%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 53,8% so cùng kỳ.
b. Xuất, nhập khẩu
- Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 13,7 triệu USD, 9 tháng 117 triệu USD, tăng 73,6% so cùng kỳ. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng tăng cao so cùng kỳ do lượng xuất khẩu một số mặt hàng tăng như cao su tăng 25,6%; gỗ tăng 103,2%; dăm gỗ khô tăng 24,9%; quặng ti tan tăng 38,4%, ngoài ra giá một số mặt hàng tăng như giá cao su, gỗ, nhựa thông... tăng đã góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu.
- Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước đạt 4,18 triệu USD, 9 tháng 25,3 triệu USD, giảm 25,1% so cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất của địa phương, không có hàng hóa là vật phẩm tiêu dùng và hàng tạm nhập tái xuất chiếm tỷ trọng lớn. Trong đó, 100% là nhập khẩu trực tiếp và đều thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
c. Du lịch: Lượng khách du lịch tháng 9 và 9 tháng đến tỉnh tăng cao. Dự ước số khách du lịch đến Quảng Bình trong tháng 9 đạt 85,6 ngàn lượt khách,tăng 12,2% so CK, 9 tháng 792,2 ngàn lượt khách, tăng 15,6%, trong đó khách quốc tế đạt 19,6 ngàn lượt, tăng 11,6% so cùng kỳ.
Doanh thu du lịch, khách sạn, nhà hàngtháng 9ước thực hiện 78,7 tỷ đồng, 9 tháng ước đạt 777,3 tỷ đồng, tăng 11,4% so cùng kỳ [3]. Nguyên nhân doanh thu du lịch lữ hành tăng cao là do Động Thiên Đường đưa vào khai thác.
d. Hoạt động vận tải và các dịch vụ khác: Hoạt động vận tải có nhiều tiến bộ, đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân, đặc biệt là vận tải biển, cảng biển và hàng không tiếp tục phát huy hiệu quả. Các loại hình dịch vụ khác như bưu chính, viễn thông, tài chính, bảo hiểm, khám chữa bệnh, tư vấn pháp luật... tiếp tục phát triển đáp ứng tiến bộ hơn nhu cầu của nhân dân.
Tuy vậy, giá cả hàng hóa tăng cao ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, doanh nghiệp; hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh khai thác từ bên ngoài và vẫn còn là nguyên liệu hoặc thành phần sơ chế (dăm gỗ, quặng titan, cao su, gỗ...) nên giá trị gia tăng thấp và thiếu tính bền vững.
4. Xây dựng cơ bản
Măc dù gặp nhiều khó khăn nhưng khối lượng vốn đầu tư thực hiện tháng 9 và 9 tháng vẫn tăng so cùng kỳ. Dự ước vốn đầu tư tháng 9 thực hiện 155,7 tỷ đồng, 9 tháng đạt 951,1 tỷ đồng tăng 2% so cùng kỳ [4].
Trong điều kiện khó khăn, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp như đôn đốc đẩy nhanh các bước chuẩn bị đầu tư; thực hiện đồng bộ, quyết liệt công tác bồi thường, GPMB; tiếp tục đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trước mùa mưa lũ, chấn chỉnh việc quản lý tạm ứng vốn đầu tư XDCB; tổ chức kiểm tra, giao ban XDCB để thúc đẩy tiến độ thi công các công trình, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh như cầu và đường Văn Hóa, cầu Trung Quán, đường 60 m xã Bảo Ninh, Tỉnh lộ 16, Tỉnh lộ 20, Kè phía Đông sông Nhật Lệ, các bệnh viện tuyến huyện,… Song song với việc tập trung đẩy nhanh theo tiến độ thi công các công trình, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các Sở, ban ngành, địa phương tích cực làm việc với các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ vốn để triển khai các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm, công trình vượt lũ, công trình xử lý sạt lở các bờ sông... tinh thần không để vốn chờ công trình.
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và đã thực hiện cắt giảm, ngừng khởi công mới của 55 công trình chuyển sang công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng và điều chuyển vốn cho các công trình, dự án đã có khối lượng nhưng còn thiếu vốn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Tuy nhiên, đến nay so với kế hoạch thì tiến độ thi công các công trình còn chậm, đặc biệt là các công trình đê kè chống sạt lỡ, các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn vùng ngập lụt, nguồn vốn hỗ trợ khẩn cấp lụt bão của Chính phủ... Nếu không có biện pháp đẩy nhanh tiến độ sẽ không giải ngân hết số vốn đã được bố trí.
5. Sắp xếp doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh
- Công tác sắp xếp doanh nghiệp:Đến nay, đã cơ bản sắp xếp các DNNN theo phương án Chính phủ phê duyệt, theo đó, toàn tỉnh hiện có 9 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc tỉnh quản lý và đã được chuyển đổi sang mô hình Công ty TNHH một thành viên. Đồng thời, tỉnh cũng đã xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước của tỉnh giai đoạn 2011-2015.
Đã chỉ đạo các ngành liên quan đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính và xếp loại, xếp hạng doanh nghiệp theo quy định và hướng dẫn của Trung ương. Ban Đổi mới sắp xếp doanh nghiệp đã tổ chức họp sơ kết 8 tháng đầu năm 2011, triển khai kế hoạch các tháng cuối năm 2011 và xây dựng kế hoạch năm 2012.
- Công tác đăng ký kinh doanh: Trong tháng đã cấp Giấy chứng nhận ĐKKD cho 26 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 52,8 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay đã cấp Giấy chứng nhận ĐKKD cho 337 doanh nghiệp [5]. Thu hồi Giấy chứng nhận ĐKKD của 33 doanh nghiệp [6].
6. Kinh tế đối ngoại và xúc tiến đầu tư
- Các dự án ODA: Trong 9 tháng đầu năm, các dự án tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện theo kế hoạch đề ra và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng công trình.Một số dự án ODA mới đang làm các thủ tục cần thiết để chuẩn bị ký hiệp định với nhà tài trợ (dự án cấp nước sinh hoạt huyện Quảng Trạch, dự án thoát nước và vệ sinh đô thị Ba Đồn). Các dự án đang vận động: Dự án cung cấp trang thiết bị Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Trạch (Hàn Quốc), Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời (Hàn Quốc) đang lấy ý kiến để chuẩn bị trình phê duyệt dự án đầu tư gửi nhà tài trợ thẩm định trước khi ký kết hiệp định.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang tiến hành làm việc với các nhà tài trợ để tranh thủ, vận động thêm dự án như dự án phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp (Pháp), dự án phát triển hạ tầng, môi trường và biến đổi khí hậu (ADB), dự án cấp nước sinh hoạt 5 xã thuộc huyện Quảng Ninh (Italia).
Công tác xúc tiến đầu tư: Đã tập trung chỉ đạo đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư từ chạy theo số lượng sang có chọn lọc, bảo đảm xác định mời gọi cho được nhà đầu tư thực sự có quyết tâm cao và có đủ năng lực tài chính; đồng thời, tiếp tục thực hiện cải tiến thủ tục hành chính, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, đi đôi với việc rà soát điều chỉnh, bổ sung các QH phát triển ngành, lĩnh vực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Đã tổ chức giao lưu, xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Quảng Bình và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Công tác XTĐT trong 9 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư ở tỉnh [7].
- Công tác ngoại vụ:
Đoàn ra: Trong tháng, giải quyết thủ tục xuất cảnh cho 85 đoàn với 414 lượt người đi sang các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Singapo, Malaysia, Anh, Pháp, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.... để thăm và chúc Tết, tham dự hội nghị, xúc tiến đầu tư, tham quan học tập kinh nghiệm...
Đoàn vào: Đã có 85 đoàn với 504 lượt người đến thăm và làm việc tại tỉnh ta đến từ các nước Lào, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Trung Quốc, Philipin, Ấn Độ, Ba Lan, Pháp, Đức, Anh,... để tham dự hội nghị, thực hiện dự án, làm phim về hang Sơn Đoòng...
Quản lý NGO: Hiện tại có trên 30 dự án của 20 Tổ chức NGO đang hoạt động tại Quảng Bình với cam kết viện trợ 5 triệu USD trong năm 2011; 9 tháng đầu năm đã giải ngân được 3 triệu USD.
Tuy vậy, một số dự án ODA triển khai gặp khó khăn do thủ tục, cơ chế phía đối tác trở ngại; nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA còn thiếu làm ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án. Công tác xúc tiến đầu tư đã có nhiều tiến bộ, nhưng chất lượng, hiệu quả còn hạn chế.
7. Tài nguyên, môi trường
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Trong quý III, ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 các cấp. Tập trung chỉ đạo các huyện, các xã triển khai thực hiện việc lập quy hoạch sử dụng đất của cấp mình theo quy định. Đến nay, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được bổ sung, hoàn chỉnh, đang làm thủ tục báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua để trình Chỉnh phủ phê duyệt.
Công tác giới thiệu địa điểm sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất đáp ứng kịp thời yêu cầu sử dụng đất của các doanh nghiệp và tổ chức. Công tác đăng ký đất đai và đo đạc bản đồ địa chính chủ yếu tập trung vào lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trích đo bản đồ địa chính; chỉnh lý biến động đất đai… Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố làm tốt công tác chỉnh lý biến động đất đai, cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công tác chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Công tác quản lý và bảo vệ môi trường tiếp tục được chú trọng. Thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, tăng cường chỉ đạo các huyện, thành phố làm tốt công tác bảo vệ môi trường và hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn làm tốt công tác giám sát môi trường. Đã tập trung kiểm tra các điểm mỏ khoáng sản, tài nguyên nước để quản lý quá trình hoạt động khai thác và làm thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước cho các tổ chức, doanh nghiệp...
Tuy vậy, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn chưa đáp ứng kịp thời theo yêu cầu của người dân; công tác đo đạc bản đồ địa chính và bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Công tác quản lý và phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản ở một số mỏ chưa nghiêm túc, việc quản lý trữ lượng khai thác mỏ ở một số doanh nghiệp chưa chặt chẽ...
8. Tài chính, tín dụng
- Thu ngân sách: Trong tình hình khó khăn chung của cả nước và địa phương, nhưng nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế nên sản xuất, kinh doanh vẫn duy trì được tăng trưởng, nhờ đó, thu ngân sách tháng 9 và 9 tháng đạt khá và tăng so cùng kỳ. Dự ước thu ngân sách trên địa bàn tháng 9 là 117,185 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 1.157,965 tỷ đồng đạt 78,3% dự toán ĐP, tăng 20,7% so cùng kỳ [8]. Một số khoản thu chủ yếu 9 tháng đạt khá như: thu thuế CTN - DV ngoài quốc doanh 200,75 tỷ đồng, tăng 33,6%; thu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1,88 tỷ đồng, tăng 783%, thu XNQD Trung ương 80,52 tỷ đồng, tăng 8,7%, thu XNQD địa phương 90,14 tỷ đồng, tăng 10,3% so cùng kỳ.
Chi ngân sách: Tổng chi ngân sách 9 tháng đầu năm đạt 3.766,92 tỷ đồng, đạt 61,2% dự toán địa phương, trong đó chi đầu tư phát triển 1.368,732 tỷ đồng, đạt 52,1% dự toán địa phương, chi thường xuyên 2.398,2 tỷ đồng, đạt 68% dự toán địa phương.
- Tín dụng: Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng do có nhiều hình thức và giải pháp phù hợp nên nguồn vốn huy động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng trưởng khá. Dự ước đến cuối tháng 9, tổng nguồn vốn huy động đạt 10.190 tỷ đồng, tăng 16,8% so đầu năm. Tổng dư nợ cho vay dự ước đến cuối tháng 9 là 16.050 tỷ đồng, tăng 14,85% so đầu năm.
9. Giáo dục - Đào tạo
Đã tổ chức tổng kết năm học 2010-2011 và triển khai nhiệm vụ năm học 2011-2012, tập trung tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị… phục vụ năm học mới. Ngày 05/9/2011, Lễ khai giảng năm học mới 2011-2012 được tiến hành đồng loạt ở tất cả các trường trong tỉnh. Sơ bộ về tình hình trường, lớp, học sinh, giáo viên đầu năm học như sau:
+ Năm học mới 2011-2012, toàn tỉnh có 582 trường mầm non, mẫu giáo và trường phổ thông, tăng 03 trường so với năm học 2010 - 2011; gồm 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường phổ thông trung học.
+ Tổng số phòng học văn hóa: 6.853 phòng, trong đó phòng kiên cố 4.389 phòng, phòng bán kiên cố 2.055. Tổng số giáo viên 12.592 người, tăng 503 giáo viên so với năm học 2010 - 2011. Tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở các cấp học, bậc học tăng hơn so cùng kỳ.
+ Về giáo dục mầm non:Tổng số cháu đi nhà trẻ 5.901 cháu, tăng 1.812 cháu, tổng số cháu đi mẫu giáo 37.104 cháu, tăng 2.196 cháu so năm học 2010 - 2011.
+ Về giáo dục phổ thông: Tổng số học sinh 161.874 em, giảm 4.846 em so năm học 2010 - 2011.
Công tác phổ cập giáo dục:Toàn tỉnh có 159/159 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia PCGDTH - CMC, có 6/7 huyện, thành phố với 152/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH - ĐĐT (đạt 95,6%), 7/7 huyện, thành phố với 158/159 xã/phường/thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS (đạt 99,37%) năm học 2010 - 2011.
Tuy vậy, việc thực hiện đề án chuyển đổi các trường bán công THPT sang tư thục còn chậm; chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Trung tâm giáo dục thường xuyên còn thấp.
10. Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Ngành đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phòng, chống dịch cúm A(H5N1) và các bệnh nguy hiểm khác dễ phát sinh nên chưa để xảy ra dịch bệnh trên. Ngành Y tế đã thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung kiểm tra các cơ sở chế biến thức ăn sẵn, khách sạn nhà hàng; chỉ đạo giám sát 3 nguồn có nguy cơ lây bệnh cao, đó là: thực phẩm, nguồn nước và vệ sinh môi trường. Hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình y tế khác đã được tổ chức thực hiện tích cực, bảo đảm tiến độ, kế hoạch. Công tác khám chữa bệnh được duy trì và thực hiện tốt, việc khám chữa bệnh cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm đúng mức. Dự án hỗ trợ y tế cho người cận nghèo được triển khai đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế thuận lợi hơn. Các bệnh viện đã tăng cường công tác xã hội hóa huy động các nguồn vốn hợp tác đầu tư các trang thiết bị và phát huy hiệu quả sử dụng các kỹ thuật cao để góp phần phục vụ chẩn đoán và nâng cao chất lượng điều trị. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố; các trạm y tế đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Toàn tỉnh hiện có 159/159 xã/phường/thị trấn có trạm y tế, 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ, 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động được trả phụ cấp ổn định; 100% trạm y tế đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh. Đến nay đã có 114/159 (đạt tỷ lệ 71,7%) trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia [9].
Tuy vậy, chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Điều kiện trang thiết bị ở tất cả các tuyến còn thiếu thốn; đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
11. Văn hoá, thể thao, thông tin, truyền thông
Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước: Kỷ niệm Ngày thành lập Lực lượng vũ trang Quảng Bình (4/7/1945 - 4/7/2011), kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9,...
Công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định cấp phép tiếp tục được chú trọng, góp phần làm cho môi trường văn hoá trên địa bàn tỉnh trong sạch, lành mạnh. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp, phục vụ có hiệu quả các ngày lễ kỷ niệm, nhiệm vụ chính trị của các địa phương. Tổ chức biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Thực hiện Chương trình nghệ thuật nhằm quyên góp ủng hộ từ thiện.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được duy trì, triển khai thực hiện sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 146.068 hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 78%; 522/1.240 làng, thôn, bản, khu phố văn hóa, đạt 42%; 513 cơ quan đơn vị, trường học đạt danh hiệu văn hoá.
Phong trào xã hội hóa các hoạt động văn hóa ngày càng được nhân dân đồng tình và tự nguyện tham gia. Toàn tỉnh hiện có 1.202 thôn, làng, bản, tổ dân phố thực hiện tốt nếp sống văn minh trong đó có 1.193 tổng số quy ước, hương ước; 82 làng, tổ dân phố đạt văn hoá tiêu biểu, 396 câu lạc bộ gia đình văn hoá...
Hoạt động thể thao quần chúngđã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần đáng kể vào việc duy trì và nâng cao thể chất cho nhân dân. Tích cực tổ chức các hoạt động TDTT như hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Thi đua yêu nước”, chào mừng Quốc khánh 2/9… từ cơ sở, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong quần chúng nhân dân trên địa bàn.
Thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình ngày càng có những bước tiến vững chắc trên đấu trường toàn quốc và quốc tế. Tính đến nay, các đội tuyển thể thao Quảng Bình đã tham gia thi đấu các giải khu vực, toàn quốc và quốc tế đạt được tổng cộng 126 Huy chương các loại trong đó có 06 HC quốc tế (2 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ).
Hoạt động quản lý báo chí, xuất bản, in và phát hành; bưu chính và viễn thông... tiếp tục được tăng cường, chấn chỉnh, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan báo, đài và các địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, phản ánh một cách trung thực các mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là phục vụ chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, kỷ niệm các ngày lễ lớn.Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm và hoạt động truyền hình trả tiền trên địa bàn tỉnh. Tăng cường QLNN về hoạt động bưu chính, viễn thông. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý Nhà nước (như hệ thống quản lý văn bản, hệ thống thư điện tử công vụ) đã được các cấp, các ngành quan tâm đẩy mạnh.
Tuy vậy, việc quản lý kiểm tra chất lượng các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, như băng hình, internet còn chưa thường xuyên. Phong trào xã hội hoá lĩnh vực văn hóa thông tin, TDTT triển khai chưa mạnh.
12. Khoa học công nghệ
Ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc phê duyệt danh mục và tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài, dự án tỉnh Quảng Bình năm 2011. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung một số văn bản liên quan đến quản lý chương trình, đề tài, dự án phù hợp với điều kiện của tỉnh. Công tác tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng được quan tâm chỉ đạo. Phối hơp với Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa tham gia đoàn kiểm tra chất lượng xăng dầu, thiết bị điện, điện tử trên thị trường tỉnh Quảng Bình. Theo dõi kế hoạch triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001: 2008 ở các cơ quan quản lý hành chính trong tỉnh.
13. Lao động, Thương binh và xã hội
Trong quý III, đã tiếp tục đẩy mạnh Chương trình Giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo trên cơ sở đẩy mạnh triển khai và lồng ghép các chương trình KT-XH trọng điểm, các chương trình, dự án triển khai trên từng địa bàn của các thành phần kinh tế, đẩy mạnh đào tạo nghề để tăng cường xuất khẩu lao động... Kết quả quý III giải quyết việc làm cho 5.632 lao động, 9 tháng đầu năm đã 22.996 lao động, đạt 74,18% KH [10]. Thu nhập và đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, nhất là đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Công tác bảo trợ xã hội tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh. Đã theo dõi, nắm sát tình hình đời sống nhân dân trên toàn tỉnh, nhất là đời sống đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, đồng bào vùng bị thiệt hại nặng do thiên tai. Triển khai thực hiện chính sách của Nhà nước về hỗ trợ bù tiền điện chiếu sáng cho hộ nghèo và hỗ trợ phụ cấp cho CBNV các cơ quan Nhà nước có thu nhập thấp kịp thời, đúng đối tượng. Tiếp tục triển khai có kết quả các hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em theo kế hoạch, tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích, thăm và tặng quà cho các em nhân các dịp lễ...
Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011- 2020; tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình XĐGN-GQVL giai đoạn 2006-2010 và triển khai Chương trình XĐGN-GQVL giai đoạn 2011-2015. Xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội năm 2011 trên địa bàn toàn tỉnh theo Đề án 32 về phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020....
Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ tại huyện Minh Hóa tiếp tục được triển khai theo kế hoạch đề ra và đạt được những kết quả tích cực.
Thực hiện giải quyết các chế độ chính sách, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; các hoạt động nhân đạo, từ thiện được tăng cường.
Tuy vậy, tỷ lệ hộ đói nghèo ở một số địa bàn còn cao, một số vùng có nguy cơ tái nghèo, lao động chưa có việc làm, chưa qua đào tạo nghề còn lớn, ý thức của người dân chưa cao, tư tưởng ỷ lại, trông chờ lại Nhà nước vẫn còn "đeo bám" trong một bộ phận dân cư, đặc biệt là một số vùng của huyện nghèo Minh Hóa. Công tác thanh, kiểm tra còn nhiều hạn chế do thiếu cán bộ, công tác giải quyết chính sách cho người có công giải quyết còn chậm.
14. Công tác nội chính, thanh tra, tư pháp
a. Công tác tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền
Đã báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương IV, khóa X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước tỉnh Quảng Bình; thẩm định và tham gia ý kiến các đề án, dự thảo theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Tham mưu tuyển chọn 49 trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật tham gia tổ công tác tại các xã thuộc huyện Minh Hóa.
Tiếp nhận và bàn giao bộ hồ sơ, bản đồ và mốc địa giới hành chính các cấp đã được hiệu chỉnh theo hệ toạ độ VN-2000 về các địa phương lưu trữ, quản lý và sử dụng; bàn giao bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp cho Trung tâm Biên giới và Địa giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Bộ Nội vụ theo quy định.
b. Công tác tư pháp
Trong tháng, đã tiến hành kiểm tra 15 Nghị quyết do HĐND cấp huyện ban hành và tự kiểm tra 02 Quyết định, 01 Chỉ thị do UBND tỉnh ban hành. Qua tự kiểm tra, kiểm tra các văn bản được ban hành đúng thẩm quyền, thể thức và kỷ thuật trình bày. Hoàn chỉnh báo cáo rà soát, lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành từ ngày 01/01/2001 đến 31/8/2011 gồm 63 văn bản.
Tiến hành làm các thủ tục và tổ chức đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 04 trường hợp; cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho 131 trường hợp; báo cáo thống kê số liệu kết hôn có yếu tố nước ngoài từ năm 1995 - 2010; báo cáo sơ kết 02 năm thực hiện Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND ngày 21/01/2009 của UBND tỉnh quy định thẩm quyền công chứng, chứng thực trên địa bàn tỉnh.
c. Công tác thanh tra, khiếu nại tố cáo
9 tháng đầu năm, ngành đã triển khai 53 cuộc thanh tra về lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài chính, đầu tư xây dựng, kinh doanh bảo hiểm; đến nay đã kết thúc 44 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm với số tiền 2,82 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 1,782 tỷ đồng.
Khiếu nại, tố cáo: Trong 9 tháng, các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp 1.316 lượt công dân, với 932 việc; nhận 346 lượt đơn khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước. Kết quả đã giải quyết được 321 vụ, đạt 92,8%.
15. Quốc phòng, an ninh
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quân sự - quốc phòng được chú trọng đẩy mạnh thực hiện toàn diện, lực lượng vũ trang duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu. Phối hợp các lực lượng nắm chắc tình hình trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành tốt các nội dung huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị cho các đối tượng theo quy định... Đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ chủ chốt của các sở, ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện.
Lực lượng công an đã thường xuyên nắm bắt tình hình, tổ chức nhiều đợt trấn áp tội phạm có hiệu quả; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm: ma túy, mại dâm, tàng trữ, vận chuyển và đốt chất nổ, trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng; triển khai và thực hiện tốt các kế hoạch đảm bảo an toàn cho các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, các hoạt động KT-XH trên địa bàn.
Bộ đội Biên phòng đã tích cực ngăn chặn xử lý kịp thời các hoạt động vi phạm chủ quyền biên giới, trên biển, thực hiện nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh, giữ vững chủ quyền biên giới, an ninh trật tự trên 2 tuyến biên giới. Phối hợp với các ngành thực hiện dự án tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới Việt Nam - Lào đoạn biên giới Quảng Bình với Khăm Muộn và Savanakhet. Tích cực triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh nên tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông đã được kiềm chế và giảm so với cùng kỳ năm trước [11].
Tuy vậy, tội phạm trật tự xã hội vẫn tăng, nổi lên là tội phạm ma túy, một số vụ vỡ nợ, chiếm đoạt tài sản, số vụ phạm tội bị phát hiện còn thấp so với thực tế. An ninh trên biển vẫn còn xảy ra tình trạng sử dụng chất nổ hủy diệt nguồn lợi thủy sản và phá hoại phương tiện sản xuất, số vụ tai tạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người dân khi tham gia giao thông còn yếu./.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Theo số liệu thống kê, sản lượng lương thực và sản lượng lúa đều đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
[2] Trong đó: Cá các loại 27.327 tấn, tăng 3,5%; tôm các loại 744,1 tấn, bằng 98,1%; thuỷ sản khác 5.472,1 tấn, tăng 4,2%.
[3] Trong đó du lịch lữ hành 9 tháng 26,8 tỷ đồng, tăng 91% so cùng kỳ.
[4] trong đó vốn ngân sách trung ương quản lý ước đạt 142,7 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý ước đạt 808,4 tỷ đồng. Cụ thể: ngành nông lâm nghiệp, thuỷ sản ước thực hiện 130,9 tỷ đồng; ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước thực hiện 31,2 tỷ đồng; ngành vận tải kho bãi ước thực hiện 320 tỷ đồng; ngành y tế và HĐ trợ giúp xã hội ước thực hiện 101,7 tỷ đồng; ngành giáo dục đào tạo ước thực hiện 103 tỷ đồng; ngành an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước ước thực hiện 107,9 tỷ đồng.
[5] trong đó có: 53 DN tư nhân, 116 Công ty TNHH 2 TV, 136 Công ty TNHH 1 TV, 32 Cty Cổ phần.
[6] trong đó: 16 doanh nghiệp giải thể, 5 chi nhánh giải thể, 8 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình hoạt động, 4 doanh nghiệp do vi phạm pháp luật
[7] trong 9 tháng đầu năm, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 18 dự án với tổng vốn 32.441,77 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực thương mại du lịch, khai thác chế biến khoáng sản, công nghiệp - TTCN. Tiến hành điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án (3 dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản; 1 dự án tiểu thủ công nghiệp).
[8] Trong đó thu nội địa 9 tháng 1.053,382 tỷ đồng, tăng 27,8%, thu thuế XNK 104,583 tỷ đồng, giảm 22,16% so cùng kỳ.
[9] trong đó: Đồng Hới có 14/16 xã (87,5%), Minh Hoá có 12/16 xã (75,0%), Tuyên Hoá có 7/20 xã (35,0%), Quảng Trạch có 23/34 xã (67,6%), Bố Trạch có 28/30 xã (93,3%), Quảng Ninh có 10/15 xã (66,7%), Lệ Thuỷ có 20/28 xã (71,4%).
[10] trong đó: tạo việc làm mới cho 14.792 lao động (đạt 70,43% KH năm, tạo thêm việc làm cho 8.204 người, đạt 82,04%KH năm.
[11] Tính đến 31/8, tai nạn giao thông 145 vụ, giảm 16 vụ so cùng kỳ; làm chết 149 người, giảm 16 người; bị thương 70 người, giảm 19 người SCK.

Website Quảng Bình

    Tổng số lượt xem: 1521
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)