Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/08/2012-14:22:00 PM
Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển Khu công nghiệp, Khu kinh tế ven biển 7 tháng đầu năm và ước thực hiện đến cuối năm 2012
Báo cáo của Vụ Quản lý các Khu kinh tế ngày 03/8/2012.
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN 7 THÁNG ĐẦU NĂM
1. Tình hình thực hiện quy hoạch KCN, KKT
1.1. Khu công nghiệp
- Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 07/CT-TTg và văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2012, chỉ có 1 KCN được thành lập mới tại Đồng Nai (KCN Long Đức) trước thời điểm ban hành Chỉ thị. Sau khi ban hành Chỉ thị, các địa phương đều tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng thành lập mới và bổ sung quy hoạch KCN. Trong 7 tháng đầu năm, có 8 KCN được đầu tư mở rộng diện tích trong quy hoạch được duyệt với tổng diện tích được mở rộng là 1.549 ha.
- Tính đến hết tháng 7/2012, cả nước đã có 283 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 80.100 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 52.100 ha, chiếm khoảng 65% tổng diện tích đất tự nhiên. 178 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên trên 47.300 ha và 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 32.800 ha. Các KCN được phân bố trên 58 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở 3 vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
- Nếu tính cả các KCN đã thành lập và dự kiến thành lập và mở rộng đến năm 2020 trong Quy hoạch phát triển KCN cả nước thì tổng diện tích các KCN đến năm 2020 khoảng 153.000 ha (tương đương 1530 km2), thấp hơn so với tổng diện tích đất KCN cả nước được Chính phủ phân bổ cho các địa phương trong tại công văn số 23/CP-KTN ngày 23/2/2012.
Biểu 1. Phân bố các KCN theo Vùng

STT
Vùng
Số lượng KCN
Diện tích (ha)
Tỷ trọng diện tích KCN vùng/cả nước (%)
1
Trung du và miền núi phía Bắc
22
5.307
6,6
2
Đồng bằng sông Hồng
72
17.890
22,3
3
Miền Trung
43
11.148
13,9
4
Tây Nguyên
8
1.206
1,5
5
Đông Nam Bộ
94
34.139
42,6
6
Đồng bằng sông Cửu Long
44
10.431
13,1
Cả nước
283
80.120
100

1.2. KKT ven biển
- Đến nay, cả nước có 15 KKT ven biển được thành lập, gồm 2 KKT ở vùng Đồng bằng sông Hồng là Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh và Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng; 10 KKT ở vùng Duyên hải miền Trung là Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An; Vũng áng, tỉnh Hà Tĩnh; Chân Mây-Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế; Chu Lai, tỉnh Quảng Nam; Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; Nhơn Hội, tỉnh Bình Định; Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa; Hòn La, tỉnh Quảng Bình và Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên và 3 KKT ở đồng bằng sông Cửu Long là KKT Đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới, tỉnh Kiên Giang; KKT Định An, tỉnh Trà Vinh và KKT Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
- Tổng diện tích mặt đất và mặt nước của 15 KKT này là hơn 662.768 ha (tăng hơn 500 ha do sáp nhập KCN Việt Nam – Singapore vào KKT Đình Vũ Cát Hải, làm tăng diện tích KKT này từ 21.600 ha lên 22.119 ha), trong đó 10% diện tích đất phục vụ trực tiếp cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại là các ngành tạo ra giá trị sản xuất cho KKT ven biển.
Biểu 2. Các KKT đã được thành lập

TT
KKT ven biển
Địa phương
Năm thành lập
Diện tích (ha)
I
KKT đã thành lập
1
Vân Đồn
Quảng Ninh
2007
217.133
2
Đình Vũ – Cát Hải
Hải Phòng
2008
22.119
3
Nghi Sơn
Thanh Hoá
2006
18.611
4
Đông Nam Nghệ An
Nghệ An
2007
18.826
5
Vũng áng
Hà Tĩnh
2006
22.781
6
Hòn La
Quảng Bình
2008
10.000
7
Chân Mây – Lăng Cô
Thừa Thiên Huế
2006
27.108
8
Chu Lai
Quảng Nam
2003
27.040
9
Dung Quất
Quảng Ngãi
2005
10.300
10
Nhơn Hội
Bình Định
2005
12.000
11
Nam Phú Yên
Phú Yên
2008
20.730
12
Vân Phong
Khánh Hoà
2006
150.000
13
Định An
Trà Vinh
2009
39.020
14
Đảo Phú Quốc
Kiên Giang
2006
56.100
15
Năm Căn
Cà Mau
2010
11.000
Tổng diện tích đã thành lập
662.768

1.3. KKT cửa khẩu và cụm công nghiệp
- Quy hoạch phát triển các KKT cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25/4/2008. Đến nay, trên cả nước đã có 28 KKT cửa khẩu với tổng diện tích hơn 600 nghìn ha được thành lập tại 21/25 tỉnh biên giới với tổng diện tích hơn 600 nghìn ha. Hầu hết các KKT cửa khẩu đã hoàn thành công tác xây dựng quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết.
- Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay có 878 CCN đã thành lập với tổng diện tích khoảng 28921 ha, trong đó 741 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, 256 CCN đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng; 410 CCN đã có dự án thứ cấp đầu tư, 32 CCN có hệ thống xử lý nước thải.
2. Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT
- Tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng của 283 KCN khoảng 10 tỷ USD, trong đó có 36 KCN do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm chủ đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 2 tỷ USD (trên 20% tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đăng ký) và 247 KCN còn lại do doanh nghiệp trong nước làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD.
- Trong 283 KCN đã thành lập, có 178 KCN đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đăng ký là 5,4 tỷ USD; còn lại 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,6 tỷ USD.
- Tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng KCN thực hiện trong 7 tháng đầu năm 2012 đạt 312 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoài và nâng tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng KCN thực hiện đến cuối tháng 7/2012 đạt 4,2 tỷ USD, bằng 42% tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đăng ký; trong đó tổng vốn đầu tư thực hiện của các KCN đã vận hành đạt 3,3 tỷ USD, bằng 78,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
- Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ phát triển hạ tầng một số KCN ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và một số công trình thiết yếu trong KKT ven biển mặc dù rất hạn chế nhưng đã có tác dụng hỗ trợ một phần cho hoàn thiện hạ tầng KCN, KKT, tạo điều kiện để sớm thu hút đầu tư, phát triển KCN, KKT (Báo cáo kế hoạch đầu tư phát triển KCN, KKT năm 2013 kèm theo).
3. Tình hình thu hút vốn đầu tư vào KCN, KKT
3.1. Tình hình thu hút đầu tư vào KCN
3.1.1. Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
- Trong 7 tháng đầu năm 2012, các KCN của cả nước đã thu hút được 162 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 2 tỷ USD và điều chỉnh tăng vốn cho 125 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là hơn 1,75 tỷ USD. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2012, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào KCN đạt 3,79 tỷ USD. Tuy vốn FDI tăng thêm trong KCN chỉ tăng 15% so với cùng kỳ năm 2011, bằng với mức tăng năm 2011 nhưng tỷ trọng trong tổng vốn FDI của cả nước đạt khoảng 55%. Nguyên nhân của việc FDI trong KCN chiếm tỷ trọng cao là do thu hút FDI cả nước có xu hướng giảm trong khi đó FDI đầu tư trong KCN lại tăng. Đồng bằng sông Hồng đã vượt qua Đông Nam Bộ để vươn lên thành địa phương dẫn đầu về thu hút FDI trong 7 tháng đầu năm với tổng vốn tăng thêm là 1,34 tỷ USD, trong khi đó Đông Nam Bộ đạt hơn 1,17 tỷ USD.
- Một số dự án đáng chú ý được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong 7 tháng đầu năm 2012: dự án tăng vốn mở rộng sản xuất thêm 870 triệu USD của Công ty TNHH Wintex Việt Nam tại KCN Quang Châu, tỉnh Bắc Giang; dự án nhà máy sản xuất sợi tại KCN Hải Yên, TP Móng Cái, Quảng Ninh của nhà đầu tư Hồng Kông với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Thép KYOEI Việt Nam của nhà đầu tư Nhật Bản tại KCN Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình với tổng vốn đầu tư 184,4 triệu USD. Dự kiến FDI vào KCN trong các tháng cuối năm và năm 2013 còn tăng cao do một số dự án lớn đang thực hiện thủ tục đầu tư như Dự án tổ hợp công nghệ của Tập đoàn Samsung mở rộng sản xuất, tăng vốn từ 670 triệu USD lên 1,5 tỷ USD; mở rộng dự án Robert Bosch trong KCN tại Đồng Nai; dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) vào KCN tại Bắc Ninh...
- Lũy kế đến cuối tháng 7/2012 các KCN trong cả nước đã thu hút được 4.300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 57.800 triệu USD, tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt hơn 30.700 triệu USD, bằng 53% tổng vốn đầu tư đăng ký.Hiện nay đã có hơn 3.100 dự án đang sản xuất kinh doanh, 450 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án còn lại đang tiến hành các thủ tục cần thiết để chuẩn bị đầu tư.
- Tỷ suất đầu tư vốn đầu tư các dự án FDI/ ha đất công nghiệp đã cho thuê đạt 2,47 triệu USD (tương đương 52 tỷ đồng). Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng có tỷ suất đầu tư trung bình của các dự án FDI/ha đất công nghiệp đã cho thuê cao nhất với tỷ suất lần lượt là 3,21 và 2,91 triệu USD.
3.1.2. Tình hình thu hút đầu tư trong nước
- Trong 7 tháng đầu năm 2012, do tác động tiêu cực của kinh tế thế giới và khó khăn của kinh tế trong nước, các KCN đã thu hút được 124 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 10.800tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 34 dự án với tổng vốn tăng thêm 1.900 tỷ đồng. Như vậy, trong 7 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư trong nước thu hút được đạt hơn 12.700 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2011.
Tính lũy kế đến hết tháng 7/2012, các KCN cả nước đã thu hút được 4.800 dự án đầu tư trong nướcvới tổng vốn đăng ký hơn 429.300 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 218.100 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng vốn đăng ký.
Đến cuối tháng 7/2012, các KCN đã cho thuê được gần 23.500 ha đất công nghiệp, trong đó các KCN đã vận hành cho thuê được gần 20.200 ha. Tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đang hoạt động đạt 65%; tính chung cả các KCN đang xây dựng cơ bản thì tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 45%.
Biểu 3. Một số chỉ tiêu phát triển KCN so sánh theo Vùng

TT
Vùng
Tỷ suất ĐT hạ tầng/ha đất TN (tr.USD)
Tỷ suất ĐT 1 dự án /ha đất CN đã cho thuê
Tổng sốlao động/ha đất CN đã cho thuê
Dự án FDI (tr.USD)
Dự án ĐTTN(tỷ đồng)
1
Trung du MN phía Bắc
0,07
1,41
24,37
34,62
2
Đồng bằng sông Hồng
0,19
2,91
20,83
84,91
3
Duyên hải miền Trung
0,10
0,95
14,44
64,28
4
Tây Nguyên
0,06
0,22
19,32
18,85
5
Đông Nam Bộ
0,34
3,21
14,20
90,57
6
Đồng bằng sông Cửu Long
0,15
1,07
30,14
58,38
Bình quân cả nước
0,13
2,55
18,31
77,37

3.2. Tình hình thu hút đầu tư vào KKT
Trong 7 tháng đầu năm 2012, các KKT ven biển thu hút được 7 dự án đầu tư nước ngoài, kể cả các dự án tăng vốn, mở rộng sản xuất với tổng vốn đầu tư đạt hơn 912 triệu USD (tăng 82% so với cùng kỳ năm 2011) và 37 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đạt gần gần 9.900 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm, các KKT đã thu hút được một số dự án lớn như dự án sản xuất và xuất khẩu 100% sản phẩm lốp cao su do Nhật Bản đầu tư tại KKT Đình Vũ-Cát Hải, Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 574,8 triệu USD,dự án nhà máy sản xuất thuốc của Công ty TNHH Công nghiệp Nipro Pharma Việt Nam tại KCN VSIP Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, dự án nhà máy sản xuất động cơ Hyundai của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải tại KKT mở Chu Lai.
Tính lũy kế các KKT cả nước hiện thu hút được 144 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 38,4 tỷ USD và 583 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 411,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngoài một số dự án quy mô lớn, công nghiệp lọc hóa dầu, nhiệt điện, công nghiệp nặng đã triển khai, một số dự án chuẩn bị hoàn thành như Dự án khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Laguna (Singapore) tại KKT Chân Mây – Lăng Cô; một số dự án đang chuẩn bị thủ tục đầu tư như nhà máy lọc dầu tại KKT Vũng Áng, dự án nhiệt điện, KCN VSIP của tập đoàn Sembcorp (Singapore) tại KKT Dung Quất.
4. Tình hình sản xuất kinh doanh và hoạt động của KCN, KKT
Trong 7 tháng đầu năm 2012, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của các KCN, KKT đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
4.1. Về tình hình sản xuất kinh doanh của KCN
Trong 7 tháng đầu năm 2012, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh có sự tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do một số tập đoàn lớn trong KCN có sự đột biến trong tăng trưởng về doanh thu, xuất khẩu, nhập khẩu như, đặc biệt là Tập đoàn Samsung.
- Tổng doanh thu gần 28 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2012;
- Kim ngạch xuất khẩu đạt 15,3 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2011, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm của cả nước. Xuất khẩu tăng cao do một số dự án trong KCN có mức xuất khẩu tăng vọt như Samsung đạt 5,6 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, dự kiến xuất khẩu 10 tỷ USD cả năm; các dự án của tập đoàn Canon dự kiến xuất khẩu 1 tỷ USD trong năm 2012.
- Kim ngạch nhập khẩu đạt 14,2 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2012, bằng 27% tổng giá trị nhập khẩu 7 tháng đầu năm của cả nước;
- Đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 12.100 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ 2010.
4.2. Về tình hình sản xuất kinh doanh của KKT
Các chỉ tiêu về doanh thu, xuất khẩu của các KKT tăng nhẹ. Tuy nhiên, do nhiều dự án trong KKT đang trong giai đoạn xây lắp nên giá trị nhập khẩu của KKT tiếp tục tăng cao. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của KKT trong 7 tháng đầu năm như sau:
- Doanh thu của các KKT đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng 12,5% so với doanh thu cùng kỳ 2011;
- Giá trị xuất khẩu 360 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2011;
- Giá trị nhập khẩu 580 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2011;
- Nộp ngân sách Nhà nước đạt 11.500 tỷ đồng (trong đó Nhà máy lọc dầu Dung Quất nộp gần 7.500 tỷ đồng), tăng 5% so với cùng kỳ 2011.
5. Tình hình thu hút lao động
- Đến cuối tháng 7 năm 2012, các KCN, KKT đã giải quyết việc làm cho hơn 1,86 triệu lao động trực tiếp, trong đó riêng KCN tạo việc làm cho khoảng 1,83 triệu lao động.
- Cơ chế, chính sách đối với người lao động như tiền lương, nhà ở, đào tạo, chăm sóc y tế, giáo dục cho người lao động đã có nhiều cải thiện theo hướng tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động.
- Đã có nhiều địa phương quan tâm hơn tới điều kiện sống, nhà ở của người lao động, khi xây dựng KCN đều giành quỹ đất để xây dựng khu nhà ở cho người lao động KCN. Một số mô hình doanh nghiệp KCN, chủ đầu tư hạ tầng KCN xây dựng nhà ở cho công nhân với đầy đủ tiện nghi (nhà ăn, phòng đọc sách, xem tivi, siêu thị...) tại KCN Long Hậu (Long An), Công ty TNHH Điện tử Samsung VN (KCN Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), Công ty Formosa (KCN Nhơn Trach 3, tỉnh Đồng Nai) là những mô hình cần khuyến khích, nhân rộng trong thời gian tới.
6. Tình hình bảo vệ môi trường KCN, KKT
Về xử lý nước thải: Tổng số KCN đã vận hành có hệ thống xử lý nước thải tập trung là 118 KCN, chiếm 66% tổng số KCN đã vận hành, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2011. Hiện có hơn 30 KCN đang xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung.
Về xử lý chất thải rắn: Đa số các doanh nghiệp trong KCN đã có biện pháp phân loại và lưu giữ tạm thời trước khi thu gom đến nơi xử lý. Một số KCN đã tổ chức thu gom, xử lý chất thải tập trung. Do vậy, về cơ bản, việc thu gom, xử lý chất thải rắn được đảm bảo.
7. Tình hình thực hiện các giải pháp kế hoạch được đề ra cuối năm 2011 và đầu năm 2012
Tại Báo cáo kế hoạch năm 2012 đã xây dựng các giải pháp, nhiệm vụ sẽ triển khai để thực hiện kế hoạch đến cuối năm 2011 và cả năm 2012. Đến 7/2012, các giải pháp, nhiệm vụ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai cụ thể như sau:
7.1. Rà soát điều chỉnh quy hoạch KCN, KKT
Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động của các KCN, KKT, có phương án xử lý đối với các KCN, KKT hoạt động kém hiệu quả, trên cơ sở đó điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN, KKT. Trong tháng 6, tháng 7 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 04 Đoàn công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch KCN, KKT ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng, Miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua kết quả rà soát sơ bộ cho thấy, các địa phương đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều địa phương đã có thay đổi căn bản trong nhận thức xây dựng và phát triển KCN từ tập trung phát triển theo số lượng chuyển sang đầu tư có trọng điểm, lựa chọn ngành nghề thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, sử dụng hiệu quả đất đai. Một số địa phương đã xác định hướng đi mới trong thu hút đầu tư vào KCN như Đồng Nai đang tích cực xây dựng 3 phân khu công nghiệp hỗ trợ trong KCN để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu đang tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương và phía Nhật Bản hoàn thiện Đề án KCN chuyên sâu Nhật Bản sớm hiện thực hóa mô hình KCN này.
Tổng hợp kết quả sơ bộ, đã có khoảng 10% các KCN được thành lập nhưng chậm hoặc chưa triển khai so với tiến độ do nhiều nguyên nhân khác nhau như khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thiếu vốn, tình hình thị trường biến động… Các địa phương đã bước đầu triển khai hoặc dự kiến triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho KCN như: hỗ trợ nhà đầu tư giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa về các thủ tục hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại; một số KCN chuyển đổi chủ đầu tư, hợp tác liên doanh; một số KCN đề xuất loại bỏ khỏi Quy hoạch.
Kết quả rà soát sơ bộ tại 46 tỉnh, thành phố có khoảng 57 KCN xin điều chỉnh giảm diện tích so với Quy hoạch, tổng diện tích giảm xuống khoảng 1.500ha. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đề xuất thay thế các KCN trong Quy hoạch không còn phù hợp với thực tế phát triển bằng KCN khác có tiềm năng, thuận lợi hơn, nhưng tổng diện tích quy hoạch không đổi; một số địa phương đề nghị bổ sung thêm một số KCN.
Các địa phương chủ động đề xuất điều chỉnh cục bộ các khu chức năng trong như: KKT Hòn La (Quảng Bình) điều chỉnh tăng diện tích KCN Hòn La trong KKT; KKT Đông Nam Nghệ An (Nghệ An) điều chỉnh giảm diện tích một số khu chức năng do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, KKT Đình Vũ-Cát Hải điều chỉnh tăng diện tích KKT bao trùm lên toàn bộ diện tích của KCN VISP với mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong KKT.
Từ những kết quả rà soát tích cực bước đầu nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tổng hợp, rà soát quy hoạch KCN theo hướng: trước mắt đảm bảo không tăng thêm diện tích quy hoạch KCN so với tổng diện tích được duyệt, kiên quyết loại bỏ khỏi quy hoạch những KCN kém hiệu quả, không có khả năng triển khai. Kết quả rà soát Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, xây dựng Danh mục quy hoạch KCN cả nước đến năm 2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2012.
7.2. Các giải pháp, nhiệm vụ khác
- Tổ chức thành công Hội nghị và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển KCN, KKT.
- Trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện thủ tục bổ sung dự án Luật KKT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển KKT, KCN nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phát triển KKT, KCN và các doanh nghiệp KKT, KCN.
- Ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của KKT, KCN, cụm công nghiệp và văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 671/QĐ-TTg ngày 07/6/2012 về kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 470/NQ-UBTVQH13 ngày 27/2/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án rà soát, xây dựng tiêu chí lựa chọn một số KKT ven biển có tiềm năng, thuận lợi để tập trung đầu tư phát triển, nhằm sớm phát huy hiệu quả của các KKT này.
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xây dựng Nghị định về ban hành Danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư áp dụng chung cho các văn bản pháp luật về ưu đãi, trong đó sẽ nghiên cứu, đưa KCN vào danh mục địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư.
- Hoàn thiện dự thảo Nghị định 29/2008/NĐ-CP xin ý kiến các bộ, ngành địa phương trong tháng 8/2012.
- Tổ chức rà soát, đánh giá hoạt động của các KCN, tổng hợp kết quả rà soát của các địa phương và xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển KCN cả nước đến năm 2020 thay thế Quyết định 1107/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2012.
- Hướng dẫn các địa phương xây dựng Đề án hình thành KCN chuyên sâu dành cho đối tác đầu tư Nhật Bản tại Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu, sau khi các địa phương hoàn thiện Đề án sẽ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành chính sách riêng đối với KCN này.
- Hỗ trợ, tham gia các đoàn xúc tiến đầu tư; đầu mối tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản (tháng 9/2012) và Hàn Quốc (cuối năm 2012).
- Hoàn thiện Thông tư liên tịch Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương hướng dẫn xử lý các cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp.
Ngoài ra, các bộ, ngành khác cũng đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị số 07/CT-TTg như rà soát, đánh giá quy hoạch xây dựng KCN, KKT; điều chỉnh Quyết định 66/2009/QĐ-TTg (Bộ Xây dựng); đánh giá ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và điều chỉnh bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Bộ Tài chính).
II. ƯỚC THỰC HIỆN 9 THÁNG VÀ CẢ NĂM 2012
1. Ước thực hiện 9 tháng 2012
2.1. Tình hình thành lập và quy hoạch KCN, KKT
Từ nay đến tháng 9/2012, cả nước sẽ mở rộng khoảng 200-300 ha KCN, nâng tổng diện tích tăng thêm khoảng 1.800-2.000 ha.
2.2. Tình hình thu hút vốn đầu tư vào KCN, KKT
Dự kiến trong 9 tháng đầu năm 2012, các KCN cả nước sẽ thu hút 5,5-5,9 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 16-18 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng số vốn đầu tư khoảng 58-60 tỷ USD và 435-440 nghìn tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN chiếm khoảng 50-60% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước.
Trong 9 tháng đầu năm, các KKT dự kiến thu hút được khoảng 0,95-1,1 tỷ USD vốn FDI và khoảng 14-18 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.
2.3. Tình hình sản xuất kinh doanh của KCN, KKT
- Dự kiến doanh thu của các doanh nghiệp KCN (kể cả trong nước và nước ngoài) trong 9 tháng đầu năm 2012 ước đạt 36-39 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 18-22 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt khoảng 19-23 tỷ USD; nộp ngân sách đạt khoảng 16.000-20.000 tỷ đồng. Đóng góp của KCN vào kim ngạch xuất khẩu toàn quốc năm 2012 ước đạt khoảng 25-28%.
- Dự kiến trong 9 tháng đầu năm 2012, các KKT đạt tổng doanh thu 6,5-7,5 tỷ USD; xuất khẩu 500-550 triệu USD; nhập khẩu 650-700 triệu USD và đóng góp NSNN khoảng 14.000-15.000 tỷ đồng.
- Dự kiến cuối tháng 9 năm 2012, có thêm 3 KCN hoàn thành nhà máy xử lý nước thải tập trung, nâng tỷ lệ KCN đã vận hành có nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường lên 68%.
2. Ước thực hiện cả năm 2012
2.1. Tình hình thành lập và quy hoạch KCN, KKT
Dự kiến từ nay đến cuối năm cả nước sẽ mở rộng một số KCN với tổng diện tích khoảng 500-700 ha, nâng tổng diện tích tăng thêm khoảng 2.000-2.200 ha.
2.2. Tình hình thu hút vốn đầu tư vào KCN, KKT
Dự kiến trong cả năm 2012, các KCN cả nước sẽ thu hút 6,5-7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 20-22 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng số dự án trong KCN đến cuối 2012 đạt 9.400-9.500 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 60-62 tỷ USD và 440-450 nghìn tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN chiếm khoảng 50-60% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước.
Các KKT dự kiến thu hút được khoảng 1-1,2 tỷ USD vốn FDI và khoảng 20-25 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước trong năm 2012.
2.3. Tình hình sản xuất kinh doanh của KCN, KKT
- Dự kiến doanh thu của các doanh nghiệp KCN (kể cả trong nước và nước ngoài) trong năm 2012 ước đạt 45-50 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 25-30 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt khoảng 28-32 tỷ USD; nộp ngân sách đạt khoảng 23.000-25.000 tỷ đồng. Đóng góp của KCN vào kim ngạch xuất khẩu toàn quốc năm 2012 ước đạt khoảng 27-28%.
- Dự kiến cuối năm 2012, lao động trong các KCN dao động từ 1,8 – 1,83 triệu lao động.
- Dự kiến trong năm 2012, các KKT đạt tổng doanh thu 8-9 tỷ USD; xuất khẩu 600-700 triệu USD; nhập khẩu 800-1000 triệu USD và đóng góp NSNN khoảng 17.000-19.000 tỷ đồng.
- Dự kiến cuối năm 2012, 124/178 KCN đã vận hành có nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, đạt tỷ lệ 70%, đạt mục tiêu kế hoạch năm./.
Vụ Quản lý các Khu kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3723
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)