Báo cáo của Vụ Quản lý các Khu kinh tế ngày 30/3/2012.
I. TÌNH HÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN KCN, KKT
1. Về tình hình thành lập mới và mở rộng KCN
Trong năm 2011 có 18 dự án đầu tư phát triển hạ tầng KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thành lập mới 12 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên là 2.007 ha và mở rộng 6 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên là 1.110 ha. Tổng diện tích đất tự nhiên KCN tăng thêm trong năm 2011 là 3.117 ha. Tổng vốn đâu tư đăng ký của 18 dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN đạt gần 8.300 tỷ đồng và 73 triệu USD.
Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có 283 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 76.821 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt trên 48.932 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 180 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 45.778 ha và 103 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 29.498 ha. Các KCN được phân bố trên 58 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ với 93 KCN (chiếm 33% về số lượng và 43% về tổng diện tích), vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 25% về số lượng và 20% tổng diện tích).
Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ hai, diện tích đất KCN đến năm 2015 sẽ tăng lên là 130.000 ha và năm 2020 là 200.000 ha.
2. Về tình hình thành lập KKT ven biển.
Trong năm 2011, không có KKT ven biển nào được bổ sung hay thành lập mới. Số lượng các KKT đã thành lập trên cả nước đến hết năm 2011 giữ nguyên mức 15 khu, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước của 15 KKT này là 662.249 ha.
3. Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT
- Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KCN:
Đến cuối năm 2011, trong số 283 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN trên cả nước, có 23 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 157 dự án đầu tư trong nước đã hoàn thành xây dựng cơ bản và đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang trong giai đoạn triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản.
Tổng vốn thực hiện của các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN lũy kế đến cuối năm 2011 đạt 3 tỷ USD và 130.000 tỷ đồng. Trong đó vốn thực hiện của các dự án đã vận hành đạt hơn 1 tỷ USD và 55.000 tỷ đồng. Các KCN đang xây dựng cơ bản chủ yếu là các KCN được thành lập từ năm 2009 trở lại đây.
- Tình hình xây dựng kết cấu hạ tầng KKT:
Đến hết năm 2011, tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các KKT ven biển trên cả nước là gần 250.000 tỷ đồng trong đó vốn đầu tư trong nước khoảng 75.000 tỷ đồng (chiếm 30% tổng vốn đầu tư), vốn đầu tư nước ngoài đạt xấp xỉ 175.000 tỷ đồng (chiếm 70% tổng vốn đầu tư).
Với diện tích lớn, mới được thành lập, vì vậy, các KKT ven biển đều đang trong giai đoạn đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bước đầu đã hoàn thành một số công trình hạ tầng quan trọng để hoạt động, cụ thể như sau:
+ Các KKT ven biển: Vân Đồn, Đình Vũ - Cát Hải, Nghi Sơn, Đông Nam Nghệ An, Vũng Áng, Dung Quất, Chu Lai, Nhơn Hội, Chân Mây Lăng Cô đã tích cực triển khai và đưa vào sử dụng một số công trình quan trọng đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, gồm: một số tuyến đường giao thông trục chính, hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, hạ tầng khu tái định cư, hạ tầng KCN … mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của khu vực.
+ Các KKT ven biển khác như Vân Phong, Đình Vũ – Cát Hải, Vân Đồn, Định An chủ yếu tập trung công tác lập quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư.
4. Tình hình thu hút đầu tư vào các KCN, KKT.
4.1. Tình hình thu hút đầu tư vào các KCN.
- Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN
Trong năm 2011, cácKCN của cả nước đã thu hút được 310 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4.300 triệu USD, tăng 24% so với năm 2010. Điều chỉnh tăng vốn cho 283 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là hơn 2.170 triệu USD, bằng 121% so với năm 2010 . Tính chung, tổng số vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm trong năm 2011 đạt 6.470 triệu USD (tăng 23% so với năm 2010).Lũy kế đến cuối tháng 12/2011 các KCN trong cả nước đã thu hút được 4113 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 59.552 triệu USD, tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt 24.372 triệu USD, bằng 41 % tổng vốn đầu tư đăng ký.
- Xét theo địa phương: Tính đến thời điểm hiện tại, TP. Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 1,23 tỷ USD, chiếm 19,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 814 triệu, chiếm 13%. Đồng Nai đứng thứ 3, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt xấp xỉ 648 triệu USD, bằng 10% cả nước.
Tính chung 10 địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư vào các KCN, tổng vốn đầu tư đã thu hút trong năm 2011 là 5,1 tỷ USD (bằng 81%).
Biểu 1: Các địa phương dẫn đầu về thu hút ĐTNN vào các KCN
STT
|
Đia phương
|
Đầu tư nước ngoài trong KCN
|
Cấp mới
|
Tăng vốn
|
Tổng vốn tăng thêm (tr. USD)
|
Số DA
|
Vốn ĐK (tr. USD)
|
Số DA
|
Vốn ĐK (tr. USD)
|
1
|
Hồ Chí Minh
|
17
|
1035,66
|
36
|
198,09
|
1233,75
|
2
|
Bà Rịa – Vũng Tàu
|
8
|
701
|
5
|
113
|
814
|
3
|
ĐồngNai
|
25
|
140,12
|
42
|
507,63
|
647,75
|
4
|
Bắc Ninh
|
44
|
483,88
|
12
|
56,3
|
540,18
|
5
|
Tây Ninh
|
4
|
465
|
7
|
41
|
506
|
6
|
Hưng Yên
|
16
|
311,809
|
11
|
114,575
|
426,384
|
7
|
Bắc Giang
|
9
|
286,15
|
3
|
21,5
|
307,65
|
8
|
Bình Dương
|
40
|
91,79
|
54
|
144,13
|
235,92
|
9
|
Hà Nam
|
11
|
223
|
2
|
1
|
224
|
10
|
Long An
|
45
|
90,35
|
16
|
81,42
|
171,77
|
- Xét theo Vùng thì Vùng Đông Nam Bộ là vùng thu hút được nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt trên 3,63 tỷ USD, chiếm 56% tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước. Vùng Đồng bằng Sông Hồng đứng vị trí thứ hai, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trong năm 2011 đạt hơn 1,8 tỷ đồng, chiếm 29%. Do đặc điểm về vị trí địa lý và môi trường đầu tư, tình hình thu hút đầu tư tại khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Miền Trung còn khiêm tốn, với tổng vốn ĐTNN năm 2011 đạt 3,5 triệu USD và 222 triệu USD.
- Tình hình thu hút đầu tư trong nước vào các KCN:
Về tình hình thu hút đầu tư trong nước, trong 12 tháng đầu năm 2011, các KCN đã thu hút được 367 dự án với tổng vốn đăng ký 54.700 tỷ đồng và điều chỉnh tăng vốn cho 79 dự án với tổng vốn tăng thêm 7.300 tỷ đồng.Tính chung tổng vốn đầu tư trong nước tăng thêm trong năm 2011 đạt xấp xỉ 62.000 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2010.
Tính lũy kế đến hết tháng 12/2011, các KCN cả nước đã thu hút được 4.681dự án đầu tư trong nướcvới tổng vốn đăng ký gần 419.800 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 200.600 tỷ đồng, bằng 48% vốn đăng ký.
Tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước vào KCN tương đương 80 tỷ USD, trung bình 3,5 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê, cao hơn tỷ lệ tương tự vào thời điểm cuối năm 2005 (gần 2 triệu USD/ha) và cuối năm 2001 (1,2 triệu USD/ha).
Trong năm 2011, các KCN cả nước đã cho thuê thêm được gần 2000 ha đất công nghiệp, nâng tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê đến cuối năm 2011 lên 23.000 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 47%. Riêng các KCN đã đi vào hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê 65%.
4.2. Tình hình thu hút đầu tư vào các KKT
Trong thời gian qua, việc thu hút vốn đầu tư vào KKT ven biển bước đầu đạt những kết quả khả quan. Trong năm 2011, các KKT ven biển thu hút thêm được gần 750 triệu USD và 100 nghìn tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư lũy kế đến cuối năm 2011 lên hơn 31 tỷ USD vốn FDI và gần 564 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất trong KKT ven biển khoảng trên 20.000 ha, chiếm gần 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển; trong đó có khoảng 7.000 ha đã triển khai các dự án thứ cấp. Trong đó, có một số dự án lớn và quan trọng tại KKT Nghi Sơn, KKT Vũng Áng, KKT DungQuất gồm nhà máy lọc dầu số 1 và số 2, Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa, nhà máy cơ khí nặng Doosan, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn và Vũng áng, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong... Đây là các dự án hứa hẹn sẽ mang lại thế và lực mới cho các ngành công nghiệp nặng của nước ta.
5. Tình hình sản xuất kinh doanh
Mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào KCN, KKT đã đạt được những kết quả khả quan, dần phục hồi tốc độ tăng trưởng so với giai đoạn trước khủng hoảng.
Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của các KCN, KKT cả nước trong năm 2011 đã đạt mức tăng trưởng khá. Các doanh nghiệp KCN đã đạt tổng doanh thu trên 40,2 tỷ USD (tăng 25% so với năm 2010) và 67.830 tỷ đồng (tăng 10.000 tỷ đồng so với năm 2010). Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của các doanh nghiệp đạt xấp xỉ 30,4 tỷ USD và 29,1 tỷ USD (tăng gần 60% so với năm 2010). Một số doanh nghiệp trong KCN có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu cả nước như Samsung (5 tỷ USD), Canon (1 tỷ USD). Các doanh nghiệp cũng đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước với 26.704tỷ đồng và 241 triệu USD.
Các KKT ven biển mặc dù được thành lập chưa lâu nhưng đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của địa phương. Riêng trong năm 2011, các KKT ven biển đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỷ đô la Mỹ, xuất khẩu đạt hơn 01 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 20 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh các lợi ích kinh tế, các KKT ven biển còn tạo điều kiện cho các địa phương giải quyết việc làm, thu hút lao động có trình độ tay nghề cao. Đến nay, các KKT ven biển đã giải quyết việc làm cho khoảng 30 nghìn lao động. Một số khu du lịch, nghỉ dưỡng tại các KKT ven biển đã hình thành một mặt thu hút phát triển ngành du lịch, mặt khác là nơi sinh sống của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đến làm việc trong các KKT ven biển.
Đến cuối năm 2011, các KCN, KKT đã giải quyết việc làm cho hơn 1,76 triệu lao động trực tiếp.
6. Tình hình thực hiện kế hoạch vốn hỗ trợ NSTW cho các KCN, KKT
- Về hỗ trợ NSTW cho hạ tầng KCN: Trong Kế hoạch 2011, tổng vốn hỗ trợ NSTW là 495 tỷ đồng, được bố trí cho 41 KCN, trong đó có 24 KCN thứ hai được hỗ trợ với tổng vốn hỗ trợ 295 tỷ đồng. Lũy kế đến hết kế hoạch năm 2011, tổng vốn NSTW hỗ trợ cho các KCN là 3168 tỷ đồng, được bố trí cho 74 KCN của 46 tỉnh trên cả nước.
- Về hỗ trợ hạ tầng KKT ven biển: Trong Kế hoạch 2011, tổng vốn hỗ trợ NSTW là 1885 tỷ đồng, được bố trí cho 14 KKT ven biển. Lũy kế đến hết kế hoạch năm 2011, tổng vốn NSTW hỗ trợ cho các KKT là 6756 tỷ đồng, được bố trí cho 14 KKT ven biển.
- Về cơ bản, các địa phương đã sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ theo các hạng mục, công trình đã quy định. Do tình trạng thiếu vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, KKT và nguồn vốn ngân sách hỗ trợ hàng năm cho các địa phương ở mức hạn chế so với tổng vốn đầu tư KCN, KKT nên việc sử dụng nguồn vốn được triển khai tương đối nhanh, cơ bản giải ngân hết nguồn vốn hỗ trợ trong năm kế hoạch. Nguồn vốn ngân sách trung ương đã hỗ trợ kịp thời cho các KCN ở các địa phương khó khăn trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng. Mức vốn hỗ trợ tuy không nhiều nhưng đã góp phần hỗ trợ các địa phương khắc phục những khó khăn trong giai đoạn đầu xây dựng KCN.
7. Nhận xét, đánh giá tình hình xây dựng và phát triển KCN, KKT
7.1. Kết quả
- Cơ chế, chính sách phát triển KCN, KKT đã dần được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp cho các Ban quản lý KCN, KKT thực hiện quản lý Nhà nước KCN, KKT trên các lĩnh vực.
- Ban quản lý các KCN, KKT đã dần ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự và nâng cao năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ mới được phân cấp.
- Các KCN, KKT đóng góp ngày càng lớn vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương, góp phần tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế-lao động theo hướng công nghiệp hóa, giải quyết việc làm.
- Các địa phương có điều kiện thuận lợi đã chủ động định hướng thu hút các dự án đầu tư phù hợp với lợi thế so sánh của địa phương; các dự án có hàm lượng công nghệ và vốn cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
7.2. Hạn chế
- Vấn đề bảo vệ môi trường KCN tuy đã được cải thiện, song vẫn còn tồn tại một số KCN, doanh nghiệp KCN chưa tuân thủ nghiêm túc pháp luật về môi trường. Việc phối hợp kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường KCN, KKT của các cơ quan Nhà nước chưa thật chặt chẽ.
- Cơ cấu đầu tư, lao động trong các KCN, KKT chưa thực sự hợp lý, hàm lượng công nghệ, lao động tri thức, tính liên kết ngành trong các KCN, KKT còn hạn chế.
- Công tác quy hoạch KCN và tuân thủ các điều kiện quy hoạch, thành lập KCN của các địa phương còn hạn chế.
- Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của một số KCN còn gặp khó khăn, không hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
- Vấn đề nhà ở, điều kiện sống, làm việc của người lao động trong KCN vẫn chưa có giải pháp thực sự hữu hiệu.
- Nhu cầu vốn ở các KCN ở các địa bàn khó khăn và KKT ven biển là lớn trong khi NSTW chỉ đáp ứng được một phần, huy động các nguồn vốn khác cho phát triển hạ tầng KKT còn gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, KKT.
8. Định hướng, giải pháp phát triển KCN, KKT
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KCN, KKT gắn với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường, để đảm bảo tính bền vững.
- Tập trung ưu tiên thu hút các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường, giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động địa phương.
- Quy hoạch KCN gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư và các quy hoạch ngành đảm bảo hiệu quả thu hút đầu tư, điều kiện sinh hoạt, ăn ở và dịch vụ khác phục vụ cho doanh nghiệp KCN và người lao động trong KCN.
- Phát triển về số lượng và quy mô KCN cần phù hợp và hài hoà với điều kiện phát triển thực tế của địa phương, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất KCN; nghiên cứu xây dựng thí điểm một số KCN chuyên sâu dành cho một số đối tác quan trọng đầu tư vào Việt Nam.
- Nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí đánh giá, lực chọn một số KKT ven biển có tiềm năng, thuận lợi nhất để tập trung đầu tư phát triển, sớm hoàn thiện kết cấu hạ tầng và phát huy hiệu quả.
- Tiến hành rà soát loại bỏ các KCN, dự án trong KCN KKT kém hiệu quả, vi phạm quy định.
- Xem xét, sửa đổi chính sách phát triển KKT hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong KKT, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN KCN, KKT NĂM 2012
Ngày 02/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, theo đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành tiến hành đánh giá việc thực hiện quy hoạch, thành lập hoạt động của cac KCN, KKT và trong thời quá trình thực hiện rà soát điều chỉnh Quy hoạch sẽ tạm dùng việc bổ sung quy hoạch, thành lập mới các KCN, KTK trên cả nước. Do vậy, năm 2012, dự kiến sẽ không thành lập, mở rộng thêm các KCN, KKT.
Năm 2012, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có chuyển biến theo hướng tích cực, tình hình FDItrên thế giới dự báo sôi động hơn nên dự kiến sẽ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đã đăng ký. Dự kiến các KCN sẽ thu hút được thêm khoảng 5,5-6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 55-60.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng số dự án trong KCN đến cuối 2012 đạt 9.500 dự án trong đó có 4.500 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 5.000 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 65 tỷ USD và 480 ngàn tỷ đồng. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của KCN dự kiến sẽ tăng khá so với năm năm 2011 (khoảng 8-10%). Dự kiến doanh thu của các doanh nghiệp KCN (kể cả trong nước và nước ngoài) trong năm 2012 ước đạt 43-45 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 30 - 32 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt khoảng 31-33 tỷ USD; nộp ngân sách đạt khoảng 1,5 tỷ USD và thu hút khoảng 1,8 triệu lao động trực tiếp.
Năm 2012 là năm đầu thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch vốn NSTW cho các KCN, KKT năm 2012 và các năm tới sẽ được rà soát theo đúng tiêu chí, điều kiện quy định tại Chỉ thị và tiêu chí lựa chọn, bố trí vốn tập trung cho một số KKT có nhiều tiềm năng. Vì vậy, các địa phương cần xây dựng và triển khai kế hoạch bố trí vốn tập trung cho các công trình thiết yếu, cấp bách hoàn thành trong năm kế hoạch để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.
Trên đây là báo cáo của Vụ Quản lý các KKT về tình hình xây dựng và phát triển KCN, KKT năm 2011./.
Vụ Quản lý các Khu kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư