Theo thống kê, trên thế giới hiện nay có hàng nghìn hệ thống kinh doanh dưới hình thức nhượng quyền thương mại, trong khi tại Việt Nam có khoảng 200 hệ thống đang hoạt động.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo “Nhượng quyền thương hiệu-Xu hướng phát triển mới, cơ hội và tiềm năng” do Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu phía Nam-Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 11/5.
Nhượng quyền thương mại ngày càng trở thành hình thức kinh doanh phổ biến bởi nó mang lại lợi ích cho cả bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền.
Bên nhượng quyền sẽ phát triển được hệ thống chuỗi kinh doanh mà không phải bỏ vốn đầu tư; thương hiệu được khai thác trực tiếp, mang lại hiệu quả thực tế; quy mô kinh doanh được mở rộng, khả năng tiêu thụ cao và nâng cao giá trị thương hiệu.
Bên nhận nhượng quyền cũng có những lợi ích tương đương như không phải xây dựng thương hiệu; thừa hưởng kinh nghiệm, bí quyết tổ chức kinh doanh của bên nhượng quyền; giảm thiểu đáng kể rủi to của giai đoạn khởi nghiệp và thụ hưởng hiệu ứng chuỗi của hệ thống.
Luật sư Hồ Hữu Hoành, Giám đốc Trung tâm thông tin nhượng quyền thương mại Việt Franchise cho biết về nguyên tắc, một hệ thống kinh doanh khi đủ điều kiện nhượng quyền thì thường ít gặp rủi ro. Khi nhượng quyền thương mại, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề về khả năng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên nhận quyền đối với bên nhượng quyền hoặc bên nhượng quyền cung cấp thông tin không chính xác, khiến bên nhận quyền đánh giá sai về giá trị thương hiệu.
Nhằm tránh rủi ro, doanh nghiệp nên bảo vệ thương hiệu thông qua việc đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, xây dựng tiêu chí xác lập các thông tin là bí mật kinh doanh để được bảo hộ theo luật định.
Một số chuyên gia cho rằng vào khoảng năm 2014, khi Việt Nam bắt buộc phải mở cửa thị trường bán lẻ, nhượng quyền thương mại sẽ phát triển mạnh và trở thành một phương thức kinh doanh tiềm năng, đồng thời tạo cơ hội cho thương nhân trong và ngoài nước để phát triển hệ thống bán lẻ./.