Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 06/02/2012-10:12:00 AM
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2012
Theo tài liệu số 507/BC-BKHĐT ngày 04 tháng 02 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tài liệu phục vụ họp báo của Chính phủ ngày 04/02/2012)
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu t­ư báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2012 như sau:
1. Về phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế
a) Sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 01/2012 ước giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011; trong đó: công nghiệp chế biến giảm 4,2%; công nghiệp khai thác mỏ tăng 0,5%; sản xuất, phân phối điện, gas, nước tăng 1,2%. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn; kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến sản xuất công nghiệp.
b) Sản xuất nông nghiệp
Trong tháng, các địa phương đã đẩy nhanh thu hoạch cây vụ đông để gieo cấy lúa đông xuân. Thời tiết rét đậm kéo dài tại các tỉnh phía Bắc, triều cường dâng cao gây ngập úng tại các tỉnh phía Nam trong những ngày đầu tháng đã gây thiệt hại về tài sản của nhân dân và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Về gieo cấy lúa đông xuân, tính đến ngày 15/01/2012 ước đạt trên 1.856,8 nghìn ha, bằng 95,3% so với cùng kỳ năm 2011. Chăn nuôi lợn, gia cầm phát triển ổn định, đáp ứng tốt nguồn thịt trong dịp Tết Nguyên đán. Chăn nuôiđàn trâu, bò có xu hướng giảm nhẹ do nhu cầu tiêu thụ thịt hơi tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Tổng sản lượng thuỷ sản trong tháng ước đạt 364,2 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 1,2%);sản lượng khai thác giảm nhẹ do thời tiết biển không thuận lợi, ngư dân giảm bớt thời gian bám biển để tu bổ tàu thuyền và nghỉ ngơi đón Tết.
c) Khu vực dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2012 ước đạt 191 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2011; lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng ước đạt 630 nghìn lượt khách, tăng 24,8% (cùng kỳ tăng 8,9%). Các hoạt động vận tải, bưu chính viễn thông tiếp tục đạt kết quả tốt.
2. Về ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát
a) Giá cả, lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2012 tăng 1% so với tháng trước. Như vậy, mặc dù là tháng Tết Nguyên đán song mức tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2012 chỉ tăng nhẹ so với mức tăng chỉ số giá trong 5 tháng qua và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 3 năm gần đây[1]. Đây là kết quả của việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ và Chỉ thị số 2051/CT-TTg ngày 16/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ số giá tháng 01/2012 tăng chủ yếu là do nhu cầu mua sắm Tết của người dân tăng ở một số mặt hàng như: may mặc, giày dép, mũ nón và thực phẩm.
b) Xuất nhập khẩu
Trong tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,5 tỷ USD, bằng 88,9% so với cùng kỳ năm 2011; tổng kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 6,6 tỷ USD, bằng 81,3% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất - nhập khẩu giảm so với cùng kỳ là do năm 2011, Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2, trong khi năm 2012, Tết Nguyên đán kéo dài hơn và rơi vào tháng 1, hoạt động sản xuất, kinh doanh tạm ngừng đã ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 01/2012.
Nhập siêu: Nhập siêu tháng 01/2012 là 100 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch xuất khẩu, là mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua[2] (trừ tháng 7/2011 có xuất siêu).
c) Thu chi ngân sách nhà nước
Trong tháng, tổng thu NSNNước đạt 61,5 nghìn tỷ đồng, bằng 8,3% dự toán năm; tổng chi NSNN ước đạt 65,4 nghìn tỷ đồng, bằng 7,2% dự toán năm.Do ảnh hưởng của Tết Nguyên đán, cộng với những khó khăn của sản xuất - kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp thuộc các ngành trọng điểm như ô tô, sắt thép, xi măng,… nên kết quả thu NSNN trong tháng có bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thu NSNN vẫn bảo đảm các nhiệm vụ chi, đặc biệt là các yêu cầu chi tiền lương và có tính chất tiền lương, các khoản an sinh xã hội, kinh phí phục vụ sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn.
d) Đầu tư phát triển
Chi vốn đầu tư phát triển từ NSNN tháng 01/2012 ước đạt 11,4 nghìn tỷ đồng, bằng 6,3% dự toán năm; vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài thực hiện đạt 400 triệu USD, bằng 95% so với cùng kỳ năm 2011; vốn ODA giải ngân ước đạt khoảng 72 triệu USD; trong đó, vốn vay ước đạt 50 triệu USD, viện trợ không hoàn lại ước đạt 22 triệu USD.
3. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa và các lĩnh vực xã hội khác đạt kết quả khá, trong đó: trong tháng, đã giải quyết việc làm cho khoảng 72 nghìn người, trong đó xuất khẩu lao động ư­ớc đạt 7 nghìn ng­­ười. Do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên số lao động được giải quyết việc làm không cao. Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã dẫn đầu các đoàn đại biểu đến thăm hỏi, động viên và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương. Các cấp, các ngành và địa phương cùng với doanh nghiệp trên địa bàn chung tay, góp sức thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, như: tặng quà Tết cho các đối tượng chính sách, người có công; hỗ trợ gạo cứu đói cho các địa phương.
Theo báo cáo sơ bộ, trong 06 ngày nghỉ Tết (22-27/01/2012), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 284 vụ tai nạn giao thông, làm chết 234 người và làm bị thương 257 người. So với cùng thời gian nghỉ Tết năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 25,3%, số người chết giảm 22,6% và số người bị thương giảm 33,1%.
Đánh giá chung, trong tháng, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả nhất định. Giá cả, thị trường ổn định, chỉ số giá tăng nhẹ so với tháng trước và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 3 năm gần đây. Tỷ lệ nhập siêu giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua (trừ tháng 7/2011 có xuất siêu); tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng khá; hoạt động du lịch diễn ra sôi nổi, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước; sản xuất nông nghiệp tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng vẫn phát triển ổn định. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người già neo đơn, người tàn tật được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; trật tự an toàn giao thông được cải thiện;… bảo đảm cho người dân đón Tết vui Xuân lành mạnh, an toàn và đậm nét văn hóa của dân tộc.
Tuy nhiên, trong tháng, rét đậm, rét hại kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh phía Bắc. Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ giảm, lãi suất ngân hàng vẫn còn ở mức cao;… kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực./.


[1]So với tháng 12 năm trước, CPI tháng 01/2010 tăng 1,36%; tháng 01/2011 tăng 1,74%.
[2] Tỷ lệ nhập siêu tháng 01/2011-12/2011 (trừ tháng 7/2011) dao động ở mức: 3-22,9%.

File đính kèm:
BCChinhphuT1.12.pdf

Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân- Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 807
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)