Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/12/2011-15:17:00 PM
Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu ngành công nghiệp tháng 12 năm 2011
Báo cáo của Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 27 tháng 12 năm 2011
1/ Tình hình chung:
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 năm 2011 so với cùng kỳ năm 2010 tăng 7,5%, trong đó ngành công nghiệp khai thác giảm 0,3%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,3%, sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 12,5%.
Tính chung cả năm 2011, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,8% so vớinăm 2010 (năm 2010 so 2009 tăng 9,4%; 2009 so 2008 tăng 7,1%), trong đó ngành công nghiệp khai thác mỏ giảm 0,1% (năm 2010 so 2009 tăng 0,6%; 2009 so 2008 tăng 10,2%), công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5% (năm 2010 so 2009 tăng 12,6%; 2009 so 2008 tăng 5,6%), sản xuất, phân phối điện, ga, nước tăng 10% (năm 2010 so 2009 tăng 14,9%; 2009 so 2008 tăng 8,1%).
Những ngành công nghiệp năm 2011 so 2010 có tốc độ tăng cao gồm: Sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ xây dựng) tăng 139,3%; sản xuất đường tăng 33,7%; đóng tàu tăng 28,4%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 19,6%; sản xuất bia tăng 16,4% sản xuất bơ, sữa tăng 15,8%; xay xát, sản xuất bột thô tăng 15,4%; sản xuất trang phục tăng 13,3%; sản xuất sợi và dệt vải tăng 11,6%; chế biến, bảo quản thủy sản tăng 11,3%; sản xuất sơn, véc ni và các chất tẩy rửa tăng 11,2%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 10,9%; sản xuất điện tăng 10,3%; sản xuất phân bón tăng 9,5%; ...
Những ngành công nghiệp có tốc độ giảm hoặc tăng thấp năm 2011 so 2010 cao gồm: sản xuất cáp điện và dây điện có bọc giảm 19,6%; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 4,1%; chế biến và bảo quản rau quả giảm 2,4%; sản xuất đồ uống không cồn giảm 0,8%; khai thác dầu thô và khí tự nhiên giảm 0,8%; sản xuất xe có động cơ giảm 0,7%; sản xuất mỹ phẩm, xà phòng và chất tẩy rửa giảm 0,5%; sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 0,2%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 1,3%; sản xuất giấy tăng 1,7%; sản xuất sắt, thép tăng 1,8%; ...
Chỉ số sản xuất công nghiệp một số tỉnh, thành phố có quy mô công nghiệp lớn năm 2011 so với 2010: Hà Nội tăng 5,1%; TP Hồ Chí Minh tăng 5,4%; Hải Phòng tăng 9,7%; Hải Dương tăng 7,5%; Vĩnh Phúc tăng 10,7%; Bắc Ninh tăng 37,3%; Đà Nẵng tăng 7,5%; Bình Dương tăng 11,9%; Đồng Nai tăng 11,8%, Cần Thơ tăng 10,8%; Bà Rịa Vũng Tàu không tăng, không giảm...
Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có tốc độ tăng năm 2011 so với cùng kỳ năm trước cao hơn mức tăng chung của toàn ngành là: máy giặt tăng 37,7%; sữa bột tăng 27,8%; đường kính tăng 32,3%; bình đun nước nóng tăng 27,2%; xe máy tăng 20,0%; ti vi tăng 17,3%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 16,5%; phân hỗn hợp tăng 14,4%; giầy thể thao tăng 12,4%; quần áo mặc thường cho người lớn tăng 12,2%; sơn hoá học tăng 11,0%; điện sản xuất tăng 10,5%; gạch lát ceramic tăng 10,3%; bia các loại tăng 9,5%; thuốc lá điếu tăng 9,2%; bột ngọt tăng 8,7%; nước máy thương phẩm tăng 7,1%; xi măng tăng 6,8%;...
Một số sản phẩm năm 2011 giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như: điều hoà nhiệt độ giảm 24,4%; tủ lạnh, tủ đá giảm 21,3%, khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,1%;xà phòng giặt các loại giảm 8,6%; thép tròn các loại giảm 5,5%; lốp ô tô máy kéo giảm 4,3%; ô tô giảm 4,0%; phân hoá học giảm 0,1%; kính thuỷ tinh tăng 0,6%; gạch xây dựng bằng đất nung tăng 0,6%; dầu thực vật tinh luyện tăng 0,8%; giầy, dép, ủng bằng da giả cho người lớn tăng 1,0%; dầu mỏ thô khai thác tăng 1,1%; than đá tăng 2,3%; giấy bìa các loại tăng 3,2%; khí hoá lỏng (LPG) tăng 4,1%,...
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 11/2011 so với cùng kỳ năm 2010 tăng 5,9%, trong đó, các ngành có chỉ số tiêu thụ cao gồm: sản xuất đường tăng 62,7%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 29,0%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 26,9%; sản xuất gạch, ngói và gốm, sứ xây dựng không chịu lửa tăng 19,4%; sản xuất trang phục (trừ quần áo da lông thú tăng 18,3%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 14,4%; sản xuất bia tăng 12,9%; chế biến bảo quản thuỷ sản và sản phẩm từ thuỷ sản tăng 12,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 11,2%; xay xát, sản xuất bột thô tăng 8,2%....
Tính chung 11 tháng năm 2011, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với cùng kỳ năm 2010 tăng 15,0%, trong đó, các ngành có chỉ số tiêu thụ cao gồm: sản xuất xe có động cơ tăng 138,7%; sản xuất đường tăng 37,8%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 17,3%; sản xuất trang phục tăng 15,9%; sản xuất sản phẩm bơ, sữa tăng 15,7%; sản xuất sơn, véc ni tăng 14,7%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 12,6%; xay xát, sản xuất bột thô tăng 12,5%;...
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ 11 tháng đầu năm giảm hoặc tăng chậm gồm: sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 8,5%; sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện giảm 7,5%; chế biến và bảo quản rau quả giảm 6,3%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa giảm 1,5%; sản xuất sắt, thép không tăng, không giảm; sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 0,1%; sản xuất đồ uống không cồn tăng 3,7%;sản xuất xi măng tăng 3,9%; sản xuất thuốc lá, thuốc lào tăng 4,1%;sản xuất các sản phẩm khác từ plastic tăng 4,9%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 5,2%; sản xuất giầy, dép tăng 6,0%; sản xuất bia tăng 6,3;....
Trong khi chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng 2011 so cùng kỳ năm trước chỉ tăng 15% thì chỉ số tồn kho tại thời điểm 01/12/2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại tăng tới 23%. Trong đó, những ngành có chỉ số tồn kho cao gồm: sản xuất đồ gốm sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ trong xây dựng) tăng 96,8%; sản xuất xi măng tăng 64,1% (thực trạng ngành sản xuất xi măng đang có quá nhiều nhà máy sản xuất và sản lượng đang dư thừa so với nhu cầu trong nước, không xuất khẩu được, dẫn đến tồn kho cao); sản xuất phân bón tăng 57,0%; sản xuất các sản phẩm khác từ plastic tăng 55,6%; sản xuất giấy và bìa tăng 53,0%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 48,9%; sản xuất thuốc lá tăng 43,3%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 41,7%; sản xuất thức ăn gia súc tăng 39,8%; sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 38,0%; sản xuất sắt thép tăng 32,4%; chế biến bảo quản thuỷ sản và sản phẩm từ thuỷ sản tăng 31,1%; sản xuất vải và dệt vải tăng 25,6%; sản xuất trang phục tăng 24,0%.....
Đánh giá chung:
- Ngành công nghiệp năm 2011 phát triển chậm, chỉ tăng 6,8% so với năm 2010, thấp hơn 2,5 điểm % so với tốc độ tăng của năm 2010 và đặc biệt thấp hơn 0,3 điểm % so với tốc độ tăng của năm 2009 là năm kinh tế thế giới và Việt Nam rơi vào khủng hoảng. Các tháng có tốc độ tăng chậm trong năm 2011 là tháng 3, 4, 6,7, 9, 10.
- Trong 3 ngành công nghiệp cấp I, ngành công nghiệp khai thác mỏ (chủ yếu là dầu thô, khí tự nhiên và than đá) (chiếm 17% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2010) năm 2011 giảm 0,1% và dự kiến các năm tiếp theo sẽ tiếp tục giảm do nguồn tài nguyên có hạn, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn hơn và chủ trương hạn chế khai thác, xuất khẩu khoáng sản để nhằm mục tiêu chế biến sâu trong nước (chỉ khai thác đủ lượng chế biến trong nước). Trong đó, năm 2011 so 2010 khai thác than đá tăng thấp với 2,3%; dầu thô khai thác tăng 1,1%; khí đốt thiên nhiên giảm 9,1%. Ngành sản xuất, phân phối điện, ga, nước (chiếm 8% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2010) năm 2011 tăng ổn định ở mức 10% (năm 2010 tăng 14,9%, năm 2009 tăng 11,9%), trong khi ngành này đòi hỏi tăng trưởng ít nhất 15-17% mỗi năm mới đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 75% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2010) năm 2011 tăng thấp ở mức 9,5% (năm 2010 tăng 12,6%, 2009 tăng 5,6%).
- Theo nhận định chung của các nhà nghiên cứu, kinh tế thế giới năm 2011 gặp rất nhiều khó khăn và phát triển chậm, năm 2012 tiếp tục ảm đạm. Nằm trong xu thế chung của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam đang và sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành công nghiệp. Kể từ năm 2009 (năm khủng hoảng kinh tế thế giới) Chính phủ, các Bộ, Ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất nên cơ bản giữ được tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp ở mức khá so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2012, thậm chí một số năm tiếp theo, kinh tế thế giới và Việt Nam tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, Ngành và các doanh nghiệp cần có nhiều chính sách, giải pháp thiết thực, năng động và linh hoạt để đảm bảo cho công nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức để tăng trưởng ổn định.
2. Về xuất nhập khẩu:
- Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu tháng 12 năm 2011 ước đạt 8,9 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng 11/2011; trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 4,75 tỷ USD. Tính chung 12 tháng năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,25 tỷ USD tăng 33,3% so cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) xuất khẩu đạt 47,22 tỷ USD tăng 38,4% so cùng kỳ.
Tình hình xuất khẩu của một số mặt hàng công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ như sau: dầu thô ước đạt 8.267 nghìn tấn tăng 3,6% về lượng và tăng 45,9% về kim ngạch; than đá đạt 17,66 triệu tấn giảm 10,9% về lượng và tăng 3% về kim ngạch; xăng dầu các loại ước đạt 2,2 triệu tấn tăng 12,7% về lượng và tăng 53,6% về kim ngạch; sản phẩm hoá chất ước đạt 585 triệu USD tăng 40,6%; sản phẩm nhựa ước đạt 1,34 tỷ USD tăng 28,4%; hàng dệt may đạt 14,0 tỷ USD tăng 25,1%; hàng giày dép đạt 6,52 tỷ USD tăng 27,4%; hàng điện tử, vi tính và linh kiện đạt 4,19 tỷ USD tăng 16,9%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 1,27 tỷ USD tăng 33,4%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 4,12 tỷ USD tăng 34,5%; sắt thép đạt 1,8 triệu tấn tăng 56,3% về lượng và tăng 56,3% về kim ngạch; sản phẩm thép đạt 1,14 triệu USD tăng 38,4% so với cùng kỳ (mức tăng cao một phần do nhu cầu trong nước giảm).
- Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu tháng 12 năm 2011 ước đạt 9,6 tỷ USD tăng 1,9% so với tháng 11/2011; trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 4,5 tỷ USD. Tính chung 12 tháng năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 105,77 tỷ USD tăng 24,7% so cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhập khẩu đạt 47,76 tỷ USD tăng 29,2% so cùng kỳ. Nhập siêu 12 tháng năm đạt 9,51 tỷ USD bằng 9,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tình hình nhập khẩu của một số mặt hàng công nghiệp chủ yếu gồm: xăng dầu các loại đạt 10,65 triệu tấn tăng 11,2% về lượng và tăng 62,2% về kim ngạch; khí đốt hoá lỏng đạt 746 nghìn tấn tăng 6% về lượng và tăng 25,4% về kim ngạch; phân bón các loại đạt 4,23 triệu tấn tăng 20,6% về lượng và tăng 45% về kim ngạch (trong đó: phân ure đạt 1,14 triệu tấn tăng 15,8% về lượng và tăng 40,5% về kim ngạch); sắt thép các loại đạt 7,2 triệu tấn giảm 20,8% về lượng và tăng 1,8% về kim ngạch (trong đó phôi thép ước đạt 827 nghìn tấn giảm 58,4% về lượng); ôtô nguyên chiếc đạt 54,9 nghìn chiếc tăng 2,1% về lượng (do từ khi Thông tư số 20/2011/TT-BTC có hiệu lực, lượng xe ô tô nguyên chiếc dưới9 chỗ nhập khẩu đã chững lại so với các tháng đầu năm); linh kiện phụ tùng ôtô đạt 2,1 tỷ USD tăng 8,1%; xe máy nguyên chiếc đạt hơn 66,08 nghìn chiếc giảm 30,9% về lượng; linh kiện xe máy đạt 1 tỷ USD tăng 34% về kim ngạch; chất dẻo nguyên liệu đạt 2,5 triệu tấn tăng 5,8% về lượng; giấy các loại đạt 1,05 triệu tấn tăng 1,9% về lượng; máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 15,2 tỷ USD tăng 12% về kim ngạch; nguyên phụ liệu dệt may da đạt 2,93 tỷ USD tăng 12% về kim ngạch so với cùng kỳ.
3.Về các giải pháp, kiến nghị:
- Tập trung giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư, tiến độ giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm và các dự án có thể hoàn thành vào cuối năm 2011.
- Rà soát các dự án đã và đang cấp phép về sự phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, thu hồi các dự án chậm triển khai để dành quỹ đất cho các dự án có tính khả thi cao hơn, kế cả dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (đặc biệt là rà soát năng lực của chủ đầu tư về tài chính và kỹ thuật ).
- Tiếp tục triển khai việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để tăng hiệu quả của các doanh nghiệp này và thu hút thêm nguồn vốn của khu vực dân cư vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Từng bước thực hiện Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tăng cường quản lý nhằm nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.
- Các doanh nghiệp cần khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế như điện, than, xăng dầu, phân bón, sắt thép xây dựng,...; một số sản phẩm tiêu dùng như sản phẩm may mặc, giày dép, sữa, dầu thực vật,...và các sản phẩm xuất khẩu như dầu thô, sản phẩm may mặc, giày dép, cơ khí, dây và cáp điện,...
- Tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị trong nước đã sản xuất được, đồng thời thực hiện quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh.
- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dự báo, phân tích tình hình thị trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh./.

File đính kèm:
BCKTCongnghiepT12.11.pdf

Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2120
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)