Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã khởi động dự án “Tiếp cận chung tới tiến trình Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) tại Việt Nam và Lào” sáng 21/8, tại Hà Nội.
|
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu ở Bình Dương. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
|
Dự án này được Hội đồng châu Âu (EC) và Tổ chức hợp tác quốc tế Thủy Điển (SIDA) tài trợ, nhằm hỗ trợ cho chính phủ, các doanh nghiệp chế biến gỗ vừa và nhỏ, các tổ chức dân sự xã hội và các cộng đồng sống gần rừng ở các tỉnh biên giới với Lào tìm hiểu và tuân thủ Quy định về gỗ của EU. Theo Quy định này, mọi sản phẩm gỗ xuất khẩu vào thị trường EU đều phải chứng minh được có nguồn gốc hợp pháp.
Dự án sẽ được thực hiện trong 4 năm (2014-2018) với tổng kinh phí 2,6 triệu euro. Trong đó, EC tài trợ 80% và vốn đối ứng của WWF là 20%.
Mục tiêu đến năm 2020 dự án này sẽ góp phần đưa ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu phát triển bền vững, phù hợp với quy định của EU về tính hợp pháp của gỗ, có trách nhiệm với xã hội và bền vững về môi trường.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp, cho biết trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị Rừng và thương mại gỗ (FLEGT), Việt Nam đã chính thức đàm phán VPA với EU từ tháng 11/2010.
Việc đàm phán Hiệp định này sẽ đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU có nguồn gốc hợp pháp thông qua quy trình cấp phép FLEGT của Việt Nam đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường tiềm năng là các nước EU.
“Việc khởi động dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực của các bên liên quan trong tiến trình đàm phán Hiệp định VPA giữa Việt Nam với EU đang đi vào giai đoạn cuối để kết thúc trong vào cuối năm nay,” ông Ngãi nhấn mạnh.
Hiệp định VPA/FLEGT là Hiệp định thương mại cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu nhằm giải quyết các trở ngại trong việc sản xuất và xuất nhập khẩu các sản phẩm gỗ vào thị trường EU.
Cho đến thời điểm này, các bên đã đàm phán xong các nội dung cơ bản, bao gồm Khuôn khổ định nghĩa gỗ hợp pháp, Chuỗi cung ứng, Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, hệ thống cấp phép FLEGT và giám sát, đánh giá độc lập./.