Là ngành có nhiều tiềm năng và lợi thế, song dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng hạn chế so với nhu cầu thu hút vốn và những kỳ vọng.
Trong khi đầu tư nước ngoài của cả nước có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng đầu tư nước ngoài của cả nước. Điều này đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng dài hạn để thu hút vốn FDI.
FDI trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được đặc biệt coi trọng và được khuyến khích để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp.
Với quyết tâm vực dậy nguồn vốn này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh Bộ sẽ rà soát lại cơ chế chính sách để thực sự khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, từ đó tạo một môi trường đầu tư thuận lợi.
Bộ đang xây dựng Đề án tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030, không để tình trạng thiếu đồng bộ giữa chính sách và triển khai trong thực tế.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nút thắt khiến nguồn vốn FDI vào nông nghiệp trong thời gian dài vừa qua ảm đạm như vậy do đầu tư vào nông nghiệp không có lợi nhuận nhanh như các ngành hàng khác, trong khi ngành này hay gặp nhiều rủi ro về thiên tai chưa kể những rủi ro về thị trường.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan trên, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc thu hút FDI vào nông nghiệp đạt hiệu quả thấp còn xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan như ngành nông nghiệp vẫn thiếu một chiến lược, định hướng dài hạn thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn một cách rõ ràng nhằm xác định vị trí của nguồn vốn đối với nhu cầu đầu tư phát triển của ngành nông nghiệp; những dự án cụ thể cần ưu tiên đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng mạnh về nông nghiệp; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp chưa rõ ràng và minh bạch...
Cùng với đó, theo nhiều chuyên gia, cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách ở nhiều địa phương cũng là những trở ngại lớn làm cho nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp.
Trong điều kiện sản xuất nông lâm nghiệp manh mún, phân tán hiện nay, việc tập trung một vùng đất đai rộng lớn cho một chủ đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu tập trung là điều rất khó khăn và phức tạp. Do vậy, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng việc thu hút đầu tư nước ngoài vào trồng trọt “hơi khó,” nên tập trung đầu tư, khuyến khích vào lĩnh vực chế biến vì hiện nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô. Đồng thời, để tạo nên các sản phẩm nông sản mang thương hiệu quốc gia, có thể chen chân vào chuỗi giá trị thế giới cần đầu tư hơn nữa cho công nghiệp chế biến.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, các chính sách ưu đãi về thuế, hạ tầng... tuy rất tốt nhưng chưa đủ “lôi kéo” các doanh nghiệp nước ngoài đến với nông nghiệp Việt Nam.
Việc giảm thuế cũng là một điều tốt nhưng không phải vấn đề chính. Cần phải hướng đến đúng mục tiêu nhà đầu tư nước ngoài cần gì rồi hãy đặt ra chính sách.
Khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chế biến, họ dường như đã bảo đảm đủ điều kiện về vốn, công nghệ, thị trường. Cái chính doanh nghiệp cần là nhà máy hoạt động tốt và đó là vấn đề đầu vào.
Để làm được điều trên, vẫn phải có một vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại của những doanh nghiệp.
Nhà đầu tư nước ngoài không thể sở hữu được vùng nguyên liệu quá rộng, do đó phải giải quyết được bài toán lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Văn Toàn cũng lưu ý, bản thân doanh nghiệp khó có thể tự làm được điều này. Phải có “bàn tay” của Nhà nước với các chính sách, quy hoạch cụ thể, thậm chí các địa phương phải “xắn tay” vào tham gia và bản thân nông dân cũng phải có cái nhìn nhận đúng về vấn đề này để cùng hợp tác.
Do đó, rất cần có một mô hình điểm, với sự đỡ đầu của Nhà nước, với các chính sách, cách thức hoạt động cụ thể từ đó tạo sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng cần xác định quyền và trách nhiệm cho nhà đầu tư trong việc đưa ra các biện pháp bảo vệ vùng nguyên liệu của họ.
Bên cạnh các chính sách tín dụng ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp đầu tư, tạo vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu kinh doanh, chính quyền địa phương có trách nhiệm bảo vệ và duy trì các vùng nguyên liệu đã quy hoạch cho dự án FDI, đảm bảo cung cấp đầy đủ nguyên liệu tập trung cho nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, nhịp độ thu hút vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp đã đạt mức cao giai đoạn 1991-2000. Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này đã giảm mạnh.
Nếu như cách đây 15 năm, FDI vào nông lâm ngư nghiệp chiếm 15% trong tổng vốn đầu tư FDI của cả nước thì trong ba năm gần đây chiếm chưa đến 0,5%.
Cụ thể, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn FDI đăng ký mới và bổ sung từ năm 2011-2013 tăng liên tiếp, từ 14,7 tỷ USD (năm 2011) lên 21,6 tỷ USD (năm 2013). Trong khi đó, FDI vào nông nghiệp liên tục giảm trong thời gian này, từ 130,7 triệu USD (năm 2011) xuống còn 86,73 triệu USD (năm 2013).
Tính đến tháng 9/2014, cả nước có 514 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,63 tỷ USD, chiếm 3,01% tổng số dự án và 1,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, đứng thứ 9 trong số 18 ngành kinh tế có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Như vậy bình quân mỗi năm nông nghiệp chỉ thu hút được khoảng 20 dự án và 130 triệu USD trong tổng số dự án FDI được cấp phép đầu tư ở Việt Nam là 17.072 dự án với tổng vốn 241,6 tỷ USD. Qua đó có thể thấy, tỷ trọng vốn FDI trong nông nghiệp là rất thấp trong cơ cấu ngành kinh tế và có xu hướng ngày càng giảm.
Hiện có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, đứng đầu là Đài Loan. Tuy nhiên, nhiều nhà nhà đầu tư chủ yếu đến từ khu vực châu Á có nền công nghệ chưa cao như Thái Lan, Đài Loan, Indonesia..., còn các các nước có nền công nghệ cao như Mỹ, Nhật Bản, EU lại chưa thu hút được nhiều dự án FDI vào nông nghiệp.
Không chỉ vậy, chất lượng các dự án FDI lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, phần lớn là các dự án quy mô nhỏ. Nếu như quy mô vốn đầu tư bình quân một dự án FDI vào khoảng 14,7 triệu USD thì một dự án FDI nông nghiệp chỉ đạt 6,6 triệu USD.
Bên cạnh đó, sự phân bổ vốn FDI trong nông nghiệp cũng không đồng đều. Các dự án FDI tập trung chủ yếu ở các dự án thu hồi vốn nhanh như chăn nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi, trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, thủy sản. Trồng rừng và chế biến gỗ chiếm khoảng 78% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, trong khi các ngành chế biến nông sản, thủy sản còn rất khiêm tốn./.