Vùng đầm phá và vùng cát ven biển Thừa Thiên Huế có đến 42 xã, thị trấn thuộc năm huyện, thị xã gồm Phong Ðiền, Quảng Ðiền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc, rộng hàng chục nghìn hécta với khoảng 450.000 người sinh sống, trong đó khoảng hơn 41% dân số đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
|
Ao nuôi tôm của một hộ gia đình ởThừa Thiên Huế.(Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
|
Theo quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ven biển và đầm phá đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế huy động tổng nguồn vốn đầu tư 709 tỷ đồng phát triển nuôi trồng thủy sản đạt 19.516 tấn vào năm 2015 và đạt 24.116 tấn vào năm 2020.
Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao, ổn định và bền vững trên cơ sở khai thác và sử dụng hợp lý các tiềm năng, lợi thế về đất và mặt nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo sinh kế, tăng thu nhập và nâng cao mức sống cho người dân ở trong vùng.
Trước mắt, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng 30 ha tại vùng cát ven biển huyện Phong Điền để xây dựng nhóm trại sản xuất và dịch vụ cung ứng giống cho vùng nuôi trên cát; củng cố hệ thống trại sản xuất và dịch vụ giống tôm sú tại huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc; phát triển mạng lưới ươm giống tại các xã nuôi trồng thủy sản trọng điểm, đảm bảo chủ động nguồn cung cấp con giống cho người nuôi trồng.
Tỉnh khơi thông luồng lạch, bằng việc tập trung giải tỏa 300 ha ao nuôi hạ triều vùng đầm phá, chuyển 308 ha nuôi chắn sáo trên phá Tam Giang, tại các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc sang nuôi sinh thái kết hợp phục vụ du lịch.
Các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng 1.064 ha diện tích nuôi tôm chân trắng thâm canh công nghiệp trên vùng cát ven biển; ổn định 1.091 ha nuôi chuyên tôm sú bán thâm canh vùng cao triều ven đầm phá; nuôi xen ghép 1.659 ha quảng canh cải tiến vùng hạ triều đầm phá; phát triển 2.360 ha diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, tăng 525 ha.
Các địa phương cũng khai thác sử dụng 1.500 ha mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ tự nhiên để nuôi thủy sản nước ngọt bằng lồng hoặc thả giống theo phương thức quảng canh cải tiến; duy trì nuôi lồng 4.000 lồng, trong đó nước lợ vùng đầm phá là 2.000 lồng và nuôi nước ngọt 2.000 lồng.
Hiện tại, tỉnh Thừa Thiên Huế đang hợp tác với Tập đoàn C.P (Charoen Pokphand Group) Thái Lan để mở rộng và phát triển nuôi tôm trên cát tại huyện Phong Điền, Quảng Điền theo công nghệ nuôi tôm Green House (nuôi tôm sạch và khép kín trong mọi thời tiết). Đây là công nghệ hiện đại nhất của tập đoàn và được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới.
Theo thỏa thuận, Tập đoàn C.P Thái Lan sẽ đầu tư nuôi tôm ở bốn khu nuôi tôm tại Phong Điền và Quảng Điền với diện tích 4.000 ha; trong đó, 1.000 ha nuôi tôm cao triều và 3.000 ha nuôi tôm hạ triều.
Ông Chingchai Lohawatanakul - Chủ tịch Ban điều hành Tập đoàn C.P Thái Lan cho biết Tập đoàn đã có năm dự án đầu tư tại Thừa Thiên Huế, trong các lĩnh vực chế biến thủy sản, nuôi tôm, chăn nuôi với tổng giá trị đầu tư gần 65 triệu USD; trong đó, tập đoàn đầu tư 30 triệu USD xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy đông lạnh công suất từ 10.000 - 12.000 tấn tôm nguyên liệu mỗi năm.
Nhà máy hướng tới mục tiêu thu mua nguyên liệu, chế biến sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản trong vùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương./.