Theo thống kê của Ban thư ký Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), hiện tại có tổng cộng 92 Hiệp định thương mại tự do (FTA) liên quan đến ASEAN và các nước thành viên ASEAN (AMS), bao gồm những hiệp định đã có hiệu lực, đã ký song chưa có hiệu lực, đang trong tiến trình đàm phán hoặc tham vấn và nghiên cứu.
Trong số 92 Hiệp định nói trên, có 87 FTA song phương giữa các AMS với các đối tác kinh tế chủ chốt (gọi tắt là FTA AMS), và năm FTA giữa ASEAN với năm đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand (gọi tắt là FTA ASEAN).
|
Dây chuyền đóng gói sản phẩm nước ép hoa quả của Công ty Cổ phần Công nghệ Thực phẩm Việt Mỹ tại Cụm công nghiệp Hapro, huyện Gia Lâm (Hà Nội). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) |
Nhà nghiên cứu kinh tế Deni Friawan thuộc Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế (CSIS) chỉ ra một điểm rất đáng chú ý là nhiều nghiên cứu của các chuyên gia quốc gia và khu vực cũng như các cơ quan phát triển cho thấy FTA ASEAN không những có số lượng ít mà tỷ lệ sử dụng chúng trong giao dịch thương mại của các doanh nghiệp ASEAN cũng rất thấp.
Chẳng hạn, tại Indonesia, việc sử dụng chứng nhận xuất xứ mặc dù đã gia tăng trong những năm gần đây, song mới chỉ có 16-17% số doanh nghiệp của nước này sử dụng FTA ASEAN. Tỷ lệ này thấp hơn so với của Malaysia (24%), Việt Nam (31%) và Thái Lan (61,3%).
Nhìn chung, tỷ lệ sử dụng FTA AMS của các doanh nghiệp ASEAN cao hơn so với FTA ASEAN. Ví dụ, tỷ lệ sử dụng FTA Indonesia-Nhật Bản của các doanh nghiệp Indonesia là 32%, cao hơn các tỷ lệ sử dụng FTA ASEAN tương ứng từ 2-23% với năm đối tác nêu trên, trong đó thấp nhất là với New Zealand (2%) và cao nhất là với Trung Quốc (23%).
Các FTA AMS dường như cung cấp những ưu đãi hấp dẫn hơn đối với các sản phẩm chủ lực và có những quy định về xuất xứ hàng hóa đơn giản hơn so với các FTA ASEAN. Cũng vì lý do này mà không có gì ngạc nhiên khi việc sử dụng FTA ASEAN chủ yếu là các công ty đa quốc gia. Hứa hẹn về những lợi ích tiềm năng từ các FTA ASEAN dường như còn chưa đến được với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong khu vực.
Chuyên gia Deni Friawan cho biết, cuộc khảo sát do Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN- BAC) tiến hành trong năm 2012 cho thấy sự thiếu thông tin về các FTA ASEAN và thiếu cơ hội cho mạng lưới khu vực là rào cản lớn nhất đối với sự tham gia của các SME trong thương mại khu vực và quốc tế.
Ở Indonesia, mặc dù chiếm 99,9% tổng số doanh nghiệp, cung cấp 97,2% việc làm và đóng góp tới 57% vào GDP của nền kinh tế quốc dân, song sự tham gia của các SME và các doanh nghiệp siêu nhỏ vào các FTA ASEAN còn rất khiêm tốn.
Chính vì thực tế này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin), với sự hỗ trợ của ASEAN-BAC, Viện quốc tế về Phát triển bền vững (IISD) và Văn phòng Ngoại giao và Khối thịnh vương chung (FCO) của Anh mới đây đã tổ chức Diễn đàn đối thoại SME nhằm hỗ trợ việc tăng cường sử dụng các FTA ASEAN.
Kadin cho rằng Indonesia cần học hỏi từ nước láng giềng Philippines trong nỗ lực nâng cao nhận thức và sử dụng các FTA ASEAN cho các doanh nghiệp trong nước. Từ năm 2010, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines (DTI) đã tiến hành một chiến dịch thông tin quy mô lớn ở cấp quốc gia về FTA ASEAN cho các doanh nghiệp. Nhờ vậy mà Philippines là quốc gia có tỷ lệ SME sử dụng các FTA ASEAN cao nhất trong khối.
Theo Ban Thư ký ASEAN, trong năm 2012, tỷ lệ này của các công ty Philippines đối với FTA ASEAN-Australia/New Zealand đạt 76,1%, cao hơn so với Thái Lan (24,6%), Việt Nam (15,9%) và Indonesia (1%)./.