Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/06/2015-17:02:00 PM
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2015 tăng 0,35% so với tháng 5/2015
(MPI Portal) - Theo số liệu công bố ngày 24/6/2015 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2015 tăng 0,35% so với tháng 5/2015, tăng 1% so cùng kỳ năm 2014, tăng 0,55% so với tháng 12/2014. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,86%.
Ảnh: Internet

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 8 nhóm tăng: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,24%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,17%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,3%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,38%; Giao thông tăng 3,54%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,26%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%. Chỉ số giá nhóm Giáo dục không tăng. Chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,03%; Bưu chính viễn thông giảm 0,03%.

Các yếu tố khiến CPI giảm như: Giá các mặt hàng lương thực giảm do nguồn cung dồi dào; Giá gas trong nước điều chỉnh giảm vào ngày 01/6/2015 (giảm 14.000 đồng/bình 12 kg), chỉ số giá gas giảm 2,27% so với tháng 5/2015; Thêm vào đó, giá dầu hỏa trong nước được điều chỉnh giảm vào ngày 21/5/2015 và ngày 04/6/2015 (giảm 440đ/lít).

CPI 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2001 trở lại đây: Bình quân mỗi tháng CPI chỉ tăng 0,1%, sau 6 tháng CPI tăng 0,55% so với cuối năm 2014. Như vậy, nếu không có những đột biến trong 6 tháng cuối năm, CPI năm 2015 sẽ đạt được mục tiêu đề ra của Quốc hội. Khi CPI giữ được ở mức ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, các doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng, mở rộng sản xuất, giảm giá thành, kích thích nhu cầu tiêu dùng.

CPI 6 tháng đầu năm 2015 đang ở mức thấp góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra. Yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp nhưng những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chính phủ và một số bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI./.

Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 4809
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)