1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản:
1.1 Nông nghiệp:
a. Trồng trọt:
+ Gieo trồng vụ Đông Xuân 2015-2016 toàn tỉnh đến ngày 15/10/2015 được 1.306 ha tăng 1,63% so cùng kỳ, diện tích tăng chủ yếu từ các cây trồng cho thu hoạch năm sau, tập trung nhiều nhất ở cây mì (700 ha, tăng 38,07%) nhờ thời tiết thuận lợi, chi phí thấp đem lại hiệu quả cao cho người sản xuất.
Ngược lại, đối với các cây trồng thu hoạch trong vụ, tiến độ lại khá chậm, mới đạt 606 ha (-21,65%), trong đó cây lúa là 304 ha, chỉ bằng 78,35% diện tích cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết trong những ngày qua mưa nhiều làm chậm tiến độ thu hoạch vụ Mùa, không kịp giải phóng đất cho gieo trồng vụ mới ở một số cây trồng, mặc dù yếu tố thị trường hiện nay khá thuận lợi, giá thu mua một số mặt hàng nông sản có xu hướng tăng.
+Thu hoạch vụ Mùa đã được tiến hành rải rác, đến nay toàn tỉnh thu hoạch được 3.986 ha chiếm 6,53% trên tổng diện tích gieo trồng (không tính cây mía, cây mì), trong đó chủ yếu là cây lúa 1.653 ha (đạt 2,71% diện tích gieo trồng), rau đậu các loại 1.882 ha.
Đối với cây trồng vụ trước (mía, mì), đến nay đã thu hoạch được 17.043ha, giảm nhẹ so cùng kỳ năm trước (-1,62%), trong đó cây mì đạt 15.409 ha, giảm 2,81%; mía đạt 1.634 ha, tăng 10,85% so cùng kỳ năm trước.
+Tình hình sâu bệnh: trong tháng này, tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng, một số sâu bệnh phát sinh gây hại nổi bật trên các loại cây trồng như: bệnh đạo ôn, rầy nâu, sâu cuốn lá, khô vằn trên cây lúa; sâu xanh, rầy mềm, bệnh thán thư trên rau các loại; sâu đục thân trên cây mía; vàng rụng lá, nấm hồng trên cao su…. Trên cây lúa diện tích nhiễm dịch hại là 2.819 ha, tăng mạnh so với tháng trước, tuy nhiên đa số đều ở tỷ lệ nhiễm nhẹ, không ảnh hưởng đến sinh trưởng cây trồng….
b. Chăn nuôi:
Trong tháng, tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, dịch bệnh nguy hiểm không xảy ra, chỉ xảy ra lẻ tẻ một số bệnh truyền nhiễm trên động vật, nhưng đã được phát hiện xử lý và khống chế kịp thời. Xu hướng hiện nay chăn nuôi trâu giảm do không còn đồng cỏ để chăn thả, chăn nuội bò thịt tăng trở lại, nuôi bò sữa có xu hướng tăng nhờ có các dự án nuôi tập trung đầu tư ở huyện Trảng Bàng; đàn lợn tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do các cơ sở chăn nuôi vẫn duy trì ổn định đàn; bên cạnh đó số trang trại nuôi gia công ngày càng phát triển do kinh doanh tương đối ổn định và đem lại hiệu quả.
Chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm của chúng cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh số trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng, mô hình nuôi trại lạnh được phát triển và duy trì ổn định, nuôi gia công phát triển mạnh do được đảm bảo về nguồn cung cấp giống, thức ăn và tiêu thụ do vậy chăn nuôi ngày càng ổn định hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện thịt gia cầm nhập ngoại nên việc cạnh tranh gay gắt hơn với gà nhập, so với tháng trước giá thịt gà hơi giảm đã ảnh hưởng đến chăn nuôi gia cầm trong tỉnh.
1.2 Lâm nghiệp:
Trong tháng, các dự án rừng tập trung công tác trồng, chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ rừng theo kế hoạch đề ra. Các dự án và ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, phòng chống cháy, chống chặt phá rừng và khai thác lâm sản trái phép. Trong kỳ, ngành kiểm lâm đã phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính 18 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tăng 01 vụ so CK năm trước, trong đó 01 vụ phá rừng diện tích bị tác động 0,17 ha, 01 vụ vi phạm các quy định chung về quản lý bảo vệ rừng, 15 vụ vi phạm quy định về khai thác gỗ và lâm sản, 01 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ động vật hoang dã, xảy ra trên địa bàn các huyện Tân Châu, Tân Biên.
Về công tác trồng rừng: Trong tháng, các dự án đã trồng được 101 ha rừng tập trung, lũy kế từ đầu năm đến nay đã trồng 291,60 ha đạt 92,57% so với kế hoạch năm và giảm 39,03% so cùng kỳ…. Công tác chăm sóc rừng trồng: các Ban quản lý rừng đã hoàn thành chăm sóc rừng lần 1 và đang triển khai công tác chăm sóc lần 2 với diện tích 1.634 ha đạt 100,0% kế hoạch năm.
1.3 Thủy sản:
Tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì ổn định, diện tích nuôi trồng thủy sản ước thực hiện 933 ha, tăng 1,52% so với cùng kỳ. Diện tích nuôi cá tăng tập trung chủ yếu ở diện tích nuôi cá khác; diện tích nuôi cá tra không tăng do giá thu mua giảm, người dân không mở rộng thêm diện tích. Tuy nhiên diện tích cá tra do Công ty thực phẩm Miền Đông quản lý vẫn tiếp tục duy trì và đầu tư để đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến .
Sản lượng nuôi trồng trong tháng ước thực hiện 741,50 tấn, lũy kế từ đầu năm đến nay ước đạt 12.828 tấn tăng 13,59% so với cùng kỳ; sản lượng khai thác ước đạt 47,9 tấn, lũy kế ước thực hiện 3.006 tấn tăng 0,35% so cùng kỳ;
Sản xuất giống thủy sản đã đáp ứng nhu cầu nuôi trồng trong tỉnh, từ đầu năm đến nay sản xuất được 116,69 triệu con, giảm 4,74%, trong đó cá giống thực hiện là 116,15 triệu con, giảm 4,8% so cùng kỳ, sản lượng giống giảm chủ yếu là giống các tra giảm.
2. Sản xuất công nghiệp:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh ước thực hiện tháng 10/2015 tăng 6,54% so với tháng trước, tập trung ở một số ngành: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất tăng 6,83%, trong đó: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,21%, sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 3,45%, sản xuất trang phục tăng 9,49%, công nghiệp dệt tăng 2,29%; Sản xuất và phân phối điện tăng 1,31%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu giảm nhẹ 3,04% so với tháng trước.
Luỹ kế mười tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,60% so cùng kỳ năm 2014. Một số nhóm ngành có chỉ số tăng cao như: Khai khoáng tăng 28,74%, do vùng nguyên liệu được mở rộng, chủ yếu khai thác đá tăng 39,54% và khai thác cát tăng 3,3%; Nhóm ngành CN chế biến tăng 13,69%, trong đó: sản xuất săm lốp cao su tăng 44,67% do có năng lực mới đi vào hoạt động mạnh, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 22,91%, là do thời gian hoạt động của một số doanh nghiệp mới năm nay nhiều hơn so với cùng kỳ (Cty TNHH Young IL); sản xuất trang phục tăng 15,90% có thêm DN mới đi vào hoạt động ổn định (Cty TNHH may mặc First Team Việt Nam), sản xuất sản phẩm từ khoáng kim loại khác tăng 2,8% chủ yếu do Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh tăng sản lượng; Nhóm ngành hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu giảm 7,2%; Nhóm ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 17,09% do nhu cầu sử dụng điện tăng; ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,09% trong đó sản xuất đường cũng tăng 0,75% so cùng kỳ năm 2014, chủ yếu do Nhà máy đường Nước trong sản xuất vô vụ sớm hơn 10 ngày, so với niên vụ trước.
Hầu hết các sản phẩm sản xuất chủ yếu của tỉnh đều có chỉ số sản xuất mười tháng tăng khá so cùng kỳ, cụ thể: bột mì tăng 8,88% do nguồn nguyên liệu tăng; đường các loại tăng 0,79%; quần áo các loại tăng 10,91%; giày các loại tăng 14,65%; điện thương phẩm tăng 28,77%; nước máy sản xuất tăng 10,88%; Vỏ ruột xe các loại tăng 21,08%; xi măng tăng 2,8%; … so cùng kỳ năm 2014.
3. Vốn đầu tư phát triển:
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước tháng 10/2015 đạt 197 tỷ đồng, tăng 9,49% so tháng trước. Bao gồm vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 81 tỷ đồng (+ 15,35%); ngân sách cấp huyện đạt 112 tỷ đồng (+ 12,30%). Nhiều công trình trọng điểm có giá trị thực hiện trong tháng tăng cao, cụ thể: công trình đường 785 Giồng Cà ước đạt 05 tỷ đồng (+ 28,0%); Đường Nguyễn Trọng Cát 03 tỷ đồng (+27,0%); các công trình thuộc huyện Trảng Bàng ước đạt 15,71 tỷ đồng (+ 6,23%); công trình thuộc huyện Dương Minh Châu đạt 6,9 tỷ đồng (+ 9,52%); công trình thuộc TP.Tây Ninh đạt 15,13 tỷ đồng, cũng tăng 6,18% so tháng trước;… Vốn ngân sách cấp xã tháng này có giá trị ước thực hiện 4,67 tỷ bằng 90,57% so tháng trước.
Cộng dồn 10 tháng, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt 1.667 tỷ đồng, đạt 78,96% kế hoạch năm, tăng 17,09% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn ngân sách cấp tỉnh đạt 869 tỷ đồng tăng 22,61%; vốn ngân sách cấp huyện đạt 774 tỷ đồng, tăng 12,30% so với cùng kỳ; Riêng các công trình do cấp xã quản lý có nguồn vốn đạt 23,73 tỷ đồng, chỉ bằng 93,16% so vời cùng kỳ năm 2014.
4. Giao thông vận tải:
Vận tải hành khách tháng 10/2015 ước tính đạt 1.193 nghìn lượt khách, giảm 10,21% và luân chuyển được 87.001 nghìn lượt khách.km, cũng giảm 4,9% so tháng trước. Lũy kế mười tháng, vận chuyển hành khách đạt 13.019 nghìn lượt khách, tăng 6,14%, luân chuyển hành khách đạt 922.362 nghìn lượt khách.km, tăng 7% so cùng kỳ . Nếu xét theo ngành vận tải thì sản lượng hành khách vận chuyển đường bộ là chủ yếu tăng 6,36%, chiếm tỷ trọng đến 96,12% khối lượng vận chuyển của ngành vận tải hành khách; Khối lượng đường thủy cũng tăng 0,9% so cùng kỳ năm 2014.
Vận tải hàng hóa trong tháng phát triển khá hơn; khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tháng 10 đạt 1.007 nghìn tấn, tăng 0,65% và luân chuyển được 70.837 nghìn tấn.km, tăng 0,34% so tháng trước; sản lượng vận tải hàng hóa trong tháng tăng chủ yếu do vận chuyển nông sản thu hoạch trong tháng 10 tăng. Mười tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa ước tính đạt 10.094 nghìn tấn, tăng 5,02% và luân chuyển được 718.693 nghìn tấn.km, tăng 5,76%. Vận tải hàng hóa của tỉnh phát triển tập trung ở vận tải đường bộ với khối lượng hàng hóa vận chuyển trong 10 tháng đầu năm ước đạt 10.000 nghìn tấn, tăng 5,05%, luân chuyển 703.370 nghìn tấn.km, cũng tăng 5,82% so cùng kỳ năm trước.
5. Thương mại - Xuất nhập khẩu:
a) Thương mại:
Tổng mức bán lẻ hàng hóa, và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tháng 10/2015 đạt 4.830 tỷ đồng, tăng 4,08% so tháng trước. Bao gồm: kinh tế nhà nước đạt 409 tỷ đồng, tăng 27,0%, trong đó, riêng doanh thu của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (có doanh thu của hoạt động xổ số) ước đạt 287 tỷ đồng, tăng 30,49% (do số kỳ phát hành vé số trong tháng 10 tăng so tháng 9); kinh tế ngoài nhà nước đạt 4.416 tỷ đồng, tăng 2,37%; và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5,1 tỷ đồng, cũng tăng 1,61% so tháng trước. Xét theo ngành kinh tế, thương nghiệp đạt 3.761 tỷ đồng, tăng 3,11%; khách sạn, nhà hàng đạt 567 tỷ đồng, tăng 0,71%; ngành dịch vụ (có doanh thu của hoạt động xổ số) đạt 499 tỷ đồng, cũng tăng 16,79%; ngành du lịch lữ hành đạt 2,1 tỷ đồng (+ 3,58%).
Cộng dồn 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 45.599 tỷ đồng, tăng 9,79% so cùng kỳ; Trong đó, ngành kinh doanh thương nghiệp đạt 35.116 tỷ đồng, tăng 9,84%; một số nhóm hàng tăng là nhóm lương thực, thực phẩm tăng 13,12%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,03%; hàng may mặc tăng 40,75%, trang thiết bị gia đình tăng 0,53%; bên cạnh đó, nhóm hàng xăng, dầu các loại giảm 6,79% (chủ yếu do do giá xăng liên tục giảm); Doanh thu ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống 10 tháng ước đạt 5.736 tỷ đồng, tăng 9,25% so cùng kỳ; du lịch lữ hành đạt 17,9 tỷ đồng, giảm 4,11%; và các ngành dịch vụ tiêu dùng khác đạt 4.728 tỷ đồng tăng 10,19% so cùng kỳ.
b) Xuất, nhập khẩu:
+ Xuất khẩu: ước kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2015 đạt 257 triệu USD, tăng 3,08% so tháng trước. Trong đó, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) xuất 206 triệu USD, tăng 2,95%; kinh tế tư nhân đạt 49 triệu USD, tăng 3,67%; kinh tế nhà nước đạt 1.87 triệu USD, tăng 1,96% so tháng trước. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh cũng có kim ngạch xuất khẩu trong tháng tăng như: hàng dệt may đạt 70 triệu USD, tăng 0,8%; giày dép các loại đạt 43 triệu USD (+ 3,35%), Xơ sợi dệt các loại đạt 18 triệu USD (+4,25%) ; Cao su đạt 27 triệu USD, (+ 4,0%); hạt điều đạt 11 triệu USD, (+2,1%), và đáng chú ý là sắn, các sản phẩm từ sắn giá trị XK tháng 10 ước đạt 12,8 triệu USD (+4,57%), nhưng khối lượng XK trong tháng tăng 8,63% so với tháng trước, điều đó cho thấy giá sắn XK đã chững lại và giảm.
Cộng dồn 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.145 triệu USD, tăng 24,88% so cùng kỳ. Xuất khẩu tăng chủ yếu ở khu vực có vốn ĐTNN, cụ thể: kinh tế có vốn ĐTNN ước 10 tháng xuất 1.738 triệu USD, tăng 28,71%; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của khu vực này cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có mức tăng cao, cụ thể: hàng dệt may đạt 571 triệu USD (+ 10,57%), giày dép các loại đạt 408 triệu USD (+ 12,71%); kinh tế tư nhân đạt 386 triệu USD, tăng 12,73%, trong đó chủ yếu các mặt hàng cao su đạt 206 triệu USD (+52,90%), hạt điều 96,8 triệu USD (+5,58%) và sắn các sản phẩm từ sắn đạt 97 triệu USD (+5,34%); Riêng khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 18,9 triệu USD giảm 18,20%, so cùng kỳ năm trước.
+ Nhập khẩu: kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tháng này ước đạt 187 triệu USD, tăng 2,66% so tháng trước. Trong đó, kinh tế tư nhân nhập 12,7 triệu USD, tăng 3,81% kinh tế có vốn ĐTNN nhập 173 triệu USD, tăng 2,58% so tháng 9/2015.
Lũy kế 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.493 triệu USD, tăng 25,90% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kinh tế có vốn ĐTNN luôn là khu vực nhập khẩu chủ yếu của tỉnh, đạt 1.343 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 90%, tăng 28,79%; khu vực kinh tế tư nhân đạt 145 triệu USD tăng 7,35%, khu vực kinh tế nhà nước và cá thể nhập không đáng kể. Các mặt hàng nhập khẩu chủ lực của tỉnh là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và gia công hàng xuất khẩu, hàng nông sản thô cũng có kim ngạch nhập khẩu tăng khá, cụ thể: vải may mặc đạt 300 triệu USD, tăng 39,01%; nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 203 triệu USD (+39,01%); xơ, sợi dệt đạt 54,6 triệu USD, tăng 50,24%; máy móc thiết bị phụ tùng khác đạt 147 triệu USD, tăng 23,36%.
6. Chỉ số giá tiêu dùng:
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2015 tăng 0,28% so với tháng trước, giảm 0,32% so với cùng tháng năm trước nhưng tăng 0,50% so với tháng 12 năm. Nguyên nhân chủ yếu từ việc biến động giá xăng dầu. Trong tháng này đến 18/10 giá xăng dầu các loại liên tục được điều chỉnh tăng (với tổng hai lần tăng từ 410 đồng/lít đến 800 đồng/lít tuỳ từng loại), là mặt hàng thiết yếu tham gia vào hầu hết quá trình sản xuất và kinh doanh nên việc tăng giá xăng dầu ít nhiều cũng đã ảnh hưởng làm cho giá cả một số hàng hóa, dich vụ tăng lên.
Tình hình biến động giá bán các mặt hàng, nhóm hàng trong tháng , cụ thể như sau:
Nhóm lương thực tăng 0,46%, chủ yếu do giá một số mặt hàng như ngô hạt tăng 2,17%, khoai lang tăng 1,17% … so với tháng trước, nguyên nhân do chi phí vận chuyển tăng (những mặt hàng này được nhập khẩu nhiều từ Campuchia).
Chỉ số nhóm thực phẩm tháng này tăng 0,32%, trong đó các mặt hàng thuộc nhóm gia súc giảm, gia cầm tương đối ổn định so với tháng trước.
Nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 3,09%, trong đó một số mặt hàng có chỉ số tăng như: Cà chua tăng 10,11%, đỗ quả tươi (đỗ cô ve) tăng 7,64%, củ cải trắng tăng 5,71%, rau cải xanh tăng 3,62%, hành củ tím tăng 3,69%, tỏi khô tăng 5,07%... so với tháng trước nguyên nhân do trong tháng xuất hiện nhiều cơn mưa to kéo dài trên diện rộng đã ảnh hương không nhỏ cho việc trồng rau tươi mặt khác do chi phí vận chuyển rau tươi từ các tỉnh khác về Tây Ninh tăng (giá xăng dầu tăng) cũng là nguyên nhân làm cho giá rau tươi các loại tăng lên.
Nhóm quả tươi và chế biến tăng 1,06% so với tháng trước do tính chất mùa vụ một số trái cây đã hết vụ thu hoạch rộ và một số do thị trường xuất khẩu được mở rộng, nhu cầu xuất khẩu tăng đã làm cho giá bán một số mặt hàng trong nhóm này tăng lên so với tháng trước.
Chỉ số giá các mặt hàng, nhóm hàng phi lương thực, thực phẩm biến động cụ thể như sau: Nhóm may mặc mũ nón, giày dép tăng 0,35%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,16%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,44%; nhóm giao thông tăng 0,48%, trong đó giá xăng dầu các loại tăng 0,46% so với tháng trước; nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,77%, trong đó đồ trang sức tăng 0,55% nguyên nhân do giá vàng nguyên liệu tăng. Các nhóm còn lại tương đối ổn định so với tháng trước.
Giá vàng và đôla Mỹ: Do ảnh hưởng của giá vàng, giá Đô la Mỹ trên thị trường thế giới, giá vàng bình quân tháng 10/2015 là 3.395.000 đồng/chỉ, tăng 9.000đ/chỉ (+0,27%); giá Đô la Mỹ tháng này là 22.375 đ/USD, giảm 90 đồng/USD (-0,39%) so với tháng 9 năm 2015.
7. Thu chi ngân sách:
a) Thu ngân sách:
Ước tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 10/2015 đạt 456 tỷ đồng, cộng dồn 10 tháng 4.977 tỷ đồng, đạt 92,18% dự toán năm, tăng 14,08% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 2.907 tỷ đồng, đạt 83,08% dự toán, bằng 111,31% so cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 10 tháng đạt khá so với dự toán năm 2015. Trong đó có một số khoản đạt khá như: Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 193 tỷ, tăng 9,86%; lệ phí trước bạ tăng 38,01%; thuế bảo vệ môi trường tăng 135,13%, thuế thu nhập cá nhân tăng 14,73%, thu tiền thuê đất tăng 19,91% so cùng kỳ. Cũng có khoản thu đạt thấp như thu từ DN nhà nước 384 tỷ, bằng 61,05% dự toán năm, giảm 15,51% so với cùng kỳ; và thu tiền sử dụng đất cũng chỉ bằng 86,47% so cùng kỳ.
Tác động đến kết quả thu ngân sách 10 tháng khá tích cực nhờ những nguyên nhân như: Tình hình kinh tế của tỉnh có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên các mặt hàng chủ lực củ tỉnh như: mủ cao su, bội mì, đường mía vẫn đang ở mức thấp. Một số chính sách thuế được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 như: Thông tư 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính các loại phân bón, thức ăn gia súc được miễn thuế GTGT và giảm thuế TNDN do bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; Thực hiện Nghị quyết 888a/2015/UBTVQH13, ngày 01/5/2015 thực hiện thu thế Bảo vệ môi trường theo mức mới gấp 03 lần so với trước đây từ ngày 01/5/2015....
b) Chi ngân sách:
Chi ngân sách ước tháng 10/2015 đạt 519 tỷ đồng, nâng mức chi 10 tháng đạt 4.845 tỷ đồng, bằng 78,10% dự toán, tăng 2,86% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Chi thường xuyên đạt 3.251 tỷ đồng, bằng 82,92% dự toán và tăng 5,31%; Chi đầu tư phát triển 677 tỷ đồng, bằng 81,58% so dự toán, tăng 60,25% so cùng kỳ; chi đầu tư từ nguồn thu xổ số kiến thiết đạt 832tỷ đồng bằng 66,62% dự toán năm 2015, giảm 16,68% so cùng kỳ năm trước.
8. Hoạt động ngân hàng:
Hoạt động của hệ thống ngân hàng trong tháng tương đối ổn định và phát triển. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 10 ước đạt 27.336 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1,2%, và tăng 11,71% so đầu năm. Trong đó vốn huy động ngắn hạn (dưới 12 tháng) là chủ yếu đạt 19.120 tỷ đồng (Chiếm 69,94% ) tăng 12,74% so đầu năm; Vốn huy động trung và dài hạn đạt 8.216 tỷ đồng tăng 0,41% so đầu năm.
Hoạt động cho vay: Tổng dư nợ tín dụng đến cuối tháng 10 ước đạt 26.811 tỷ đồng, tăng 2,2% so tháng trước và tăng 15,81% so đầu năm. Dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 4.300tỷ đồng, tăng 14,37% so với đầu năm. Nợ xấu 176 tỷ đồng chiếm 0,66% so với tổng dư nợ.
9. Tình hình văn xã:
a) Lao động, giải quyết việc làm:
Trong tháng 10/2015, thông qua các phiên giao dịch việc làm của tỉnh đã tư vấn việc làm và học nghề cho 1.855 lao động; giới thiệu cung ứng lao động trong nước cho 267 lao động. Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm đã cho vay 277 dự án với số tiền 4.323 triệu đồng, tạo điều kiện việc làm cho 307 lao động. Tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được 05 lao động.
Trong tháng cấp mới và cấp lại giấy phép lao động cho 76 lao động là người nước ngoài làm việc tại tỉnh. Lũy kế từ đầu năm, cấp mới và cấp lại cho 823 lao động, tỉnh đã chấp thuận cho 05 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 08ao động là người nước ngoài, đến nay đã tuyển dụng 1.762 lao động là người nước ngoài.
Công tác dạy nghề: Trong tháng, các trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề tiếp tục tuyển sinh cho năm học mới 2015-2016. Các cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn được 11 lớp với 350 người.
Về đình công, lãn công: trong tháng xảy ra 01 vụ đình công tại 01 công ty với 350 lao động tham gia. Nguyên nhân do phía công ty thông báo giảm tiền ăn trưa cho công nhân. Lũy kế, có 12 vụ ngừng việc tập thể, trong đó do tranh chấp lao động 10 vụ tại 10 công ty với 7.507 lao động tham gia, do nguyên nhân khác 02 vụ tại 02 công ty (không nhất trí Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ 01/01/2016, với 21.400 lao động tham gia). Tất cả các cuộc đình công trên đều đã được hòa giải thành, chủ yếu là sự thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng và người lao động, thông qua vai trò trung gian hướng dẫn, định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức công đoàn cấp tỉnh, huyện.
b) Hoạt động y tế:
Trong tháng số ca mắc mới bệnh tay chân miệng trong tháng là 174 ca tăng 114,81% so với tháng trước (81ca) và tăng 44,16% cùng kỳ năm 2014 (77ca). Các huyện có số ca mắc mới trong tháng cao là Châu Thành: 35 ca, Tân Biên 30 ca, Gò Dầu: 23 ca, Thành phố: 18ca, Tân Châu 17 ca...; Không có tử vong; Luỹ kế từ đầu năm là 737 ca, giảm 38,63% so cùng kỳ.
Số ca mắc mới bệnh sốt Dengue/sốt xuất huyết trong tháng là 225ca tăng 19,68 so với tháng trước (188ca) và tăng 66,67% so với cùng kỳ năm 2014 (135ca), không có tử vong. Các huyện có số ca mắc mới trong tháng cao là huyện Tân Châu: 56 ca, Tân Biên: 40 ca, Hòa Thành: 32 ca; Thành phố: 27ca; Gò Dầu: 22 ca; Châu Thành: 20 ca; Trảng Bàng: 16 ca; Dương Minh Châu: 09 ca Bến Cầu: 03ca. Cộng dồn đến nay là 730 ca tăng 21,46% so với cùng kỳ năm 2014 (601ca).
Bệnh HIV/AIDS: trong tháng phát hiện mới 27 ca HIV, 41 ca chuyển sang AIDS; lũy tích có 3.939 ca HIV (nữ 1.247 ca), trong đó 2.848 ca chuyển sang giai đoạn AIDS (nữ 755 ca) và có 1.323 người tử vong do AIDS.
Chương trình vệ sinh an toàn thực phẩm: trong kỳ, đã tiến hành kiểm tra 1.389 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống… , kết quả có 595 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh (đạt tỷ lệ 27,04%). Ngộ độc thực phẩm không xảy ra.
c) An toàn giao thông:
Trong tháng 10/2015 (từ ngày 16/9/2015-15/10/2015) trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông đường bộ, trong đó có 06 vụ tại nạn rất nghiêm trọng làm chết 06 người và bị thương 02 người. So với tháng này năm trước giảm 03 vụ, số người chết giảm 04 và số người bị thương giảm 02 người. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn là do người điều khiển xe đi không đúng phần đường, chuyển hướng tránh vượt thiếu quan sát, và đặc biệt là tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Tai nạn giao thông đường thủy trong tháng không xảy ra.
d) Hoạt động văn hoá:
Trong tháng 10/2015, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tập trung tổ chức các hoạt động tiếp tục tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn như: kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8 - Quốc khánh 02/9, Tuyên truyền thực hiện phòng, chống tham nhũng, giáo dục pháp luật, Chương trình mục tiêu quốc gia, An toàn giao thông, Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, ngành tập trung tuyên truyền Đại hội đại biểu Đảng Bộ tỉnh lần thứ X, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII….., kết quả đã thực hiện 36 lượt băng ron, 12 panô, 960 cờ các loại, cung cấp 37 đĩa CD tuyên truyền, tờ tin ảnh thời sự, tổ chức các buổi văn nghệ của các Đội tuyên truyền lưu động, văn nghệ quần chúng phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Hoạt động Bảo tồn - Bảo tàng: Thực hiện trưng bày tại Bảo tàng tỉnh với chuyên đề “Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8-Quốc khánh 2/9, đón 148 lượt khách tham quan. Tổng kết, khen thưởng thi tìm hiểu di tích lịch sử - văn hóa với chủ đề “chứng tích Cầu Xe”. Tổ chức tuyên truyền di tích lịch sử - văn hóa tại các trường: THPT Hoàng Lê Kha, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Trần Đại Nghĩa với 2.612 cán bộ, giáo viên và học sinh tham dự. Thực hiện quản lý di tích Tua Hai, Tháp cổ Bình Thạnh, Tháp Chót Mạt, Gò Cổ Lâm. Hoàn chỉnh hồ sơ hiện vật sưu tầm năm 2015. Lập hồ sơ xếp hạng di tích Đình Hòa Hội (Châu Thành), Đình Đôn Thuận-Hưng Thuận. Thực hiện sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật.
Hệ thống Thư viện công cộng từ tỉnh đến cơ sở trưng bày tài liệu tuyên truyền, giới thiệu và phổ biến pháp luật thường xuyên: 169 tài liệu. Trưng bày giới thiệu sách, báo, tài liệu tuyên truyền phục vụ các ngày lễ trong tháng với 223 tài liệu. Bổ sung 1.468 bản/565 tên sách (Tổng số sách hiện có 215.392bản/58.708 tên sách). Phục vụ 10.293 lượt bạn đọc (tại chỗ: 4.9498lượt; cơ sở: 5.344 lượt), 38.430 lượt tài liệu phục vụ. Luân chuyển sách phục vụ cơ sở cho 27 tủ sách với 5.620 bản.
Công tác quản lý, thanh kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch trên phạm vi toàn tỉnh được tăng cường. Trong tháng, Đội kiểm tra liên ngành văn hóa-xã hội các cấp tổ chức 06 buổi kiểm tra chuyên ngành, nam hành 02 quyết định xử phạt với số tiền 10 triệu đồng, đội kiểm tra liên ngành thực hiện 03 buổi kiểm tra, nhắc nhở 09 trường hợp.
e) Tình hình cháy, nổ; bảo vệ môi trường:
Trong tháng 10/2015 (từ ngày 16/9/2015 đến 15/10/2015), trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy nổ nào.
Về vi phạm môi trường trong tháng đã phát hiện 03 vụ, xảy ra tại cáchuyện Gò Dầu, Châu Thành và thành phố Tây Ninh mỗi nơi 01 vụ, chủ yếu do xả chất thải gây ô nhiễm ra môi trường và đã được xử lý khắc phục và xử phạt 162 triệu đồng. Luỹ kế từ đầu năm đến nay đã có 76 vụ vi phạm môi trường và đã được khắc phục, với số tiền phạt nộp ngân sách 6,6 tỷ đồng./.
Website Cục thống kê tỉnh Tây Ninh