(MPI) – Ngày 08/6/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tổ chức cuộc họp đối thoại chính sách ODA nhằm rà soát tình hình thời gian qua và xác định phương hướng thời gian tới trong lĩnh vực hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ông Lê Quang Mạnh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Lee Jong-Soo, Vụ trưởng Vụ Hợp tác phát triển, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đồng chủ trì cuộc họp.
|
Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Lê Quang Mạnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Tham dự cuộc họp về phía Hàn Quốc có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Chiến lược và Tài chính, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank); Về phía Việt Nam có đại diện các bộ, ban, ngành và các địa phương có dự án hợp tác với Hàn Quốc.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Lê Quang Mạnh thông báo những nét chính về tình hình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời gian qua. Tăng trưởng GDP trong năm 2015 đạt 6,68%, mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm qua, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp. Về cơ bản, kinh tế Việt Nam đã bước qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng của những năm 2011-2013, dấu hiệu tăng trưởng, phát triển kinh tế đã quay trở lại. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng đang diễn ra nhanh chóng, toàn diện và sâu rộng với một loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết.
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 142/2016/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 với mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,5 – 7%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200 – 3.500 USD. Để đạt được mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược giai đoạn 2011-2020 là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Những thay đổi trong môi trường pháp lý về hợp tác đầu tư ở Việt Nam thể hiện rõ nét qua việc Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư công và các văn bản, nghị định hướng dẫn thi hành luật cũng đã được ban hành và có hiệu lực. Trong đó, Luật đầu tư công quy định việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, bao gồm vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ quản lý toàn bộ quá trình đầu tư công theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Ngày 16/3/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, thay thế Nghị định số 38/2013/NĐ-CP về quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ phi dự án, qua đó tách bạch 2 quy trình pháp lý đối với dự án ODA vốn vay và viện trợ không hoàn lại, tạo thuận lợi và giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính cho cơ quan chủ quản trong quá trình thực hiện tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ. Trong đó quy định: ODA viện trợ không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng chính sách, phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người; Hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường cho người dân, nhất là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc; Phát triển y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Chuẩn bị chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng để chuẩn bị và thực hiện chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; Chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước có khả năng tạo nguồn thu để phục vụ lợi ích kinh tế - xã hội; Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn.
|
Vụ trưởng Vụ Hợp tác phát triển Lee Jong-Soo phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Báo cáo chung về tình hình hợp tác phát triển giữa hai nước, Vụ trưởng Vụ Hợp tác phát triển Lee Yong-Soo cho biết, Hàn Quốc luôn cố gắng thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trên mọi lĩnh vực đầu tư, thương mại, văn hóa… Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu mà Hàn Quốc cung cấp hỗ trợ phát triển, chủ yếu trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị, y tế, giáo dục, môi trường, năng lượng sạch, công nghệ thông tin…
Viện trợ Hàn Quốc dành cho Việt Nam có 2 nguồn chính bao gồm: (i) Viện trợ không hoàn lại chủ yếu do KOICA trực thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phụ trách thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo… Từ năm 1991 đến hết 2015, KOICA đã viện trợ cho Việt Nam khoảng 240 triệu USD với mức hỗ trợ tăng dần hằng năm (ii) ODA vốn vay phần lớn được cung cấp thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) do Ngân hàng Keximbank trực thuộc Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc phụ trách thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực phát triển kinh tế như hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục, năng lượng sạch… Từ năm 2008 đến nay, Hàn Quốc cam kết cho Việt Nam vay ưu đãi thông qua 2 hiệp định tín dụng: Hiệp định khung giai đoạn 2008-2011 trị giá 1 tỷ USD; Hiệp định khung giai đoạn 2012-2015 trị giá 1,2 tỷ USD. Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đang xây dựng Chiến lược đối tác phát triển (CPS) với Việt Nam cho thời kỳ tới nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu về hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020. Cụ thể, 70% tổng viện trợ sẽ dành cho 4 lĩnh vực ưu tiên là quản lý nhà nước, giáo dục, cung cấp nước và y tế, giao thông; 30% còn lại hỗ trợ cho các lĩnh vực khác.
|
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Trong thời gian tới, hợp tác tài chính được xác định sẽ đóng vai trò chủ đạo trong định hướng hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hiệp định khung tín dụng giai đoạn 2016-2020 do Hàn Quốc dự thảo dự kiến cấp cho Việt Nam khoảng 1,5 tỷ USD vốn vay ODA, trong đó 0,9 tỷ USD sẽ dành cho các dự án thuộc khuôn khổ hợp tác tài chính. Ngoài ra, khi điều kiện vay với mức ưu đãi cao ngày càng giảm, phía Việt Nam cũng đang xem xét việc sử dụng những nguồn tài chính mới với điều kiện ít ưu đãi hơn như tín dụng phát triển, tín dụng hỗ trợ xuất khẩu… bên cạnh việc nỗ lực tìm kiếm những phương thức, động lực phát triển mới từ trong nước./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư