(MPI) – Trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết một năm thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư 2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức diễn ra tại Hà Nội ngày 20/9/2016, các đại biểu đã được nghe báo cáo tổng kết các kết quả đạt được sau một năm thi hành Luật và các định hướng sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
|
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
Bùi Anh Tuấn trình bày tại Hội nghị.
Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Tổng kết một năm thi hành Luật doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn cho biết, công tác triển khai Luật đã được thực hiện trên nhiều mặt: Hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, bao gồm Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 07/8/2015 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư, Công văn số 4211/BKHĐT-ĐKKD ngày 26/6/2015 về việc hướng dẫn áp dụng quy định về đăng ký doanh nghiệp… ; Nâng cấp hệ thống, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cho cộng đồng và doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; Thực hiện chuyển đổi dữ liệu của khoảng 17.000 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; Đào tạo cho gần 600 cán bộ đăng ký kinh doanh, thiết lập các kênh hướng dẫn doanh nghiệp, tuyên truyền, phổ biến Luật doanh nghiệp thông qua các kênh thông tin, truyền thông khác nhau.
Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư một lần nữa khẳng định quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm trong Hiến pháp 2013. Với việc giải phóng quyền tự do kinh doanh, Luật doanh nghiệp đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo ra làn sóng gia nhập thị trường trong cộng đồng doanh nghiệp. Sau một năm thi hành Luật, số doanh nghiệp thành lập mới là 106 nghìn, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước, vốn đăng ký đạt khoảng 768 nghìn tỷ đồng, tăng 42,4%, số lượt doanh nghiệp tăng vốn điều lệ là 23.950, tăng 22,5%. Trong đó có 1.973 doanh nghiệp FDI thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 68.309 tỷ đồng, tỷ trọng vốn bình quân 34,6 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Mục tiêu đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ trả hồ sơ đúng hẹn và tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu cùng tăng cao, góp phần giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường. Cụ thể, 85,73% tổng số hồ sơ trên cả nước được chấp thuận ngay lần đầu tiên và 89% tổng số hồ sơ được trả kết quả đúng hẹn. Phương thức hỗ trợ đăng ký kinh doanh cũng được đa dạng hóa qua việc nâng cao tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử trên cả nước. Theo đó, Hà Nội đạt tỷ lệ 40% số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử và phấn đấu đạt mục tiêu 100% vào cuối năm nay. Ngoài ra, mô hình đăng ký doanh nghiệp tại nhà (tại thành phố Hồ Chí Minh), mô hình cơ quan đăng ký kinh doanh “vui vẻ” (tại Hà Tĩnh), mô hình hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp tại chỗ (Hà Nội) góp phần đa dạng hóa phương thức hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp tại mỗi địa phương và giảm đáng kể thời gian xử lý hồ sơ. Thời gian trung bình xử lý hồ sơ thành lập mới là 2,9 ngày và thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi là 2,05 ngày.
Việc nâng cao cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thông tư số 127/2015/TT-BTC ngày 21/8/2015 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn việc cấp mã số doanh nghiệp thành lập mới và phân công cơ quan thuế quản lý đối với doanh nghiệp và Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 23/2/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn việc trao đổi thông tin về doanh nghiệp giữa Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia và Hệ thống thông tin thuế đã khẳng định việc tự động hóa hoàn toàn trong các quy trình đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, giảm thời gian cấp mã số doanh nghiệp trung bình từ 30 giờ xuống còn 30 phút.
|
Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu trình bày
tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Sau một năm thi hành, Luật doanh nghiệp giúp thay đổi tư duy trong quản lý con dấu, thay các thủ tục làm dấu, đăng ký mẫu dấu bằng yêu cầu công khai mẫu dấu và trao quyền chủ động cho doanh nghiệp tự quyết định số lượng, hình thức, nội dung và cách quản lý, sử dụng con dấu. Đồng thời góp phần thay đổi tư duy quản lý nhà nước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nâng cao cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đẩy mạnh việc công khai, minh bạch thông tin về thành lập, hoạt động của doanh nghiệp, thay đổi tư duy từ quản lý sang phục vụ, tăng cường sự giám sát của xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Trình bày định hướng sửa đổi, bổ sung thời gian tới đối với Luật doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết sẽ tập trung làm rõ một số quy định chưa rõ ràng, chưa hợp lý và sự mâu thuẫn giữa các luật có liên quan. Về đăng ký doanh nghiệp, cần thống nhất thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp, không phân biệt loại hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư. Quy định về người đại diện theo pháp luật, cần quy định rõ việc doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước bên thứ ba trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn 1 người đại diện hợp pháp và lạm quyền khi thiết lập giao dịch. Một số đề xuất khác như: Tiêu chuẩn, điều kiện của kiểm soát viên doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần có trên 50% sở hữu nhà nước cần đạt trình độ chuyên môn kế toán viên, kiểm toán viên; Quy định rõ hơn quyền của cổ đông trong việc tiếp cận thông tin về cổ đông trong công ty; Sửa đổi quy định về ủy quyền dự họp đại hội đồng cổ đông...
|
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Quách Ngọc Tuấn
trình bày tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Đánh giá một năm thi hành Luật đầu tư, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Quách Ngọc Tuấn cho biết, ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành, Bộ đã có các công văn hướng dẫn thực hiện, bảo đảm triển khai hoạt động đầu tư theo Luật mới ngay từ ngày có hiệu lực thi hành; Ban hành 5 Nghị định hướng dẫn (Nghị định số 118, 83, 84, 50)và 2 Thông tư quy định biểu mẫu (Thông tư số 09, Thông tư số 16).
Từ tháng 7/2015 đến tháng 7/2016, có gần 2.000 dự án đăng ký mới so với gần 1.500 dự án đăng ký mới của cùng kỳ năm trước; Vốn đăng ký mới đạt gần 20 tỷ USD so với gần 15 tỷ USD của cùng kỳ năm trước; Vốn điều chỉnh tăng thêm đạt gần 10 tỷ USD so với 5 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, còn tồn tại không ít khó khăn, thách thức cản trở sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh. Nhiều ngành, nghề không còn cần thiết là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc trùng lặp, nhiều ngành, nghề cần điều chỉnh nội dung và một số ngành, nghề cần phải bổ sung. Khái niệm đầu tư, kinh doanh chưa đủ rõ để phân biệt với các quy định khác như quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện trật tự, an toàn xã hội. Quan hệ giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp và dự án chưa rõ khi nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp. Nhà đầu tư còn cho rằng quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là hai thủ tục độc lập, trong khi đó Luật đang quy định chủ trương đầu tư là một bước trong quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Một số luật quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, kinh doanh bất động sản, nhà ở, công nghệ, lao động, thương mại… còn chồng chéo, trùng lắp về nội dung quản lý so với Luật đầu tư, gây khó khăn trong công tác thi hành luật. Đây cũng là cơ sở để xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh nhằm giải quyết những tồn tại, bất cập./.
Nguyễn Hương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư